13/09/2023

Quận Ba Đình, đất Ba Đình – Duy trì và Phát triển

1

(KTVN 245) – Ai muốn nhận diện nhanh Hà Nội, hãy lướt qua quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình. Ai muốn hiểu sâu Hà Nội, hãy dành công sức và thời gian tìm hiểu hai quận này. Ba Đình và Hoàn Kiếm hầu như sở hữu đầy đủ những mặt nổi trội, những cái riêng của Thủ đô.

Nhận ra, đôi khi quận không chỉ là đơn vị hành chính, là phạm vi giới hạn địa lý trong cơ thể vừa đồ sộ và vừa rối rắm của Thủ đô. Quận, với Ba Đình và Hoàn Kiếm, đồng nghĩa với sự xưng danh lịch sử, với quỹ tài nguyên lịch sử – văn hóa – kiến trúc cùng khuôn mặt đô thị. Dù nay mai, biết đâu, xảy ra sự sáp nhập hành chính và lãnh thổ, ta vẫn tin rằng, Hà Nội vẫn giữ cho mình hai địa danh, hơn cả là địa danh, Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Phủ Chủ tịch (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Quận Hoàn Kiếm mang hình ảnh đô thị phát triển theo hướng thâm canh, cải tạo và hiện đại hóa, duy trì bền vững cấu trúc và hình thái đô thị thời cận đại. Nổi trội hơn cả, quận Hoàn Kiếm là hiện thân của Hà Nội phố phường, cả từ phương diện kiến trúc và văn hóa đô thị.

Quận Ba Đình trước tiên là mảnh đất tích tụ hơn cả những vết tích vật chất của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, của nền văn hiến Đại Việt nói chung. Quận đồng thời gần như nối liền mạch vai trò trung tâm chính trị và hành chính quốc gia, biểu hiện thị giác bởi một cấu trúc không gian và kiến trúc không quá bề đồ sộ, song khác biệt trong cái nhìn so sánh với những thiết chế thiên về biểu lộ quyền lực tương tự. Đặc sắc hơn, quận Ba Đình sở hữu hầu như đầy đủ những thành tố, những yếu tố cơ hữu và đặc trưng của thủ đô, dễ dàng nhận ra trong sự mở mang gấp bội phần thời nay.

2

Quận Ba Đình rộng vẻn vẹn 9,248km2, rộng hơn quận Hoàn Kiếm, 5.290km2, hẹp thứ nhì trong số các quận và huyện của thủ đô. Hà Nội ở nửa đầu thế kỷ 20 vẫn duy trì và mở mang theo phương thức thâm canh. Ranh giới ngoại ô sát kề khu lõi hành chính – cai trị của chế độ thực dân. Hà Nội cũ hẹp nhưng tinh. Nay mở mang lãnh thổ và quy mô thành phố là sự tất yếu, song cái sự tinh của chốn thị thành, của thủ đô, còn phụ thuộc vào thời gian. Hẹp về diện tích, chật về dân cư (221.000 người), quận Ba Đình về phương diện cấu trúc không gian vẫn kết hợp nhuần nhị 3 yếu tố: lèn nén, giãn và chuyển tiếp mềm. Về phương diện hình thái học đô thị, với tầm nhìn không chỉ từ trên cao, nhận rõ đô thị này vẫn đặc trưng bởi sự hòa quyện trong một thể thống nhất sinh động, một phẩm chất hiếm hoi, cần đặc biệt tôn trọng giữ gìn trước những thách thức dữ tợn của vấn nạn xây dựng nén và xây dựng chiếm lĩnh bầu trời. Quận Ba Đình, Quận Hoàn Kiếm và một vài quận khác, đẹp và quý bởi những tòa nhà và dãy phố không cao tầng, những con đường không rộng và dài thẳng tắp. Đánh mất đặc điểm – giá trị tinh tế và mảnh dẻ này, Hà Nội có nguy cơ đánh mất luôn những gì tạo nên vẻ không lặp lại của mình.

