07/08/2015

Đài tưởng niệm núi Nhạn: Đỉnh cao của ngôn ngữ kiến trúc

Nói về KTS Lê Hiệp, cố KTS Đặng Tố Tuấn đánh giá: “Những đài tưởng niệm Lê Hiệp làm không phải là những công trình tưởng niệm có mô tuyp cũ mòn. Ông ấy là người không dễ chấp nhận đi trên những con đường quen thuộc”. Với đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Phú Yên (đài tưởng niệm Núi Nhạn), KTS Lê Hiệp giải một bài toán hóc búa chưa có tiền lệ: Làm mới một công trình trên nền tảng cũ.

Công trình đoạt giải Ba – Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc năm 2008 và KTS Lê Hiệp được tỉnh Phú Yên trao tặng giải Văn học Nghệ thuật Phú Yên giai đoạn 2006 – 2010. Mặc dù là người có vai trò quan trọng trong việc thiết kế, xây dựng tượng đài nhưng khi nói về đài tưởng niệm Núi Nhạn, KTS Lê Hiệp thường khiêm tốn: “Tôi đâu có đề xuất nào mới mẻ hơn”.

Tượng đài không nhất thiết phải có tượng

Năm 1983 tỉnh Phú Khánh (gồm hai tỉnh tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay), quyết định đầu tư xây dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ trên núi Nhạn. Theo thiết kế của nhóm tác giả đứng đầu là KTS Tô Định, công trình bao gồm bảo tàng trưng bày ở bên dưới, phần trên là tháp đài cao 30 mét, tựa lưng vào tháp là một bà mẹ soi đuốc, một chiến sĩ cầm súng xông lên, một em bé cầm sách đi học. Dự kiến tượng đài quay mặt về hướng Tây Nam, nhìn về cánh đồng lúa Tuy Hòa. Từ trên nhìn xuống là ngôi sao năm cánh, hình khối toàn bộ công trình như cánh chim nhạn tung bay về hướng Tây.

Tuy nhiên khi thi công lên đến sàn mái và một phần trụ đài, thì xảy ra sự cố, xuất hiện các vết nứt ở hai cánh mái sảnh chính (phía Tây – Nam). Việc xử lý sự cố kéo dài, rồi ngừng hẳn khi tách tỉnh Phú Khánh. Đến năm1987, lãnh đạo tỉnh đặt vấn đề làm tiếp tượng đài trên núi Nhạn. Địa phương đã mở một cuộc thi trong cả nước với yêu cầu tận dụng phần đã xây nhưng phải đổi mới về hình thức. Có gần 10 phương án dự thi, đều sử dụng tượng người, trừ phương án của KTS Lê Hiệp. Ông tâm sự: “Tôi sử dụng ngôn ngữ kiến trúc để diễn tả hình tượng, đó chính là nét mới so với ý niệm cũ rằng cứ xây tượng đài thì nhất thiết phải có tượng”.

Nhận thiết kế công trình tượng đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tỉnh Phú Yên khi công trình đang trong quá trình xây dựng dang dở, đối với KTS Lê Hiệp thì đây là một việc khó nếu như không muốn nói là cực khó: Đối với công trình làm mới hoàn toàn, thì cái khó trong tìm “tứ”, thể hiện hình tượng là một nhẽ. Đằng này, phải khắc phục sự cố, sử dụng lại khối công trình dở dang và có được hình tượng nghệ thuật mới, phù hợp, rồi tự thân công trình cũng có chức năng sử dụng cộng đồng, phải nghiên cứu tổ chức dây chuyền hoạt động hợp lý, đặc biệt là cho nghi lễ…

Tuy vậy, vượt lên trên mọi khó khăn, KTS Lê Hiệp đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ của kiến trúc để nói lên được câu chuyện của tâm linh. Hình ảnh một đàn chim nhạn nối nhau bay cao, bay xa như linh hồn những liệt sĩ của đất mẹ Phú Yên đang cùng cháu con hướng ra biển lớn đón ánh mặt trời. Ông đã làm cho những khối bê tông cất lên thành tiếng nói, làm cho từng cây cột có thể cất lên tiếng hát của mình.

“Phù thuỷ” của những tượng đài

Cùng với đó, KTS Lê Hiệp đã có một ý tưởng táo bạo khi xoay ngược hướng vào chính của tượng đài. Cụ thể, theo thiết kế ban đầu công trình quay về hướng Tây – Nam nhưng khi trực tiếp đến thực địa, ông đã nhận ra điểm mâu thuẫn. Chia sẻ về quyết định này, ông nói: “Nếu quay về hướng Tây – Nam thì không có sự “đối thoại”, thậm chí là “đấu lưng” giữa tượng đài và tháp Nhạn (một di tích kiến trúc cổ, trông ra hướng Đông). Đồng thời khi du khách đến viếng thăm núi Nhạn, thì sẽ nhìn thấy phần hậu đài trước. Như vậy thật là vô duyên”.

KTS Lê Hiệp đã xử lý một cách hài hòa mối tương quan giữa công trình tượng đài với tòa tháp cổ đã đứng sẵn từ mấy trăm năm trên đỉnh núi Nhạn. Ông tâm sự: Đài tưởng niệm quay về hướng Đông – Bắc và mọi việc trở nên ổn thỏa, tạo nên sự tiếp nối đến tương lai của hai thế hệ, tháp Chăm là thế hệ đi trước, đài tưởng niệm là thế hệ trẻ đi sau. Cùng với đó, việc tiến hành nghi lễ cùng sự chiêm ngưỡng của du khách đều thuận tiện những yếu tố về chất liệu, ánh sáng thiên nhiên, màu… cũng theo đó được giải tỏa.

Từ lúc khởi công năm 1997, sau mười năm gắn bó, công trình Đài tưởng niệm liệt sỹ Phú Yên đã khánh thành vào ngày 18/5/2007. Người Phú Yên hẳn đã hài lòng khi trao tặng KTS Lê Hiệp giải văn học nghệ thuật năm năm của tỉnh. Công trình đã biến những tình cảm, suy nghĩ của tác giả thành bức thông điệp tinh thần khái quát nhất, cô đọng nhất sự hy sinh oanh liệt của biết bao người để đổi lấy sự bình yên cho hậu thế.

Theo Báo Xây dựng