Hướng đến đô thị sáng tạo
Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo ở TPHCM
Khu đô thị sáng tạo (Innovation District) là một ý tưởng tổ chức đô thị mới xuất hiện trong những năm gần đây, trước tiên từ những thảo luận trong giới nghiên cứu chính sách tại Mỹ. Những khu đô thị này, theo nghiên cứu tiên phong của Viện Nghiên cứu Brooking, “là những khu vực địa lý (trong đó) bao gồm các trường – viện hàng đầu cùng với các doanh nghiệp kết nối với các khởi nghiệp, các vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp. Những khu đô thị này thường có quy mô nhỏ, giao thông thuận tiện với cơ sở hạ tầng kết nối hiện đại cung cấp không gian văn phòng, nhà ở, lẫn mua sắm”.
Cũng theo Viện Nghiên cứu Brooking (Mỹ) trong một nghiên cứu về đô thị sáng tạo đã kết luận rằng đô thị sáng tạo là trọng tâm của các chiều kích tăng trưởng. Nơi đây là nơi hội tụ các ngành nghề khác nhau, hướng tới mục tiêu hợp tác đa ngành.
Nhiều nhà phát triển kinh tế nghĩ đến thế giới về mặt ngành nghề (ví dụ như nông nghiệp, hàng không vũ trụ, chăm sóc sức khỏe). Nhưng những nền tảng đổi mới – như công nghệ thông tin, vật liệu mới, robot học – là những công cụ hỗ trợ công nghệ phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp. Là vườn ươm cho các công nghệ nghiên cứu trong tương lai, các khu vực khác nhau của khu đô thị sáng tạo được xác định rõ ràng hơn bởi sự liên kết ngang chứ không phải bởi cách áp đặt từ trên xuống.
Như vậy, các bên liên quan cần phải xây dựng năng lực để kết nối các ngành dường như không liên quan thông qua các nghiên cứu hợp tác, hội thoại và các công nghệ liên ngành.
Có thể nói đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao.
Cần tiến hành phân tích các khu đô thị sáng tạo đã thành công trên thế giới, hay đang tiến hành. Ở Mỹ có khu sáng tạo thành phố Boston hay khu thành phố đại học Philadelphia. Ở châu Âu có khu 22@ Barcelona tại Tây Ban Nha hay khu Imperial West tại London. Ở Đông Nam Á có khu Jurong (Jurong Innovation District) của Singapore hay dự án Khu đô thị sáng tạo Siam (Siam Innovation District) tại Bangkok, Thái Lan. Bài học hay – dở của bạn đều là kinh nghiệm cho khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM.
Tại Hội thảo quốc tế “Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo TPHCM” (ngày 28/7/2018), Phát biểu đề dẫn Hội thảo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Sau khi thực hiện Đề án đô thị thông minh được một năm, TP lại điều chỉnh và thay đổi, có mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đó là xây dựng đô thị sáng tạo khi triển khai đô thị thông minh, cần có hạt nhân bên trong TP và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho cuộc cách nạng công nghiệp 4.0 ở TPHCM. Mục tiêu xây dựng đô thị sáng tạo của TPHCM nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ…Vì vậy TPHCM muốn gộp 3 quận (2, 9, Thủ Đức) thành khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.
Theo Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam: đô thị sáng tạo có khái niệm rất rộng, không có định nghĩa nào duy nhất, ở mỗi TP tùy thuộc vào đặc điểm của mình mà sẽ có cách phát triển khác nhau. Trước hết theo kinh nghiệm quốc tế, để đạt được kết quả thành công, TP phải có tầm nhìn rõ ràng ngay từ đầu. Trong nhiều ví dụ khác nhau trong toàn cầu, thành phố Barcelona ở Tây Ban Nha là một thành công. Bắt đầu với một tầm nhìn rõ ràng cho khu đô thị sáng tạo để hồi sinh nền kinh tế của TP, thu hút đầu tư và việc làm. Barcelona được cho là tạo ra khu đô thị sáng tạo đầu tiên với dự án “22@ Barcelona” bắt đầu từ năm 2000. Khởi sự với một câu hỏi đơn giản “Có thể thực hiện được các giải pháp nào để cải thiện và tăng cường mối tương tác giữa cộng đồng quốc tế với các công ty và các tổ chức địa phương ở Barcelona”. Từ đây dẫn đến việc chuyển đổi 200ha đất công nghiệp bị bỏ hoang ở khu lân cận El Poblenou thành một khu đô thị sáng tạo, với mục tiêu tập trung xây dựng các hoạt động và công ty chuyên sâu về trí thức, đưa ra định hướng chuyển đổi từ công nghiệp sang dịch vụ. Mô hình này do chính quyền thành phố đề ra chủ trương và thông qua một ủy ban về đô thị sáng tạo được thành lập nhằm phục vụ cho dự án này. Trong 20 năm qua, tổ chức này đã xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp có thể nói là mạnh mẽ nhất châu Âu.
