Khi việc trùng tu, tu bổ lại hóa xâm hại di tích
Đầu tháng 2/2020, Hội đồng kỷ luật địa phương đã họp để xử lý các cán bộ liên quan đến vụ để chủ đầu tư xây chùa Linh Sâm xâm lấn đất bảo vệ di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu. UBND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo 3 cán bộ xã Thanh Yên.
Hàng loạt cổ tự bị “bức tử”!
Đây là phần kết của sự việc xảy ra vào tháng 8/2019 khi có một số người, tổ chức khởi công xây dựng chùa Linh Sâm trên diện tích khoảng 6.000 m2 tại xã Thanh Yên (Thanh Chương). Dự án có mức đầu tư dự kiến khoảng 30 tỷ đồng.
Trong khuôn viên đền Hữu, công trình chùa Linh Sâm xây dựng xâm lấn trái phép vi phạm Luật Đất đai, Luật Di sản. Phía Tây đền, một doanh nghiệp đã xây dựng phần thô 6 ngôi nhà và cổng tam quan chồng lấn lên phần đất khu vực cần bảo vệ của di tích.
Về thủ tục pháp lý, công trình chùa Linh Sâm chưa đầy đủ theo quy định. Mặc dù phần lớn đất xây chùa chồng lấn đất khoanh vùng bảo vệ của di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Hữu nhưng chính quyền địa phương bị cho là đã “làm ngơ”. Đến ngày 28/10/2019, sau khi báo chí đồng loạt đưa thông tin phản ánh (gần 3 tháng sau thời điểm thi công), UBND xã Thanh Yên mới ra công văn đình chỉ.
Điều đáng nói đây không phải là vụ việc đầu tiên và duy nhất liên quan đến vấn đề xâm hại di tích. Trước đó, tháng 8/2018, việc tu bổ ở đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) trở thành đề tài “nóng” trong dư luận.
Đình Lương Xá là công trình được xây dựng từ thế kỷ 17 với những mảng chạm tuyệt đẹp được xem như đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ đã bị phá đi để xây vào đó một công trình kiến trúc bê tông. Sự việc gây ngạc nhiên và bức xúc trong dư luận.
Xã Liên Bạt bị cho là không thực hiện được các yêu cầu đối với trùng tu, tôn tạo một di tích như báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn đơn vị có tư cách pháp nhân về tu bổ di tích tham gia khảo sát đánh giá, xác định nguồn vốn tu bổ.
Tương tự, Di tích quốc gia chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) là cái tên mới nhất trong danh sách các di tích bị xâm hại với danh nghĩa “trùng tu”. Trụ trì chùa Bối Khê đã cho đập hai cổng ngách hai bên gác chuông của chùa để xây dựng mới. Việc xây dựng này hoàn toàn bất tuân pháp luật.
Điều lạ là trụ sở UBND xã nằm đối diện ngôi chùa. Và chính Ban quản lý dự án của huyện Thanh Oai thực hiện lát gạch (không phép) cho nền sân đất của chùa, di chuyển cây xanh trong sân chùa và dựng lên những cột đèn mà người dân so sánh “như công viên”.
Đau đầu khi giải quyết hậu quả
Trước đó, dư luận từng bàng hoàng, xót xa trước hàng loạt di tích hàng trăm năm tuổi bị xâm hại. Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) ngót ngàn năm tuổi bị nhà chùa tự ý dỡ nhà tổ và gác khánh để xây mới khi chưa được phép của các cơ quan chức năng.
Hay ở đình cổ Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội), đơn vị thi công tu bổ di tích đã khiến các mảng chạm cổ kính bỗng biến mất, thay vào đó là những mảng chạm lạ lẫm. Hoặc chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội) , những mái ngói cổ bị đơn vị thi công vứt bỏ ngổn ngang vỡ nát, tự bổ sung các hạng mục mới; Đình Yên Phụ (Hà Nội) hạ giải toàn bộ cột gỗ thay bằng cột bê tông; Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) sau khi trùng tu giống hệt “cái lò gạch”…
Giải quyết các vụ tôn tạo chùa “chui”, phá hủy di tích không phải là điều dễ dàng. Một thực tế gây bức xúc đó là, hầu hết các vụ tôn tạo chùa “chui” đều được chính quyền sở tại “phát hiện” khi chùa cổ đã bị hạ giải, phá hỏng các kiến trúc cổ… Khi chủ đầu tư bị “tuýt còi”, công trình bị đình chỉ là ngôi chùa cổ kính chỉ còn lại là công trình dở dang, ngổn ngang.
Trước việc “bức tử” di tích, cách đây 4 năm, Nghị định 61/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh vừa được Chính phủ ban hành.
Trong đó, về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích, Nghị định nêu rõ, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích (Giấy chứng nhận hành nghề) được cấp cho tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định đối với từng trường hợp cụ thể.
Cụ thể, để được cấp Giấy chứng nhận hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích, tổ chức phải đáp ứng điều kiện là được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 2 người được cấp Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích… Tuy nhiên, sau 4 năm, Nghị định 61/2016/NĐ-CP liệu có được thực hiện nghiêm.
Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa:
Ngoài các luật, việc tiến hành các dự án tu bổ, tôn tạo di tích được quy định rõ nhất tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP, ngày 18-9-2012 của Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh (Nghị định 70) và Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL, ngày 28/12/2012 của Bộ VH-TT&DL (Thông tư 18) hướng dẫn thực hiện Nghị định 70.
Điểm nổi bật của các quy định chuyên ngành này là hồ sơ dự án tu bổ di tích cần thực hiện qua 3 bước: Thỏa thuận, phê duyệt chủ trương; thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự án và thỏa thuận, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công thay vì chỉ có báo cáo kinh tế – kỹ thuật như trước đây.
Trước khi thi công, chủ đầu tư các dự án phải xin ý kiến cộng đồng, chỉ khi nào cộng đồng ủng hộ thì dự án mới được triển khai. Đặc biệt, người đảm nhận vị trí chủ chốt trong quá trình thi công, tu bổ di tích bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề do các đơn vị chuyên môn đào tạo, chứng nhận.
Việc thắt chặt các quy định góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tu bổ di tích, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng về di tích, ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch di tích…
GS Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống:
Những người thi công coi tu bổ như sửa nhà cửa chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. Cần nhắc lại, đây là tu bổ chứ không phải tu sửa. Tu sửa chỉ lo phần vỏ vật chất bên ngoài, không chú tâm vào tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình.
Điều này dẫn tới “thảm họa” trùng tu. Nhận thức về di sản của một số người chưa đến nơi đến chốn. Khi các chủ đầu tư “bán” lại cho “sân sau”- đơn vị thi công tôn tạo, di tích nào đó, thì đó là việc họ coi các kiến trúc cổ là “mỏ vàng” để kiếm lợi, ngang nhiên phá hủy di tích cổ. Thật đau lòng!
Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình:
Tôi bàng hoàng, thậm chí không thể tin vào mắt mình khi thấy đình Lương Xá bị hạ giải và tu bổ một cách bừa bãi và không tuân theo bất cứ quy định nào về bảo vệ di sản.
Đáng tiếc hơn nữa, việc trùng tu sai, trùng tu ẩu, cùng việc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật đã từng có nhiều ví dụ điển hình, diễn ra muôn hình vạn trạng, không có vụ việc nào giống vụ việc nào và luôn trở thành “sự đã rồi” cuối cùng chỉ có di sản mất đi và không có ai phải chịu trách nhiệm cả.
Trường hợp phá đình làng Lương Xá có tuổi đời 300 năm, một trong những kiến trúc có giá trị nghệ thuật mà trong nó chứa đựng tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt Nam để thay thế bằng kiến trúc bê tông thì là hành động gì?
Sau nhiều di tích cứ trùng tu là phá, sau trường hợp đình Lương Xá này rất mong các cơ quan quản lý nhà nước đề ra các cơ chế chính sách phù hợp với thực tế để kịp thời ngăn chặn sự việc tương tự.
Thùy Dương/Báo Pháp luật