05/09/2021

Tác động của dịch Covid-19 – nhìn nhận thêm về kiến trúc và đô thị

(KTVN 235) – Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã đang gây ra sự đảo lộn nhiều mặt của đời sống tính mạng con người, dẫn đến việc đánh giá lại không gian đô thị sau những tác động để tạo nên một kỷ nguyên thay đổi chưa từng có. Điều này buộc chúng ta phải xem xét lại niềm tin của mình về hình thái đô thị tối ưu cũng như mục đích của hoạt động quy hoạch. Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 được coi cơ hội để hiểu biết toàn diện hơn về cách thức hình thành môi trường xây dựng thời hiện đại.

Việt Nam cũng phải nỗ lực từng ngày để vượt qua đại dịch

COVID-19 đã đặt ra yêu cầu thay đổi mang tính đột phá đối với hệ thống xã hội, kinh tế và chính trị toàn cầu. Trước khi dịch bệnh trên xảy ra, thế giới thường diễn ra một loạt tranh chấp khu vực cũng như xung đột. Trong đa số các tình huống như vậy, ít có thỏa thuận hợp nhất nào đạt được. Tuy nhiên, COVID-19 đã phần nào khiến các cộng đồng trên thế giới đoàn kết hơn nhằm vượt qua nghịch cảnh.

Một mặt, đại dịch nguy hiểm trên đã khiến cuộc sống hàng triệu người bị đảo lộn; Một số giải pháp khả thi chính là các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội với hy vọng vắc-xin sẽ sớm xuất hiện để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Mặt khác, COVID-19 cũng có thể nhìn nhận như một cơ hội, góp phần khắc phục hạn chế trong hệ thống toàn cầu trước khi đại dịch bùng phát. Sự kiện này chẳng những tạo nên bước khởi đầu mang tính cách mạng về kinh tế và trí tuệ, mà còn cho ra đời kỷ nguyên mới trong nhận thức của các quốc gia đối với vai trò của kiến trúc sư, nhà thiết kế đô thị và nhà quy hoạch thành phố.

SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA COVID-19 MỘT SỐ ĐẠI DỊCH TRONG LỊCH SỬ ĐẾN KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ

 Trong lịch sử, thế giới từng chứng kiến một loạt đại dịch như Dịch hạch năm 1720, Dịch tả năm 1820, Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, HIV năm 1985 và Đại dịch SARS năm 2003. Chính những tai ương trên đã củng cố sức mạnh, khả năng đương đầu của con người khi đứng trước nghịch cảnh éo le. Ngoài ra, các nghiên cứu liên quan đến đại dịch đã làm sáng tỏ nhiều phương thức thay đổi trong đời sống, đặc biệt là trong kiến trúc đô thị khi thời kỳ khủng hoảng sức khỏe bùng nổ.

Đại dịch COVID – 19 đã tác động tới cuộc sống người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới…

Không gian đô thị tại nhiều thành phố khác ở châu Âu cũng chứa đựng lời nhắc nhở về những dịch bệnh trong quá khứ. Chẳng hạn, nước Cộng hòa Ragusa (ngày nay là tỉnh Dubrovnik thuộc Croatia) từng chọn đảo Mljet để thành lập nên bệnh viện điều trị bệnh dịch hạch, đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên trên thế giới chuyên sâu về một bệnh, do nhà nước tài trợ kinh phí, đã mở đường cho các bệnh viện khác cùng loại trên khắp châu Âu về sau này. Bên cạnh đó, nhiều vùng lãnh thổ và tòa nhà được chỉ định và xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ dịch bệnh khác vẫn tồn tại đến nay, chẳng hạn như đảo cách ly Lazaretto Vecchio trong đầm phá của Venice.

Bàn về COVID-19, có thể thấy dịch bệnh đã đem lại một số tác động tích cực đến môi trường đô thị. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lượng khí thải carbon cùng tình trạng ô nhiễm từ ngành công nghiệp tại Trung Quốc đã giảm đi đáng kể, từ thời điểm đại dịch mới bùng phát ở đất nước này. Sự hạn chế hoạt động sản xuất giúp không gian sống của người dân trở nên trong lành hơn, dẫn đến hiện tượng các loài động vật hoang dã bất ngờ xuất hiện tại một số nơi.

Lượng khí thải carbon từ phương tiện giao thông đô thị, bao gồm cả ô tô và máy bay được giảm bớt, góp phần cải thiện chất lượng không khí, loại bỏ lớp khói bụi dày đặc vốn đã thống trị cảnh quan môi trường các thành phố suốt thời gian dài, đặc biệt là tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước đang phát triển.