Tại Hội thảo, một số đại biểu cũng góp ý về quy mô khu đô thị sáng tạo mà TP dự kiến quá lớn so với mô hình thường thấy trên thế giới. UBNDTP cũng khẳng định quan điểm của TP là sẽ phải nhỏ gọn, ít tốn quỹ đất nhưng phải tạo giá trị cao.
Mô hình đô thị sáng tạo ở TPHCM là sự kết nối giữa đô thị khoa học công nghệ cao (Quận 9), đô thị đại học (Quận Thủ Đức) và trung tâm tài chính (Quận 2)
Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã chú trọng đầu tư mô hình khu công nghệ cao và khu công viên khoa học, cả hai đều là tiền thân của đô thị khoa học công nghệ cao và “đô thị sáng tạo”, bởi vì chúng có tiềm năng sáng tạo.
Để phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy các chiều kích tăng trưởng, hướng đến phát triển đô thị sáng tạo TPHCM đã khởi đầu từ khu công nghệ cao Quận 9. Khu công nghệ cao TPHCM (Quận 9) lớn hàng đầu của cả nước (diện tích khoảng 700ha) phải là một cực tăng trưởng của TPHCM và cả của Vùng, nơi đây sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, nơi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của cả vùng và trở thành Thung lũng Silicon của Việt Nam.Việc thu hút thành công các dự án công nghệ cao uy tín từ các tập đoàn Intel (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Ý), Sanofi, Schneuder Electrolics (Pháp)… đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, là “động lực phát triển kinh tế” của thành phố, của Vùng và cả nước và có tên trên bản đồ công nghệ cao thế giới. Năm 2017, đánh dấu khu công nghệ cao (Quận 9) đã qua giai đoạn phát triển và bắt đầu hình thành khu đô thị khoa học công nghệ cao Quận 9.
Do vậy TP cần nhận biết và sớm phát triển “Khu đô thị khoa học công nghệ cao Quận 9” trong đó có cả khu công nghệ cao Quận 9 (700ha), khu công viên khoa học – công nghệ Quận 9 (200ha) và “khu phức hợp đô thị”bao gồm: trung tâm đô thị với hàng loạt các hoạt động buôn bán và thương mại, các dịch vụ y tế và giáo dục, các khu nhà ở tập trung, các ngành công nghiệp dịch vụ và kinh doanh, các kho hàng cho thuê, các khu vui chơi giải trí và không gian công cộng (KGCC)… có thể bao gồm cả khu văn hóa dân tộc (395ha), với chất lượng cao phục vụ cho các chuyên gia hàng đầu và gia đình đến làm việc sinh sống và cả người dân địa phương, có thể dễ dàng đi lại bằng xe đạp, đi bộ hoặc phương tiện công cộng, và trở thành “trung tâm khu vực (Sub-Centre Business Distrit – SCBD) phía Đông, để hoàn chỉnh “mô hình thành phố tập trung đa cực” của TP. Do vậy TP sẽ phát triển hàng đầu trong khối ASEAN và trở thành trung tâm khu vực phía Đông TP có đẳng cấp cao, có thể phân bố lại dân cư từ trung tâm hiện hữu, giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
Cũng theo Sở QH-KT TPHCM: Đẩy mạnh phát triển về phía Đông, khu vực có điều kiện phát triển thuận lợi về địa chất thủy văn và quỹ đất để phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh, kết nối với sân bay Long Thành và nhiều “cực động lực” như Biên hòa, Nhơn Trạch. Tập trung hình thành khu đô thị khoa học – công nghệ Đông Bắc với hạt nhân là khu công nghệ cao và công viên khoa học…
TP cũng sẽ hình thành một khu vực trung tâm hạt nhân cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP (được gọi là khu đô thị sáng tạo). Đó là khu vực bao gồm Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức (với diện tích khoảng 22.000ha). Quận 9 với khu công nghệ cao, Quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm, với trung tâm tài chính, Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, với 1.500 tiến sĩ và hơn 70.000 sinh viên với Đại học Quốc gia TPHCM.
Tuy nhiên tại Hội thảo có đại biểu cho rằng: TP cần có bước đi chứ không phải một lúc triển khai ở 3 quận, bởi làm như vậy là đầu tư rất lớn để quy hoạch, để đầu tư từng thành phần cho nó . Do vậy cần phải bắt đầu bằng một điểm coi là hạt nhân của đô thị sáng tạo. Hạt nhân đó nên là khu công nghệ cao và đại học quốc gia làm nòng cốt. Hiện nay 2 hạt nhân này có tổng diện tích 1500 ha.
Kiến nghị mô hình khu Đô thị sáng tạo ở TPHCM là sự kết nối giữa khu đô thị khoa học công nghệ cao (Quận 9) với khu đô thị đại học (Quận Thủ Đức) và trung tâm tài chính (Quận 2).
Khu đô thị khoa học công nghệ cao là một nơi để thu hút đầu tư công nghệ, thu hút chuyên gia hàng đầu đến làm việc và sinh sống, thúc đẩy ứng dụng thông tin, khoa học và công nghệ vào thực tế, nâng cao giá trị nội địa hóa sản phẩm. Đây cũng là nơi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nội sinh, hợp tác quốc tế đa phương mang lại cơ hội hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, từ đó có tác động lan tỏa, hình thành các khu công viên khoa học tại các khu vực kế cận, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu.
Khu công viên khoa học là không gian vừa giúp công chúng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, học sinh sinh viên đến vui chơi khám phá, vừa tạo nền tảng tạo ra những giá trị trí thức, công nghệ mới. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, các khu công viên khoa học tại Nhật Bản, hiện nay có vai trò làm đầu mối cung cấp các dịch vụ, các ứng dụng về công nghệ. Đây là nơi thu hút nhiều quỹ đầu tư để nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất phục vụ đời sống nhân dân.
Khu công viên khoa học Quận 9 TPHCM sẽ có nhiều phân khu chức năng như khu nghiên cứu thí nghiệm, cải tiến và chuyển giao công nghệ, khu dành cho các doanh nghiệp kỹ thuật cao với mục tiêu áp dụng triển khai các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất cũng như nghiên cứu cải tiến… Trong tương lai đây sẽ là nơi tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất giúp tăng trưởng kinh tế, tạo sản phẩm chất lượng… Đây cũng là nơi ươm tạo doanh nghiệp và đào tạo nhân lực công nghệ cao cho TPHCM với khoảng 15.000 người, trong đó khoảng 10-15% là lao động thường trú.
Mô hình đô thị đại học trên thế giới là gì? Đó là một “thành phố trí thức” tọa lạc trên một diện tích rộng lớn, có thể có một trường đại học đa ngành là trung tâm hoặc quy tụ nhiều trường đại học đơn ngành, các trường này là những bộ phần cấu thành một thành phố đại học. Đó là một không gian hoàn chỉnh đa chức năng bao gồm không gian học thuật, nghiên cứu – phát triển; không gian dịch vụ và không gian văn hóa – thể thao – nghệ thuật. Giữa các trường đại học không tồn tại quan niệm đất của trường này hay trường kia, không có ranh giới cứng tường xây, hàng rào kín cổng cao tường, mà là không gian mở. Đặc biệt trong đô thị đại học, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường sá, xe buýt nội bộ, cấp thoát nước, hệ thống điện, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường liên thông với nhau… Tương tự, hệ thống dịch vụ như ký túc xá, nhà ăn, nhà hát, câu lạc bộ, siêu thị, bệnh viện, sân thể thao, hệ thống phục vụ đào tạo như phòng thí nghiệm, thư viện, hội trường cũng như không gian công cộng như công viên, rừng sinh thái, khu vui chơi giải trí là của chung, không có chuyện phân biệt “công dân” trường này hay trường kia được sử dụng.
Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM, tổng diện tích khu đất của dự án là 643,7ha, phục vụ quy mô đào tạo 50.000 sinh viên. Nơi đây sẽ hình thành 7 phân khu chức năng: khu trung tâm, khu học tập của các trường thành viên, khu nghiên cứu – triển khai khoa học công nghệ, khu thể dục – thể thao, khu giáo dục quốc phòng, khu nhà ở sinh viên, khu nhà ở công vụ.
Một trung tâm tài chính hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực từ thị trường vốn, ngoại tệ đến chứng khoán, nguyên vật liệu, quản lý tài sản… Tầm hoạt động của trung tâm tài chính cũng có thể là một thành phố, một quốc gia một vùng hay toàn thế giới.
Thủ Thiêm – Khu trung tâm Tài chính – Thương mại – Dịch vụ cao cấp trong tương lai. Thủ Thiêm – khu đô thị mới toạ lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn với diện tích 657ha – đang là mục tiêu của nhiều nhà đầu tư lớn khi nơi đây liên tục xuất hiện những siêu dự án với giá trị đầu tư cao. Sở hữu căn hộ nơi đây không chỉ giúp chủ nhân có được những tiện ích đẳng cấp của Khu trung tâm Tài chính – Thương mại – Dịch vụ cao cấp trong tương lai mà còn mang đến những giá trị sinh lời vô tận.
Các khu đô thị chức năng nêu trên (có tiềm năng sáng tạo và phục vụ sáng tạo) cần được đầu tư kết nối “cứng” và “mềm” đồng bộ để hình thành không gian của “khu đô thị sáng tạo”. “Kết nối cứng” các cấu trúc đô thị bằng kết cầu hạ tầng hiện đại , đặc biệt là giao thông (Tuyến Metro 1, BRT…) , viễn thông thông minh đồng bộ và “kết nối mềm” bằng sự tương tác giữa các bên trong đô thị sáng tạo thông qua các chương trình hợp tác công – tư.
Theo Sở QH-KT TPHCM: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng bao gồm:
– Tuyến Xa lộ Hà Nội (tuyến cửa ngõ của thành phố); tuyến quốc lộ 1A,…
– Tuyến metro số 1 từ Bến Thành đến Suối Tiên
– Tuyến cao tốc TPHCM đến Long Thành – Dầu Giây
– Cảng Cát Lái
– Khu Thể dục thể thao Rạch Chiếc
Các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật trọng điểm: hệ thống giao thông (các tuyến bus vòng, các tuyến bus gom phục vụ các trạm metro …), hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp năng lượng, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường,… Các dự án giao thông cụ thể như sau:
(1) Xây dựng đường vành đai 3
(2) Xây dựng cầu Cát Lái nối qua thành phố Nhơn Trạch
(3) Xây dựng mở rộng quốc lộ 13 nối với Bình Dương
(4) Xây dựng đường sắt nối với sân bay Long Thành
(5) Tuyến Metrô số 2 nối kết Bến Thành – Thủ Thiêm
(6) Tuyến Metro 3B
(7) Tuyến Monorail số 2 (từ Nguyễn Văn Linh qua Thảo Điền kết nối với khu đô thị Bình Qưới Thanh Đa)
Việc kết nối các đô thị chức năng nêu trên sẽ trở thành hệ sinh thái sáng tạo khép kín tương đồng với một số mô hình đô thị sáng tạo trên thế giới. Ở đó với đặc trưng kết nối cộng đồng dân cư , doanh nghiệp, các cơ sở khoa học – giáo dục, tài chính và cơ quan nhà nước trong một không gian đô thị gây được cảm hứng cho doanh nghiệp sáng tạo, và hệ sinh thái khởi nghiệp, theo chiến lược “cùng thắng” (win-win strategy) để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, các viện trường, các công ty tài chính, tăng trưởng cao cho nhà nước và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư và là động lực thúc đẩy TPHCM tăng trưởng nhanh.
Chiến lược phát triển đô thị sáng tạo phải là đô thị thông minh và xanh trong đó có các KGCC có chất lượng, là nơi đáng sống và sáng tạo. KGCC luôn gắn với thiên nhiên là không gian mở và không gian giao tiếp có liên quan đến sự thay đổi về văn hóa thị dân trong thời kỳ hậu hiện đại, là tầm quan trọng của xã hội nhân văn với con người đô thị cởi mở hơn, “sáng tạo hơn và sống tốt hơn”, do vậy có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, các người tài để cùng với cộng đồng xã hội làm nên nhiều của cải xã hội. Cần có hạ tầng cơ sở đồng bộ đặc biệt là giao thông và viễn thông. Có chiến lược đào tạo và thu hút nhân tài phục vụ cho cuộc cách mạng 4.0. Đặc biệt phải có cơ chế đặc thù để nuôi dưỡng hệ sinh thái sáng tạo hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn giữa các nhà: nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà đầu tư, nhà nước và các cộng đồng dân cư
Theo Sở QH-KT TPHCM: Khu đô thị sáng tạo TPHCM là khu vực lõi trung tâm phát triển của TP và vùng TPHCM theo hướng đô thị sáng tạo mở, chấn hưng nền giáo dục nghiên cứu trình độ cao, thúc đẩy mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế. Nơi đây là khu vực nghiên cứu chiến lược đặc biệt dành cho những mô hình thử nghiệm nghiên cứu tiến bộ khoa học công nghệ về trí tuệ nhân tạo, siêu thông minh, thế hệ mới và những mô hình thương mại kinh tế mới mang tính toàn cầu. Trong quy hoạch phải xác định rằng, đây là khu vực đáng sống nhất Việt Nam và Đông Nam Á đáp ứng đầy đủ các chức năng đô thị sáng tạo, nhằm thu hút tầng lớp trí thức nghiên cứu trình độ cao, doanh nhân thành đạt, người dân ưu tú và bạn bè quốc tế .
Thành phố sáng tạo
Tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và tiếng tăm từ quá khứ không còn đóng vai trò quyết định tới sự hưng thịnh của một quốc gia trong thời đại ngày nay. Thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của mọi thành phố là tính sáng tạo. Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội. Với cách hiểu này, nhiều thành phố thay vì tập trung vào các ngành công nghiệp cần khai thác tài nguyên thiên nhiên, dễ có tác động xấu tới môi trường, đã dần hướng tới nền công nghiệp sáng tạo – công nghiệp văn hóa. Mục tiêu của họ là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Sự sáng tạo không chỉ có ở tầng lớp nghệ sỹ, kỹ sư, doanh nhân… hay những người đang làm công việc trí óc, mà sự sáng tạo tồn tại ở tất cả mọi người. Thành phố sáng tạo do đó không phải thành phố chỉ ưu tiên giai cấp sáng tạo, mà là thành phố biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người trong xã hội, để từ đó tạo nên bản sắc riêng biệt và độc đáo.
Do vậy, khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM là “hạt nhân” tạo nên giá trị giúp thúc đẩy nền kinh tế chung của TPHCM cũng như vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Nam Bộ. Trên cơ sở đô thị sáng tạo nêu trên, chính quyền TPHCM đang xúc tiến đến việc thành lập thành phố khu vực phía Đông, ngoài dựa vào những lợi thế sẵn có về cơ sở hạ tầng giao thông thì động lực chính để phát triển chính là dựa vào 3 cột trụ chắc chắn sẵn có: Quận 2 – Quận 9 – Quận Thủ Đức. Đây là mô hình tổ chức “Thành phố trong thành phố” ở TPHCM chưa có tiền lệ ở nước ta, song đã được chấp thuận./.
Nguyễn Đăng Sơn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng