28/07/2020

Thành Phố Hồ Chí Minh hướng ra biển đông

(Tạp chí KTVN) – Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM)  hướng ra biển Đông để trở thành đô thị biển.

Đô thị biển là những thành phố trên bờ biển, là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của một vùng hoặc một tỉnh, trong đó nhân tố biển với tư cách là động lực phát triển, quyết định tính chất và hình thái đô thị.

Kinh tế biển là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, tập trung nguồn lực đầu tư và phát triển các thành phố cảng đang trở thành ưu tiên trong chiến lược kinh tế – xã hội ở nhiều quốc gia.

Năm 2012, 14 trong 20 thành phố tăng trưởng kinh tế nhanh nhất và 36 trong tổng số 50 thành phố có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới đều thuộc về các thành phố cảng. Những con số ấn tượng này cho thấy sự năng động và tiềm năng của các thành phố cảng trong tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời cổ đại, Alexandria của Ai Cập, Pirey và Chersones của Hy Lạp, Contanstinopole của Bizantine đều tọa lạc trên bờ biển Địa Trung Hải.

Thế kỷ XVIII, Hoàng đế Pie Đệ Nhất nhận ra: Chỉ với Moscow nằm sâu trong đất liền, nước Nga không thể sánh vai cùng Âu châu. Ông quyết định một cách thiên tài, – xây Saint – Peterbourg ngay trên vùng đầm lầy trên bờ biển Baltic. Khi xây dựng Saint Peterbourg của Nga , Pierre Đệ Nhất có nói “Tương lai nằm trên biển”.

Thời kỳ phát triển Tư bản chủ nghĩa, Pháp có Marseille, Đức có Hamburg, Hà Lan có Rotterdam, Thụy điển có Stockholm, Anh có Liverpool, Mỹ có New York…

Trung quốc có chuỗi các thành phố ven biển như : Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải, Thiên Tân, Đại Liên.

Ờ nước ta trên tuyến bờ biển kéo dài 3620 km, chỉ hiện hữu có 3 thành phố lớn là Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn – TPHCM  là “đô thị biển lớn”  mạnh mẽ về kinh tế biển của 3 miền Bắc, Trung và Nam.

Có thể nói Đô thị – Hải cảng, đô thị trên bờ biển chỉ hình thành ở nửa sau thế kỷ XIX.

Cách đây hơn 300 năm Nguyễn Hữu Cảnh đã có suy nghĩ về mở cửa làm ăn buôn bán với nước ngoài trong quá trình mở đường khai phá vào Phương Nam, đặc biệt chọn Bến Nghé là nơi buôn bán không phải chỉ với nội địa mà còn với nước ngoài. Trong bản tường trình Nguyễn Hữu Cảnh đã khẳng định đây là hướng phát triển lâu dài của đất nước.

TPHCM đã ban hành Quy định về Quản lý quy họach chung đô thị theo đề án điều chỉnh Quy họach chung điều chỉnh quy họach xây dựng TPHCM đến năm 2025. Theo đó, định hướng phát triển Thành phố  hướng ra biển Đông dựa trên khu  du lịch sinh thái lấn biển Cần Giờ và khu đô thị cảng Hiệp Phước, trên cơ sở  nghiên cứu quy luật các TP lớn trên thế giới  và khu vực châu Á – TBD, có ưu thế phát triển nhanh đều nằm ở ven biển, đã đặt ra yêu cầu cấp bách mở rộng quy mô đô thị và cơ sở hạ tầng để TPHCM hướng ra biển Đông.

Khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Từ khi có huyện Cần Giờ (sáp nhập từ tỉnh Đồng Nai vào TPHCM, ngày 17/12/1976) , TPHCM trở thành một siêu đô thị có biển/ven biển , một siêu đô thị có khu dự trữ sinh quyển của thế giới mà các đô thị khác khó có được. Do vậy TPHCM rất có khả năng hội nhập vào chuỗi các thành phố ven biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương, để tăng trưởng nhanh.

Quyết định Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ với mục tiêu xây dựng Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ khách sạn.

Dự án tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư với diện tích 3.000 ha, quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án; Tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; Không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn…

Theo Bộ TNMT, dự án nằm kế cận khu dự trữ sinh quyển vùng ngập mặn  Cần Giờ chứ không thuộc ranh giới ranh giới vùng phòng hộ Cần Giờ, phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO. Những biện pháp thi công là tiên tiến, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam.

Dự án nằm ở vị trí cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18km về phía  Bắc, nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và rừng ngập mặn và kế cận với  khu vực  chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển, cách luồng hàng hải sông Soài Rạp  khoảng 2,7 km và sông Lòng Tàu 4,5km . Dự án nằm cách khu du lịch sinh thái Vàm Sát 17km về phía Tây Bắc. Quy mô dân số dự kiến là 288.506 người với khoảng 9 triệu lượng khách du lịch/ năm, tạo ra công ăn việc làm cho 25.00 lao động. Khi hoàn thành, dự dán dự kiến đóng góp khoảng 2,900 tỳ đồng/ năm cho ngân sách và khoảng từ 2-3% tổng mức bán lẻ và doanh thu cho thành phố.

Bộ TNMT đã yêu cầu chủ đầu  tư nghiên cửu phương án khai thác vật liệu tại chỗ khi cải tạo khu vực  biển hồ trong dự án và tận dụng tối đa như các nguồn nạo vét, tro xỉ, đáp ứng yêu cầu san lấp để hạn chế tối đa khai thác vật liệu từ bên ngoài và sẽ được xem xét theo các quy định của pháp luật.

Dự án án biển Cần Giờ ( Đồ họa : T ĐẠT, Báo Tuổi Trẻ)

Dự án án biển Cần Giờ (Đồ họa: T ĐẠT, Báo Tuổi Trẻ)

Đô thị cảng Hiệp Phước

Đô thị cảng biển không chỉ là đầu mối, là cầu nối trong sự phát triển mỗi quốc gia và các quốc gia; Không chỉ là pháo đài tiền tiêu trong phòng thủ. Đô thị cảng biển, đô thị biển còn là hiện tượng lịch sử văn hóa và nhân văn; Là cơ chế đặc trưng, hấp thụ và tiêu hóa các nền văn minh trong sự tuần hoàn chuyển hóa cũng như cộng sinh.

Việc các nhà quy hoạch đã hướng định địa lý để  hình thành  “Chiến lược phát triển TPHCM hướng ra biển Đông”,  không chỉ là sự kế thừa tư duy mở cõi của ông cha ta và các quốc gia trên thế giới (các thành phố thương mại lớn trên thế giới đều nằm ven biển) mà còn đáp ứng được nhu cầu thực tế của thành phố năng động. Nếu “mở cửa” ra biển Đông, đồng thời cũng là mở cửa tiến về ĐBSCL với giao thông thủy vô cùng tiện lợi. 

Chiến lược tiến ra biển Đông là một trong những chủ trương lớn của TPHCM trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Là một TP có cảng lớn nhất nước, việc đưa cảng, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tiến dần ra cửa biển là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kích cỡ tàu vận tải biển của ngành hàng hải thế giới. Chính vì vậy, trong những năm qua, khu Nam TPHCM (quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh) đã hình thành một loạt KCX Tân Thuận, KCN Long Hậu, Phong Phú, đặc biệt khu đô thị Cảng Hiệp Phước – Nhà Bè  cùng với  khu đô thị  du lịch sinh thái  Cần Giờ sẽ trở thành “thành phố ven biển” có “tốc độ tăng trưởng  nhanh” . Chính đô thị vệ tinh Cảng Hiệp Phước là trung tâm khu vực phía Nam của TP HCM đa trung tâm.

Di dời cảng Sài gòn

Trên thế giới, cảng biển cũng đã và đang được chuyển dịch ra khỏi khu vực nội đô vì nhu cầu tiếp nhận tàu lớn hơn, chi phí cơ hội gia tăng của đất trung tâm thành phố và tình trạng tắc nghẽn giao thông do hoạt động cảng gây ra. Cảng Sài Gòn năm 2009 đã nằm lọt ngay giữa trung tâm thành phố nên phải di dời

