Bí ẩn ở cặp sừng nhà (Hay cội nguồn của khau kút)
Trên hai đầu dốc của những ngôi nhà chủ yếu ở các tộc người nói ngôn ngữ Môn-Khơme trên lãnh thổ Việt Nam, đều ngạo nghễ hiện diện một vật trang trí là cặp “sừng nhà”. Chúng chỉ đơn giản là hai thanh tre hay gỗ đặt chéo nhau từ hai đầu rìa mái trước và sau, tạo thành hình chữ V cao khỏi đường sống nóc khoảng 40-50cm, thường được gọi là “khau kút” hay “sừng nhà”, biểu hiện của sừng trâu đã được cách điệu hóa trong kiến trúc nhà cửa.
Đặc điểm, vai trò của khau kút trong kiến trúc
Những ngôi nhà có cặp sừng ấy luôn đi đôi với bộ mái hình bán cầu, như cái thuyền thúng úp mà đường giọt gianh lượn thành hình ô van (hình bầu dục). Mái nhà ấy có người ví với hình mai rùa. Điển hình là những ngôi nhà dân gian truyền thống của người Khơ-mú, Kháng, Xinh-mun ở Tây Bắc; hay nhà của người Bru-Vân Kiều, người Gié-Triêng, nhà gươl của người Tà-ôi… ở miền Trung…
Những ngôi nhà với bốn mái, bẻ góc, hai đầu hồi chỉ là mái vẩy, đường giọt gianh hình chữ nhật, trên hai đầu đốc có cặp sừng, là những bộ mái đã biến dạng, đơn giản hóa, hoặc chỉ tiếp thu cặp sừng nhà, vay mượn không hoàn hảo như nhà ở và kho lúa của người Ba-na, Gia-rai ở Bắc Tây Nguyên hay nhóm Chăm Hroi ở Phú Yên, Khánh Hòa…
Về chức năng của khau kút, tác giả Tạ Đức trong bài viết với chủ đề “Nguồn gốc và sự phát triển của “khau cút” đã liệt kê 04 chức năng, gồm: chức năng kỹ thuật, chức năng xã hội, chức năng tín ngưỡng và chức năng thẩm mỹ.
Chức năng kỹ thuậtlà chức năng nguyên thủy. Thế nhưng, từ khi nó được đơn giản hóa qua thủ pháp cách điệu bằng hai thanh tre hoặc gỗ bắt chéo nhau), vô hình trung, nó đã không còn ở chức năng kỹ thuật nữa mà chỉ là vật “tầm gửi” của ngôi nhà.
Tạ Đức còn viện dẫn một ý kiến cho rằng “Chức năng sơ khai, đơn giản nhất của khau kút là một dấu hiệu chiếm hữu về nơi ở của con người…”. Ai cũng biết rằng ngôi nhà là một công trình kiến trúc có quy mô đủ cả ba chiều: dọc và ngang là ở mặt bằng trên nền đất. Chiều cao là ở vách và mái cho đến tận nóc. Với chiều kích hình khối ấy đã quá đủ để tỏ ra là nơi bất khả xâm phạm, nơi con người đã chiếm hữu. Khỏi cần đến hai thanh tre ngắn ngủi, mảnh mai đặt chéo nhau làm dấu!
Khi đề cập đến chức năng xã hội của khau cút và viện dẫn sự phát triển của khau cút với một số khác biệt dành cho mỗi địa vị của gia chủ. Nên nhớ hiện tượng ấy chỉ lạc lõng có ở vùng nhóm Thái Đen. Còn cả cộng đồng những ngôi nhà dân gian có bộ phận khau kút vẫn theo một truyền thống, một mô típ chung, mặc dù đã có vài biến dạng ở Bắc Tây Nguyên và miền Trung. Có thể nói tính xã hội của khau cút là mang tính tộc người (có mở rộng, do ảnh hưởng rất ít từ cận cư, xen cư).
Khi nói về khau kút, biểu hiện là hình chữ V, có một xác nhận chung: hình tượng đó là một biến dạng, cách điệu, đơn giản hóa cặp sừng trâu. Hình tượng đó cũng đồng hành với bộ mái nhà tranh hình bán cầu. Và cũng chung một xác nhận là: khau kút gắn bó mật thiết, phổ biến với những ngôi nhà dân gian ở cư dân Môn-Khơ me. Trường hợp nhóm Thái Đen là ngoại lệ.
