Công bố quy hoạch chung huyện Chương Mỹ đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000
Ngày 29/7, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức Hội nghị công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch chung xây dựng huyện Chương Mỹ đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.
Phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Chương Mỹ, với 2 thị trấn: Chúc Sơn, Xuân Mai và 30 xã nông thôn: Phụng Châu, Tiên Phương, Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Đông Sơn, Thủy Xuân Tiên, Thanh Bình, Trường Yên, Ngọc Hòa, Thụy Hương, Đại Yên, Trung Hòa, Tốt Động, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Quảng Bị, Hợp Đồng, Lam Điền, Hoàng Diệu, Thượng Vực, Văn Võ, Đồng Phú, Hồng Phong, Trần Phú, Đồng Lạc, Hòa Chính, Phú Nam An.
Quy mô lập quy hoạch khoảng 232,41 km2 và được giới hạn cụ thể như sau: Phía Bắc giáp huyện Quốc Oai; phía Đông giáp quận Hà Đông, huyện Thanh Oai; phía Nam giáp huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức; phía Tây giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Đến năm 2020 dân số toàn huyện khoảng: 370.000 người; trong đó: dân số đô thị khoảng 145.000.người, dân số nông thôn khoảng 225.000 người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 39,2%. Đến năm 2030 dân số toàn huyện khoảng: 542.000 người; trong đó: dân số đô thị khoảng 291.000 người, dân số nông thôn khoảng 251.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 55%.
Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ, các Quy hoạch chuyên ngành có liên quan và yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Khai thác các tiềm năng, điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội và nguồn lực con người của huyện Chương Mỹ cho việc phát triển kinh tế – xã hội nói chung và hoạt động xây dựng đô thị, nông thôn nói riêng đảm bảo bền vững, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, huyện.
Làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý phát triển đô thị, nông thôn; triển khai lập các quy hoạch và lập các dự án đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Huyện.
Chương Mỹ là huyện ngoại thành phía tây nam Thủ đô Hà Nội, phát triển về đô thị, công nghiệp, dịch vụ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hệ thống hạ tầng xã hội chất lượng cao, gắn kết với mạng lưới hạ tầng chung của Thủ đô Hà Nội nhằm hỗ trợ chia sẻ chức năng với đô thị trung tâm và trở thành động lực thúc đẩy phát triển khu vực hành lang xanh.
Phát triển các đô thị có chức năng dịch vụ – công nghiệp, hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề và thúc đẩy sản xuất vùng nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Hoàn thiện mạng lưới điểm dân cư nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Phát triển các khu, cụm trường tập trung nhằm cụ thể hóa chương trình di dời cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực nội thành ra ngoại thành.
Phát triển các hoạt động du lịch, các mô hình sản xuất nông nghiệp năng suất cao và bảo vệ các vùng cảnh quan tự nhiên, các công trình di tích văn hóa tín ngưỡng, làng nghề truyền thống.
Đến năm 2020, tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 23.240,92 ha; trong đó: Đất đô thị khoảng 8.324,63 ha (chiếm 35,8% tổng đất quy hoạch), đất nông thôn khoảng 14.916,29 ha (chiếm 64,2% tổng đất quy hoạch).
Đất tự nhiên đô thị: khoảng 8.324,63 ha; trong đó: Đất tự nhiên thị trấn sinh thái Chúc Sơn khoảng 1.786,97 ha; đất tự nhiên đô thị vệ tinh Xuân Mai khoảng 6.537,66 ha.
Đất tự nhiên nông thôn khoảng 14.916,29 ha, bao gồm: Đất xây dựng nông thôn khoảng 4.469,21 ha (chiếm 29,96% đất tự nhiên nông thôn); trong đó: Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn khoảng 2.811,32 ha (chỉ tiêu bình quân khoảng 125 m2/người), đất xây dựng nông thôn khác khoảng 1.657,90 ha. Đất khác trong phạm vi nông thôn khoảng 10.447,08 ha (chiếm 70,04% đất tự nhiên nông thôn).
Đến năm 2030, tổng đất quy hoạch: 23.240,92 ha. Trong đó: Đất đô thị: 8.324,63 ha (chiếm 35,8% tổng đất quy hoạch), đất nông thôn: 14.916,29 ha (chiếm 64,2% tổng đất quy hoạch).
