Mô hình định cư nông thôn Việt Nam – Nhận diện – Quy hoạch phát triển bền vững
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Mô hình định cư nông thôn truyền thống hiện nay đang biến đổi một cách rõ rệt và phức tạp. Cần nhận diện để đưa vào công tác quy hoạch và quản lý mô hình định cư nông thôn hiệu quả trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo cách nói của một số học giả thì Việt Nam (trước 1945) là một nước thôn xã, bởi đa số người dân sống tại các làng mạc. Theo P.Gourou trong cuốn “Người nông dân châu thổ Bắc kỳ”, tại vùng Đồng bằng Bắc bộ vào những năm 30 của thế kỷ trước có tới 95% dân số là nông dân, tức là chỉ có 5% dân cư sống ở thành phố. Cho đến nay, sau 70 năm tỷ lệ dân cư đô thị ở nước ta mới đạt được hơn 30%, tức là vẫn có tới gần 70% dân cư sinh sống tại các vùng nông thôn – một tỷ lệ khá lớn so với trung bình của thế giới là 50%. Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập và bùng nổ đô thị hóa, nông thôn Việt Nam nói chung đang chịu các tác động tích cực và tiêu cực mạnh cả về “nội dung nội tại và hình thức kiến trúc, dẫn đến những biến đổi mạnh về mô hình định cư so với truyền thống. Chính vì vậy, các vấn đề của nông thôn và nông nghiệp, trong đó có nhận diện, quy hoạch và quản lý mô hình định cư nông thôn vẫn cần phải là một đối tượng được quan tâm đặc biệt góp phần bảo tồn và lưu giữ bản sắc truyền thống đồng thời nâng cấp tiện nghi sống cho người.
Mô hình định cư nông thôn truyền thống
Khác với phương thức canh tác lúa khô ở nhiều nước trên thế giới, nơi người nông dân sở hữu những cánh đồng rộng lớn dẫn đến việc tạo thành điểm định cư khá phân tán, thì những cánh đồng lúa nước với diện tích hạn chế (do tác động của địa hình) ở Việt Nam (đặc biệt là vùng Đồng bằng Bắc bộ) dẫn đến mô hình định cư mang tính tập trung cao. Phương thức canh tác lúa nước trên cơ sở khai thác tài nguyên đất và nước tại phần đất trũng ngập nước dân tới việc hình thành các quần cư sống co cụm trên các khu đất cao ráo. Sự co cụm này còn có lý do là tạo ra khả năng hợp tác và đổi công trong sản xuất như nhận xét của Vũ Quốc Thúc: “tính chất nông thôn của những nơi tập trung đông dân cư tìm thấy nguyên nhân của nó trong kỹ thuật canh tác ở đồng ruộng ngập lụt”. Dựa trên số lượng công cụ sản xuất từ thời Đông Sơn được các nhà khảo cổ học phát hiện, có thể khẳng định các quần cư nông nghiệp lúa nước trên lãnh thổ nước ta đã có lịch sử hình thành từ rất lâu đời.
Việc canh tác chủ yếu theo mùa vụ trong một xã hội nông nghiệp tự cung tự cấp dẫn tới nhu cầu về các hoạt động tiểu thủ công nghiệp tại các làng xã vùng đồng bằng của các con sông lớn để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Lúc đầu, các hoạt động này chủ yếu được thực hiện vào lúc nông nhàn. “Người ta thấy xuất hiện thủ công nghiệp ở nông thôn hoàn toàn thích ứng với những điều kiện, sinh hoạt ở thôn xã. Những người thợ thủ công (dệt vải, đan lát, đúc rèn…) vẫn tiếp tục cày cấy mảnh ruộng công điền của họ, dành một gian nhà để làm xưởng thợ. Trong những ngày “béo bở” có nghĩa là những lúc cấy gặt, họ là thợ cấy, thợ gặt. Trong những ngày đói kém, rỗi việc đồng áng thì họ sản xuất thủ công để có thêm được “một bát cơm thứ hai”.
Về sau, do nhu cầu nội thương phát triển nhất là ở các vùng gần kinh đô, dần dần xuất hiện các làng thủ công chuyên sản xuất một sản phẩm nhất định. Theo những ghi chép của Nguyễn Trãi thì ngay từ thế kỷ 15, đã có khá nhiều làng nghề phát triển phồn thịnh như làng nhuộm Huê Cầu, làng gốm Bát Tràng, làng dệt Mao Điền, làng tơ lụa Thanh Oai vv…, nhiều làng nghề trong đó còn tồn tại đến tận ngày nay.
