09/07/2019

Hà Nội: Cống hoá sông Tô Lịch là sai lầm?

Từ đề xuất cống hoá sông Tô Lịch, các chuyên gia khẳng định, cống hoá chẳng khác nào giấu những cái bẩn thỉu đang tồn tại trong con sông.

Cống hoá là giấu đi ô nhiễm?

Tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội của HĐND TP Hà Nội (ngày 8/7), Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm – Dương Đức Tuấn đề nghị thành phố “xem xét cống hoá đối với một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước, ngay cả như Tô Lịch, Kim Ngưu”.

Theo ông Tuấn, việc cống hoá các con sông, kênh mương sẽ góp phần giảm thiểu việc xả thải, đồng thời làm tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông.

Đề xuất cống hoá sông Tô Lịch đã vấp phải nhiều ý kiến phản biện. Ảnh: Bảo Loan

Đề xuất cống hoá sông Tô Lịch đã vấp phải nhiều ý kiến phản biện. Ảnh: Internet

Ngay sau khi đề xuất trên được đưa ra, đã có nhiều ý kiến phản biện lại. Điển hình, ngay trong phiên thảo luận, một đại biểu đến từ quận Thanh Xuân cho rằng: “Không nên đặt vấn đề bê tông hoá sông Tô Lịch vì đây còn là câu chuyện của địa lý, phong thuỷ, tâm linh nữa.

Hơn nữa, phương án bổ cập nước để dòng sông luôn chảy đã được tính đến để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. Khi có nước chảy thì sẽ giảm được ô nhiễm trước mắt cũng như lâu dài”.

Đồng tình với phản biện đến từ quận Thanh Xuân, ngày 9/7, trả lời phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, Th.S Đỗ Thanh Bái, chuyên gia môi trường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hoá học Việt Nam khẳng định: “Cống hoá không thể coi là một giải pháp để xử lý ô nhiễm nước ở Hà Nội, bởi vì cống hoá là giấu ô nhiễm đi, chứ không phải là xử lý ô nhiễm. Hơn nữa, khi cống hoá, dòng chảy trong lòng cống là dòng chảy của chất thải lỏng, chứ không còn là dòng chảy của một dòng sông nữa”.

Th.S Đỗ Thanh Bái, chuyên gia môi trường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hoá học Việt Nam trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: Bảo Loan

Th.S Đỗ Thanh Bái, chuyên gia môi trường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hoá học Việt Nam trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: Bảo Loan

Th.S Đỗ Thanh Bái lý giải: “Với những đoạn cống, rãnh có kích thước nhỏ, có đặc trưng nước thải… thì có thể cống hóa, nhưng không có nghĩa là cống hoá toàn bộ các con sông trên địa bàn. Cống hoá dòng sông Tô Lịch để giảm thiểu xả thải thì tôi không khuyến khích và không thấy thuyết phục”.

“Những dòng sông chảy qua địa phận thành phố như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu càng cần phải giữ lại mặt nước, vì mặt nước tác động rất lớn đến dân sinh. Vì thế, dòng sông nào chưa xanh thì cần phải làm cho nó xanh trở lại, cần phải triển khai đồng bộ từ xử lý đầu nguồn nước vào sông, đến hệ thống xả thải của cư dân ra sông. Song song đó là tăng cường xử lý chất thải ở cuối nguồn. Đó mới là giải pháp cốt lõi để xử lý dòng sông Tô Lịch”, Th.S Đỗ Thanh Bái nhấn mạnh.

Giải pháp sai lầm nếu cống hoá

Đồng quan điểm trên, GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN thẳng thắn: “Nếu cống hoá là đi từ sai lầm này sang sai lầm khác, ta đang biến dòng sông tự nhiên thành dòng “sông chết”, từ “sông chết” thành sông nhân tạo, biến từ sông thành cống. Nếu cống hoá rồi, sau này có câu chuyện ùn ứ rác thải, không thể lưu thông trong lòng cống là lại đưa ra đề xuất phá bỏ và rồi lại tiêu tốn hàng nghìn tỉ thì rất không thuyết phục”.

GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN

GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN

“Chỉ có thể cống hoá một đoạn ngắn. Ví dụ như đoạn sông Kim Ngưu chảy qua địa phận trường ĐH Bách Khoa. Còn cả sông Tô rất dài, vòng vèo từ Đông sang Tây, rất khó để thực hiện.

Về nguyên tắc thuỷ lực, cống hoá không thể làm cho sông Tô “sống” được. Bởi vì, cống hóa tức là cống nhân tạo, phải do con người chủ động làm từ đầu và đã là nhân tạo thì phải được thiết kế theo đúng độ dốc, độ cong, độ rộng thì nước mới chảy được. Còn nếu cố tình cống hoá thì sẽ “hỏng” cả một dòng sông, phá vỡ phong thuỷ thành phố.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, sông Tô Lịch từng là dòng sông tự nhiên, có bề mặt nước xanh ngát, hiền hoà. Ảnh: Bảo Loan

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, sông Tô Lịch từng là dòng sông tự nhiên, có bề mặt nước xanh ngát, hiền hoà. Ảnh: Bảo Loan

Ở các nước khác như Nga, Pháp, họ cũng tạo những con sông chảy trong cống hộp đặt trong lòng đất, nhưng con người vẫn có thể bơi thuyền vào bên trong cống để kiểm tra dòng chảy, kiểm tra rác thải. Nếu kiến tạo cống hoá dòng sông Tô Lịch, lấy gì để đảm bảo thuyền vẫn có thể vào trong lòng cống để kiểm tra? Lấy gì để đảm bảo con người vào cống kiểm tra không bị ngạt khí CO2? Trong khi hiện nay, nguồn nước chảy của sông Tô Lịch chủ yếu là trông chờ vào những trận mưa hoặc nước thải dân sinh”, GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

“Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”, GS.TS Vũ Trọng Hồng đọc câu thơ và nhấn mạnh: “Đây là dòng sông tự nhiên, từng xanh ngát, hiền hoà, nhưng nay đã bị “chết”. Đã có khá nhiều đề xuất cải tạo sông Tô Lịch. Nếu muốn khôi phục dòng sông, bắt buộc phải tạo dòng chảy, tức là phải mở nước từ sông Hồng, Hồ Tây vào để dòng sông này có thể được sống lại”.

Bảo Loan/Báo Gia đình và Xã hội