Đất tự nhiên đô thị: khoảng 8.324,63 ha. Trong đó: Đất tự nhiên thị trấn sinh thái Chúc Sơn khoảng 1.786,97 ha; đất tự nhiên đô thị vệ tinh Xuân Mai khoảng 6.537,66 ha.
Đất tự nhiên nông thôn: khoảng 14.787,83 ha, bao gồm: Đất xây dựng nông thôn khoảng 4.639,41 ha (chiếm 31,10% đất tự nhiên nông thôn); trong đó: Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn khoảng 2.901,52 ha (chỉ tiêu bình quân khoảng 115 m2/người), đất xây dựng nông thôn khác khoảng 1.737,90 ha. Đất khác trong phạm vi nông thôn: 10.276,88 ha (chiếm 68,90% đất tự nhiên nông thôn).
Ông Lê Đại Thắng, Phó Phòng Thông tin quy hoạch (Sở Quy hoạch-Kiến trúc) công bố quyết định.
Không gian đô thị huyện Chương Mỹ phát triển theo hướng xây dựng tập trung vào 2 khu vực đô thị Xuân Mai và Chúc Sơn. Phần còn lại là các xã nông thôn nằm trong hành lang xanh, cấu trúc không gian huyện tổ chức gắn với khung giao thông theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây, trong đó ưu tiên phát triển mới các kết nối Đông – Tây để đảm bảo mối liên kết với đô thị trung tâm.
Hình thành các trục đô thị phát triển dẫn hướng hoạt động về phía Bắc Quốc lộ 6 và Đông đường Hồ Chí Minh hiện trạng nhằm hạn chế xây dựng đô thị bám dọc đường, đảm bảo an toàn hoạt động dọc các tuyến đường quan trọng của quốc gia.
Các khu vực nông thôn phát triển theo cấu trúc các cụm làng và gắn với các tuyến đường liên huyện, liên xã. Từng bước phát triển tập trung theo các cụm điểm tại trung tâm xã, trung tâm cụm xã và các cụm đổi mới, hỗ trợ dịch vụ sản xuất. Bảo vệ các không gian kiến trúc các làng xóm truyền thống để tạo nên hình ảnh đặc trưng cho kiến trúc cảnh quan vùng huyện.
Hạn chế phát triển bám dọc các tuyến đường đối ngoại hiện hữu, đối ngoại phát triển mới nằm trong mạng lưới giao thông của Thủ đô Hà Nội.
Sử dụng hệ thống các tuyến sông, kênh, mương thủy lợi và mặt nước hiện có trên địa bàn làm khung không gian xanh toàn huyện. Các khu vực đồi, núi được khai khác làm hình ảnh, điểm nhấn tạo cảnh quan vùng huyện.
Trên cơ sở phân vùng địa hình, phân vùng phát triển kinh tế và phân vùng phát triển không gian của huyện, đề xuất các phân vùng kiểm soát phát triển các khu vực có đặc điểm tương đồng để có các quy định kiểm soát phát triển phù hợp.
Về bố cục không gian kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị, huyện Chương Mỹ được chia thành 2 phân vùng phát triển:
Phân vùng 1: Thị trấn sinh thái Chúc Sơn nằm ở phía đông bắc của huyện; tính chất là vùng thị trấn sinh thái, cửa ngõ giao thông phía Tây Nam của đô thị trung tâm Hà Nội; là trung tâm huyện Chương Mỹ về kinh tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa – lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái, công nghiệp sạch và hỗ trợ vùng nông thôn; quy mô diện tích tự nhiên khoảng 1.786,97 ha; đất xây dựng khoảng 1.143 ha (chỉ tiêu 160 m2/người); dân số dự kiến năm 2030: 71.000 người, đến năm 2050 dân số khoảng: 80.000 người.