Sự phát triển của ngoại thương vào thế kỷ 17, 18 đã làm gia tăng mạnh mẽ số lượng và chất lượng làng nghề truyền thống. Trong thời kỳ này ngành thủ công “đã tạo cho mình một vị trí ngày càng quan trọng trong cơ cấu sản xuất”. Theo logic thông thường, tài nguyên của các làng này chính là nguồn nguyên liệu hay nguồn sản xuất ra nguyên liệu cho sản phẩm. Điều đó có vẻ đúng đối với một số làng nghề sử dụng nguyên liệu có gốc thực vật, khi họ khai thác điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để trồng trọt và tự tạo ra nguyên liệu cần thiết cho làng nghề. Ví dụ, theo P. Gourou do cây bấc chỉ mọc ở làng Đông Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên nên việc làm bấc bằng lõi cây để sản xuất gối, đệm và bấc đèn là độc quyền của làng này. Hay nghề đan cói đã từng phát triển mạnh ở vùng ven biển các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào. Tuy nhiên đối với những làng thủ công “phi nông nghiệp” và ngay cả nhiều làng dệt thì không hẳn như vậy. Ở đây “người ta thấy một sự chuyên môn hoá của công nghiệp thủ công theo từng làng, một sự chuyên môn hoá phi lý, hình như do những nguyên nhân hoàn toàn là ngẫu nhiên” mà không phụ thuộc vào “khả năng cung cấp nguyên liệu hay tiêu thụ sản phẩm”. Có thể tìm thấy lời giải cho sự “ngẫu nhiên” đó trong cuốn “Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ 17 và 18” của Nguyễn Thanh Nhã khi ông cho rằng một làng nghề có thể được thiết lập bắt nguồn từ mong muốn của một nhân vật năng động (sứ thần từ nước ngoài trở về, người thợ khéo tay hay di dân có tay nghề) tạo phương tiện sinh sống cho người dân quê hương hay nơi mình đến ở. Đối với các làng này, yếu tố “tài nguyên” đã bị biến đổi, không còn là tài nguyên đất đai khi chúng là các làng thuần nông nữa, và thay vào đó là các kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp – một dạng “tài nguyên nhân văn” là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của làng nghề.
Dựa trên nguồn tài nguyên và phương thức khai thác tài nguyên, các mô hình định cư nông thôn truyền thống có thể phân thành một số loại chủ yếu như sau:
– Làng thuần nông (chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn tài nguyên đất và nước để canh tác lúa nước và hoa màu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm).
– Làng nghề truyền thống (dựa trên nguồn “tài nguyên nhân văn” là các kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp để sản xuất một số sản phẩm thủ công nhất định).
– Làng nghề kết hợp làm nông nghiệp (dựa trên việc khai thác cả nguồn tài nguyên đất và nước lẫn “tài nguyên nhân văn”).
Trong quá trình tồn tại và phát triển, các mô hình định cư dần tích tụ và bổ sung những giá trị mới. Về mặt vật thể, những giá trị mới có thể là di sản kiến trúc và quần thể kiến trúc đã khẳng định được chỗ đứng trong đơn vị định cư, ví dụ như cấu trúc làng xóm, các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, đền, chùa, quán…, nhà ở dân gian vv… hay cảnh quan tự nhiên và nhân tạo trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó cũng có thể là những sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống cũng như những công cụ tạo ra chúng…
Về mặt phi vật thể, đó có thể là di sản thể chế, các kinh nghiệm hay kiến thức/kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng tổ chức cuộc sống được tích lũy qua nhiều thế hệ, các lễ hội gắn với nghề nghiệp, các sinh hoạt văn hóa tinh thần, phong tục tập quán hay thậm chí là lối sống và các thế ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Cùng với những yếu tố gốc mang tính tạo lập, những giá trị được tích lũy qua nhiều thế hệ này làm nên bản sắc của mô hình định cư.
Tác động của đô thị hóa tới mô hình định cư
Đô thị hóa không chỉ là câu chuyện của thời kỳ hiện đại, mà quá trình này đã liên tục diễn ra trong hàng ngàn năm nay ở nước ta. Viết về xu thế đô thị hóa của Thăng Long thế kỷ 17,18 Nguyễn Thanh Nhã cho biết, “Thành phố được mở rộng là do một tiến trình sáp nhập các vùng ngoại ô diễn ra một cách mạnh mẽ và thuận lợi trong suốt một thế kỷ rưỡi không bị các công trình phòng thủ ngoại vi cản trở… Kinh thành có mọi tự do để bung ra và thu hút các vùng đất ngoại thành không khác một hiện tượng thẩm thấu”. Và mặc dù “yếu tố nông nghiệp quan trọng vẫn còn tồn tại dai dẳng trong sinh hoạt của kinh thành”, nhưng chắc chắn trong quá trình đó, các làng xã ngoại vi đã dần dần phải thay đổi phương thức mưu sinh của mình để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa trước đây chỉ diễn ra một cách cục bộ và tác động đến số lượng không nhiều làng truyền thống. Quá trình này chỉ thực sự mạnh mẽ và mở rộng phạm vi trên toàn quốc trong khoảng vài chục năm trở lại đây. Nó tác động lên mô hình định cư truyền thống theo 2 hướng – đô thị hóa nội sinh và đô thị hóa ngoại sinh.