Nơi phân bố của những ngôi nhà sàn có khau cút hình chữ V là ở Tây Bắc, Bắc Tây Nguyên và miền Trung. Ở Trung và Nam Tây Nguyên cùng miền Đông Nam Bộ vắng bóng khau kút hình chữ V, nhưng biểu tượng về đầu trâu lại tỏ ra rõ rệt hơn.
Khau kút là một bộ phận gắn bó với ngôi nhà. Nói cách khác: khau kút tham gia vào công trình kiến trúc nên cái đích của việc tìm hiểu nó phải là tìm hiểu về nhà cửa. Tìm hiểu về mỹ thuật hay tôn giáo là cái phụ, cái ăn theo, cái có sau, cái không cơ bản. Nhưng, cái khó ở đây do có một nghịch lý là: khau kút đang tồn tại như ở bên nề của kiến trúc. Vậy cái tiền thân của nó là gì mà nay, nó chỉ hiện hữu với vị trí tàn dư, vang bóng một thuở ?
Để gọi tên được bộ phận là tiền thân của cái khau kút, phải nhìn nhận nó qua lăng kính sau: Nếu đơn vị kỹ thuật của ngôi nhà là vì kèo thì có liên kết giữa ba bộ phận trực tiếp là cột- xà và kèo. Còn nếu đơn vị kỹ thuật là vì cột thì ở khung nhà chỉ có sự liên kết trực tiếp giữa cột và xà. Còn hàng kèo ở đây, gọi là “kèo giả”lại nằm trong liên kết ở phần mái lợp. Như vậy, trong kiến trúc nhà cửa nói chung không hề có bộ phận gọi là “sừng nhà”.
Nhưng ở những ngôi nhà dân gian của cư dân Môn-Khơ me lại hiển nhiên có mặt bộ phận kỳ lạ, hiếm hoi này. Bất cứ một vật dụng nào hễ tham gia vào kiến trúc nhà cửa, nó đều có một chức năng thực thụ, dù đó chỉ là cái chạc cây hay luộc lạt, sợi dây rừng… Vậy thì khởi nguyên, bộ phận là khau kút có chức năng gì rất hệ trọng ở đây trong mù xa của lịch sử mà không phải là chỉ “Để giữ mép tranh”!.
Không khó khi nhận ra tiền nhân của khau kút chính là cái mô hình chiếc đầu trâu rừng với cặp sừng nghênh ngang, thách thức bên sườn núi. Mô hình đó gắn liền với thân hình nó là bộ mái nhà hình bán cầu. Khau kút gắn ở hai đầu đốc, cho ta nhận ra mô hình của hai con trâu áp mông vào nhau, nằm theo một đường thẳng, trông về hai hướng ngược chiều nhau. Chính vì thế mà đường giọt gianh của mái nhà lượn theo hình ô van – biểu hiện cho sự nối dài của hai cái bụng trâu theo chiều dọc. Đó là hai con trâu nằm theo thế phòng thủ đáng gờm!.
Khau kút hình chữ V là biểu tượng của cặp sừng trâu. Trâu có nhiều quan hệ với con người. Khi con người tạo dựng nên ngôi nhà làm nơi trú ẩn, khả dĩ an cư trước mưa lũ, bão bùng và kẻ thù bốn chân, con người đã khôn khéo mượn cái uy của con trâu với vóc dáng to lớn, khỏe mạnh và đôi sừng sắc nhọn, có uy lực răn đe, thách thức lũ hùm beo tới gần.
Lịch sử, ý nghĩa của khau kút đối với đồng bào các dân tộc miền núi
Như ở phần trên đã nói, đầu trâu – khau kút phải đi đôi với mô hình của thân thể nó là bộ mái nhà cong như hình cái thuyền thúng úp mới hoàn hảo là con trâu rừng đang cảnh giới trước mọi hiểm nguy. Cư dân Tây Nguyên đều quan niệm: Nếu chỉ có cái đầu trâu với cặp sừng (khau kút) là con vật đã được hiến tế. Thân thể nó ắt đã bị xả ra làm bữa tiệc cộng đồng và chia phần cho mọi nhà. Vì thế, đầu trâu đem treo ở cây cột nêu, đàn tế, ở nhà ma nơi mộ địa hoặc ở nhà công cộng (nhà rông).
