18/04/2023

Làng cổ Thiên Hương – “Người đàn bà đẹp” bên dòng sông Nho Quế

(KTVN 243) – Làng cổ Thiên Hương (Hà Giang) được ví như mảnh đất bị quên lãng trên cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây sở hữu vẻ đẹp nhuốm màu thời gian, nguyên sơ, bình yên đến lạ! Trải qua bao thăng trầm của dòng thời gian, nhịp sống hiện đại dần len lỏi vào những miền đất quê nhưng ngôi làng này dường như vẫn còn giữ được nguyên vẹn những giá trị từ thuở sơ khai ban đầu. Hầu hết các ngôi nhà ở đây đều có tuổi đời trên 100 tuổi, mang dáng vẻ đơn sơ, mộc mạc, là một chốn lý tưởng để khách du lịch ngả mình vào thiên nhiên Hà Giang tươi đẹp.

Làng cổ Thiên Hương (Hà Giang) – Vẻ đẹp chưa được khai phá (Ảnh: Van Hni)

Không phải ai cũng được nếm trải cái cảm giác đi xe máy trong đêm ở độ cao hơn 1.000m nơi biên cương với bên trái là núi dốc dựng đứng, bên phải là vực sâu thăm thẳm chạy xuống “dải lụa mềm” nơi điểm mốc biên giới với con sông Nho Quế uốn lượn chảy vào đất Việt. Chúng tôi đã ở đó để hít căng vào lồng ngực mình cái hơi lạnh, mát của khí hậu nơi địa đầu Tổ quốc, cảm nhận sự tủi thân khi chứng kiến sự phát triển của bên kia biên giới nhưng cũng thật tự hào và trân trọng những con người đã, đang và sẽ sinh sống ở nơi đây để hoà mình vào dòng chảy của sự đổi thay…

Đường biên giới bên phía Trung Quốc lung linh ánh đèn (trên đường từ thị trấn Đồng Văn vào thôn Thiên Hương)

Thiên Hương trong văn chương cũ để chỉ Người đàn bà đẹp, còn thôn Thiên Hương ở thị trấn Đồng Văn là một nơi rất đẹp, không chỉ đẹp ở tên gọi mà còn từ con đường dẫn vào ngôi làng đến từng ngôi nhà, con ngõ, hàng rào, gốc cây, ngọn cỏ…

Tiếp cận với Thôn Thiên Hương không hề dễ dàng chút nào! Đoạn đường ngắn ngủi khoảng 7km từ thị trấn Đồng Văn với phân nửa là đường xấu bởi ổ gà, ổ voi và đặc biệt lầy lội vào những hôm mưa do đang thi công mở rộng đường. Càng đi vào sâu tới gần thôn thì đường càng quanh co và nguy cơ sạt lở đất từ trên dãy núi Tù Sán càng cao, kèm theo đó là việc sạt đường xuống vực sâu tới sông Nho Quế bên dưới thường xuyên xảy ra.

Những khu rừng thông xanh mát lưng chừng thung lũng

Trên cung đường này chúng tôi đã được nhìn ngắm và di chuyển vào sâu trong những tán rừng thông xanh mát. Từ trên đường chính Thiên Hương – Ma Lé có những con đường đất dẫn xuống những vạt rừng, nếu không có kinh nghiệm lái xe rất nguy hiểm. Khung cảnh khu vực này rất thích hợp cho các bạn trẻ đam mê khám phá những cung đường khó, những trò chơi mạo hiểm ngoài trời như zipline, trèo và di chuyển trên cao, xe đạp địa hình,…

Để di chuyển tiếp tới được thôn Thiên Hương, chúng tôi phải đi qua những đoạn đường chông gai, những khung cảnh nên thơ như vậy, qua thôn Má Tía rồi đến Má Pằng. Tại ngã ba đường này sẽ có con đường đi lên thôn Khai Hoang và con đường xuống thôn Thiên Hương. Cũng tại ngã ba này, khung cảnh mây núi bồng bềnh hiện ra trước mắt sẽ khiến tất cả mọi người đều phải ngỡ ngàng như chốn “bồng lai tiên cảnh”.

Đặc trưng cảnh quan nơi đây, với quần thể cây đa đầu thôn Thiên Hương gồm 11 cây đa di sản có tuổi đời khoảng 700 năm, từ xa xưa cộng đồng các dân tộc Tày, Mông, Giấy ở thôn đã coi là những vị thần linh thiêng luôn che chở cho cuộc sống của dân làng. Khu vực này có thể tổ chức được các hoạt động cho khách du lịch tham quan nhưng khoảng cách tới khu dân cư quá xa, cần đầu tư để kết nối các khu vực trong làng cổ hình thành tính chất cộng đồng và giao lưu văn hóa.

Tiếp tục di chuyển theo con đường bê tông nhỏ uốn lượn qua những sườn núi, qua cánh đồng lúa hai bên theo dạng ruộng bậc thang, chúng tôi đi qua khu rừng hoa Sở, loài hoa đặc trưng ở khu vực này với diện tích rất rộng để có thể chìm đắm trong không gian, cho chúng tôi những khoảnh khắc đẹp về loài hoa tinh khôi giữa núi rừng nơi biên giới.

Quần thể cụm cây đa đầu thôn Thiên Hương

Cả nhóm cứ thế lang thang dưới tán rừng hoa rồi đi qua những khoảng ruộng lúa bậc thang bên những khóm tre xào xạc giữa buổi trưa nắng, mát đặc trưng rồi lại tản bộ trên con đường bê tông dẫn xuống dốc sâu sâu dần và hun hút…

Đoạn đường tiếp đó ngợp trong bóng râm của cây cối, luỹ tre bỗng mở ra ánh sáng chan hoà với con dốc lên nhà đầu tiên của thôn với đặc trưng là dốc đất dựng đứng lên sân nhà. Taluy đá kiên cố như mới được chỉnh trang để giữ đất, bó củi to được chất đống gọn gàng, ngôi nhà tường bằng đất màu vàng nhạt lưng tựa núi và nhìn về phía thung lũng cùng các loại cây xanh trong vườn tạo nên khung cảnh nên thơ và mơ mộng.

Chúng tôi tiếp tục xuôi theo con đường xuống tới khung cổng vào thôn được lắp dựng rất đơn giản, phía trên ghi rõ dòng chữ vàng trên nền màu đỏ “Làng văn hóa du lịch Thiên Hương”. Sự đơn giản, mộc mạc không khoa trương có lẽ lại hợp với không gian nơi đây để có chút lắng đọng giữa xô bồ cuộc sống nơi phố thị!

Qua tiếp đoạn đường cong phía sau cổng thôn thì không gian cảnh vật lại được thay đổi với tầm nhìn vút xa sang tận bên kia thung lũng qua dòng sông Nho Quế. Con đường “xương sống” chính đưa chúng tôi từ cổng chào sâu xuống cuối cùng của thôn, trên tuyến đường này sẽ có các nhánh như xương cá dẫn về từng cụm nhà ở với cao độ khác nhau.

Một nửa thôn sống ở trên cao là các khu vực ổn định tầm nhìn bao quát, nửa còn lại đi xuống sâu hơn, ở một số khu vực xuất hiện sạt lở đất, có những gia đình đã phải di chuyển do nhà ở bị lún, nứt không đảm bảo an toàn.

Hầu hết các tuyến đường, cụm nhà ở và các nhà ở riêng lẻ đều phải sử dụng hệ kè đá làm tường chắn, móng đá hộc và tường rào xếp đá đặc trưng. Phần lớn công trình trong thôn được xây dựng bằng đất với độ dầy từ 40-60cm tạo ra cho bên trong nhà ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Một số công trình xây dựng gần đây đã sử dụng vật liệu gạch bằng bột đá dễ dàng kiếm và xây dựng nhanh hơn bằng đất truyền thống, mái lợp bằng phibro xi măng cũng thay thế dần ngói âm dương vì sự tiện lợi và giá thành.

Với chúng tôi, đâu đó trong tiềm thức người dân trong thôn vẫn có những ý thức về thiết kế trang trí cho khuôn viên như những hình ảnh rất dễ bắt gặp đó là mảng tường đá hộc xếp rất tự nhiên kết hợp với cây xanh, hoa như dương xỉ, dong riềng, cây leo bên cạnh những công trình bằng gỗ như cổng, chuồng chăn nuôi gia súc.
Những góc nhỏ từ khuôn viên ngôi nhà đến đường đi trong thôn đều tạo ra góc máy đẹp, mộc mạc, giản dị, mà ấn tượng nhất là khi ánh nắng chiếu hoà quện với màu sắc vàng đất của tường nhà, màu sẫm của mái ngói và thô mộc của gỗ, đá…

Cổng và tường xếp đá là những vật liệu đặc trưng của thôn Thiên Hương

Thôn Thiên Hương có phần lớn người dân tộc Tày và Mông, họ hình thành quần thể ở tách biệt nhau và nơi sản xuất xa nhau, bản sắc văn hoá thể hiện rõ qua hình thức kiến trúc ngôi nhà xây dựng bằng tường đất trên móng nhà bằng đá tự nhiên, hệ cột gỗ đặt trên đá tảng, mái ngói âm dương, cửa gỗ và các ván, nan che phần tầng để làm kho.

Loại hình nổi bật là nhà trình tường có tường dại ở phía trên và kín ba mặt, không gian ngôi nhà thường có chia thành 2 phần: phía trên để đồ đạc, phía dưới để sinh hoạt và bếp nấu. Điểm văn hóa đặc trưng là khu vực để bàn thờ với nhiều sắc đỏ và có những dòng câu đối, trước cửa nhà thường có lá bùa để chống tà ma, quỷ dữ.

Kiến trúc nhà trình tường truyền thống người Tày sinh sống tại nơi đây

Với đặc thù miền núi, địa hình dốc và hẹp dọc theo con dốc đã thể hiện trong cấu trúc trong làng theo hệ thống tầng bậc với độ dốc cao cản trở các loại hình phương tiện giao thông kể cả xe máy. Hệ thống tầng bậc này cũng làm cho trên tuyến đường chính chỉ có một mặt nhà quay vào tuyến đường. Phần diện tích đất để xây dựng các công trình công cộng hay công trình phục vụ du lịch còn hạn chế.

Cấu trúc làng cổ được hình thành từ cấu trúc các hộ gia đình, cuộc sống của họ từ bao đời nay gắn bó với nông nghiệp và sản xuất rượu truyền thống. Đặc biệt, khu nấu rượu đã sản xuất ra rượu Thiên Hương nổi tiếng bao đời, người dân còn gọi là rượu Lan Hương vì mùi thơm bay đến tận chân trời.

Rượu Thiên Hương trải qua quy trình sản xuất cực kỳ tỉ mỉ và được sản xuất thủ công hoàn toàn. Để làm ra loại rượu ngô thơm ngon này, phụ nữ nơi đây phải lên rừng hái hơn 30 loại lá thuốc để làm men. Ngô thu hoạch từ nương rẫy về, được mang đi nấu, khi ngô bung nở to bằng ngón tay thì đổ ra phơi cho nguội bớt đi. Tiếp đến, người ta giã men lá thuốc rồi trộn đều với ngô, và chất đống, ủ kỹ trong bao. Sau một tuần thì đem ra cất thành rượu.

Rượu Thiên Hương làm say lòng du khách bởi hương vị thơm ngon, ngọt hậu, uống vào cảm giác êm ái và ấm bụng, không giống với các loại rượu truyền thống khác.

Hiện nay, một số hộ dân trong làng đã chuyển đổi sang mô hình ở du lịch cộng đồng (homestay) phục vụ một số lượng khách du lịch trẻ thích khám phá và cũng có một số khách du lịch người nước ngoài. Không gian nhà đã được cải tạo để thích ứng là phía trên dùng làm nơi nghỉ cộng đồng, ở dưới là không gian công cộng để giao lưu.

Cùng với mô hình du lịch cộng đồng đã phát sinh ra một số dịch vụ như khám phá điểm cột mốc biên giới với Trung Quốc ở gần bờ sông Nho Quế, giao lưu với đồn biên phòng, khám phá không gian biên giới với địa hình hiểm trở,…

Thiên Hương – “Người đàn bà đẹp” sẽ cần nhiều thời gian để hiểu kỹ càng nhưng với những gì có thể tiếp cận được, tương lai đang có nhiều hứa hẹn như nàng công chúa ngủ trong rừng chờ đánh thức. Thời gian có thể quá lâu để trả lời cho một câu hỏi nhưng có thể sẽ rất nhanh để chúng ta kịp lưu giữ những khoảnh khắc hiện tại. Như một cây đa trên đường vào thôn không nằm trong cụm cây đa đầu làng nhưng lần 2 chúng tôi trở lại thăm thì đã bị quật ngã bởi thời tiết và mục ruỗng bên trong.

Thôn Thiên Hương cũng vậy, một số khu vực đã bị sạt lở và nguy cơ sạt lở tiếp, một số nhà đất đã bị nứt vỡ và đang lan rộng, một số khu vực trong thôn lâu ngày không có người chăm chút cũng đã xộ lệch, xuống cấp. Một số hộ dân cũng đã di chuyển đi khỏi khu vực nguy hiểm nhưng vẫn vấn vương vì không gian thôn thân thuộc gắn với gốc cây, mảnh vườn và liền với không gian nương rẫy sản xuất nông nghiệp truyền đời ở khắp các triền núi. Họ luôn muốn ở lại gây dựng tương lai trên chính mảnh đất này.

Khung cảnh đường vào thôn Thiên Hương dưới tán cây đa

Trên con đường dẫn trở ra, khi những đám mây đen bắt đầu kéo tới mang theo những hạt mưa kèm cái lạnh nhè nhẹ nhưng thấm sâu vào da, hình ảnh những em bé lẽo đẽo đi bộ trên các bờ ruộng, rào đá với những chiếc gùi nhựa thay thế cho gùi đan truyền thống cùng với những chiếc ủng tân thời khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi.

Nhiều năm quay trở lại nơi đây, những ngôi nhà trình tường của dân tộc Tày đã khác với những vật liệu mới thay thế bởi sự tiện dụng và bền lâu hơn, dễ tìm hơn. Phải thích nghi đó là điều chắc chắn, nhưng thích nghi có chọn lọc là điều cần phải suy ngẫm bởi chúng tôi không ở đây mà chỉ đồng hành cùng không gian và con người nơi đây trong một khoảng thời gian ngắn ngủi của những chuyến đi tìm hiểu, khám phá.

Đã nhiều lần đến với Hà Giang, với vùng đất giáp biên giới mới thấy còn rất nhiều nơi vẻ đẹp chưa được nhiều người biết đến bởi khoảng cách, đường đi xa xôi cách trở nhưng thôn Thiên Hương quả thật đem lại cho chúng tôi cảm giác bình yên, giản dị, gần gũi mà rất đỗi tự hào ở nơi địa đầu của Tổ quốc và vẫn muốn quay lại để cảm nhận./.

LSCORP