02/06/2022

Nát hành lang thoát lũ, Hà Nội cần một cuộc ‘đại phẫu’

Ngập úng của Hà Nội không phải vì lượng mưa bất thường, theo KTS Trần Huy Ánh, nguyên nhân chủ yếu là do hành lang thoát lũ bị cắt xẻ để phê duyệt các dự án bất động sản.

Sau trận mưa lớn chiều 29/5, các tuyến phố ở Hà Nội thành sông, PV VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội.

Thưa ông, sau trận mưa lớn mới đây, Hà Nội tiếp tục bị ngập úng ở nhiều tuyến phố khi nước không tiêu thoát kịp. Việc thoát úng này so với phương án thoát lũ trước thời điểm Hà Nội mở rộng thế nào?

Từ sau năm 1954 đến nay, Hà Nội vẫn tiếp tục mở rộng san lấp hồ ao để lấy mặt bằng xây dựng các khu tập thể như Thành Công, Ngọc Khánh, Kim Liên…

Tuy nhiên, phương án thoát nước khi đó cũng rất khéo léo: Xây dựng khu dân cư đến đâu, ở đó sẽ hình thành một cái hồ nhân tạo như hồ Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh… tới đó.

Trước đó, những hồ nhân tạo này vốn là các nền đất trũng, được khoét sâu xuống dưới lấy đất để san lấp xây dựng, vừa biến thành những cái hồ chứa nước để điều hoà cho các khu tập thể đó.

Thoát nước Hà Nội đang sử dụng phương án lỗi thời từ cả thế kỷ trước để lại

Nhiều năm qua Hà Nội dựa sông Tô Lịch để thoát nước nội đô mỗi khi mưa lũ, hoặc chia nước sang các khu vực trũng của Từ Liêm, Thanh Trì… Những khu vực đó gọi là vùng bán ngập.

Gần đây, càng đô thị hoá, bê-tông hoá, những vùng bán ngập đó không còn, việc thoát nước càng trở nên khó khăn. Chính vì thế, khi nước chưa kịp đổ vào các con sông đã bị lưu lại trong các khu dân cư… vì mặt bằng nền khu dân cư đã cao hơn, chia cắt các hệ thống thoát nước.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 được công bố, phương án thoát lũ được cải thiện thế nào, thưa ông?

Giai đoạn đầu những năm 2000, Hà Nội chủ trương mở rộng về phía Tây đã cấp hàng loạt dự án khu đô thị ở đây. Những dự án này chủ yếu nằm trong hành lang thoát lũ đã được vẽ từ thời Pháp.

Trong bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 có nhắc tới vấn đề Hành lang xanh, thực chất được vẽ ra nhằm hạn chế xây dựng, giành đất để giữ sinh thái… Bản chất Hành lang xanh nằm trên toàn bộ hành lang thoát lũ sông Đáy của người Pháp xây dựng.

Ngành thoát nước Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ duy nhất: Tìm mọi cách tống khứ nước mưa ra khỏi đô thị khi ngập úng chứ chưa có phương án cân bằng nguồn nước

Tuy nhiên, nhiều dự án bất động sản đã được phê duyệt nằm trên hành lang xanh, hay nói cách khác là nằm trên hành lang thoát lũ.

Các dự án bất động sản đó thực chất đã ngăn chặn, chia cắt hành lang thoát lũ: Chỗ nào trũng thì giữ nước lại, đường thì tràn đi… Khi các khu đô thị ven đường xây dựng, phần trũng nhất lại chính là đường, cho nên cứ mưa to, nền nhà cao hơn nền đường, phố biến thành sông chính là như vậy.

Có thể nhìn thấy rất rõ, những nơi trũng sâu, ngập sâu và đầu tiên chính là những vị trí nền đường chặn ngang qua hành lang xanh/hành lang thoát lũ của Đại lộ Thăng Long, nằm giữa sông Nhuệ, sông Đáy. Vì thế, bao giờ mưa to thì đó là nơi ngập nặng nhất và đầu tiên.

Trong nội thành cũng ngập nhưng thoát nước nhanh. Năm 2008, trận lụt khiến 23 triệu m3 nước bị lưu giữ bên trong thành phố, phải bơm liên tục 1 tuần qua cửa cống Yên Sở mới hết. Đấy là còn may mắn vì nước còn theo được sông Tô Lịch để chảy ra phía Nam.

Bây giờ, sợ nước chưa kịp xuống đến sông để thoát đã bị lưu giữ thành túi nước cục bộ bên trong khu đô thị. Trận mưa chiều ngày 29/5 vừa qua, nhiều tuyến phố biến thành sông nhưng rõ ràng nước sông không lớn, nghĩa là cống thoát ra sông không kịp.

Cần một cuộc “đại phẫu”!

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội

Trước thực tế nước dồn ứ cục bộ trong khu dân cư, không thoát kịp theo đường cống ra sông, xử lý tình huống này như thế nào, thưa ông?

Thay vì sử dụng hệ thống thoát nước chảy tự nhiên từ Tây sang Đông, Bắc xuống Nam theo dòng chảy trôi xuống Yên Sở, Yên Xá sau đó bơm ra sông Hồng, kịch bản đó đã lỗi thời. Với tần suất mưa như thế này, trong lúc chưa có kịch bản mới thay thế, nên sử dụng giải pháp khu trú nước trong từng vùng để thoát nước.

Có những nơi thoát nước tự nhiên, có những nơi thoát nước bắc cầu: Nước không thể tự chảy ra sông thì phải có cách để dẫn nước ra sông bằng bơm cưỡng bức.

Thuật ngữ chuyên ngành gọi là xây dựng các ắc-quy nước, tức là trữ nước lại khi mưa to và sau này sử dụng chính những ắc-quy nước đó để bơm tưới cây, rửa đường… Tiếp theo là có các trạm bơm cưỡng bức, dùng trạm bơm để bơm thoát nước.

Điều này đặt ra những nhiệm vụ rất lâu dài nhưng cũng là cấp bách. Thời điểm hiện tại, chính đơn vị thoát nước của Thủ đô cũng có những lúng túng, phần do mô hình, cách quản trị và năng lực chuyên môn.

Như ông nói, vai trò của Công ty thoát nước Hà Nội không đáp ứng được yêu cầu?

Vai trò ở đây là vai trò tổng thể của việc lập quy hoạch Hà Nội, bao gồm những người lập quy hoạch, thực thi quy hoạch và quản lý đô thị.

Công nhân Công ty thoát nước Hà Nội xử lý ngập úng bằng phương tiện thủ công

Quy hoạch Thủ đô chưa thực sự xứng tầm, đặt ra rất nhiều vấn đề: Thoát nước, chất lượng môi trường kém…

Khi yêu cầu rà soát đánh giá lại, bản rà soát đánh giá lại không hề nhắc đến những yếu kém này. Một bản quy hoạch được xây dựng nhiều năm, có giá trị dài hạn nhưng lại được các nhiệm kỳ ngắn hạn thực thi nên nó để lại những tồn tại, bất cập trong hạ tầng.

Với những tồn tại đó, giải pháp nào để giải quyết dứt điểm, thưa ông?

Vấn đề ngập úng, có thể nói không thành phố nào nói mạnh được, kể cả những thành phố lớn như ở Singapore, Tokyo…

Trận mưa lớn lịch sử ở Nhật Bản năm 1971, dù họ đã đề phòng các tình huống thoát lũ nhưng vẫn không đối phó kịp với lượng mưa lớn, triều cường. Sau đó, Nhật Bản tính phương án đào hẳn một một bể chứa 23 triệu m3 nước ngầm nằm bên dưới một công viên với độ sâu dưới 50m.

Công nhân xử lý ngập úng của Công ty thoát nước Hà Nội

Singapore cũng là một quốc gia cực quý nước: Mưa càng to, người ta càng trữ nước để tích luỹ. Họ xây dựng đập ngăn nước mặn, đến một thời điểm nếu thấy cần thiết mới xả nước mưa đi, còn không giữ lại hết.

Về lâu dài Hà Nội cũng thế. Bây giờ nhìn thấy úng ngập thì rất khó chịu, nhưng cần biết một điều, biến đổi khí hậu bao giờ cũng đi kèm nhau, có úng ngập sẽ có khô hạn….

Ở nước ngoài, nhiệm vụ cấp thoát nước không chỉ cứ chăm chăm tống nước đi để hết ngập, mà còn có nhiệm vụ giữ nước lại để sử dụng cho những ngày khô hạn. Đó là bài toán cân bằng nước, đòi hỏi phải trữ nước. Mà trữ nước, không ai cất giữ nước thối cả, phải là nước sạch. Như vậy, phải có cả thoát nước, xử lý nước thải và lưu trữ nước, kết hợp với các công trình ngầm khác nữa.

Hà Nội đang sử dụng bài toán thoát nước của những thế kỷ trước, thừa kế lại phương án thoát nước đã xưa cũ, không còn phù hợp. Nhưng, không có ai đứng lên nói phương án đó là không còn phù hợp, nên vẫn cứ loay hoay.

Diện tích Thủ đô trong những năm qua đã tăng gấp 10 lần diện tích tự nhiên (so sánh từ năm 2003 đến 2022), dân số tăng gấp 2. Như vậy, việc con người chiếm hữu không gian của thiên nhiên là vô cùng nhiều. Việc đầu tư ngược lại để nâng cao chất lượng sống cho khu đô thị là hạn chế, nếu như không nói là cạn kiệt.

Xin cảm ơn ông!

Kiên Trung/Vietnamnet