Phân vùng 2: Đô thị vệ tinh Xuân Mai nằm ở phía Tây của huyện; tính chất là vùng đô thị vệ tinh phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ giao thông phía Tây của Hà Nội giao thương với các tỉnh phía Tây Bắc; là trung tâm kinh tế quan trọng, giáo dục đào tạo, đô thị và công nghiệp; quy mô diện tích tự nhiên khoảng 6.537,66 ha; đất khu vực nội thị khoảng 3.585,76 ha (chiếm 55% đất tự nhiên đô thị); đất khu vực ngoại thị khoảng 2.951,9 ha (chiếm 45% đất tự nhiên đô thị) dân số dự kiến năm 2030: 220.000 người, đến năm 2050 dân số khoảng: 300.000 người.
Phát triển 2 đô thị Xuân Mai và Chúc Sơn theo hướng khai thác quỹ đất gò đồi, có năng suất thấp để xây dựng đô thị, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp năng suất cao vào mục đích xây dựng.
Đô thị được phát triển theo mô hình đô thị sinh thái với cấu trúc không gian xanh đóng vai trò chủ đạo, có giới hạn phát triển đô thị rõ ràng, có ranh giới đô thị hóa được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn. Với chức năng hoàn chỉnh gồm nhà ở, việc làm, dịch vụ công cộng, hành chính và hệ thống kết cấu hạ tầng đảm bảo khả năng hoạt động độc lập, hạn chế phải di chuyển đi lại giữa các khu vực đô thị.
Phát triển không gian đô thị mới gắn kết hài hòa với các khu vực xây dựng hiện hữu và cảnh quan sinh thái tại khu vực. Xây dựng đô thị thấp tầng, tập trung tại các khu vực phát triển mới, gắn với các điểm nút giao thông, dành quỹ đất cho cây xanh, mặt nước và hành lang cách ly bảo vệ các tuyến hạ tầng, các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Đảm bảo hành lang cách ly cho các tuyến Quốc lộ 6, Quốc lộ 21, tuyến điện cao áp và các hành lang thoát lũ.
Khu vực phát triển đô thị được quản lý theo đồ án Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Xuân Mai và Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Chúc Sơn được UBND Thành phố phê duyệt.
Khu vực nông thôn hiện có 26 xã (trong đó có 5 xã có 1 phần diện tích nằm trong khu vực phát triển đô thị Chúc Sơn) được phát triển theo hướng cải tạo chỉnh trang các không gian hiện hữu, gắn với bảo vệ các giá trị văn hóa, cảnh quan và khắc phục các vấn đề về môi trường, bổ sung các nhu cầu phát triển mới gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chuyển hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu tại đô thị trung tâm và các khu vực phụ cận.
Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng sản xuất gắn với cải tạo chỉnh trang các điểm dân cư nông thôn hiện hữu. Khu vực các xã nông thôn được quản lý xây dựng theo các quy hoạch nông thôn mới sau khi đã điều chỉnh phù hợp theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Chương Mỹ được duyệt. Được phân thành 4 vùng gắn với hoạt động sản xuất đặc trưng như sau:
Vùng công nghiệp làng nghề (bao gồm 5 xã: Đông Sơn, Đông Phương Yên, Phú Nghĩa, Tiên Phương, Phụng Châu) có diện tích khoảng 2.530,61 ha, dân số dự kiến năm 2030: 57.500 người. Hình thành cụm đổi mới Đông Phương Yên với tính chất chủ yếu là cụm dịch vụ làng nghề, dịch vụ du lịch, khu trung tâm xã. Quy mô diện tích tự nhiên khoảng 30 ha gồm: Cụm dịch vụ du lịch làng nghề 15ha; dịch vụ công cộng và hạ tầng đầu mối 5ha; khu trung tâm xã 10ha. Dân số – lao động: 7.000 – 10.000 người. Sản xuất công nghiệp – làng nghề tập trung, xử lý môi trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm và dịch vụ công cộng, nhà ở cho công nhân – lao động: Phát triển theo mô hình sinh thái, mật độ thấp, tạo đặc trưng văn hóa – hoạt động sản xuất.