Tháp Rùa (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Sự thống nhất hiếm hoi, hầu như còn bảo lưu trong cơ thể đô thị quận Ba Đình cho đến nay, thể hiện ở sự cộng sinh mang tính lịch sử của những thành tố rất khác biệt: Khu vực Hoàng thành và lõi kinh thành Thăng Long hơn ngàn năm tuổi; Khu vực trung tâm đầu não chính trị và tiêu biểu của Quốc gia; Khu vực đường phố xây dựng thời Pháp thuộc; Khu vực Thập tam trại; Khu vực dân cư xây dựng thời bao cấp và thời chuyển tiếp; Những đường phố và cụm công trình xây dựng gần đây…

3

Trong công cuộc phát triển quận Ba Đình từ phương diện đô thị, cần thực hiện đồng thời và gắn kết: Bảo tồn – Chỉnh trang – Cải tạo – Hiện đại hóa. Với Ba Đình, phù hợp hơn cả là nhận thức mang tính xuyên suốt, phát triển tiếp nối, liền mạch hữu cơ giữa quá khứ – hiện tại – tương lai. Củng cố và khẳng định hơn nữa vai trò và vị trí của Ba Đình với tư cách hạt nhân đô thị của Thủ đô, tương xứng cả về diện mạo lẫn văn hóa. Nhắm tới mục tiêu ấy, nên xác định một số trọng tâm và ưu tiên sau đây:

– Di tích Hoàng thành Thăng Long cần được coi là một đại di chỉ khảo cổ học, đồ sộ nhất, chứa đựng nhiều nhất các tư liệu vật chất, đích thực của lịch sử, về văn minh Đại Việt, về các triều đại Lý – Trần – Lê ở kinh thành Thăng Long. Ưu tiên trên hết là công tác thăm dò và khai quật khảo cổ học; khai quật đến đâu, tư liệu hóa đến đấy; bảo quản và trưng bày tại chỗ đến đấy. Tiến tới thiết lập bản đồ khảo cổ học kinh thành Thăng Long, chí ít là phần lõi của nó. Hễ làm có hệ thống và cẩn trọng việc này, thế hệ chúng ta sẽ tạo cơ sở tin cậy hơn cả cho con cháu mai sau nghiên cứu kinh thành ngàn năm đã khuất bóng trên mặt đất. Chớ nên vội vã với việc “phục dựng”, dù xuất phát từ bất cứ động cơ nào.

Từ nhìn nhận nêu trên, nên quy hoạch vùng đất di tích Hoàng thành Thăng Long thành Công viên văn hóa – lịch sử, với nền tảng tiếp cận khảo cổ học, kết hợp trong mình hệ thống di tích được phát lộ và trưng bày, các công trình cũ có giá trị, nhà bảo tàng, các sân trồng cỏ và cây ở những nơi không có vết tích khảo cổ học, tổ chức các lối đi lần dẫn theo vết tích lịch sử. Công viên dạng này có thể trở thành độc nhất vô nhị, vừa phục vụ nghiên cứu, tham quan, thư giãn. Một sản phẩm văn hóa đi ra từ sự ứng xử văn hóa với lịch sử.

Khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Một việc nên sớm bắt tay làm, thống nhất hóa không gian di tích Hoàng thành bằng việc dỡ bỏ những công trình, hạng mục không có giá trị; giải tỏa không gian bao quanh Cột cờ nhằm khôi phục trục xuyên suốt Hoàng thành.

Trong một cái nhìn rộng mở hơn, nên chú trọng duy trì chuỗi không gian xanh đã định hình, có thể không bởi các nhà quy hoạch xưa kia: không gian di tích Hoàng thành – không gian quảng trường Ba Đình – không gian Phủ Chủ tịch – không gian vườn Bách Thảo – trung chuyển ra Hồ Tây – triền sông Hồng. Nơi đất chật có một chuỗi êm ả như thế, quả là quý giá, chớ nên phá vỡ.

Kiến trúc thời thuộc Pháp ở quận Ba Đình hiện hữu đồng bộ hơn cả và được duy trì tươm tất hơn cả. Cùng với quận Hoàn Kiếm, tạo thành di sản đô thị thứ 2, sau khu phố phường cổ truyền. Nhờ hai tài nguyên di sản này mà Thủ đô ta, kém sang trọng và kém lộng lẫy, vẫn đượm thắm vẻ lịch lãm và sự gần gũi, đầy tố chất của chốn thị thành chưa vượt ra hẳn cảm thức bình sinh của Con người. Các đô thị – cỗ máy đang hoàn hảo như một sản phẩm công nghệ cao của hôm nay, quay lại thách thức Con người.

