Hà Nội cứ mưa là ngập: Chức năng lưu thoát nước của các hồ điều hòa đang tê liệt?
Theo KTS Trần Huy Ánh, sông Tô Lịch có thể chứa khoảng 23 triệu m3 nước, tương đương tất cả các hồ ở Hà Nội cộng lại. Nếu khai thác được sức chứa của con sông này, Hà Nội có thể giảm tình trạng ngập nước diện rộng mỗi khi mưa lớn.
Ngày 29/5, Hà Nội có mưa lớn khiến cho hàng loạt phố phường ngập sâu. Các phương tiện chết máy, “chôn chân” giữa biển nước là cảnh phổ biến trên rất nhiều tuyến phố. Tầng hầm của hàng loạt chung cư, khu đô thị cũng ngập đầy nước. Đây là tình trạng thường thấy ở Thủ đô mỗi khi có mưa lớn.
Nhiều KĐT đang nằm trên hành lang thoát lũ
Trao đổi với người viết, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng hiện nay của Hà Nội.
“Trước khi mở rộng vào năm 2008, Hà Nội có một trận mưa lớn trên diện rộng, mưa ngập sâu, thời gian ngập kéo dài. Đây không phải đợt ngập úng đầu tiên của Hà Nội. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, đã có những lần bờ hồ Hoàn Kiếm ngập hơn nửa mét; bờ hồ công viên Thống Nhất ngập đến ngang bụng; những khu như Đội Cấn cũng ngập úng nghiêm trọng…
Ngập úng là hệ quả của một quá trình đô thị hóa. Với một đô thị trẻ như Hà Nội, tình trạng này không phải là điều xa lạ. Tuy nhiên, đợt ngập năm 2008 đã báo hiệu cho một quá trình đô thị hóa quá mức của Hà Nội mà quên đi nhiệm vụ ban đầu là xây dựng một thành phố khô ráo, an toàn.
Trước bối cảnh đó, Hà Nội đã lên kế hoạch mở rộng địa giới, đến năm 2011 phê duyệt quy hoạch chung với mục tiêu giải quyết ngập úng, tắc nghẽn giao thông, thiếu hụt không gian xanh… Tuy nhiên, sau 10 năm, tình trạng ngập úng vẫn dai dẳng mỗi lúc mưa to.
Trong quy hoạch chung phê duyệt năm 2011 xuất hiện khái niệm mô hình hành lang xanh (sông Nhuệ, sông Tích, sông Đà), bản chất là nằm trên hành lang thoát lũ do người Pháp quy hoạch từ những năm 1905 và đập Đáy được hoàn thành vào năm 1937 để phòng lũ cho sông Hồng.
Những công trình này nằm trong quy hoạch từng được người Pháp làm rất bài bản: Vùng đất cao thì dân ở, chỗ thấp thì làm ruộng, thấp hơn nữa thì nuôi cá, còn hành lang thoát lũ là không được làm gì.
Sau khi có hồ Hòa Bình để thoát lũ, nước sông Hồng giảm, không còn lũ lớn, hành lang thoát lũ gần như không có nước. Thấm thoắt, khu vực hành lang thoát lũ trống trải được đưa vào để làm đô thị, đây chính là nguồn cơn gây nên tình trạng ngập lụt ở khu vực đê chắn giữa hành lang thoát lũ, chính là Đại lộ Thăng Long hiện nay.
Ngập nước ở Đại lộ Thăng Long nhiều năm qua là cái nhiều người nhìn thấy được, nhưng ít ai biết rằng nước còn ngập tràn vào tầng hầm các khu đô thị. Thậm chí, có những ngôi làng ở ngoại thành ngập hàng mét cũng không nhiều người biết. Đến bây giờ Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai vẫn thường xảy ra ngập sâu.
Bên cạnh đó, các khu vực khác của Hà Nội như khu vực Tả Hữu Nhuệ, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các khu đô thị mới chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa nên vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.
Sau này, khi Hà Nội mở rộng nội thành, rất nhiều vùng trũng như mặt hồ nước, ao và phần bán ngập đã được san lấp. Những khu đô thị mới từ Linh Đàm đến Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy phần lớn là xây dựng dựa trên lấp ruộng trũng, vì vậy tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng.
Trong khi đó, các đồ án quy hoạch phân khu lại chưa thể chỉ ra thông số kỹ thuật cụ thể để dự báo vị trí nào có nguy cơ ngập úng, dẫn đến chưa đảm bảo nhu cầu sống sạch sẽ, khô ráo cho người dân”, ông Ánh lý giải.
Hệ thống liên hồ đang tê liệt
Hà Nội là thành phố có nhiều sông, hồ, nhờ một phần của sông Hồng bồi lấp, kiến tạo nên những vùng đất cao. Ở phía Nam, Tây Nam Hà Nội có rất nhiều làng, xóm ở lẫn với các đầm, hồ.
Các hồ nước bên cạnh điều hòa khí hậu, tích trữ nước còn có vai trò điều tiết nước mưa, giảm ngập úng cho các khu đô thị. Song khi bước vào mùa mưa, có thể thấy chức năng của các hồ ở Hà Nội chưa được thể hiện rõ nét.
Theo tài liệu Khoa học kỹ thuật Thủy lợi và Môi trường – Trường Đại học Thủy Lợi, hệ thống hồ điều hòa ở khu vực nội thành Hà Nội được chia thành 3 khu vực: thượng lưu, trung lưu và hạ lưu.
Khu vực thượng lưu gồm hai hồ hồ Tây và hồ Trúc Bạch với tổng diện tích mặt hồ là 589 ha. Khu vực trung lưu gồm 20 hồ vừa và nhỏ nằm rải rác ở các lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, tổng diện tích mặt nước là 131,7 ha. Khu vực hạ lưu Nhóm hồ này bao gồm 3 hồ lớn: Hồ Yên Sở (137 ha), Hồ Linh Đàm (76 ha), Hồ Định Công (19,2 ha).
KTS Trần Huy Ánh cho hay, các hồ ở Hà Nội không hoạt động độc lập, mà nằm trong hệ thống liên hồ, hồ nọ dẫn hồ kia, nên mới có khái niệm là hồ điều hòa. Các hồ sẽ được kết nối thông qua đường sông, kênh, cống tràn qua lại các vùng trũng với nhau.
Ví dụ Hồ Gươm sẽ thông với hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu, hồ Ba Mẫu. Sông Tô Lịch kết nối các hồ từ Bắc xuống Nam của Hà Nội, có vai trò thu gom nước thải sinh hoạt và nước mưa từ các hồ, đổ xuống Yên Sở để lọc, sau đó đổ ra sông Hồng.
“Những trận mưa ngập úng vừa qua, dễ thấy nước sông Tô Lịch không hề dâng cao, trong khi hồ Tây, hồ Thủ Lệ… thừa nước theo lý thuyết phải đổ về Tô Lịch.
Như vậy, có thể thấy chức năng điều hòa của các hồ không phát huy tác dụng, hệ thống liên hồ bị tê liệt. Nước mưa ở đường phố đi vào cống nhiều rác thải nên không đổ được về hồ, hồ không đổ được về sông. Dù vậy, các cơ quan theo dõi thoát nước vẫn chưa có con số thống kê hoạt động liên hồ nói trên.
Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020, nhiều hồ nước tại Hà Nội sắp bị lấp để làm nhà, làm đường, các dự án phát triển đô thị. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là nước mưa sẽ đổ hết vào các đường phố nội thành, trong khi đó các hồ mới được đào lại không đáng kể.
Như vậy, việc phát triển các hồ điều hòa đang thiếu lộ trình, thiếu tầm nhìn. Quy hoạch thường phải có tầm nhìn hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, nhưng với nhiệm kỳ 5 năm như hiện nay, các nhà quản trị khó đưa ra tầm nhìn dài hạn đúng đắn”, vị KTS nhìn nhận.
Nên tận dụng sông Tô Lịch để chứa nước
Đi tìm lời giải cho bài toán ngập lụt ở Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh, Hà Nội không nên đưa ra những giải pháp mang tính tạm thời mà phải có lộ trình rõ ràng, chỉ số cụ thể, ví dụ trong 5 năm phải đặt mục tiêu giải quyết 5%, trong 10 năm giải quyết 20%…
“Cần lưu ý là việc thoát nước và xử lý nước là hai mặt của một công việc. Hà Nội luôn úng ngập trong mùa mưa nhưng lại thiếu nước sạch trong mùa khô, đó là thách thức môi trường chúng ta nhận thức được nhưng chưa có giải pháp ứng phó.
Đào thêm hồ điều hòa là điều tốt, nhưng sẽ tối ưu nhất nếu Hà Nội có một kịch bản tổng thể. Kịch bản tốt nhất tận là dụng sông Tô Lịch thành một hồ chứa nước, bởi dòng sông này dài 17 km, dung lượng chứa khoảng 23 triệu m3 nước, tương đương tất cả các hồ ở Hà Nội cộng lại.
Dưới góc nhìn của tôi, việc cải tạo sông Tô Lịch làm nơi chứa nước là điều khả thi. Sông Seine (Paris, Pháp) hay sông Thames (London, Anh) thời kỳ tiền công nghiệp từng ô nhiễm nặng, nay đã cải tạo thành công. Kết quả này đến từ lộ trình dài hơi chứ không thể thực hiện trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, cần tích hợp thoát nước với việc ngầm hóa đô thị. Hiện nay các dự án công trình ngầm, thoát nước ngầm, giao thông ngầm, bãi đỗ xe ngầm, cất giữ nước ngầm… vẫn chưa được lồng ghép đồng bộ với nhau.
Trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới, theo tôi Hà Nội cần có chiến lược thoát nước, xử lý nước thải tích hợp nhiều giải pháp nhằm đạt đa mục tiêu. Phân thành ba khu vực để có giải pháp cụ thể: Nội thành, các khu đô thị mới ven đô và vùng nông thôn, nhất là vùng trũng ngập, hành lang thoát lũ”, theo ông Ánh.
Hoàng Huy/Doanh nghiệp và Kinh doanh