Hạt nhân của đô thị cảng Sài Gòn là cảng Sài Gòn được thành lập từ năm 1860 dưới thời thuộc địa của Pháp với tên gọi là thương cảng Sài Gòn, cách biển 83km (có 5 khu vực: Hàm Nghi, Nhà Rồng, Khánh Hội, Tân Thuận và Cảng Cá), đến năm 1939 cảng Sài Gòn trở thành cảng đứng thứ 7 trong số các cảng của đế quốc Pháp, vận chuyển 3 triệu tấn trong đó 2000 tấn xuất nhập khẩu hàng hóa.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, đến năm 2009 cảng Sài Gòn – TPHCM là một cảng quốc tế của khu vực miền Nam, tổng biện tích 570.000m2 (có 5 khu vực: Tân Cảng, Bến Nghé, Khánh Hội, Nhà Rồng và Tân Thuận), khối lượng xuất nhập khẩu là 35 triệu tấn (năm 2006). Cảng  TPHCM xếp thứ 25 trong số 50 cảng container lớn nhất thế giới năm 2012. Cảng  TPHCM là thành viên của Hội cảng biển quốc tế (IAPH) và Hội cảng biển ASEAN (APA).

Trong quá trình đô thị hoá, cảng Sài Gòn từ vị trí kề cận với trung tâm nay đã nằm lọt ngay giữa trung tâm thành phố, gây nên tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm do lượng xe tải đi qua trung tâm quá lớn, nên năm 2009 TPHCM bắt đầu di dời hệ thống cảng Sài Gòn ra cảng Hiệp Phước Nhà Bè .

Khu đô thị cảng quốc tế phía Nam thành phố

Khu đô thị cảng Hiệp Phước có vị trí phía Nam huyện Nhà Bè, cách trung tâm thành phố 18km, cách sân bay Tân Sơn Nhất 25km, cách biển 20km, có diện tích 3600ha, là khu đô thị cảng  quốc tế quy mô lớn, là đầu mối trung chuyển  phục vụ cho TPHCM, vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL . Một khu đô thị công nghiệp với khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, đa nghành, đa dạng về sản phẩm, đặc biệt là các loại công nghiệp gắn với cảng vận tải đường thủy, khu đô thị cảng Hiệp Phước là khu  đô thị dịch vụ logistics, đặc biệt phục vụ cho các hoạt động cảng, sản xuất công ngiệp vận tải biển, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua biển và cũng là khu đô thị hiện đại với các khu vực đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ hoàn chỉnh, môi trường sống chất lượng cao.

Khu đô thị này chia thành 4 phân khu chức năng là: khu đô thị, khu công nghiệp cảng , khu du lịch giài trí, khu bảo tồn và phát huy môi trường sinh thái.

Khu công nghiệp – dịch vụ cảng – logistics Hiệp Phước nêu trên phát triển đa dạng các ngành dịch vụ cảng, phục vụ có hiệu quả các hoạt động của tàu, thủy thủ và hành khách.

Khu đô thị cảng Hiệp Phước là đầu tàu cho “khu kinh tế đặc biệt” của TPHCM, là không gian kinh tế tạo “lực tác động chủ đạo” cho phát triển cả vùng TPHCM  và là một  “đô thị cảng  thành phần” của đô thị cảng lớn Sài Gòn – TPHCM.

Với lợi thế nằm trên hướng của Thành phố tiến ra Biển Đông, Nhà Bè đã và đang được mở ra nhiều cơ hội phát triển và trong tương lai không xa sẽ trở thành một khu vực công nghiệp – đô thị – cảng và là một vùng kinh tế năng động của Thành phố. Ngoài việc giải quyết được bài toán về cở sở hạ tầng, kết nối giao thông mà còn tạo điều kiện cho người dân ở đây chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp kém hiệu quả sang công nghiệp hiện đại, dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập, đời sống kinh tế xã hội được nhanh chóng cải thiện.

Bản đồ Khu cảng Hiệp Phước

Bản đồ Khu cảng Hiệp Phước

Tại Khu công nghiệp Hiệp Phước đã có 03 cảng biển quốc tế hoạt động: Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước (15 ha), Cảng Container Quốc tế Trung Tâm Sài Gòn – SPCT (40 ha), Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước (54 ha). Trong tương lai khi các cảng trong nội thành di dời về Khu cảng hạ lưu Hiệp Phước (khoảng 384,7 ha) kết hợp với Khu công nghiệp Hiệp Phước (Giai đoạn 3, khoảng 392,8 ha) được quy hoạch là Trung tâm Kho vận Logistics sẽ là trung tâm thông thương hàng hóa lớn của cả khu vực.

