Diện mạo đô thị TP Hồ Chí Minh: Loay hoay tìm dấu ấn riêng
TP Hồ Chí Minh đang quá tải về mật độ chung cư cao tầng. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia, nhà quản lý quy hoạch đô thị đã đưa ra các cảnh báo rất đáng lưu tâm.
Mỗi thời mỗi kiểu quy hoạch
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Biểu – Giám đốc Công ty TNHH xây dựng B.HOME tại TP HCM, người từng nhiều năm quan sát sự phát triển hạ tầng đô thị của TPHCM nhìn nhận, việc quy hoạch của đô thị này là không thống nhất và xuyên suốt qua các giai đoạn. Chẳng hạn, năm 1998 thì thành phố có thiên hướng về hướng Nam và Đông Nam. Đến năm 2006, các quy hoạch lại có xu hướng chính là Đông Bắc, Nam và hướng phụ là Tây Bắc. Vào năm 2010, chính quyền TP HCM lại hướng phát triển theo cấu trúc “chùm đô thị, đa tâm” và phát triển ở tất cả các hướng. Hiện nay, chính quyền đương nhiệm của thành phố đông dân nhất nước lại đang muốn phát triển về khu Đông, với mô hình “đô thị sáng tạo” và “đô thị thông minh”, trên cơ sở tận dụng các hạ tầng đang có và sẽ hình thành là Khu Công nghệ cao (đặt tại Q.9), Làng Đại học tại Q.Thủ Đức và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2). Theo KTS này, các quy hoạch ngắn hạn (dưới 10 năm, có thời điểm chỉ 5 năm) sẽ phá vỡ diện mạo của một đô thị và sẽ rất khó để tìm thấy sự đặc trưng của nó.
“Ngay trong khu vực chúng ta, các đô thị như Manila (Philippines) hay Jakarta (Indonesia) là những bài học điển hình nhất, khi chỉ chú trọng xây nhà mà không đi kèm hạ tầng giao thông công cộng. Các thành phố này đã đang mất đi bản sắc của riêng mình” – KTS Nguyễn Văn Biểu nêu dẫn chứng.
Rất may, TP HCM lại nằm trong số ít các đô thị mới đang ở giai đoạn khởi đầu phát triển, bởi vì ít nhất thành phố cũng còn giữ lại nhiều di sản kiến trúc từ thời Pháp. Việc bảo tồn và giữ nguyên các kiến trúc cổ này, giúp TP HCM giữ được chút ít “hồn đô thị” như thủ đô Hà Nội, hay Hội An, Huế,… Thế nhưng, các lợi thế này cũng đang có dấu hiệu bị xói mòn bởi các quy hoạch ồ ạt cho hạ tầng cao tầng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cảnh báo, quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi đang gieo rắc không ít những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, dẫn tới những hệ lụy phải trả giá đắt. Ngoài vấn đề quy hoạch thì việc khai thác thương mại quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng các công trình kiến trúc, di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… đã làm cho di sản nhanh chóng xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị,…
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM) chỉ ra rằng, sự mất dần của các công trình di sản kiến trúc, trong đó điển hình là các biệt thự cổ đang thực sự là hồi chuông báo động cho sự mất cân đối của đô thị. Gần đây nhất là 2 căn biệt thự cổ tại địa chỉ 68 Phạm Ngọc Thạch và 45B Võ Thị Sáu (Q.3) đã bị tháo dỡ gần như hoàn toàn cho các mục đích thương mại, hiện đã được tạm ngăn chặn. Hiện nay TP HCM còn khoảng 1.300 biệt thự kiến trúc cổ, nằm xen kẽ trong các công trình xây dựng cao tầng mới, nhưng rất nhiều trong số này lại đang thuộc sở hữu tư nhân. Điều này dẫn tới, nhiều công trình bị chủ sở hữu tự ý tháo dỡ, hoặc tự cải tạo để thương mại đã khiến cho TP HCM mất dần “hồn đô thị” riêng có, cùng với sự ra đi của không ít các giá trị di sản về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật.
Kiến trúc đô thị phải đa dạng, hài hòa
Để đô thị hóa nhanh, có giai đoạn TP HCM trải “thảm đỏ” cho các đầu tư bất động sản trên địa bàn. Các dự án được hưởng lợi từ chính sách nhưng thực tế lại thiếu những đóng góp cho phát triển hạ tầng chung. Kỹ sư Trần Văn Phương nhìn nhận, có những khu vực quy hoạch cao tầng vừa phát triển nhưng đã thể hiện sự mất cân bằng cùng các hệ lụy rất lớn. Chẳng hạn, “rừng bê tông” trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) là vùng trũng nhất nhì thành phố, thường xuyên phải đặt một “siêu máy bơm” để giảm ngập (do mưa và triều cường); mật độ chung cư xây dựng san sát dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối Q.4 và Q.7;…đã khiến cho chính các khu vực này trở thành các “điểm đen” mới về kẹt xe và ngập nước của TPHCM, cùng các vấn đề bất cập về an ninh trật tự xã hội của nhiều thập niên tiếp theo.
Về vấn đề quy hoạch ồ ạt hạ tầng cao tầng của TP HCM, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh – nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa TPHCM đưa ra quan điểm, những tòa cao ốc khi được xây dựng “không theo một quy hoạch nào” hay “quy hoạch lỗi thời” là câu chuyện gây bức xúc từ nhiều năm qua. Không ai có thể ngồi mà vẽ được chính xác bộ mặt đô thị chỗ này sẽ là nhà cao tầng, chỗ kia là trường học, bệnh viện cho một giai đoạn dài hạn. Thế nhưng chắc chắn rằng, quy hoạch phải có tầm nhìn mà lý tưởng nhất là hạ tầng giao thông thiết yếu sẽ định hình phát triển của thành phố trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Chuyên gia này cũng khuyến nghị TPHCM nên phát triển đô thị theo một lộ trình cụ thể, bao gồm cả quá trình phát triển các đô thị vệ tinh lẫn các công trình kiến trúc cổ, vốn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc,… để đảm bảo bền vững, hài hòa.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng đề nghị quy hoạch đô thị của TP HCM phải giữ được hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, hạn chế xâm phạm vào di sản kiến trúc đã tồn tại từ hàng trăm năm. Thế nhưng, vấn đề này lại rất phức tạp và khó khăn. Theo PGS.TS.KTS Trần Văn Khải, nhiều công trình cổ hiện hầu hết đều nằm ở những vị trí “đất vàng” của thành phố, vốn mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều khi được xây dựng công trình thương mại mới. Vì thế, ở khía cạnh quản lý đô thị có thiên hướng ưu tiên cho nguồn thu về kinh tế khi quy hoạch mới. Chuyên gia này khuyến nghị, Nhà nước chỉ nên áp dụng các chính sách về quy hoạch sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách thuế… để bảo tồn các công trình kiến trúc di sản hiện nay. Song song đó, lợi ích cốt lõi của người dân, các tổ chức sở hữu di sản, phải được đảm bảo quyền phát triển khu đất có di sản cảnh quan kiến trúc. Một số chuyên gia cũng đề nghị chính quyền TPHCM trong quá trình đô thị hóa hiện nay cần tìm các giải pháp làm sao tích hợp được những giá trị văn hóa, kiến trúc cổ vào xu hướng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, dù đây chắc
Thành Luân/Đại đoàn kết