Hàng trăm hình ảnh được chia sẻ thông qua các kênh vệ tinh và mạng xã hội như chứng minh một điều rằng: Nếu thế giới ngừng tất cả các hoạt động không cần thiết thì sẽ có thể giảm ô nhiễm không khí. Duy trì hoạt động tự cách ly tại nhà của người dân là điều cần thiết để cải thiện chất lượng môi trường, đặc biệt ở các thành phố lớn. Hạn chế hoạt động sản xuất không cần thiết trong các nhà máy và đi lại trên đường phố sẽ làm giảm phát thải các chất gây ô nhiễm, những hạt lơ lửng trong không khí, từ đó giúp môi trường trong lành hơn.

Các thành phố ở Châu Âu đã thực hiện những thay đổi căn bản về cơ sở hạ tầng, sự hiện diện của các công viên công cộng được xem như sự phản ứng với các chu kỳ dịch bệnh trong thế kỷ 18 và 19

Đồng thời, COVID-19 cũng mang tới không ít tác động tiêu cực cũng như bất bình đẳng trong xã hội. Đại dịch khiến tốc độ hoạt động điên cuồng trong xã hội hiện đại trở nên chậm lại cùng tác động tới nền văn hóa tương tác xã hội. Người dân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết giữa nhu cầu giao tiếp xã hội và các yêu cầu nghiêm ngặt liên quan đến hoạt động giãn cách. Nhóm người   có hoàn cảnh khó khăn buộc phải ra ngoài kiếm sống, không thể ở nhà mãi, vì nguồn thu nhập của họ dựa trên chính công việc hàng ngày.

Công viên đô thị thành những nơi thể hiện sự cô lập và cô đơn trong mùa dịch (Washington DC)

Các tầng lớp giàu có ít khó khăn hơn trong việc chọn thời điểm tương tác xã hội; Họ không chịu nhiều áp lực từ cuộc sống mưu sinh, đồng thời đủ khả năng cùng nguồn lực để duy trì hoạt động cách ly cá nhân. Hơn thế, nhóm đối tượng thu nhập thấp cũng được xem như một lực lượng quan trọng, đóng vai trò phục vụ cho cuộc sống của những người thuộc tầng lớp cao. Trên thực tế, các thành phố lớn trên thế giới không hoàn toàn vắng vẻ như truyền thông đã phản ánh. Chỉ cần rời khỏi những khu vực trung tâm hào nhoáng, chịu khó di chuyển đến những nơi góc khuất, ngõ hẻm, sẽ dễ dàng nhận thấy không ít người tới cửa hàng, nhà máy, tiệm bánh từ sáng sớm để chuẩn bị những thứ mà nhóm đối tượng có thu nhập cao cần rồi nhận thù lao từ họ.

Sự gắn kết cộng đồng và bình đẳng cần nhận được sự quan tâm đúng mức

Chính sự biểu hiện giàu nghèo trong cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đặt ra những câu hỏi quan trọng cho các nhà quy hoạch rằng, cần thiết kế khu dân cư thế nào, sự chia rẽ xã hội có tạo nên những hình thái kiến trúc mới, được gọi là kiến trúc của sự cô lập hay tách biệt không? Có thể xem cộng đồng sống biệt lập trong khu vực kín cổng cao tường là một giải pháp an toàn và tối ưu trong thời điểm đại dịch bùng phát không? Ngoài ra, tăng cường nỗ lực trong việc nhân bản hóa lĩnh vực nhà ở, không gian mở cho toàn thành phố sẽ là đặc trưng của kiến trúc và mô hình đô thị thời COVID-19. Hơn thế, cần tìm ra những giải pháp quy hoạch đô thị phù hợp nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động cách ly xã hội.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM VỀ KIẾN TRÚC VÀ ĐÔTHỊ

 Thứ nhất, từ quy hoạch thành phố đến cộng đồng bền vững

 Cần nhận thức rõ vai trò của người dân trong hoạt động quy hoạch. Cuộc khủng hoảng khẳng định rằng quy hoạch không chỉ giới hạn trong khía cạnh vật chất của một thành phố, mà còn liên quan đến sự tham gia của người dân. Hoạt động sử dụng mạng Internet nhằm đưa ra các phản biện xã hội trong cộng đồng đang ngày một phổ biến hơn. Vì vậy các nhà quy hoạch và thiết kế thành phố cần nhận ra tầm quan trọng của việc tương tác với người dân địa phương.