Ở Trung và Nam Tây Nguyên cùng miền Đông Nam Bộ, nhà ở không thấy còn khau kút, cũng ít thấy mái nhà cong vì văn hóa truyền thống của họ đã có phương hại từ nếp sống cuẩ cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo. Nhà công cộng- nhà rông hoàn toàn vắng bóng vì nhà dài phổ biến đã có diện tích dành cho sinh hoạt cộng đồng. Nên nhớ, ngược lại, văn hóa Môn-Khơme đi vào đời sống của các tộc người nói ngôn ngữ Nam Đảo cũng không phải là ít. Sự giao lưu văn hóa diễn ra hàng ngày trong âm thầm và trong sinh hoạt cộng đồng sôi nổi.
Nay điểm đến một số tộc người trong nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme ở các tỉnh phía Nam với những dấu ấn về tín ngưỡng liên quan tới loại hình nhà mô phỏng con trâu rừng. Nên nhớ, hãy lưu ý đến hai thành tố cơ bản của hình hài con trâu là: đầu trâu nguyên khối hoặc biểu tượng đơn giản, cách điệu hóa hình chữ V và những biến thể của cặp sừng. Hai là thân trâu qua hình khối mái nhà cong như cái thuyền thúng úp. Đó cũng là hai thành tố văn hóa riêng có ở các ngôi nhà dân gian của cư dân Môn-Khơme. Chúng đi cùng với đơn vị kỹ thuật là “nhà vì cột” hay “nhà rường cột” của cư dân Nam Á nói chung.
Đặc biệt, kiến trúc nhà mồ khá công phu với một số mô hình đầu trâu rất điệu nghệ. Nhà làm toàn bằng gỗ cây. Ở mặt tiền, người ta tạo hình hai cái đầu trâu (trâu cái và trâu đực) ở tư thế đứng vươn cổ ra khỏi xà thượng, cây gỗ tạo hình có đường kính (khoát) khoảng 50cm. Kỹ thuật tạo hình rất trơn tru, có nhiều chi tiết tinh vi. Phần đầu rất sinh động bởi các bộ phận như: mõm, mũi, mắt, sừng, tai, cổ dài tới hết vai con vật nên hình tượng rất đồ sộ. Ở hai đầu đốc nhà mồ cũng có mô hình đầu trâu rừng nhưng nhỏ hơn mô hình nói trên.
Trong thực tế, hình dáng con trâu đều được phóng đại lên nhiều lần để có không gian nội thất đủ cho một cộng đồng người cư trú và sinh hoạt. Mặt khác, việc phóng đại con trâu rừng, nơi ẩn cư của con người cũng làm tăng thêm cái uy lực của nó trước những cặp mắt của loài thú hoang dã đi săn mồi. Cửa ra vào của ngôi nhà nói trên được mở ở khoảng giữa sống lưng. Cánh cửa có hình viên phân, khum khum theo hình chữ nhật, được nâng lên, hạ xuống khi có người ra vào (lên xuống). Hai bên sườn có cầu thang dây buông từ mép cửa xuống, cách mặt đất một đoạn.
Những nếp nhà có mái hình bán cầu thì những năm gần đây, người Mnông ở Đak lăk, người Xtêng ở Bình Phước vẫn thấy tồn tại. Đó là ngôi nhà trệt hoặc là nhà sàn rất thấp, hai mái trước và sau lợp thành hình bán cầu, mép tranh gần sát đất. Hai đầu hồi đều là mái vẩy uốn cong, chỉ mở một cửa ra vào ở giữa một đầu hồi làm mặt tiền. Đầu hồi bên kia mở lệch sang một bên.
Có thể khẳng định các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme là chủ nhân đích thực những ngôi nhà dân gian có khau kút. Chúng đi đôi với kiểu mái nhà có cấu tạo như cái thuyền thúng úp – di duệ của loại hình nhà mô phỏng một cặp trâu rừng thời viễn cổ.
Ở nhóm tộc người Thái Đen trên miền Tây Bắc cũng phổ biến loại nhà có khan kút. Nhưng khau kút không đồng nhất, không mang tính tộc người do có nhiều kiểu cách khác nhau theo địa vị của gia chủ ngôi nhà.
Trong các tộc người nói ngôn ngữ Tày – Thái, kể cả nhóm Thái Trắng, không có truyền thống kiến trúc nhà có khau kút với bộ mái như cái thuyền thúng úp. Điều đó cho thấy nhóm Thái Đen đã tiếp thu kiểu loại nhà của cư dân Môn-Khơme khi đã cận cư rồi xen cư với họ.
Khác với miền Tây Bắc, cư dân Môn-Khơme ở khu vực Trường Sơn và Bắc Tây Nguyên có một số công trình kiến trúc đặc sắc về tôn giáo- tín ngưỡng như: nhà công cộng (nhà rông), cây nêu đàn tế, nhà mả. Những tâm tưởng, niềm tin tôn giáo, hoài niệm, ôn cố về con trâu cũng hiện hình, bảng lảng trong các công trình kiến trúc công phu, điệu nghệ nói trên. Hình ảnh khau kút hình chữ V ở đây, có nơi vẫn hiện hữu như nhà của người Hrê, Tà-ôi, Brâu, Bru-Vân Kiều. Nhưng vẫn cùng một tộc người ấy, lại có nhà trang trí ở đầu đốc mô hình khác như đôi chim hoặc sừng trâu bằng gỗ mà họ gọi là Pám lôm hay Paco, với nhà ở nhóm Vân Kiều. Còn ở tộc người Cơ-tu, trên hai đầu đốc nhà công cộng (nhà gươl), có lẽ là chim phượng hoàng đất (Tring). Vị trí ấy ở nhà người Tà-ôi là hai hình đầu chim cu (gẽ aku). Sừng nhà chữ V ở nhóm Hrê gọi là kỳ nêm.
Từ xa xưa, ít nhất cũng ở cư dân Môn-Khơme đã chọn hình ảnh con trâu làm thần hộ mệnh trong cư trú. Về sau, con trâu còn là lễ vật hiến tế thượng thặng cho các thần linh. Đối với khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên, tuy phần lớn nhà nào cũng nuôi trâu, nhưng chỉ dùng làm vật trao đổi hoặc làm lễ hiến sinh, không dùng làm sức kéo, cũng không có tục cưỡi lên lưng trâu, dù là trẻ con hay người lớn. Họ kiêng cữ vì đó là lễ vật cúng thần. Lại nói đến nhà công cộng, nhà rông cũng có nhà rông cái và nhà rông đực. Nhà rông cái thì nằm dài và thấp. Nhà rông đực thì cao, ngắn về hoành độ. Kiến trúc nhà cửa là sản phẩm của thủ công nghiệp, công cụ vô tri giác, nhưng cũng gọi và phân biệt theo giới tính vì đó là di duệ của ngôi nhà mô phỏng hình dạng con trâu.
Có phải từ khi con người rời khỏi nơi cư trú có sẵn trong tự nhiên là hang động, họ buộc phải nghĩ đến việc tạo dựng cho mình một nơi ẩn cư thật sự an toàn trước những bầy thú săn mồi ăn thịt, nhất là trong giấc ngủ đêm khuya. Rất có thể, những thợ săn bậc thầy trong cộng đồng đã sớm nhận ra Con Trâu – một động vật ăn cỏ nhưng có một sức mạnh, một uy lực lớn hiện hữu trong tự nhiên, lại có tập tính tự vệ cao, và là kẻ thù đáng gờm của bầy thú dữ. Từ nhận biết đó, họ tạo ra một hình thức cư trú giấu mình trong tự nhiên để răn đe, hù họa có hiệu quả đối với một thế lực khác, nguy hiểm cũng trong tự nhiên. Phải chăng nhà trâu thần – một công trình phòng thủ khởi nguyên, một sang kiến vĩ đại, một kiệt tác đã ra đời trong bối cảnh cam go đó?
Khi tạo dựng mô hình nhà trâu thần, chính con người đã làm tăng sức mạnh và uy lực của trâu rừng ở hai yếu tố. Một là ngoài cái thế to cao vốn có của trâu rừng, khi tạo ra ngôi nhà để ẩn cư cho số đông, buộc phải mở rộng diện tích nội thất, nên mô hình con trâu cao lớn hơn thực tế nhiều lần. Hai là mô hình trâu rừng có hai đầu hướng về hai phía ngược chiều nhau, giấu được phía đuôi vào giữa. Hổ, báo khi đối đầu với trâu thường chỉ nhằm tấn công từ phía sau. Mô hình này dễ làm cho kẻ thù mất phương hướng nên thấy thế, chúng thường vội vàng bỏ đi.
Mặt bằng sinh hoạt của nhà trâu thần là nhà có sàn để tránh mưa lũ và nhiều trở ngại khác. Trong lịch sử trường tồn, khi loại hình nhà trâu thần không cần tiếp tục xây dựng nữa, những kiến trúc về nhà cửa trong dân gian như nhà ở, nhà công cộng, kho lúa, nhà mồ… vẫn lưu lại những dấu ấn, những vang bóng mờ tỏ, không đầy đủ hoặc biến dạng của ngôi nhà gốc.
Ngay từ trong khởi đầu “quan hệ” giữa con người với con trâu rừng, trâu đã là thần hộ mệnh thực thụ của con người, che chở cho con người trước thiên nhiên hung dữ, khó lường. Khi lịch sử sang trang, ở lớp lang văn hóa sau, con trâu lại là chiến quả thượng thặng của các dũng sĩ đàn anh lấy làm vật hiến tế dâng lên các thần linh cao cả như Trời, Đất, Mẹ Lúa… Hãy quan sát diễn trình của một nghi thức hiến sinh trâu sẽ nhận ra điều đó qua thao tác chính xác của hai chàng trai: một cầm dao xà gạc và một vác cây lao. Máu trâu là vật thiêng duy nhất đem lại nhiều may mắn, kỳ vọng cho mọi sự. Đó là niềm tin dưới bầu trời khu vực Trường Sơn- Tây Nguyên một thuở.
Về sau, khi lịch sử nhà cửa đã sang trang, ngôi nhà công cộng ra đời, dường như thay thế cho ngôi nhà phòng thủ Trâu Thần đã lui vào quá khứ, cửa ra vào của mọi ngôi nhà đều mở ở hai đầu hồi, dưới cặp sừng nhà vì đó là phía đầu của mỗi bóng hình trâu. Mặt tiền là trâu đực, xưa nay vẫn là nơi ra vào dành cho nam giới. Đối diện, phía bên kia là trâu cái vốn dành riêng cho nữ giới qua lại.
Cửa ra vào mở ở hai đầu hồi cũng là tập quán chung của cả cộng đồng ngôn ngữ văn hóa Nam Đảo khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên. Đó là ứng xử từ truyền thống nhà hình thuyền – lớp văn hóa muộn nên còn phổ biến. Ở cư dân Môn-Khơme đã có nhiều biến đổi. Một số ngôi nhà dài mở cửa dưới mái vách bên làm mặt tiền. Vì truyền thống này xuất xứ từ lớp văn hóa xa xưa với sự hiện hữu của kiến trúc Nhà Trâu Thần.
Việc phục dựng lại “ngôi nhà Trâu Thần” còn có thể cho ta liên tưởng đến một vật trang sức là khuyên tai có hai đầu thú trong các di chỉ khu mộ táng của văn hóa Sa Huỳnh. Vậy ngôi nhà Trâu Thần cũng có thể gọi là loại hình nhà phòng thủ có hai đầu thú.
“Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa thuộc giai đoạn sơ kỳ đồ sắt của cư dân nông nghiệp ở ven biển, có niên đại khoảng từ giữa thiên niên kỷ I trước công nguyên đến đầu công nguyên…”. Và như thế, chúng ta cũng có thể mường tượng được phần nào thời đại mà loại hình cư trú có kiến trúc hai đầu thú đã từng hiện hữu trong mù xa của lịch sử loài người ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo./.
Nhà nghiên cứu dân tộc và nhân học Chu Thái Sơn – Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại (Hội dân tộc học và nhân học Việt Nam)