Vùng kinh tế trang trại (bao gồm 5 xã: Hữu Văn, Mỹ Lương, Trần Phú, Hồng Phong, Đồng Lạc) có diện tích khoảng 3.643,82 ha, dân số dự kiến năm 2030: 42.500 người. Hình thành cụm đổi mới Hữu Văn là trung tâm xã Hữu Văn, tính chất chủ yếu là hỗ trợ về sản xuất, chuyển giao công nghệ và dịch vụ công cộng cho vùng kinh tế trang trại. Diện tích tự nhiên khoảng 25 ha gồm: Khu hỗ trợ sản xuất, sản xuất tập trung, chế biến nông, lâm sản 15 ha, dịch vụ công cộng 5ha, khu ở mới 5ha. Hỗ trợ về hạ tầng, mặt bằng sản xuất chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, kho chứa, bảo quản hàng hóa kết hợp với các hoạt động dịch vụ công cộng – nhà ở cho công nhân và dân cư tại khu vực.
Vùng sản xuất nông nghiệp năng suất cao (bao gồm 9 xã: Thanh Bình, Trung Hòa, Trường Yên, Ngọc Hòa, Đại Yên, Tốt Động, Hợp Đồng, Quảng Bị, Đồng Phú) có diện tích khoảng 4.905,55 ha, dân số dự kiến năm 2030: 87.200 người. Hình thành cụm đổi mới Quảng Bị là trung tâm xã Quảng Bị, tính chất chủ yếu hỗ trợ về sản xuất vùng chuyên canh lúa năng suất cao. Quy mô: Diện tích khoảng 30ha gồm: Khu hỗ trợ sản xuất 20ha; dịch vụ công cộng: 5ha; hạ tầng đầu mối 5ha. Hỗ trợ về chuyển giao công nghệ, cung cấp, sửa chữa máy móc sản xuất, kho chứa hàng hóa, đào tạo nghề và các dịch vụ công cộng cho dân cư trong khu vực.
Vùng bãi (bao gồm 7 xã: Thụy Hương, Lam Điền, Hoàng Diệu, Thượng Vực, Văn Võ, Phú Nam An, Hòa Chính) có diện tích khoảng 3.836,31 ha, dân số dự kiến năm 2030: 63.800 người. Hình thành cụm đổi mới Hòa Chính là trung tâm xã Hòa Chính, tính chất chủ yếu hỗ trợ sản xuất vùng trồng rau an toàn, dịch vụ thương mại đầu mối và dịch vụ công cộng. Diện tích khoảng 20 – 25ha. Hỗ trợ mặt bằng sản xuất, chế biến rau an toàn, chuyển giao công nghệ, dịch vụ công cộng cho dân cư và gắn kết phát triển với khu dân cư hiện hữu xã Hòa Chính.
Khuyến khích cải tạo, bảo tồn các không gian ở, làng xóm truyền thống, tăng cường tiện ích công cộng, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn chung của Thủ đô và đặc điểm của từng khu vực. Xác định cụ thể danh mục các công trình, đối tượng, không gian cần bảo tồn để có biện pháp ứng xử phù hợp.
Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng mới và cải tạo công trình tại các khu vực điểm dân cư nông thôn, đảm bảo mật độ phù hợp với mật độ chung của từng khu vực, hạn chế xây dựng nhà nhiều tầng và cao tầng, kiểm soát hình thức kiến trúc công trình, kiến trúc mái… Khuyến khích phát triển nhà ở dạng nhà vườn, tầng cao không quá 3 tầng, sử dụng các loại hình vật liệu truyền thống tại địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị.
Các khu vực kiểm soát đặc biệt: Các khu vực hành lang thoát lũ sông Đáy, sông Tích, sông Bùi và khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang: thực hiện theo dự án riêng, xác định cụ thể ranh giới thoát lũ, vị trí các tuyến đê và quy định cụ thể hoạt động xây dựng theo từng khu vực.
Các khu di tích văn hóa lịch sử quan trọng: lập danh mục cụ thể, xác định các giá trị và quy định ranh giới bảo tồn làm cơ sở định hướng cho hoạt động xây dựng, bảo vệ các di tích theo Luật Di sản.
Các khu cảnh quan có giá trị (hồ Văn Sơn, Đồng Sương,…; núi Thoong, núi Ninh, núi Trầm,…): bảo vệ, phát triển gắn với các dự án quy hoạch du lịch, khai thác các không gian cảnh quan sinh thái tự nhiên cho hoạt động cộng đồng.
Khu vực an ninh, quốc phòng: hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng các quỹ đất an ninh quốc phòng, việc xây dựng tại khu vực này và các khu vực phụ cận cần được thỏa thuận với cơ quan có liên quan thống nhất theo quy định.
Kiểm soát và cấm mọi hoạt động xây dựng xâm phạm hành lang bảo vệ vùng thoát lũ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng tại hành lang bảo vệ di tích văn hóa lịch sử; hành lang bảo vệ an toàn các tuyến hạ tầng kỹ thuật; hành lang dự trữ phát triển các tuyến hạ tầng; vùng cảnh quan sinh thái.
Xây dựng công trình, kết cấu hạ tầng trong khu vực sản xuất nông nghiệp cần phải được thỏa thuận quy hoạch kiến trúc để đảm bảo không gian cảnh quan chung của vùng nông thôn.
Về định hướng quy hoạch hạ tầng kinh tế – xã hội, xây dựng hoàn chỉnh 2 khu công nghiệp (KCN Phú Nghĩa và KCN Nam Tiến Xuân). Ưu tiên các ngành nghề sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao, hỗ trợ công nghiệp làng nghề tại địa phương.
Phát triển 8 Cụm công nghiệp với diện tích khoảng 215 ha, gắn với các cơ sở sản xuất làng nghề tại các xã nông thôn. Từng bước di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm trong khu vực dân cư ra các điểm cụm công nghiệp để sản xuất và xử lý môi trường. Phát triển hệ thống làng nghề truyền thống và làng có nghề tại các xã nông thôn gắn với dịch vụ du lịch và xử lý các vấn đề môi trường.
Phát triển 01 trung tâm bán buôn cấp vùng (10ha), 01 trung tâm mua sắm cấp vùng (10ha) tại thị trấn sinh thái Chúc Sơn; 01 trung tâm thương mại (5-10ha/trung tâm) tại đô thị Xuân Mai để phục vụ chung cho vùng Tây Nam của Thủ đô Hà Nội.
Hình thành 03 chợ đầu mối tại Đông Phương Yên, Hữu Văn và Quảng Bị để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề tại vùng Huyện; Quy mô khoảng 4-5ha/chợ đầu mối. Hình thành hệ thống các siêu thị, các điểm chợ gắn với các khu vực dân cư để phục vụ nhu cầu dịch vụ thương mại.
Tại các điểm có hoạt động giao thông đối ngoại lớn, đầu mối giao thông, đầu mối du lịch, bố trí tăng cường các điểm dịch vụ thương mại đặc thù phục vụ cho hành khách và hàng hóa đi qua vùng huyện.
Cải tạo, nâng cấp các trạm cung cấp xăng dầu hiện hữu và xây dựng mới các trạm gắn với các đầu mối giao thông, các điểm tập trung dân cư. Vị trí, quy mô các trạm phải đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế, đảm bảo cách ly an toàn đối với các khu vực dân cư.
Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học, đặc biệt là công nghệ sinh học để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, công nghệ cao, sạch, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.
Phát triển mô hình trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp. Thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Từng bước chuyển đổi hình thức nuôi gia công thành doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn với công nghệ hiện đại.
Phát triển ngành trồng trọt theo hướng đảm bảo an ninh lương thực. Đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tiếp tục thực hiện “dồn điền, đổi thửa” tạo ra những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như lúa, rau an toàn, hoa, cây ăn quả… Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Gắn sản xuất nông nghiệp vùng ven sông Đáy và vùng gò đối với phát triển du lịch. Gắn kết sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và ngành thương mại để bảo đảm khả năng tiêu thụ sản phẩm trồng trọt.
Quy hoạch và triển khai các dự án nuôi thủy sản ở Trung Hòa, Thanh Bình, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ. Duy trì diện tích rừng hiện có trong các kỳ quy hoạch; triển khai trồng cây lâm nghiệp phân tán, nhất là trên quỹ đất công. Lập các quy hoạch, dự án sản xuất chuyên ngành trên địa bàn toàn Huyện và vùng sản xuất các huyện phụ cận để tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, chất lượng cao.
Các khu vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho phép xây dựng các công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ sản xuất phù hợp dây chuyền sản xuất, được xem xét cụ thể theo từng khu vực đảm bảo cảnh quan sinh thái tự nhiên.