Thành phố Doha (Thủ đô của Qatar) đang xem xét lại thiết kế khu dân cư nhằm khuyến khích khả năng đi bộ cùng sự hiện diện của các không gian công cộng

Nhìn nhận lại vai trò của Mô hình đô thị nén.

 Mô hình đô thị nén góp phần nâng cao tính tương tác xã hội, tiết kiệm đất đai, đồng thời giúp hoạt động kiểm soát  dịch  bệnh  khi cần thiết được tiến hành tốt hơn. Trong một không gian thành phố chật hẹp, biện pháp giãn cách xã hội khi đại bệnh diễn ra sẽ đối mặt với những khó khăn nhất định. Nhưng mặt khác, mô hình đô thị nén vẫn đem lại không ít lợi ích, chẳng hạn như giúp con người dễ dàng tiếp cận được với các dịch vụ cơ bản và chăm sóc y tế. Một thành phố nhỏ gọn với quy hoạch bài bản sẽ rút ngắn thời gian đi lại của cư dân, góp phần giúp môi trường xanh-sạch hơn bằng việc giảm ô nhiễm tiếng ồn cùng những hoạt động tiêu thụ năng lượng và nhiên liệu hóa thạch.

Đáng chú ý hơn, mạng lưới C40 (nhóm các siêu đô thị trên thế giới) còn bày tỏ sự hoan nghênh đối với mô hình “thành phố 15 phút”. Một mô hình cho phép mọi người có thể di chuyển đến địa điểm họ mong muốn tại nơi sinh sống chỉ với 15 phút sử dụng xe đạp, phương tiện công cộng hoặc đi bộ. Trên thực tế, kết nối chặt chẽ giữa công sở và nơi ở thay vì biệt lập là vấn đề đã xuất hiện từ nhiều thập niên trước đây.

Cư dân tại Washington DC tuyên bố nâng cao tính hòa đồng và trẻ hóa cho một không gian công cộng, không dành cho ô tô

Cần phân bổ hợp dân số giữa thành thị và nông thôn, nhu cầu đi lại bằng ô tô tăng lên đã được ghi nhận trong thời điểm COVID-19 bùng phát, đảo ngược sự suy giảm diễn ra tại nhiều quốc gia kể từ cuối thế kỷ 20. Đây được xem như yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới việc thiết lập thành phố nhỏ gọn, do vậy cần có giải pháp phù hợp cho vấn đề này.

Các làng, thị trấn nhỏ dễ dàng được cô lập và bảo vệ hơn các thành phố lớn khi dịch bệnh diễn ra; bên cạnh đó những khu vực này còn đóng vai trò nâng cao hoạt động tương tác xã hội khi cần thiết. Vì vậy, các nhà quy hoạch nên thúc đẩy các tiểu vùng được kết nối hiệu quả bởi giao thông công cộng, trong khi vẫn duy trì được tính tự túc trong nội bộ từng khu vực.

Động lực hướng tới quy hoạch đô thị dựa trên quan điểm con người nên trở về nông thôn nhằm tránh những tệ nạn hay hiểm nguy trong các thành phố lớn đã sớm xuất hiện từ thế kỷ 19. Những phong trào thành phố vườn và ý tưởng về các thị trấn mới đã phản ánh mối quan tâm trên. Việc phân bổ hoạt động liên quan đến nhà ở, công nghiệp và dịch vụ đến các đô thị mật độ thưa thớt và vùng ven xa thành phố trung tâm từng  là vấn đề cấp thiết trong quá khứ, và vẫn là bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong giai đoạn đầy khó khăn như hiện nay. Chính sự phân bổ dân cư hợp lý sẽ giúp hoạt động kiểm soát dịch bệnh được thực hiện tốt hơn.

 Thứ hai, hình dung về nhà ở trong thời kỳ hậu COVID-19

Hơn bao giờ hết, đại dịch đã nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà ở với sức khỏe và cuộc sống. Nói cách khác, đó có thể xem như một nơi an toàn phục vụ cho công việc, hoạt động giáo dục và an ninh trong mùa dịch; chính điều này đã dẫn đến nhiều nhu cầu mới cho người sử dụng nơi ở của mình.