Cùng với 493 ngôi biệt thự cũ được kiểm đếm, người viết bài muốn lưu ý đặc biệt đến hệ quy hoạch các con phố và mạng phố thời này, chúng vừa chuyển hóa mềm sang các cấu trúc phố phường xưa cũ, vừa tạo ra những ô phố khác biệt mà không tương phản, cùng tạo thành một không gian đô thị, nối mạch với lịch sử và, giá trị hơn, tương thích với độ vươn độ với của Con người.

– Khu phố thời Pháp cấu thành bởi: con đường, nhà biệt thự trong khuôn viên, rặng cây ven đường. Rặng cây ven đường không chỉ tạo nên bóng mát, cái ô dù che chở phần nào khỏi cái nắng xứ nhiệt đới mà người Tây sợ hãi. Rặng cây góp phần định hình khuôn mặt cho từng con phố: cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu, cây sấu trên các đường Hoàng Văn Thụ và Trần Phú, cây sao trên đường Lò Đúc… Tiếc nuối thay, hàng cây đa trên đường Cột Cờ xưa, nay là đường Điện Biên Phủ, người Pháp đem từ xứ nào đó, trồng trên hè bên Bảo tàng Lịch sử quân sự thời nay, chỉ còn vẻn vẹn 5-6 cây. Cũng đường phố này, từng góp phần tạo nên chân dung Hà Nội chính thống, đang bị “cửa hàng hóa” từng đoạn. Biết rằng, Hà Nội là chốn phố phường, song hãy chặn bước quá trình “phố phường hóa” ở khoảng cách nào đó để đảm bảo tính nghiêm cẩn của cái lõi – trái tim thủ đô.

Các con đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Chu Văn An, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Biểu, Quán Thánh… vẫn còn bảo lưu vẻ đẹp, vẻ lịch lãm và chất thị thành thủ đô. Đã bổ sung không ít những công trình xây mới, song chưa làm suy suyển nhiều những khuôn mặt nhuần nhị từng có. Việc tu bổ và nâng cấp một khu nhà ngoại giao trên đường Trần Phú vừa đây là cách ứng xử phù hợp, trùng tu trên cơ sở tôn trọng những giá trị nguyên gốc.

Biệt thự trên phố Điện Biên Phủ (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Có nên chăng hoàn chỉnh không gian quảng trường Ba Đình bằng việc dỡ bỏ các biệt thự – nhà ở tập thể ở một bên phố chùa Một Cột; nối dài đường Hùng Vương; hiện đại hóa các cấu trúc dân cư dạng ứ tồn lịch sử cận kề lõi trung tâm, giảm thiểu sự tương phản về hỉnh ảnh, kiện toàn hóa hình ảnh kiến trúc.

– Thập tam trại là một thành tố đặc biệt và đặc sắc trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội, một dạng di sản có một không hai trong sự cấu thành lâu dài cơ thể đô thị – kinh thành.

Trong lịch sử phát triển đô thị ở nước ta, đã diễn ra quá trình tiến hóa: làng – phố – thành thị. Thập tam trại là một hiện tượng khác biệt: nằm sát kề và bao bọc kinh thành qua nhiều thế kỷ, dựa vào kinh thành và ngược lại, ấy vậy cách nay nửa thế kỷ, vẫn nửa làng nửa phố. Vừa trồng trọt, vừa buôn bán. Thập tam trại là sự chuyển tiếp mềm mang tính lịch sử từ nông thôn sang thành thị, tương tự các làng ven ở kinh đô Huế, song bền lâu hơn và với những mối liên hệ khác biệt hơn.

Vùng đất Thập tam trại đã bị cuốn vào vòng “đô thị hóa” tức thì sau Đổi mới. Đô thị hóa theo cách xây nhà nhiều tầng trên đất trồng trọt, lấp ao hồ và xóa bỏ nghĩa địa, lèn kín mọi nơi, mọi chỗ còn có thể lèn… Đó là một công cuộc đô thị hóa tự phát, tự nó, mà chẳng khác gì dòng chảy, ngầm và nổi, không thể đắp đập và điều chỉnh dòng được. May thay, vẫn duy trì được tên gọi, những ngôi đình ngôi chùa và đền miếu, người dân vẫn xưng mình là người Đại Yên, người Hữu Tiệp… Bộ nhớ mỗi làng, gần mà khác, vẫn chưa phai.

Nên coi Thập tam trại là một thành tố của tài nguyên kiến trúc và văn hóa quận Ba Đình, đặc sản lịch sử của một đơn vị hành chính, sở hữu nhiều hơn cả những di sản, khác biệt – đủ lớn và có những giá trị chưa thể đánh giá cho hết. Thập tam trại cần được tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa, duy trì, cải tạo, nâng cấp hạ tầng, kéo dài cuộc sống với vai trò chuyên biệt của mình.

Ba Đình có nhiều cơ sở thực tế để trở thành một quận nhất thể hóa trong đa dạng, hơn thế nữa, một quận sinh thái – nhân văn trong nhận thức khu biệt.
Quả thực, hai yếu tố tạo nên cơ sở cho nhận định này:

– Sở hữu quỹ kiến trúc đô thị thuần – tinh – mềm – uyển chuyển, hòa hợp với tầm và cảm thức con người, không hàm chứa nguy cơ nảy sinh mâu thuẫn đối kháng, bộc lộ tính vững bền qua thời gian, sẵn sàng cho sự phát triển theo sự chuyển hóa thuận chiều.

– Sự duy trì cân bằng tương đối giữa quỹ vật chất kiến trúc đô thị và quỹ tài nguyên thiên nhiên còn sót lại và những yếu tố tự nhiên sản sinh bởi quá trình đô thị hóa. Thuộc quỹ tài nguyên thiên nhiên và thiên nhiên đô thị hóa, ta cần nhắc tới 11 hồ ao to nhỏ, những công viên và vườn hoa, những khung cảnh mở ra chân trời, những rặng cây tạo bóng, tạo dáng trên mọi đường phố mà ta không dễ dàng tính theo mét vuông xanh trên đầu người. Ngần ấy nước – khoảng không – khung cảnh – rặng cây trên diện tích hơn 9km2, kỳ lạ thay, vẫn có chỗ và có vai trên mảnh đất đặc kịt những công năng và những tầm độ quan trọng.

Nhiệm vụ đặt ra là duy trì cho được sự cân bằng giữa kiến trúc đô thị với tài nguyên sinh cảnh, không để xây dựng chiếm dụng mất đất và nước, vốn thiên nhiên còn sót lại; không nghèo hóa và đồng nhất hóa các thảm xanh; chú trọng cái đẹp và cái duyên trong những cái nhỏ, cho từng ngõ ngách. Hà Nội ta, có lẽ không thiếu đà, thiếu sức bứt phá. Hà Nội cần sự chăm sóc ân cần, trước hết.

Trong phạm vi giới hạn của quận Ba Đình, đã xuất hiện những kiến trúc ngoại cỡ và chọc trời, xây lèn ghép vào các con phố cũ vốn chật hẹp và kín đặc; xuất hiện những đường phố hầu như dày đặc bởi những buildings tân tiến. Bên cạnh sự biểu hiện của hiện đại hóa là sự thách đố, thị giác và bản chất vốn dĩ đối với mảnh đất vừa đặc trưng và vừa đặc sắc của thủ đô. Nên chăng hoạch định rõ ràng, những con đường và ô phố nào thuộc diện ưu tiên gìn giữ và kết hợp cải tạo, những con đường và ô phố nào cho phép xây dựng những công trình hiện đại, có sự kiểm soát về quy mô, độ cao và diện mạo kiến trúc. Song cùng quy hoạch phát triển nên là quy hoạch cải tạo. Nhà quản lý và nhà kiến trúc, với Ba Đình, nên nhận về mình vai trò bác sĩ ngoại khoa.

Bao quát và ngẫm nghĩ về thủ đô rộng mở bao la thời nay, hơn 3000km2, trong sự so sánh với 2 quận Ba Đình và Hoàn Kiếm nhỏ hẹp dưới chục km2, tôi vẫn kiên định một nhận thức: Đó là những hạt nhân, là vốn liếng, là nguồn lực và là cái đà vững chãi để Hà Nội mở mang ra gấp bội, tân tiến gấp bội, song mãi mãi vẫn là mình./.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính