Ưu tiên gì trong phát triển đô thị xanh tại Việt Nam?
Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, các đô thị chiếm 2/3 tổng nhu cầu năng lượng và phát thải ¾ lượng khí thải cacbon (có nguồn gốc từ giao thông, công nghiệp, các hoạt động xây dựng và công trình) của toàn cầu. Do vậy, đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tăng trưởng xanh.
Nhiều thách thức
Ngày 23/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm là phát triển cacbon thấp; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và khuyến khích tiêu dùng bền vững.
Tiếp đó, ngày 20/3/2014, Thủ tướng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, gồm 4 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ. Trong đó, các hành động của lĩnh vực đô thị là những hành động được ưu tiên cao.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Anh Tuấn, để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó kỳ vọng 70% huy động từ nguồn ngoài công lập. Và để phục hồi các thiệt hại do biến đổi khí hậu cần ít nhất 2 – 6% GDP. Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu chính sách huy động nguồn tài chính và gặp nhiều khó khăn trong huy động các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ông Oscar Huerta Melchor thì thẳng thắn nhận diện các rào cản chính đối với tăng trưởng xanh đó là cơ giới hóa tăng; tiêu thụ nhiên liệu tăng, phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch; rủi ro bão lũ cao; tỷ lệ nước thải không qua xử lý và chôn lấp chất thải rắn cao…
Ông Oscar Huerta Melchor khuyến nghị: Ở Việt Nam ngày càng có nhiều người dân sinh sống tại các khu vực đô thị, do đó Việt Nam cần chú trọng xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển đô thị, đặc biệt là những vấn đề về tăng trưởng xanh.
Tương tự, chuyên gia Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam (GGGI), ông Adam Ward cũng cho rằng: Việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam cần phải chú trọng vào đô thị. Vì đô thị là nơi mọi người chung sống với mật độ cao, nơi phát thải cacbon cao. Đô thị cũng rất dễ bị tổn thương và cần hạ tầng cơ sở…
Cần sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và cộng đồng
Đề cập đến những giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của khu vực tư nhân. Thông qua các dự án chuyển giao công nghệ, dự án thí điểm…, đầu tư của Chính phủ và nguồn vốn ODA sẽ được dùng làm xúc tác thu hút và tạo môi trường thuận lợi cho tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Oscar Huerta Melchor thì nêu một số gợi ý thúc đẩy tăng trưởng xanh ở đô thị. Theo đó, Việt Nam nên khuyến khích phát triển các tuyến vận tải khối lượng lớn; khuyến khích sử dụng tấm năng lượng mặt trời trên các mái nhà; khuyến khích các nhà máy chế biến rác thải thành năng lượng; khuyến khích người dân phân loại rác thải rắn. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường năng lực, nhận thức và đối phó với bão lụt trong khu vực thông qua trường học, trung tâm tôn giáo và các phương tiện truyền thông.
Ông Adam Ward cũng chỉ ra các lĩnh vực Việt Nam tập trung đầu tư khi hướng đến tăng trưởng xanh như sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo cho các tòa nhà, trồng rừng, phát triển cơ sở hạ tầng xanh…
Ông Adam Ward cho biết: Các chương trình, kế hoạch ưu tiên về đô thị tăng trưởng xanh trong năm 2015 của GGGI tại Việt Nam là tập trung xây dựng các bộ chỉ số về tăng trưởng xanh; thực hiện thí điểm bộ chỉ số này tại một số tỉnh thành của Việt Nam; đề xuất các dự thảo chính sách tăng trưởng xanh để giải quyết vấn đề nước thải đô thị. GGGI đồng thời phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT phát triển các dự án hạ tầng đô thị, thu hút tài trợ nhằm mục đích tăng trưởng xanh cho các đô thị.
Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam Vũ Thị Vinh, khi đô thị chuyển hướng sang tăng trưởng xanh, những nhà hoạch định chính sách và chính quyền đô thị cần phải tập trung ưu tiên xây dựng những mô hình phát triển kinh tế – xã hội đặt trọng tâm vào phúc lợi cộng đồng, hạnh phúc của con người với nền quản trị tốt. Chính quyền mỗi đô thị cần làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, mỗi người dân, mỗi DN hiểu và thấy rõ trách nhiệm của mình trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.
Theo Xây dựng