Các nhà đầu tư bất động sản sẽ vì thế  phải chịu thêm những áp lực khác từ phía khách hàng. Tiêu chí đối với các dự án nhà ở là liệu chúng có đem lại sự cách ly tối ưu không nếu kịch bản đại dịch tiếp tục kéo dài. Điểm đáng quan tâm của các khu dân cư nằm ở việc chúng tạo điều kiện cho cuộc sống lành mạnh, an toàn cho xã hội ra sao, đồng thời trong khu vực cách ly, các dịch vụ dành cho cho trẻ em và gia đình được cung cấp thế nào.

Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của con người không thể chỉ dựa vào ngôi nhà của họ, mà ngay cả các khu vực lân cận cũng đóng vai trò quan trọng, do vậy cần lưu ý một số điểm như sau:

(1)Tính an toàn và hợp lý của việc di chuyển đến và đi từ nhà.

(2) Khả năng kết nối với thiên nhiên thông qua sân/sân thượng/ban công/vườn trên mái/sân trước hoặc

(3) Giá trị của cuộc sống địa phương thông qua khu vực lân cận và cộng đồng của nó.

(4) Cuối cùng, công bằng đô thị giữa các khu vực cộng đồng là rất cần thiết vì các khu vực nghèo, đông đúc, thiếu dịch vụ có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.

Đô thị đương đại tại nhiều quốc gia trên thế giới đang trải qua quá trình đô thị hóa tăng tốc. Đồng thời, những nơi đông đúc không được quan tâm sát sao dễ là khu vực bị tấn công nhất bởi đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động cô lập một cách cưỡng chế cũng gây nên không ít khó khăn lẫn căng thẳng trong các khu vực dân cư khắp thế giới. Trên thực tế, việc đối phó và cân bằng cuộc sống mới là giải pháp lâu dài; Đặc biệt sau khi chúng ta đã ý thức được sự xuất hiện và lây lan của nhiều đại dịch, thực chất là sự trừng phạt dành cho con người sau những tác động tiêu cực họ tạo ra cho môi trường, hệ sinh thái bên cạnh sự phát triển tự phát của các đô thị.

Hình ảnh ghi lại trước và sau sự chuyển đổi của các đường phố trung tâm đô thị ở Doha nhằm phù hợp với giao thông công cộng, vỉa hè hoạt động và không gian xanh

Một trong những vấn đề quan trọng trong giai đoạn cách ly dịch bệnh là mối quan hệ giữa nhà ởvới thiên nhiên. Các yếu tố củng cố mối quan hệ này chính là ban công, sân vườn, mái nhà, sân trong cùng các yếu tố đảm bảo ánh sáng và thông gió tự nhiên khác.

Thứ ba, suy nghĩ lại không gian đô thị

 Dưới tác động của đại dịch, nhiều bảo tàng và di sản văn hóa phải đóng cửa, các buổi hòa nhạc bị hủy bỏ và không ít rạp chiếu phim đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên cũng trong bối cảnh này, những sáng kiến kỹ thuật số mới đã được phát triển nhằm đối phó với thực trạng không gian văn hóa bị hạn chế. Dù cuộc chiến với COVID-19 yêu cầu nghiêm ngặt hoạt động cô lập và giãn cách xã hội, nhưng nhờ mật độ cao mà hệ thống đô thị vẫn hoạt động một cách hiệu quả, trong khi những nơi mật độ thấp lại cho phép người dân tiếp cận tốt hơn với không gian thiên nhiên và tài nguyên địa phương.

Suy nghĩ lại về không gian đô thị là một thách thức lớn khi sinh hoạt cộng đồng đã trở thành nhu cầu cơ bản của cá nhân lẫn tập thể. Trong nhiều tháng đóng cửa, nhu cầu sử dụng công viên và không gian công cộng trở nên cao hơn, tạo ra một loạt  tranh luận về cách các thành phố phân bổ không gian hoặc thay đổi những con phố và vỉa hè đông đúc nhằm phục vụ cho cộng đồng.

Một tác động của COVID-19 là khiến người dân thành thị cần nhiều không gian ngoài trời hơn để đi lại, ăn uống, giao lưu và tập thể dục. Trong giai đoạn đóng cửa, nhiều gia đình bắt đầu nhận thấy việc ở nhà suốt thời gian dài là vô cùng bất ổn. Bởi vậy, không gian mở, công cộng cùng không gian xanh chẳng những chỉ nhằm mục đích làm đẹp thành phố, mà việc sử dụng các khu vực này của cư dân là rất đáng kể.

