Giải pháp quy hoạch thiết kế khu dân cư mới với việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống
(Tạp chí KTVN 229) – Hơn 10 năm xây dựng Nông thôn mới với các tiêu chí dần hoàn thiện và nâng cao, cho thấy mục tiêu của chương trình đã và đang đi đúng hướng. Trong quá trình thực hiện, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn cho thấy còn một nội dung rất quan trọng phải được quan tâm hơn nữa đó là việc bảo tồn và kế thừa, phát huy các giá trị di sản văn hóa kiến trúc trong các làng xã truyền thống, bài viết đề cập đến các giá trị của làng vùng Đông bằng sông Hồng.
Bảo tồn, tái hiện các tổ hợp không gian cảnh quan đặc trưng làng truyền thống trong không gian công cộng.
Các đặc trưng cảnh quan làng truyền thống hầu như đều có những biến đổi qua lịch sử phát triển làng, cây xanh cũng có nhiều biến đổi qua thời gian. Vậy cách bảo tồn là khái quát hóa các đặc trưng này để tùy theo điều kiện có thể tái hiện trong làng cũ hoặc để áp dụng trong khi xây dựng các khu dân cư mới trong làng xã.
Các tổ hợp cảnh quan đặc trưng này khá phong phú, có thể khác biệt qua các vùng địa hình như vùng ven trung du (Huyện Thạch Thất – Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang), vùng địa hình thấp trũng (Hà Nam, Thái Bình). Người làm quy hoạch cũng cần phải có khả năng nhận diện những khác biệt đó để tạo lập cảnh quan đặc trưng.
+ Ví dụ về tổ hợp cảnh quan đặc trưng: Một số tổ hợp cảnh quan tiêu biểu (từ trái qua phải): Sân phơi nhà ở, khóm tre nhà ở, nhà ở bên bờ ao, đường làng ngày mùa, đường làng với kiến trúc cổng nhà cổ, nhà mái ngói cây cau.
+ Vận dụng trong tạo cảnh quan ở điểm nhấn lối vào nhóm nhà, khu nhà xây mới: Tại điểm nhấn, lối vào khu dân cư mới có thể trồng khóm tre, làm cổng vào xóm hoặc trồng cây Đa tạo dấu ấn lối vào. Những tổ hợp này là đặc trưng thân thuộc của làng cũ có thể được tái hiện nếu có ý đồ trong tạo lập cảnh quan và bố trí cây xanh tại điểm nhấn.
+ Vận dụng trong tạo cảnh quan không gian xanh trong nhóm nhà: Trong không gian xanh nhóm nhà, thay vì chỉ trồng cỏ và cây bóng mát, có thể tạo một số tố hợp cảnh quan mang tính đặc trưng như trồng một bụi chuối, mặt nước ao, khóm cây cau… cũng là một giải pháp khả thi, không tốn kém mà vẫn tạo được bản sắc riêng của không gian xanh nhóm nhà.
+ Vận dụng trong việc tạo các không gian công cộng nhu nhà văn hóa cụm dân cư: Cảnh quan sân đình, giếng làng, cây đại, cây đa, cây si trồng xung quanh mặt nước ao có thể được tái hiện trong không gian sân nhà văn hóa thôn, xóm mới.
Một số giải pháp thiết lập không gian, cảnh quan trong nhóm nhà xây mới
Nhằm tạo sự hài hòa với không gian làng xã truyền thống. Đối với khu vực dân cư mở rộng, việc tổ chức không gian cần tuân thủ các nguyên tắc:
-Tăng cường không gian đi bộ: Tổ chức các không gian đi bộ, chú trọng giao thông đi bộ, không khuyến khích giao thông cơ giới cá nhân; Tạo lập các không gian giao tiếp quy mô xóm. Tạo tính tương đồng giữa hình thái khu cũ và khu mới: Độ dài của các tuyến đường thẳng ngắn hơn 60m, có các khúc ngoặt, đổi hướng, có các không gian đóng và mở. Tạo hình ảnh tường rào, cây xanh nhà ở là một phần của hình thái đặc trưng không gian làng. Có hình ảnh cây xanh, cảnh quan truyền thống; Cây Tre, Trúc, Cau, giàn dây hoa leo, giàn Trầu…
Kiến trúc nhà ở có tầng cao từ 2-4 tầng, khuyến khích dùng mái ngói. Bố trí cây xanh trước các ngôi nhà: Để tăng cường diện tích che phủ của thảm cỏ, cây xanh có thể dùng giải pháp trồng cây xanh, thảm cỏ trước nhà. Điều quan trọng là các dạng trồng cây xanh trước nhà ở nông thôn rất đa dạng chứ không phải chỉ là cây bóng mát, dạng cây xanh đường phố.
Nên dùng giải pháp thiết kế đường không vỉa hè trong các nhóm nhà với số lượng nhà nhỏ hơn 10 hộ mỗi bên. Nhóm nhà này vẫn cho ô tô vào được nhưng với sô lượng nhà ở ít không cần thiết phải tạo hè đường riêng. Tốc độ ô tô giới hạn 5km/h. chỉ để cho ô tô vào các hộ, không đi xuyên qua.
Giải pháp là trồng hoa, cây bụi 2 bên đường. Khuyến khích trồng hoa trên bờ tường rào để tạo cảnh quan cho đường làng, ngõ. Khuyến khích nhà dân trồng cây xanh phía giáp đường để tạo cảnh quan cho đường ngõ.
Với giải pháp này, cây xanh hai bên có thể là Cau, Lộc Vừng, Tre, Trúc hoặc các giàn cây có hoa kết hợp cỏ , hoa bụi trang trí.
Tạo các loại hàng rào đa dạng
Trong làng truyền thống, người dân rất biết tận dụng các vật liệu địa phương để làm hàng rào. Đơn giản là cây xanh như Ô rô, Duối cắt xén, hoặc xây bằng gạch, đá ong, làng nghề gốm thậm chí lấy tiểu sành, gốm vỡ để xây tường rào. Vì vậy đây cũng là cách để tái hiện đặc trưng. Với 2 loại:
+ Loại hàng rào kín, xây thấp: Loại chú ý đến chất liệu địa phương như dùng gạch trần, gạch đá ong. Có thê mô phỏng cổng nhà truyền thống, chữ trên cổng nhà…
+ Loại hàng rào hở hoặc bằng cây xanh: Khuyến khích xây tường rào thoáng, tường rào hai bên giữ các vật liệu có dấu ấn thời gian, hàng rào cây xanh có xén tỉa.
Những giải pháp tổ chức không gian, cảnh quan làng khuyến khích
Tạo lập cảnh quan đặc trưng trong các không gian đường làng, ngõ xóm làng nghề. Do đặc thù sản xuất của làng nghề là làm ở hộ gia đình và không gian đường làng cũng thường được sử dụng một phần để sản xuất như phơi bánh đa, để gỗ, phơi gốm… cần một số nguyên tắc thực hiện.
Với các làng nghề có hoạt động du lịch: Một số cảnh quan sản xuất theo phương thức truyền thống cho phép tồn tại, tái hiện. Tuy nhiên là loại hình không gây ô nhiễm, không nguy hiểm cho người thăm quan, không cản trở đến giao thông chung.
Một số nghề khác, không khuyến khích sử dụng không gian chung của làng vì vấn đề đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ví dụ việc phơi miến, bánh đa, mứt cạnh đường là không đảm bảo vệ sinh.
Các làng nghề cần có quy định cụ thể cho nội dung này, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng, của nghề và đảm bảo hoạt động giao thông./.
PGS.TS. Phạm Hùng Cường/Trường Đại học Xây dựng Hà Nội