Về công sở, trụ sở làm việc: Bố trí khu vực đất dự trữ cho các cơ quan hành chính còn thiếu và chưa đủ diện tích làm việc của Huyện tại thị trấn sinh thái Chúc Sơn. Khu vực này gắn với quảng trường, trung tâm văn hóa thể thao Huyện để tạo nên không gian cảnh quan và giao tiếp lớn cho nhu cầu hoạt động tập thể quy mô lớn.
Bố trí khu vực dự trữ hành chính tại đô thị Xuân Mai (Khu vực phát triển đô thị mới) để xây dựng khu hành chính đô thị và quỹ đất xây dựng trụ sở làm việc cấp đô thị, khu vực của các cơ quan, đơn vị của Thành phố bố trí trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Trụ sở làm việc các xã, phường được cải tạo nâng cấp từ các cơ sở hiện hữu, gắn với các quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Về hệ thống giáo dục đào tạo: Hình thành các khu, cụm đại học tập trung tại Xuân Mai và Chúc Sơn để thu hút khoảng 110.000 sinh viên (khoảng 60.000-80.000 sinh viên tại Xuân Mai, 30.000 sinh viên tại Chúc Sơn) của các cơ sở đào tạo từ trong nội đô di dời ra bên ngoài và các cơ sở xây dựng mới.
Phát triển các cơ sở đào tạo nghề để phục vụ đào tạo lao động trên địa bàn huyện và vùng phụ cận tại các khu vực đô thị và cụm đổi mới.
Bố trí 18 trường phổ thông trung học (bao gồm 8 trường hiện hữu, 10 trường xây dựng mới), với diện tích khoảng 56ha (4-6ha/trường, 15 – 18m2/học sinh) đáp ứng cơ sở vật chất học tập cho khoảng 28.000 học sinh (50 học sinh/1000 dân). Các trường phổ thông trung học phải đảm bảo cự ly tiếp cận, gắn với các sân bãi thể thao, xây dựng đầy đủ cơ sở nội trú, thực nghiệm.
Về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Phát triển hệ thống bệnh viện và công trình y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng quy mô khoảng 3.150 giường bệnh (bao gồm 2.300 giường bệnh đa khoa, đạt khoảng 40 giường/1000 dân và 850 giường bệnh chuyên khoa) với tổng diện tích đất khoảng 45 – 50 ha.
Cải tạo và xây dựng mới 02 bệnh viện đa khoa tại Chúc Sơn và Xuân Mai phù hợp với quy hoạch ngành y tế để phục vụ chung cho nhu cầu khám chữa bệnh của Thành phố và vùng huyện.
Xây dựng mới 03 Bệnh viện chuyên khoa của thành phố Hà Nội (Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Lao Phổi, Bệnh viện Da Liễu) tại Chúc Sơn với quy mô 850 giường bệnh (250-300 giường/bệnh viện), diện tích đất khoảng 20 ha, bao gồm dự trữ cho phát triển các nhu cầu y tế khác.
Phát triển các cơ sở y tế đặc thù như: Bệnh viện Quân y 24, 02 cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Thụy Hương và Đại Yên; xây dựng các cơ sở điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với mạng lưới các cơ sở dịch vụ du lịch.
Cải tạo nâng cấp các trạm y tế hiện có tại các xã, thị trấn theo chương trình nông thôn mới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại địa phương. Xây dựng mới các trạm y tế cấp xã, phường gắn với các đơn vị ở xây dựng mới tại đô thị Xuân Mai và đô thị Chúc Sơn.
Khuyến khích phát triển các bệnh viện, phòng khám tư nhân để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong Huyện.
Về công trình, thiết chế văn hóa, thể thao: Xây dựng hệ thống thiết kế văn hóa và thể thao trên cơ sở kết hợp giữa công trình hiện có và công trình xây dựng mới để phù hợp với đặc điểm văn hóa tại từng địa phương, khai thác và bảo vệ các công trình di tích văn hóa hiện hữu. Tại 2 khu vực đô thị phát triển mới xây dựng hệ thống công trình văn hóa hiện đại, đa chức năng kết hợp với các khu chức năng thể dục thể thao liền kề với khu trung tâm hành chính mới của Huyện và đô thị vệ tinh tạo nên tổng thể chức năng gắn kết cảnh quan đô thị và tự nhiên phục vụ chung cho toàn huyện và các vùng phụ cận.
Về du lịch: Phát triển các tuyến du lịch làng nghề tại phía Bắc quốc lộ 6, tuyến du lịch sinh thái dọc phía Nam đường Hồ Chí Minh hiện trạng, tuyến du lịch văn hóa cộng đồng dọc tuyến sông Đáy. Xây dựng các khu cụm du lịch nghỉ dưỡng với hạ tầng đồng bộ tại khu vực Chúc Sơn, hồ Văn Sơn, hồ Đồng Sương, khu vực cảnh quan lưu vực sông Bùi. Khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ du lịch tại huyện gắn với bảo vệ và phát huy các giá trị về văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái, làng nghề truyền thống hiện có trên địa bàn.
Về định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật: Giao thông đối ngoại: Mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn huyện xác định theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và các quy hoạch khác đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm Hà Nội với đô thị vệ tinh Xuân Mai (bố trí tại dải phân cách giữa Quốc lộ 6). Đối với đoạn tuyến đi trong khu vực phát triển đô thị được bố trí đi trên cao (cầu cạn), đối với đoạn tuyến đi ngoài khu vực phát triển đô thị dự kiến đi bằng trên mặt đất. Phương án bố trí trắc dọc cụ thể sẽ được xác định ở giai đoạn lập dự án đầu tư trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Ga đầu cuối kết hợp khu sửa chữa, lưu giữ tàu (Depot) của tuyến đường sắt đô thị Hà Đông – Xuân Mai bố trí tại khu vực tiếp giáp Quốc lộ 6 và bến xe Xuân Mai, quy mô dự kiến khoảng 15- 20ha.
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Xuân Mai – Hòa Lạc – Sơn Tây kết nối các đô thị vệ tinh chạy dọc theo hành lang Quốc lộ 21. Trắc dọc tuyến sẽ đi trên cao để tránh giao cắt và ảnh hưởng đến giao thông đường bộ. Khu Depot bố trí tại phía Nam đô thị Xuân Mai, quy mô 15-20 ha; xây dựng các ga dọc tuyến, khoảng cách giữa các ga trong đô thị trung bình 2km/ga, ngoài đô thị 4-5km/ga.
Sân bay Miếu Môn hiện có được dự trữ quỹ đất cho việc phát triển. Quy mô, tính chất cấp hạng của sân bay sẽ được thực hiện theo quy hoạch ngành và dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Về các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư: Xây dựng đồng bộ hệ thống các công cụ quản lý phát triển trên địa bàn huyện gồm: Chương trình, Kế hoạch phát triển đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, các quy hoạch, thiết kế đô thị, đề án, quy định,… và xây dựng đội ngũ nhân lực kiểm soát phát triển theo quy hoạch được duyệt.
Giai đoạn đầu (đến năm 2020) tập trung phát triển hoàn thiện các dự án hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng chiến lược đã và đang triển khai như: Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Khu công nghiệp Nam Phương Tiến, Khu du lịch chùa Trầm – chùa Trăm Gian, cải tạo Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh; Nạo vét và cải tạo đê kè sông Đáy, sông Bùi – Tích.
Chuẩn bị mặt bằng và cơ sở hạ tầng để phát triển các dự án chiến lược tại Đô thị vệ tinh Xuân Mai và Thị trấn sinh thái Chúc Sơn như Khu cụm đại học tập trung, các cụm du lịch, các cụm đổi mới.
Lập và triển khai các đề án, chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.
Việc quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng công trình cần tuân thủ quy hoạch và “Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện Chương Mỹ đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000” được ban hành kèm theo hồ sơ quy hoạch này. Ngoài ra còn phải tuân thủ quy định theo Luật pháp và các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố; tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
Việc điều chỉnh, thay đổi, bổ sung quy hoạch xây dựng huyện phải được thực theo đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch có thể nghiên cứu áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu, kinh nghiệm nước ngoài, nhưng phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng.
Theo Xây dựng