Chẳng hạn, Cơ quan Quy hoạch Đô thị Qatar vừa bắt đầu nêu rõ chiến lược quốc gia về không gian mở, xanh và giải trí. Kỷ nguyên COVID-19 đang mở đường cho hoạt động di chuyển đô thị dựa trên phân cấp, thúc đẩy phát triển theo định hướng giao thông (TOD), tạo ra hệ thống phân cấp các trung tâm  đô  thị  được trang bị  tiện ích phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Việc hiện thực hóa mô hình đô thị mới đã thôi thúc cơ quan chức năng như sở quy hoạch đô thị và các gia đình tìm ra giải pháp nhằm đảm bảo những ngôi nhà và không gian thành phố bền vững hơn.

Làn sóng đường phố thông thoáng, hạn chế đáng kể phương tiện giao thông đã xuất hiện tại nhiều thành phố trên thế giới từ Washington DC, thủ đô Hoa Kỳ cho đến các thành phố nhỏ ở châu Âu và châu Á. Những khu vực thoáng  đãng  và  năng  động  này sẽ giúp người dân dễ dàng di chuyển đến nhiều không gian xanh hơn. Nhưng đồng thời, không ít hoạt động tại công viên và không gian xanh trong mùa dịch cũng tiềm ẩn sự bất bình đẳng nhất định, bởi nhóm  người nghèo khổ thường gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực này.

Một động thái nhằm nâng cao vai trò của không gian xanh và công cộng ở Qatar đã xuất hiện khắp thành phố Doha cùng một số nơi khác. Ngoài ra, một dự án độc lập nhằm tạo ra chiến lược quốc gia về không gian mở và giải trí đã được tổ chức nhằm giúp các thành phố ở Qatar chuẩn bị tốt hơn cho thời kỳ hậu COVID-19.

Tại nhiều thành phố đương đại của Mỹ, hiện tượng trên đã được ghi nhận trong hoạt động của những tổ chức phi lợi nhuận bao gồm Dự án Không Gian Công Cộng (PPP) và Dự án Thúc đẩy Phục hồi cho các Thành phố (RCC). Các nhà chức trách tại đất nước này hiểu rằng, công viên hay khu vực cho cộng đồng không thể chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ hấp dẫn đến những người có mức thu nhập cao, mà còn cần tạo điều kiện tiếp cận với không gian tự nhiên như rừng, thung lũng, bờ sông cho nhóm đối tượng khó khăn. Thực tế trên như sự nhấn mạnh quyền được thưởng ngoạn thiên nhiên của người dân thành phố thông qua nhà ở hoặc không gian tự nhiên trong khu vực lân cận của họ.

KẾT LUẬN

Đại dịch hiện nay đã cho thấy xã hội và thành phố có khả năng biến đổi và thích  ứng nhanh chóng. Việc tránh trở lại hiện trạng trước đại dịch, thay vào đó là chuyển đổi các thành phố trên toàn cầu  nhằm  phục hồi, hòa nhập, xanh và bền vững kinh tế trong tương lai chưa bao giờ cấp bách hơn. Cần phải có quy mô thành phố nhỏ  gọn hơn giống như thị trấn. Đồng thời, cần phải chuyển sang một đô thị nén chặt hơn. Việc di chuyển như vậy phải đi đôi với sự hiểu biết về  mật độ  đô  thị, nếu không sẽ  có thể gây nên những bất ổn trong cộng đồng  xã hội.

Về kiến trúc, cả nơi ở lẫn nơi làm việc đều cần được xem xét lại để phù hợp hơn với các mô hình sử dụng  trong thời gian giãn cách kéo dài. Hoạt động đóng cửa và cách ly xã hội đã nâng cao nhận thức, giúp con người hiểu rõ hơn những yêu cầu và nhu cầu của gia đình về không gian. Do đó, điều quan trọng là phải đánh giá cao giá trị con người, nắm bắt tường tận bối cảnh xã hội và văn hóa cùng những chênh lệch về không gian, nhằm tránh các giải pháp rập khuôn, cứng nhắc sau  này.

Cuối  cùng,  những nhà  quy   hoạch đô thị cần ý thức rằng, để nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội không trở thành nạn nhân chính của đại dịch, không gian dân cư và công cộng cần được trang bị các tiện ích thiết yếu nhằm ít nhất có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Hơn cả, chính  sự gắn kết mạnh mẽ giữa các cộng đồng trong xã hội sẽ là sức mạnh to  lớn giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó  khăn này./.