Nông sản mới, nông thôn mới và nền nông nghiệp dễ ‘tổn thương’
Việc chưa bao giờ nông nghiệp Việt Nam đạt thành tích xuất khẩu nông sản hàng chục tỷ đô như vừ qua rõ ràng là tin vui. Tuy nhiên, chúng ta thử đặt câu hỏi: nông sản xuất khẩu ở đâu, do ai sản xuất và phải chăng Việt Nam có thêm vùng nông thôn mới chưa được khám phá?
Hình thành vùng sản xuất nông sản mới
Những tin tức từ “Chương trình nông thôn mới” tràn ngập lạc quan tự hào: có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 25% huyện (165/664) đơn vị cấp huyện đạt chuẩn. Tổng nguồn lực huy động 5 năm (2016 – 2020) khoảng 2.115.677 tỷ đồng, làm cho hạ tầng phát triển, làm thay đổi bộ mặt; sản xuất nông nghiệp được cơ cấu hiện đại, bền vững; ứng dụng công nghệ cao, phát triển hợp tác xã kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển môi trường và văn hóa cộng đồng…
Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 5,46% năm 2019 và khoảng 4,2% năm 2020. Đã có 73,9% số xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, tăng 20,5% so với năm 2015.
Trong báo cáo “Việt Nam: hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” do Ngân hàng thế giới (WB – World Bank) công bố năm 2019, cho thấy bức tranh sản xuất nông nghiệp nước ta ngoài lúa gạo đã có vùng sản xuất quy mô lớn như cà phê, mía, nhu cầu/hiệu suất dùng nước từng vùng.
Trong báo cáo khác “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: tăng giá trị, giảm đầu vào” cũng của WB, đã cho biết ngoài lúa, cà phê, mía có nhiều loại nông sản mới có tỷ trọng xuất khẩu cao như: sắn, ngô, cao su… Những vùng sản xuất nông sản quy mô lớn đã tạo ra thu nhập cao cho các hộ nông dân tại các vùng trước đây khó khăn như Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên, Bắc Trung bộ, thu hút làn sóng di dân từ các vùng nông nghiệp truyền thống: di dân không chỉ từ nông thôn tới đô thị mà còn từ vùng nông thôn cũ tới các vùng nông thôn mới.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không nhìn vào thực tế là nông sản Việt Nam có mặt trên thị trường quốc tế với số lượng lớn nhưng giá còn thấp. Nông sản vẫn đang khai thác các lợi thế cạnh tranh do không phải trả tiền thuê đất, ưu đãi phi thủy lợi… nên trị giá trị gia tăng nông nghiệp/lao động nông nghiệp cũng thấp so với các quốc gia lân cận. Tỷ lệ giá trị gia tăng nông nghiệp bình quân lao động nông nghiệp thấp dần (1990-2014).
Đáng chú ý là các nông sản mới đang sản xuất tại các vùng nông thôn mới đối mặt với những thách thức mới: giá nông sản bấp bênh, thoái hoá đất, khô hạn, nhiễm mặn, ô nhiễm, tàn phá đa dạng sinh học…
Những thách thức từ môi trường
Tháng 11.2020, truyền thông về thành tích nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết: hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong 5 năm 2016-2020, các công trình thủy lợi đã tăng năng lực tưới thêm trên 97.000ha (năm 2015 là 35.000ha). Phòng, chống thiên tai chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Nhờ vậy, mặc dù thiên tai diễn ra phức tạp và bất thường hơn nhưng thiệt hại về người và tài sản đã giảm đáng kể.
Thực tế 2018-2020, các vùng nông thôn từ đồng bằng tới miền núi đã phải đối mặt với hạn hán/nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm từ phân bón hóa chất bảo vệ thực vật, dịch bệnh gia súc gia cầm dồn dập. Đặc biệt trận mưa lũ tháng 10 và 11.2020 đã được Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết là thiệt hại khủng khiếp khi 249 người chết, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng.
Nông nghiệp tổn thương nghiêm trọng với 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu, 12.670 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 gia súc, 3.200.000 gia cầm bị chết; 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km. Tổng thiệt hại ước tính 30.000 tỷ đồng.
Đó chỉ là những con số thống kê chưa đầy đủ. Đợt bão lũ để lại hậu quả lâu dài mà không thể tính toán được hết bằng con số. Bao nhiêu người mất đi sinh kế, phải rời bỏ quê hương… nhiều gia đình vừa thoát nghèo, đang khá lên, bị lũ cuốn đi tất cả, trở về tay trắng, có nơi như trở về thời kỳ đồ đá. 10 năm nữa cũng chưa phục hồi như trước đây được. Dù nhà nước có cấp ngay 30.000 tỷ đồng vẫn khó tái thiết được như cũ. Với tầm nhìn xa hơn, báo cáo của WB đã mô tả bức tranh toàn cảnh về nguy cơ hạn hán cho đến 2030 ảnh hưởng đến suy giảm GDP.
Nông thôn, nông dân Việt Nam không chỉ đương đầu với những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, thiên tai, dịch bệnh rình rập mà môi trường sống tại nông thôn cũng bị đe dọa hàng ngày. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 do Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) công bố: tổng lượng chất thải rắn – CTR 35.624 tấn/ngày, nông thôn là 28.394 tấn/ngày (hơn 80%). Thu gom tại đô thị đạt 92% còn nông thôn đạt 66%. Thu gom rác nông thôn phần lớn là không xử lý đúng cánh. Sống chung với rác tại làng nghề hay sản xuất nông nghiệp thì bệnh tật gia tăng là hệ quả không thể tránh khỏi.
Báo cáo của Bộ TN&MT đã trích dẫn thông tin chung Kinh tế Việt Nam 2009 – 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy vai trò của nông nghiệp rất khiêm tốn trong tổng thể nền kinh tế, trong khi phần lớn nông dân ở nông thôn: miếng bánh nhỏ chia cho khối lượng lớn đã làm cho thu nhập thực tế của nông dân thuộc nhóm thấp nhất trong xã hội.
Thu nhập cá nhân/gia đình thấp trong khi ngân sách đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng ở mức thấp so với các ngành kinh tế khác. Công nghệ, kỹ nghệ quản trị kinh tế nông nghiệp yếu kém… cho thấy viễn cảnh hiện đại hóa/phát triển nông nghiệp công nghệ cao chỉ có trong các dự án đơn lẻ của các doanh nghiệp khai thác lợi thế một số ngành hàng nông sản Việt Nam, còn tổng thể nền nông nghiệp vẫn ở mức lạc hậu/manh mún, chất lượng sống tại nông thôn suy giảm, nông dân thuộc nhóm thu nhập thấp nhất. Chênh lệch thu nhập giữa đô thị/nông thôn ngày càng lớn. Phải chăng nông dân thoát nghèo cơ bản nhờ nguồn thu từ phi nông nghiệp?
Nông thôn mới Việt Nam đã được nghiên cứu phát triển như thế nào
Theo số liệu của Tổng cục thống kê 2014 tổng số người làm việc trong ngành nông nghiệp từ 2009 ổn định ở mức khoảng 24,4 triệu người (bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản). Gia tăng của công nghiệp và dịch vụ, lao động ra khỏi nông nghiệp trung bình 2%/năm, nhưng ở đồng bằng sông Hồng (quanh Hà Nội) tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 77% xuống còn 43% trong 10 năm (2001-2011). Đi cùng với việc dịch chuyển lao động, đất nông nghiệp tại các vùng ven đô thị, khu công nghiệp dịch vụ cũng giảm dần.
Như vậy nông thôn mới Việt Nam (bao gồm cũ và mới) đang đặt ra những kịch bản tương lai khác nhau, trong khi nghiên cứu về nông thôn mới nhạt nhòa với những chỉ tiêu rập khuôn giống nhau, đưa ra những kết quả không thuyết phục xuất phát từ tư liệu khảo sát thiếu tin cậy. Tác giả đã khảo sát một báo cáo hội thảo nội dung kiến trúc quy hoạch nông thôn dày gần 200 trang do 19 chuyên gia thực hiện… nhưng không trích dẫn được một số liệu nào đã nêu trong bài viết này. Bài viết trình bày tư liệu trích dẫn từ hàng trăm hình vẽ, bảng biểu trong gần 1.000 trang tài liệu do WB, OECD và Bộ TN&MT soạn thảo với hy vọng cung cấp những thông tin từ nhiều góc quan sát cho các nhà nghiên cứu nông thôn, nông nghiệp, nông dân Việt Nam sẽ có thêm những tư liệu để từ đó cho ra đời những đề xuất thực sự có giá trị, hiệu quả đóng góp cho nông nghiệp nước nhà phát triển, nông thôn bền vững, giảm đỡ cơ cực cho bà con nông dân ngày hôm nay và mai sau này.
KTS Trần Huy Ánh/Người đô thị