10/06/2019

Biến hiểm họa ngập nước thành cơ hội phát triển

Sử dụng giải pháp “cứng” là hệ thống đê điều, thoát nước… với cách tiếp cận “mềm” bằng công cụ thiết kế đô thị và quy hoạch không gian hợp lý để đạt được giải pháp tối ưu, phát triển bền vững. Cách làm này biến “kẻ thù đáng sợ” ngập lụt thành “người bạn thân thiết”, giúp TP thêm cơ hội phát triển. 

Mô hình này không phải giả tưởng, mà đang được Rotterdam (Hà Lan) thực hiện để tiến hành song song nhiệm vụ phát triển đô thị và giảm thiểu ngập lụt.Phải có giải pháp cho TPHCM hết ngập

Tại buổi tọa đàm do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định trong Đại hội Đảng bộ của TPHCM sắp tới phải trả lời câu hỏi: “Đến năm nào TPHCM sẽ hết ngập và làm thế nào để hết ngập?”. Rõ ràng điều này đặt ra một đòi hỏi quan trọng là TPHCM phải tìm kiếm, tham khảo mô hình phát triển đô thị phù hợp để giải quyết các vấn đề tồn tại, cũng như tìm kiếm những mô hình phát triển bền vững.
Trên thực tế, ngập lụt đô thị là một trong những vấn đề phổ biến và đáng quan ngại nhất của nhiều nước, bất kể quốc gia phát triển hay đang phát triển. Trong một thời gian dài, các giải pháp kỹ thuật (hệ thống đê điều, hồ chứa, tường chắn…) được xem là giải pháp ưu việt giúp thoát khỏi ngập lụt.
Song gần đây trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, ngập lụt đô thị trở nên phức tạp hơn. Các giải pháp kỹ thuật bắt đầu bộc lộ những hạn chế, không giải quyết ngập lụt triệt để. Trong nhiều trường hợp, chúng chỉ chuyển ngập từ nơi này sang nơi khác và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ngập lụt trong tương lai.
Một trong những giải pháp nâng đường chống ngập từng được thực hiện đồng loạt ở TPHCM là dẫn chứng cụ thể cho vấn đề trên. TPHCM đã nhận ra rằng, cách tiếp cận chỉ đơn thuần dựa vào giải pháp kỹ thuật không còn bền vững, mà cần được thực hiện đồng thời với các giải pháp khác. Điều này đặc biệt phù hợp hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, TPHCM là địa phương trong cả nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng (bình quân 0,5-1cm/năm).
Một góc TP Rotterdam (Hà Lan), nơi có nhiều giải pháp biến nước từ “kẻ thù đáng sợ” thành “người bạn thân thiết”, giúp TP thêm cơ hội phát triển. Ảnh: MINH PHONG

Một góc TP Rotterdam (Hà Lan), nơi có nhiều giải pháp biến nước từ “kẻ thù đáng sợ” thành “người bạn thân thiết”, giúp TP thêm cơ hội phát triển. Ảnh: MINH PHONG

Mặt khác, do không kiểm soát được tình trạng khai thác nước ngầm trong một thời gian dài, hiện nay TPHCM còn đối diện với tình trạng lún mặt đất (bình quân lún 1cm/năm). Dự báo đến năm 2045, mức chênh lệch giữa mực nước biển và mặt đất của TPHCM sẽ tăng thêm 45-60cm.
Trong khi đó, với 63% diện tích của TPHCM có độ cao tự nhiên dưới 1,5m, nhưng triều cường tiếp tục phá kỷ lục (trong nhiều năm trở lại đây, có ít nhất 85 lần đỉnh triều cao từ 1,62-1,68m) thì việc người dân TPHCM “tiếp tục sống chung với ngập” là không quá khó để nhận ra.
Do vậy sự khẳng định của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhằm thể hiện sự tập trung, quyết liệt của lãnh đạo TPHCM đối với vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân. Về hành động cũng có nhiều việc làm cụ thể, trong đó đoàn cán bộ lãnh đạo cấp cao TPHCM đã trực tiếp đến nhiều nơi (Nhật Bản, Hà Lan…) để tham khảo các mô hình cụ thể, nhằm tìm kiếm giải pháp chống ngập phù hợp, khả thi cho TPHCM.“Dự án TP nước”

Một trong những mô hình cụ thể của chuyến thăm, làm việc tại Hà Lan và Đức mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn cán bộ cấp cao TPHCM đã tiếp cận, tìm hiểu cụ thể về các giải pháp ngập úng theo hướng bền vững tại TP Rotterdam (Hà Lan) – nơi có nhiều tương đồng với TPHCM.
Nằm dọc theo dòng sông Mass, Rotterdam tọa lạc trên vùng đất thấp hơn mực nước biển và chịu tác động thủy triều. Rotterdam đặc biệt dễ bị tổn thương trước thời tiết khắc nghiệt, nhất là bão, nên họ xây dựng một hệ thống đê, đập, tường chắn khổng lồ bảo vệ cho TP. Tuy nhiên, trước diễn biến biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, Rotterdam đã chọn cách tiếp cận mới mẻ và mềm dẻo hơn.
Cụ thể, chính quyền Rotterdam thông qua một bản quy hoạch định hướng với tên gọi TP Nước Rotterdam (Rotterdam Water City). Bản quy hoạch gồm 3 dự án nhỏ: TP Sông (River City), TP Kênh rạch (Canal City) và TP của các tuyến đường sông (Waterway City).
Trong đó, dự án TP Sông có những chiến lược cốt lõi là chuyển đổi nguồn nước từ mối hiểm họa thành cơ hội để phát triển đô thị và giải quyết vấn đề kinh tế – xã hội. Điểm nhấn của dự án này là sử dụng không gian mặt nước để nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Theo đó, chính quyền TP Rotterdam thực hiện phương châm chủ đạo: “Tất cả mọi người đều sống trên mặt nước” bằng việc xây dựng hơn 20.000 ngôi nhà ven sông (gồm nhà theo cụm – terp houses, nhà bố trí như cầu tàu – jetty houses, nhà thuyền – houseboats, và nhà bố trí như pháo đài – fortresses), nhằm hình thành một môi trường sống lành mạnh, năng động dọc bờ sông. Phương châm này cũng hướng đến xây dựng môi trường sống tốt hơn cho những người có thu nhập thấp. Như vậy, bằng việc phát huy tối đa giá trị của nhà ở ven sông, các khía cạnh kinh tế, xã hội ở Rotterdam đều được cải thiện.
Hệ thống đê điều ở Rotterdam nói riêng và cả Hà Lan nói chung được biết đến là một trong những hệ thống hiện đại, vững chắc nhất thế giới. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chính quyền Rotterdam bổ sung giải pháp “mềm” để cùng với giải pháp kỹ thuật đảm bảo ứng phó trong tương lai. Đó là giải pháp tập trung xử lý nước ở thượng nguồn và tăng khả năng chứa nước trong đô thị. Như vậy lòng sông được mở rộng và nhiều hồ chứa nước mới được xây dựng. Từ đó, mực nước được hạ thấp và nguy cơ ngập lụt đô thị giảm đi đáng kể.
Chiến lược “Thêm không gian cho các dòng sông” (More room for the river) này đã cải thiện không gian xanh, không gian mở và công viên giải trí. Vào mùa mưa, những quảng trường nước được thiết kế dọc theo bờ sông thành hồ chứa. Vào mùa khô, chúng lại trở thành công viên và không gian công cộng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân. Giải pháp này cũng trở thành văn hóa đặc trưng, làm khu vực bờ sông trở nên hấp dẫn hơn.

Đê đa chức năng
TP Rotterdam còn phát triển đê bậc thang đa chức năng (Multi-functional Terraced Dykes). Đây là đê có thể được sử dụng cho các mục đích khác nhau nhưng vẫn đảm bảo chức năng ban đầu (cản nước). Đê đa chức năng càng lớn sẽ tạo ra càng nhiều giá trị. Đây cũng là một trong những đặc điểm của đê bậc thang. Cụ thể, quỹ đất tạo ra từ các bậc thang bằng các không gian rộng lớn, hạ tầng như xây dựng đường sá, không gian cảnh quan và thậm chí xây nhà, trung tâm thương mại, bến tàu du lịch, taxi thủy, công viên, khu dịch vụ, bãi đỗ xe… Chính sự có mặt của các công trình này người ta không còn nhận ra nơi đó là một con đê ngăn nước.
Như vậy, việc xây dựng đê lớn ngăn nước biển theo cách truyền thống là vô cùng tốn kém. Song với cách tiếp cận thông minh, xây dựng các đê (kể cả đê truyền thống) thành đê đa chức năng thì đây lại là lựa chọn thú vị và giá cả phải chăng. Các dự án đê đa chức năng thường được xây dựng bằng hình thức hợp tác công tư (PPP).
Tại buổi tham quan thực tế công trình đê đa chức năng ở Rotterdam cũng như khi làm việc với phía bạn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TPHCM tham khảo mô hình, cách thức quy hoạch công trình đê đa chức năng; các biện pháp phòng chống lụt, úng ngập, sụt lún, triều cường khác mà Rotterdam đang áp dụng. Thí dụ, việc sử dụng không gian công cộng để trữ mưa trong mùa mưa và làm bãi đỗ xe, sân chơi, sân thể thao trong mùa khô…
Khi làm việc với ông Roald Lapperre, Thứ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cũng khẳng định trong chuyến thăm lần này, đoàn sẽ tham khảo kinh nghiệm xây dựng, vận hành hệ thống này. Đây là kinh nghiệm thực tiễn để TPHCM có thể xây dựng hệ thống đê tương tự, góp phần xây dựng TPHCM theo hướng bền vững.
Bằng việc phát huy tối đa giá trị của nhà ở ven sông, các khía cạnh kinh tế, xã hội ở Rotterdam đều được cải thiện.  Vào mùa mưa, những quảng trường nước được thiết kế dọc theo bờ sông thành hồ chứa. Vào mùa khô, chúng lại trở thành công viên và không gian công cộng.
Minh Phong/Sài Gòn giải phóng