Để trẻ không phải bốc thăm mới được học trường công
Trong khi quận Hoàng Mai có trẻ phải bốc thăm mới được tới trường công thì quận Hoàn Kiếm công bố thu hồi hàng nghìn mét đất vàng để xây trường.\
Tình trạng quá tải về cơ sở vật chất giáo dục công lập của Hà Nội không chỉ chờ đến việc phải bốc thăm quyền đi nhà trẻ công lập ở quận Hoàng Mai mới lộ diện rõ. Nhưng sự việc này buộc các cấp chính quyền phải sớm có giải pháp.
Trường học, nhà trẻ ở đâu trong bản Quy hoạch Hà Nội?
Đó là tên một bài báo được đăng cách đây hơn 10 năm, trong không khí rộn ràng đón chào kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Sau đó ít lâu Bộ Xây dựng chọn ra một liên doanh tư văn quốc tế do tập đoàn sản xuất thép POSCO (Hàn Quốc) dẫn đầu, công bố video viễn cảnh Hà Nội hấp dẫn: Rồng bay từ Hà Nội lên trời xanh, thuyền buồm lướt sóng trên những dòng sông ra biển lớn, đường sá thênh thang, nhà cao tầng lớp lớp vươn cao. Trong khi trẻ em tràn ra vỉa hè lòng đường xếp hàng nhân ngày khai giảng. Còn nhiều nơi bố trí 60-70 học sinh /lớp…
Nguồn cơn được nhiều chuyên gia chỉ ra một phần do quy hoạch Hà Nội thiếu đất xây trường học.
Năm 2000, Quy hoạch chung Hà Nội đến 2020 được công bố. Năm 2002, Hà Nội thành lập Sở Quy hoạch – Kiến trúc trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố với chức năng, nhiệm vụ là “Tham mưu cho UBND Thành phố để tổ chức tốt việc quản lý Nhà nước về quy hoạch – kiến trúc theo định hướng quy hoạch chung đã được Nhà nước phê duyệt”.
Ông Đào Ngọc Nghiêm là Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc đầu tiên và chỉ đạo lập quy hoạch sử dụng đất 14 quận huyện. Sở này trình thành phố phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô đến 2010 định hướng 2020. Bản quy hoạch được công bố năm 2003.
Mới thực hiện vài năm, trường học đã thiếu trầm trọng. Đơn giản là quy hoạch lấy số dân hiện trạng không chính xác, vẽ các khu đô thị mới nhưng thiếu hụt cả hạ tầng kỹ thuật và xã hội, không dự báo số dân tăng khi vào ở trong các khu đô thị mới.
Quận Cầu Giấy diện tích hơn 1.200 ha, số dân năm 1997 là 9 vạn, đến 2001 đã tăng lên 14 vạn người. Nhưng quy hoạch lập 2003 vẫn lấy số dân là 9 vạn, số học sinh 4 cấp gần 2 vạn, dự tính đến 2020 có 15 vạn dân với hơn 4 vạn học sinh nên chỉ bố trí 60 ha đất xây trường. Thực tế, năm 2008 dân số đã trên 20 vạn, số học sinh 4 cấp gần 5 vạn cháu.
Năm 2020 dân số Cầu Giấy gần 30 vạn, số học sinh gần 8 vạn và cần tới 120 ha để xây trường – gấp đôi dự tính trong bản quy hoạch của Sở Quy hoạch kiến trúc. Dự án bất động sản xuất hiện dày đặc, dân số tăng nhưng trong các đô thị, chung cư mới rất ít trường học mới đi vào hoạt động.
Có một số trường tư được xây dựng nhưng học phí cao và cũng không đủ đáp ứng nhu cầu cho học sinh ngay trong các khu này. Dân làng cổ bên sông Tô những tưởng làng mình lên phố thì được hưởng tiện nghi hiện đại, ai ngờ mất nhiều ao hồ, ruộng vườn, lại còn phải chia trường làng cho bạn mới trong các khu đô thị mới mọc lên.
Thiếu định chế giám sát
Ngay tại quận Cầu Giấy có khu đô thị vẽ nhà ở và trường học, dựa vào quy hoạch, Thành phố giao cho Chủ đầu tư thực hiện Dự án, không ràng buộc trách nhiệm nghĩa vụ đi kèm… họ xây nhà bán nhà và xây trường thì bán trường cho doanh nghiệp kinh doanh giáo dục. Thậm chí, quy hoạch còn chỉnh sửa tùy tiện để giảm diện tích công cộng (trong đó có trường học), tăng diện tích xây nhà chung cư như báo cáo Thanh tra xây dựng TP Hà Nội mới đây vừa chỉ ra.
Quận Cầu Giấy cho rà soát đánh giá mới rõ hầu hết các dự án khu đô thị trên địa bàn không có khu nào trả lại cơ sở giáo dục công lập cho địa phương… Phải trải qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo của quận này, với quyết tâm lớn, tỷ lệ đất trường học mới từng bước được cân đối lại.
Trong 20 năm qua, các cơ quan quản lý quy hoạch, đất đai được xã hội tin tưởng và trao vào tay họ quyền năng lớn mà không đi kèm các định chế giám sát thích hợp, nên tài nguyên đất đai, tài sản đô thị không được phân bổ phù hợp, dẫn đến thiếu hụt trường công lập không chỉ tại các khu đô thị mà toàn bộ các địa phương. Có nơi, bố trí được đất thì lại thiếu cơ chế triển khai, nên nhìn chung trường học công luôn thiếu so với nhu cầu.
Địa phương nào có tập thể lãnh đạo trách nhiệm, có tầm nhìn thì chủ động nỗ lực lo chỗ học cho trẻ em như quận Cầu Giấy. Hay như quận Hoàn Kiếm đất chật người đông, nhưng năm nào cũng có dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng trường học. Nhiều vị trí đất vàng, kim cương được dành để xây trường, hơn thế còn có Câu lạc bộ, Cung thiếu nhi cho trẻ em vui chơi. Nhưng còn nhiều quận khác không được như thế.
Rất tiếc trong Báo cáo rà soát đánh giá Quy hoạch chung Hà Nội (công bố tháng 10/2021) những hạn chế về quy hoạch trường học vẫn còn được nhận diện mơ hồ, đại khái.
Từ thực tế hơn 10 năm qua, đối mặt với những tồn tại trong Quy hoạch chung Hà Nội, rất cần nhận diện đúng để điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung, từ đó mới giảm áp lực thiếu trường học công cho trẻ em Hà Nội.
Trần Huy Ánh/Báo Giao thông