Khu cảng Hiệp Phước , Khu công nghiệp Hiệp Phước trải dài theo dòng sông Soài Rạp, là tuyến luồng tàu biển chính (rộng nhất, ngắn nhất) của thành phố Hồ Chí Minh nối ra Biển Đông, là nơi quy hoạch Khu cảng hạ lưu Hiệp Phước của TPHCM thuộc nhóm cảng biển số 5 (TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu) theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc đáp ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu, thì vị trí này cũng giúp cho việc lưu thông hàng hóa theo đường thủy nội địa đi về ĐBSCL cũng như lên miền Đông Nam Bộ.

Có thể nói,  toàn bộ hệ thống Cảng trên sông Sài Gòn sẽ được dời ra khu đô thị cảng Quốc tế phía Nam thành phố, khi ấy nơi này sẽ hình thành khu đô thị Cảng sầm uất nhất cả nước với 4 Cảng container quốc tế : Bến cảng container Trung tâm Sài Gòn (Saigon  Premier Container Terminal – SPCT), cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, và cả Cảng Quốc tế Long An.

Cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai (di dời tử Tân Cảng) có thể tiếp nhận tàu đến 30 nghìn tấn (DWT).

Khu bến trên sông Sài Gòn- Nhà Bè nâng cấp cho tàu đền 3DWT vào theo sông Lòng Tàu. Xây dựng mới bến tàu khách với nhà ga đồng bộ hiện đại tiếp nhận được tàu du lịch quốc tế 5 vạn GRT ( Gross Tonnage) tại Phú Thuận, hạ lưu cầu Phú Mỹ

Đã có kế hoạch xây dựng thêm các khu bến Cần Giuộc, Gò Công sông Soài Rạp thuộc địa phận Long An và Tiền Giang làm khu vực bến vệ tinh cho các khu bến chính trong cảng Sài Gòn – TPHCM, gồm các bến tổng hợp và chuyên dùng cho tàu 2-5 DWT ra vào qua sông Soài Rạp.

TP đã bắt đầu nạo vét sông Soài Rạp (trong hệ thống sông Đồng Nai) sâu đến 9m trong năm 2010 để khi cảng Hiệp Phước đi vào hoạt động sẽ có thể đón tàu 50 nghìn tấn (DeadWeight Tonnage – DWT), và sau 2010 sẽ nạo vét sâu đến 12m để có thể đón các tàu 70 nghìn tấn (DWT) qua đó có thể nâng công xuất lên 250 triệu tấn / năm, một bến chuyên dùng của các cơ sở công nghiêp dịch vụ và đóng sửa chữa tàu biển ven sông cho tàu 2-3 vạn DWT.

Kết nối cụm đô thị cảng biển lớn TPHCM với đô thị cảng biển hiện đại Bà Rịa – Vũng Tàu trong Vùng TPHCM để trở thành cửa ngõ kinh tế kết nối Việt Nam với thế giới

Năm 1999, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển đầu tiên ra đời tạo một bước ngoặt, đưa kinh tế khai thác cảng biển sang một trang mới. Từ đó đến nay, hệ thống cảng biển Việt Nam đã trải qua 02 thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2000 -2010 và 2010 – 2020).

Định hướng phát triển hạ tầng cảng biển trong thời kỳ này (22010-2020) đã được mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải hội nhập toàn cầu với quy mô cảng đáp ứng cho tàu trọng tải đến trên 100.000 DWT; ưu tiên tập trung vào các dự án tạo động lực và có sức lan tỏa lớn.

Đối với cảng tổng hợp, giai đoạn khởi động cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; khu bến Lạch Huyện – cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; khu bến Cái Mép, Phú Mỹ-  cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu; khu bến Hiệp Phước – cảng TP. Hồ Chí Minh; khu bến Cái Cui – cảng Cần Thơ.

Cảng Hiệp Phước sẽ là khu cảng hiện đại nhất Việt Nam và tại đây hình thành một khu đô thị cảng Hiệp Phước  sẽ  song hành cùng với cảng Cát Lái và Thị Vải – Cái Mép Bà Rịa – Vũng Tàu để trở thành cụm cảng lớn  của Vùng đô thị TPHCM.

Bản đồ Khu cảng Cái Mép - Thị vải Vũng tàu

Bản đồ Khu cảng Cái Mép – Thị Vải Vũng Tàu

Nguyễn Đăng Sơn – Nguyên Phó Viện trưởng  Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng