Hà Nội: Quy chế bảo tồn, cải tạo với công trình có giá trị
Khu vực Hà Nội hiện có 48 công trình công cộng có giá trị xây dựng trước năm 1954 trong khu phố cũ (giai đoạn 1884 – 1954) và 1.253 biệt thự nằm trong danh mục biệt thự Pháp có giá trị. Theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 13/8/2015, những công trình này có quy định quản lý cụ thể về cải tạo, bảo tồn, xây dựng.
Ảnh minh họa.
Bảo tồn nguyên trạng công trình có giá trị đặc biệt
Theo Quy chế, công trình công cộng và biệt thự Pháp có giá trị đặc biệt được bảo tồn nguyên trạng về mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao, hình thức kiến trúc. Riêng đối với các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 thì thực hiện theo quy định của Quy chế quản lý và sử dụng nhà biệt thự xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội.
Đối với công trình công cộng, hoặc biệt thự sở hữu công thì Quy chế cho phép cải tạo nâng cấp nội thất bên trong nhưng phải đảm bảo giữ nguyên hình dáng, không gian và chi tiết trang trí; nâng cấp bề mặt vật liệu nội thất trên cơ sở đảm bảo giữ gìn và phát huy kiến trúc gốc.
Khi tư nhân sở hữu biệt thự đặc biệt, thì được phép cải tạo nội thất trên cơ sở đảm bảo giữ gìn và phát huy kiến trúc gốc.
Quy chế quy định, nghiêm cấm phá dỡ, xây dựng gây ảnh hưởng xấu đến các công trình có giá trị đặc biệt. Trong trường hợp công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ, phải thực hiện việc xây dựng lại đúng kiến trúc và quy hoạch biệt thự cũ, tuân thủ các quy định hiện hành.
Xung quanh các công trình có giá trị đặc biệt, phải quy hoạch cảnh quan. Đối với công trình có chức năng công cộng, khuyến khích việc dỡ bỏ hàng rào để người dân được tiếp cận, xem xét hồ sơ nhằm công nhận di tích lịch sử văn hóa…
Quy định với công trình có giá trị
Theo Quy chế này, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà công trình công cộng và biệt thự Pháp có giá trị được bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn từng hạng mục hay chỉ bảo tồn kiểu dáng phong cách kiến trúc công trình.
Những công trình này vẫn phải chú ý giữ nguyên mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao công trình. Riêng với biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 thì thực hiện theo quy định của Quy chế quản lý và sử dụng nhà biệt thự xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội.
Công trình công cộng hoặc biệt thự sở hữu công, được phép nâng cấp nội thất bên trong nhưng phải đảm bảo giữ nguyên hình dáng không gian và chi tiết trang trí; được phép nối thông không gian, nâng cấp bề mặt vật liệu nội thất trên cơ sở đảm bảo không ảnh hưởng kết cấu giữ gìn và phát huy đặc điểm kiến trúc gốc.
Đối với biệt thự sở hữu tư nhân, được phép cải tạo nội thất trên cơ sở đảm bảo giữ gìn và phát huy đặc điểm kiến trúc gốc.
Quy chế nghiêm cấm việc phá dỡ, xây dựng gây ảnh hưởng xấu đến những công trình này. Trong trường hợp biệt thự hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, phải thực hiện việc chỉnh trang hoặc xây dựng lại theo đúng kiến trúc và quy hoạch biệt thự cũ theo các quy định pháp luật hiện hành.
Việc cải tạo xây dựng nhà phụ trợ trong thửa đất chỉ được thực hiện trên cơ sở được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, bố trí phía sau công trình cũ, không nhìn thấy từ ngoài phố; khoảng cách với công trình có giá trị tối thiểu bằng 1/3 chiều cao công trình này tính đến viền mái và không nhỏ hơn 5m; chiều cao khuất tầm nhìn từ ngoài phố.
Khuôn viên của các biệt thự có giá trị cũng được Quy chế đặc biệt chú trọng. Theo đó, không được phép xây dựng mới trong phạm vi các không gian mở, sân hay khoảng trống phía sau biệt thự, trừ trường hợp việc bổ sung làm phát huy tích cực giá trị nghệ thuật, kiến trúc tổng thể và có ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư xung quanh. Chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc toàn thửa đất phải tuân thủ quy định về khoảng lùi, mật độ, kiến trúc công trình quy định tại Quy chế.
Xung quanh các biệt thự có giá trị phải được quy hoạch cảnh quan. Đối với các công trình có chức năng công cộng, khuyến khích việc dỡ bỏ hàng rào để người dân được trực tiếp tiếp cận, tạo không gian mở cho khu vực.
Gia Bảo/ Báo Xây dựng