Đô thị hóa nội sinh là quá trình diễn ra bên trong đơn vị định cư, chủ yếu do sự gia tăng dân số. Hậu quả của nó là sự thay đổi đặc điểm cấu trúc của các không gian cư trú. Đô thị hóa nội sinh diễn ra mạnh mẽ nhất ở các làng nghề truyền thống và đạt được các mức độ khác nhau tùy thuộc vào sự gia tăng dân số và hoạt động nghề nghiệp. Sự thiếu kiểm soát và định hướng cũng như việc thiếu vắng những đề tài nghiên cứu về nông thôn đã khiến quỹ di sản được tích lũy qua nhiều thế hệ của nhiều đơn vị định cư nhanh chóng bị biến dạng hoặc hủy hoại. Tuy nhiên, quá trình này ít có khả năng làm thay đổi phương thức mưu sinh của đơn vị định cư.
Đô thị hóa ngoại sinh là quá trình một đơn vị định cư bị chèn ép và lấn át bởi đơn vị định cư lớn hơn. Quá trình này có thể dẫn đến việc đơn vị định cư bị mất một phần hoặc hoàn toàn đất canh tác của mình, và làm thay đổi một phần hay hoàn toàn cơ cấu ngành nghề/phương thức mưu sinh của nó. Phần lớn các làng thuần nông ven đô bị tác động mạnh mẽ bởi quá trình đô thị hóa ngoại sinh khiến phương thức khai thác tài nguyên bị biến đổi hoàn toàn, dẫn đến những hậu quả lâu dài về mặt xã hội đối với các cư dân của chúng bởi không kịp chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó các làng nghề truyền thống dựa vào việc khai thác nguồn “tài nguyên nhân văn” sẽ ít chịu tác động của quá trình này hơn bởi không bị lệ thuộc vào quỹ đất nông nghiệp.
Đô thị hóa cũng có tác động mạnh mẽ đến quỹ di sản định cư mà hậu quả rõ nét nhất là sự biến dạng của cấu trúc không gian làng truyền thống, sự mai một của các hình ảnh đặc trưng trong bức tranh cảnh quan, sự mất mát nhanh chóng của các nếp nhà dân gian ẩn mình trong các vườn cây xanh tốt… Thay vào đó là sự tràn lan của các kiểu nhà ống đặc trưng cho nơi đô thị đất chật người đông.
Quá trình đô thị hóa quá nhanh và thiếu kiểm soát, cùng với sự phát triển kinh tế quá nóng còn dẫn đến hiện tượng ô nhiễm môi trường sống tại các đơn vị định cư nông thôn, vốn trước đây chủ yếu dựa vào quá trình làm sạch tự nhiên và chu trình thức ăn khép kín. Ô nhiễm môi trường (cả môi trường đất, nước và không khí) đã đến mức báo động với các chỉ số ô nhiễm cao hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép tại nhiều làng nghề truyền thống đã và đang đẩy chúng đến trạng thái mất cân bằng trầm trọng khó bề giải quyết. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến phương thức mưu sinh của làng nghề bị thay đổi, thậm chí hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, ngay cả tại các mô hình định cư mà phương thức mưu sinh chủ yếu dựa trên nông nghiệp cũng đang bị ô nhiễm do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Quá trình này nếu không được ngăn chặn kịp thời chắc chắn sẽ dẫn tới những hậu quả nặng nề mà phải mất nhiều thời gian và tiền bạc mới có thể khắc phục được.
Định hướng phát triển mô hình định cư bền vững
Định cư bền vững có thể được hiểu là sự đảm bảo tồn tại lâu dài của những giá trị gốc và những giá trị tích hợp trong quá trình tồn tại và phát triển của đơn vị định cư cho các thế hệ tương lai nhưng không cản trở nhu cầu nâng cao chất lượng sống (văn hóa xã hội, môi trường và điều kiện sống, việc làm…) của con người.
Để mô hình định cư có thể tiếp tục tồn tại và phát triển bền vững, cần phải đạt được sự cân bằng của cả 4 yếu tố: bền vững về xã hội, bền vững về kinh tế, bền vững về môi trường và bền vững về tài nguyên nhân văn, với các giải pháp như sau:
– Trước tiên cần xác định những yếu tố gốc là cơ sở cho sự hình thành và xác lập đặc điểm của mô hình định cư, trong đó quan trọng nhất là tài nguyên và phương thức khai thác tài nguyên. Tài nguyên của các làng thuần nông là đất và nước tương ứng với phương thức canh tác lúa nước và hoa màu. Còn tài nguyên của các làng nghề truyền thống là nguồn nguyên liệu và các kỹ năng nghề nghiệp để làm ra sản phẩm thủ công.
– Đánh giá hiện trạng tài nguyên của mô hình định cư và xem xét khả năng tiếp tục khai thác một cách bền vững. Trải qua nhiều thế hệ, nguồn tài nguyên đất và nước không còn giữ được trạng thái ban đầu. Chúng có thể bị thu hẹp diện tích do quá trình đô thị hóa, bị suy thoái do khai thác không đúng cách, hoặc bị hủy hoại do biến đổi khí hậu. Những đánh giá cụ thể hiện trạng tài nguyên sẽ giúp định hướng cho sự phát triển tương lai của mô hình định cư. Với các làng xã ven đô đã và đang bị mất đi nguồn tài nguyên đất của mình trong quá trình đô thị hóa, cần nghiên cứu sớm những khả năng chuyển đổi phương thức mưu sinh để các cư dân của chúng có thể nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới và không lâm vào trạng thái “bị bỏ rơi giữa lòng thành phố” như đã từng xảy ra ở nhiều làng nội đô.
– Đánh giá tính bền vững của phương thức khai thác tài nguyên hiện tại và những tác động của nó lên môi trường đất, nước và không khí. Với các làng mà nghề nông là chủ yếu, cần nghiên cứu áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để tăng năng suất cây trồng và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Còn với các làng nghề truyền thống, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hi sinh môi trường sinh thái và sức khỏe của cộng đồng dân cư. Các công nghệ mới ít gây ô nhiễm cần được khuyến khích áp dụng. Chất thải của quá trình sản xuất cần được xử lý trước khi xả ra môi trường. Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, nếu không có giải pháp xử lý chất thải ngay từ đầu, chi phí để khắc phục những hậu quả mà quá trình sản xuất gây ra cho môi trường sống và sức khỏe của con người lớn hơn rất nhiều lần lợi ích kinh tế mà nó mang lại.
– Đánh giá quỹ di sản định cư (bao gồm cả di sản quy hoạch, kiến trúc, di sản thể chế, di sản phi vật thể gắn với đời sống cộng đồng làng và nghề thủ công truyền thống…) và tiềm năng bảo tồn và phát huy giá trị của chúng. Đây là dạng tài nguyên nhân văn được hình thành về sau nhưng rất có giá trị bởi nó tạo nên bản sắc của mô hình định cư. Chúng rất cần được nghiên cứu bảo tồn và bổ sung những giá trị mới cho các thế hệ mai sau. Đối với những làng có quỹ di sản có giá trị nổi bật, cần đề xuất phát huy giá trị theo hướng du lịch di sản và chuyển đổi dần phương thức mưu sinh sang lĩnh vực dịch vụ.
– Các phương án quy hoạch nông thôn mới cần tính đến đặc điểm và nhu cầu cụ thể của mô hình định cư. Các tiêu chí quy hoạch nông thôn mới không nên được áp dụng một cách máy móc mà cần có sự thay đổi linh hoạt cho từng trường hợp cụ thể. Đặc biệt đối với các làng có nhiều giá trị di sản cần có cách ứng xử riêng sao cho vừa đảm bảo nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân, vừa bảo tồn các giá trị di sản đã được tích lũy qua nhiều thế hệ.
– Đề xuất và áp dụng các mô hình nhà ở tiết kiệm quỹ đất, thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương nhưng vẫn khai thác được những nét đặc trưng truyền thống. Các mô hình nhà ở này giúp người dân nông thôn nâng cao chất lượng sống trong điều kiện đất đai ngày càng chật hẹp, nhưng vẫn giữ được mối liên hệ kiến trúc cần thiết với các cấu trúc và không gian truyền thống của mô hình định cư.
Cuối cùng, để các giải pháp trên đây có thể thực sự đi vào thực tế cuộc sống, cần có sự chung tay và hợp sức của chính quyền, đoàn thể, các tổ chức nghề nghiệp, các nhà khoa học, các kiến trúc sư và cả người dân bản địa./.
TS. kts. Khuất Tân Hưng
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội