Vượt qua thách thức để trở thành thành phố sáng tạo-bền vững
Nhìn lại 10 năm thực hiện mục tiêu “Hà Nội, đô thị xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại” theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, bên cạnh những việc làm được, Thành phố vẫn còn đang đối mặt với những thách thức. Theo KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trức sư Hà Nội, chỉ có sự sáng tạo, mới khai thác tối ưu nguồn tài nguyên của Hà Nội, biến thành động lực mới, giải quyết những vấn đề khó khăn bất cập để phát triển.
Bức tranh Hà Nội – từ góc nhìn của một kiến trúc sư
Xây dựng “Hà Nội, đô thị xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại” là mục tiêu của bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phê duyệt 2011. Nội dung nổi bật là “ Hành lang Xanh “ chiếm 40% vùng bảo tồn và 20% phát triển dựa trên bảo tồn. Bản đồ tô màu xanh vào lưu vực thoát lũ Hà Nội do người Pháp đã lập cách đây 100 năm. Bản vẽ Quy hoạch này được Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA) trao bằng khen mục “Thiết kế đô thị” cho các tác giả thực hiện Quy hoạch, với diễn giải: “Họ đã vẽ bằng tay, thể hiện ý tưởng một cách sáng tạo”.
Theo KTS Trần Huy Ánh, sau gần 10 năm (2011-2020), Hà Nội hiện chưa phân chia ngăn nắp như bức tranh vẽ đẹp, vẫn nổi bật lên hình ảnh nhà cửa bám theo các trục đường đường lớn như vết dầu loang. Tài nguyên đất đai, mặt nước ven đô có dấu hiệu cạn kiệt dần, các vấn đề bức xúc như: giao thông tắc nghẽn, nước thải, rác thải, khí thải ô nhiễm chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt hệ thống thủy lợi được xây dựng bền bỉ qua trăm năm bị chia cắt/đứt gãy trở nên vô dụng trong chốc lát,… khiến quỹ đất nông nghiệp dần hoang hóa. Hệ sinh thái tuần hoàn tự nhiên bị phá vỡ.
Khoảng trống trung tâm Hà Nội duy nhất còn lại tới hôm nay là không gian mặt nước, đôi bờ sông Hồng, nhưng bản “Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình” phê duyệt 2016 lại không có quy hoạch thoát lũ cho sông Hồng đoạn qua Hà Nội.
Quy hoạch Giao thông Hà Nội do TEDI lập, Hà Nội trình duyệt 2016 đặt ra mục tiêu trung bình mỗi năm đầu tư 100 nghìn tỷ, trong khi thực tế chỉ có 10% nguồn vốn.
“Nguyên nhân những bất cập trong quy hoạch, thực hiện và quản lý quy hoạch đất đai cũng như kiểm soát nguồn lực đầu tư đã dần được nhận diện. Vấn đề là cần một giải pháp nào để thay thế cho tiến trình đã sinh ra những hạn chế tồn tại thời gian qua khi Quy hoạch Hà Nội theo Luật Quy hoạch, giai đoạn 2021-2045, vẫn chưa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình hoàn thành nhiệm vụ này?” KTS Trần Huy Ánh trăn trở.
Quy hoạch Hà Nội để trở thành thành phố sáng tạo, bền vững
Theo KTS Trần Huy Ánh, Hà Nội năm 2020 tiến lên phía trước trong thực trạng tài nguyên đất đã bị thu hẹp dần; tài nguyên nước cũng suy giảm về khối lượng và chất lượng trong khi dịch COVID-19 vẫn hoành hành, kinh tế toàn cầu suy giảm ảnh hưởng không nhỏ tới các quốc gia, thành phố và Hà Nội không nằm ngoài vòng xoáy đó …
KTS Trần Huy Ánh cho rằng, đối mặt với những thách thức mới Hà Nội đã nhận ra chỉ có định hướng phát triển thành phố “Sáng tạo – Bền vững”. Bởi lẽ chỉ có sáng tạo, Hà Nội ta mới khai thác tối ưu nguồn tài nguyên vốn có và phát hiện ra tài nguyên mới biến thành động lực mới phát triển thích ứng với khó khăn nhiều mặt.
Sáng tạo trong chiến lược phát triển từng địa phương trở thành những đơn vị tự chủ sinh thái, cả thành phố tích hợp thành một tổng thể môi trường sinh thái, môi trường kinh tế tuần hoàn, Hà Nội trở thành một thành phố không rác thải, nước thải. Trục sinh thái mặt nước lấy sông Hồng làm trung tâm và tất cả các sông hồ là mạng lưới tuần hoàn tái sinh nguồn nước, chủ động dự trữ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nông nghiệp toàn thành phố .
Sáng tạo trong chiến lược giao thông an toàn và thân thiện với mạng lưới giao thông công cộng làm trung tâm (bao gồm giao thông động và tĩnh; ngầm và nổi, vận chuyển người và phân phối hàng hóa). Lấy mục tiêu nội địa hóa để phát triển công nghệ kỹ thuật trong nước tạo việc làm mới cho hàng triệu lao động sản xuất; chế tạo xa máy, công kỹ nghệ xây dựng đường xá cầu hầm, tự động hóa, điện tử hóa trong quản lý vận hành. Tất cả các dự án đầu tư giao thông phải gắn kết với phát triển đô thị theo mô hình TOD (Trasit Oriented Development). Cùng với đó, cần loại bỏ thế mạnh “mạnh ông nào ông nấy làm” một cách tùy tiện và làm nghèo kiệt đất nước, hỗn loạn đô thị.
Toàn bộ quản trị đô thị được chuyển đổi số sẽ tạo nên môi trường minh bạch và chia sẻ nguồn lực một cách tối ưu, qua đó với kiểm soát công sản, di sản, tài sản đô thị minh bạch. Quá trình này sẽ làm dư ra những di sản đang được sử dụng làm công sản một cách lãng phí và đôi khi bất tiện. Nó có thể không phù hợp để làm trụ sở cơ quan nhưng lại thích hợp để hoạt động công cộng hoặc khai thác dịch vụ sinh lợi ích công. Chưa nói đến các công trình kiến trúc cảnh quan, chỉ tính riêng hệ thống nhà ga, đường sắt quốc gia hiện tại đang để hoang phí hoặc khai thác cầm chừng, nếu có phương án quản lý khai thác sáng tạo sẽ phục vụ đắc lực cho giao thông đô thị và hàng loạt các tiện ích kèm theo. Hoặc chỉ cần tổ chức giao thông thông minh hơn, kết nối nhiều đường đi bộ , xe đạp an toàn tiếp cận với các trạm bến xe bus cùng các làn xe bus ưu tiên …thì chỉ với đầu tư không lớn sẽ nâng cấp nhanh chóng các dịch vụ giao thông đô thị, tạo ra vô vàn cơ hội sinh kế mới.
“Hà Nội hàng ngàn năm nay đã tích tụ năng lượng sáng tạo, người Hà Nội vốn tháo vát, năng động và tự hào về quê hương mình, chỉ cần những nhà quản lý có tầm nhìn lại sẵn lòng chia sẻ những thuận lợi khó khăn với cộng đồng vì lợi ích chung. Hà Nội sớm trở thành Thành phố sáng tạo – bền vững kiểu mẫu của ASEAN và tự hào là thành phố bản sắc Việt Nam cùng tiến bước với các thành phố sáng tạo toàn cầu”, KTS Trần Huy Ánh khẳng định.
Minh Anh/thanglong.chinhphu.vn