Quy hoạch chống ngập: TP HCM cần tính đến yếu tố xã hội
UBND TP vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM.
Hiện nay, quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng tại TPHCM được đánh giá là đã không còn phù hợp với thực tế và cần phải nhanh chóng được thay thế trong bối cảnh mà ngập nước đang ngày càng trở thành vấn đề thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển của TP. Vì thế mới đây, UBND TP vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM. Theo nhiều chuyên gia, đây là việc làm cần thiết để công tác chống ngập hiệu quả hơn.
Trong 3 năm gần đây, TPHCM đã xuất hiện 21 đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp III (1,5m). Ngoài ra, trong năm 2018, do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra mưa lớn, lượng mưa đo được tại Trạm Tân Sơn Hòa (gần sân bay Tân Sơn Nhất) là 401mm làm ngập khoảng 102 tuyến đường, chiều sâu ngập 10cm đến 70cm.
Mới đây, đợt triều cường diễn ra vào đầu tháng 10 đã khiến cho phần lớn diện tích của TP ngập sâu, có nơi chưa bao giờ ngập cũng phải nếm trải cảm giác nước triều dâng vào nhà. Ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 21, quận Bình Thạnh cho biết, đã sống ở đây mấy chục năm và đã nếm trải cảm giác nước xộc thẳng vào nhà, cuốn trôi hết đồ đạc, thậm chí cả bàn thờ ông địa: “Đồ đạt ướt hết. Xe cộ và nước ngập tùm lum. Bà con cũng mong Nhà nước tận tâm giải quyết cho đường rút nước để mưa lớn nước không vào nhà”.
Được biết, Quy hoạch số 1547 (năm 2008) là quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau được chuyển về cho TPHCM có phạm vi ảnh hưởng không chỉ ở TPHCM mà còn về phía Long An. Do phía Long An không có quyết tâm cao nên TPHCM điều chỉnh lùi về hướng thành phố cho khả thi.
Theo ông Đặng Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, quy hoạch chống ngập theo Quyết định 1547 đang gặp khó, nhất là vùng phía Nam TP, vùng đất thấp, ô nhiễm, đô thị hoá… nhưng khi giải quyết xong phần đó sẽ thấy rõ hiệu quả. Hiện nay đang quá trình thực hiện nên còn tranh luận nhưng theo ông Lâm, để có hiệu quả trong chống ngập cho TPHCM thì cần phải rà soát cả quy hoạch thoát nước (Quy hoạch 752) về thoát nước đô thị. Trước đây phân ra 6 vùng của TP nhưng hiện mới thực hiện cho khu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hoá – Lò Gốm, Kênh Đôi – Kênh Tẻ… và quy hoạch này còn nhiều tồn tại, trong khi số liệu lượng, tiêu chuẩn mực nước triều… đang tăng cao, nhiều yếu tố ảnh hưởng, bởi vậy cần phải phải xem xét lại.
Để nhìn rõ hiệu quả của các quy hoạch trên, ông Lâm cho rằng cần phải đợi dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam đang triển khai đi vào hoạt động và kết hợp đánh giá với quy hoạch thoát nước: “Dự án đang quá trình thực hiện cũng hơi chậm tiến độ nên cũng chưa đáp ứng được kết quả vận hành chống triều và chống ngập. TPHCM đang rà soát quy hoạch thoát nước nữa và hai quy hoạch này phải lồng ghép, kết hợp tốt”.
Trong khi đó, GS-TSKH Lê Huy Bá, Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học–Công nghiệp thực phẩm TPHCM ủng hộ việc TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM. Lý do đúng là như TP đã nhận định là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết dị thường…đang diễn ra khá phổ biến.
Ông Lê Huy Bá cho rằng, lâu nay chúng ta đã sai lầm trong việc chống ngập khi chưa có sự liên kết, phối hợp giữa các ngành. Quy hoạch chống ngập không thể cứ theo tư duy là làm theo giao thông, làm theo nhà dân mà phải dựa vào tự nhiên, vùng lưu vực và phải quan tâm đến yếu tố xã hội. Với lực của TP hiện nay và thực tế là con người cũng không thể chống lại thiên nhiên nên phải làm sao để thích nghi dần với điều kiện thiên nhiên mới là cái đích hướng tới.
Do vậy, theo ông Lê Huy Bá, dù sắp tới công trình gần 10.000 tỷ đồng đưa vào hoạt động thì cũng không thể giải quyết được bài toán ngập, bởi sự thiếu kết nối và cả sai lầm ngay từ đầu ở khâu phân chia lưu vực… Cho nên, ông kỳ vọng vào quy hoạch chống ngập úng sửa đổi lần này sẽ phù hợp với thực tế và nhanh chóng được thực hiện.
“Thoát được nước chống được ngập là hy vọng lớn nhất. Tiếp đến là giải quyết đồng bộ, trong đó có yếu tố về kinh tế xã hội, giao thông. Phải có lộ trình từng bước. Và nếu chưa đủ sức khi có quy hoạch thống nhất rồi thì mình làm từng tiểu lưu vực sau đó mới tới lưc vực chung rồi lưu vực lớn”- ông Bá nói.
Rõ ràng, việc UBND TPHCM xin điều chỉnh quy hoạch là cần thiết trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết cực đoan…đang diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, quy hoạch mới cần phải đảm bảo hài hoà cả về hiệu quả chống ngập và tác động đến xã hội./.
Hà Khánh/VOV