Nghịch lý xử lý nước thải Hà Nội: bao nhiêu năm rồi còn mãi loay hoay…
Những phép màu làm sạch sông hồ Hà Nội
Tháng 5.2019, tại Hà Nội thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản chính thức khởi động. Dự án hứa hẹn giải quyết dứt điểm được mùi hôi thối với tốc độ xử lý “siêu thanh”.
Trước đó (tháng 3.2019) các doanh nghiệp Đức cũng giới thiệu giới thiệu giải pháp xử lý nước thải (gọi tắt là XLNT) cho Hà Nội, để nước thải không còn gây hại mà thực sự là nguồn tài nguyên. Tháng 4.2019, Công ty thoát nước Hà Nội đã đề xuất lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô và hòa loãng nước bẩn Hồ Tây.
Thực ra, từ năm 2017, thành phố đã dùng Redoxy-3C làm sạch nước tại 127 hồ nước. Sau hơn một năm thực hiện (2017-2018) ông Mai Trọng Thái, Cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội), cho biết hiệu quả rất rõ ràng, nhất là trong việc xử lý mầu, mùi và chất hữu cơ, môi trường được cải thiện rõ rệt… Nhưng thực tế sông hồ Hà Nội vẫn hôi thối, cá chết khối lượng lớn? Phải chăng “Redoxy-3C” đã hết “phép màu” và cần có thêm giải pháp mới “siêu mầu nhiệm” hơn mới hơn?
Vẫn còn nhiều tồn nghi, nhưng các “phép màu” này vẫn do nhà cung cấp tự bỏ tiền làm mẫu, can thiệp này vẫn ở phạm vi nhỏ lẻ, xử lý tình thế… Câu hỏi đặt ra là có gì bất ổn trong quy hoạch thoát nước và XLNT Hà Nội đã thực hiện 20 năm qua?
Cần đầu tư bao nhiêu cho XLNT?
Dự án thoát nước Hà Nội khởi động từ 1998, vay ODA Nhật Bản và đối ứng của Việt Nam, cho đến năm 2018 cơ bản hoàn thành. Tổng kinh phí thực hiện 550 triệu USD. Mục tiêu của dự án bao gồm: chống úng ngập trên địa bàn thành phố.
Dự án XLNT Hà Nội do tư vấn nước ngoài đề xuất. Hiện đã có 8 nhà máy XLNT (tổng đầu tư khoảng 355 triệu USD) đang vận hành. Nếu kể thêm nhà máy XLNT Yên Xá (Thanh Trì), trị giá 700 triệu USD (khởi công từ 2016 hiện đang đắp chiếu), tổng đầu tư Dự án thoát nước và XLNT Hà Nội là 1,6 tỷ USD, chi phí vận hành gần 10 triệu USD/năm. Đầu tư lớn như vậy, nhưng hầu hết sông hồ Hà Nội vẫn ô nhiễm; Nhiều nơi vẫn úng ngập mỗi khi mưa to.
Ông Ngô Trung Hải, nguyên lãnh đạo cơ quan lập Quy hoạch Hà Nội mở rộng, cho rằng cần 100 tỷ USD Hà Nội ta mới hết ngập, trong khi ta chưa có đủ 1/10 (thực tế là 1%). Không lẽ giải quyết ngập và ô nhiễm nước thải Hà Nội cần 100 năm nữa?
XLNT từ nguồn hay cuối nguồn, tập trung hay phân tán?
Sơ đồ của Dự án thoát nước XLNT Hà Nội cho thấy toàn bộ nước thải sinh hoạt và sản xuất nội thành Hà Nội được các tổ chức cá nhân đổ ra ngoài nhà, thành phố làm hệ thống thu gom vào sông Tô và chảy về Yên Sở (vài chỗ rẽ vào các trạm XLNT ven hồ sau đó đổ vào sông Tô). Cuối cùng thu hết vào Nhà máy XLNT Yên Sở, sau khi xử lý, nước sạch thì bơm vào sông Hồng. Toàn bộ nước thải Hà Nội chảy qua qua hàng chục cây số xuyên qua Thành phố, bốc mùi hôi thối và phát tán ô nhiễm cho hàng triệu người dân. Cuối nguồn xử lý để cá sông Hồng được bơi trong nước sạch.
Trước năm 1954, Hà Nội quy định: toàn bộ nước thải từ trong nhà ra phố phải đảm bảo không mùi, không mầu, không vị. Phòng Quản lý vệ sinh đô thị trực thuộc Tòa Đốc lý Hà nội (*) chịu trách nhiệm kiểm duyệt chất lượng. Nước từ nhà tắm, nhà vệ sinh từng nhà đều qua bể tự hoại. Trước khi đổ vào cống thành phố còn có ngăn lọc bằng gạch vỡ, than hoa, cát vàng. Những nhà không đạt tiêu chuẩn nước thải thì chỉ có cách lấp bể, làm nhà vệ sinh theo lối cũ – gọi là xí thùng: đi vệ sinh vào thùng, đổ tro bếp lên trên, hàng ngày có nhân viên của thành phố đi thu gom chuyển ra ngoài, các gia đình phải trả phí vệ sinh.
Hầu như toàn bộ nhà ở trong khu phố cổ làm “xí thùng”, còn thoát nước thì chảy ngược vào trong, đổ vào hố đào, bên dưới xếp gạch vỡ để nước thấm dần vào đất, gọi là “cống thấm”. Không có tí nước thải nào đổ ra phố nên phố xá khô ráo sạch sẽ.
Thập kỷ 1980-2000, thành phố thay dần “xí thùng” bằng “nhà vệ sinh bán tự hoại”. Mỗi nhà lắp vài cái ống bê tông đúc sẵn chứa phân, đổ nước vào hóa lỏng để nước thải chảy ra cống ngoài phố. Phố cổ không có cống ngầm, nước tràn ra lòng đường xanh lè, hôi hám. Trong 10 năm ông Hoàng Văn Nghiên làm Chủ tịch thành phố (1994-2004) nội thành Hà Nội xóa bỏ hoàn toàn “xí thùng”. Dự án thoát nước (khởi công 1998) đã nâng cấp mạng cống thoát nước: toàn bộ nước thải đổ thẳng vào các sông hồ: bắt đầu kỷ nguyên “ô nhiễm hóa “ sông hồ Hà Nội.
Từ nguyên lý XLNT tại nguồn, từng hộ gia đình tự xử lý , giờ đây đổ tất vào một hệ thống tập trung, Thành phố đảm trách XLNT toàn bộ – nhiệm vụ này nhận thì dễ nhưng làm mới khó: hơn 20 năm qua, thành phố vật vã đủ cách mà nước thải ô nhiễm ngày một gia tăng, giờ đây có phần hụt hơi nên đánh cược vào “ phép màu” nhập khẩu.
***
Tại các quốc gia giàu mạnh hàng đầu thế giới như Đức, họ đã ban hành “Đạo luật về thu phí nước thải” trong đó khẳng định “Bất cứ ai xả nước thải (chất thải) phải chịu trách nhiệm trả phí nước thải thanh toán phí” (Điều 9 Chương 3). Tại Nhật Bản cũng tương tự, chính phủ còn hỗ trợ một phần tài chính, nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt thiết bị XLNT tại nguồn ( gọi tắt là Johkasou).
Việt Nam đã thu phí XLNT bằng 10% phí nước sạch – mức thu này không bao giờ đủ trang trải việc thu gom và XLNT; kèm theo mô hình quản lý còn bất cập, kỹ thuật công nghệ còn kém… ô nhiễm còn lan tràn.
Ngành xây dựng là tác giả của những nhà máy XLNT vô dụng; Hệ thống thoát nước và thu gom nước thải đô thị lại vô lý – họ đang thực hiện một nhiệm vụ bất khả thi: càng làm càng tốn tiền vô ích. “Góp sức” làm môi trường ô nhiễm cần kể tới ngành Tài nguyên môi trường – họ đang thực thi nhiệm vụ một cách lửng lơ: không rõ là cơ quan quản lý hay nghiên cứu khoa học, ban hành chính sách; Cấp phép xả thải một cách vu vơ mà không kiểm soát được hoạt động xả thải (vô số ví dụ tại Hà Nội và các tỉnh thành). Ngành này cũng chưa đưa ra mô hình thu gom và XLNT nào thuyết phục, không có khuyến cáo nào về các giải pháp XLNT nào phù hợp cho Việt Nam.
Nếu như có một mô hình mới, trong đó cam kết rõ ràng trách nhiệm người xả thải và người chịu trách nhiệm XLNT, kèm theo các điều kiện tài chính tường minh thì XLNT sẽ là ngành kinh tế rất có triển vọng, phát triển nhanh và mạnh. Nó sẽ gạt bỏ những thiết chế trung gian, lửng lơ vô trách nhiệm ra ngoài rìa để đón nhận vô số mô hình thông minh, giải pháp kỹ thuật sáng tạo trong hoạt động thu gom và XLNT hiệu quả. Nếu được vậy, rất có thể Việt Nam sẽ có bước tiến dài, chiếm lĩnh vị trí cao trong các quốc gia thực thi công tác bảo vệ môi trường hiệu quả, phát triển bền vững.
Trần Huy Ánh (Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội; Thành viên Hội đồng Khoa học TCKTVN – Viện Kiến trúc Quốc gia, bộ Xây dựng)/Người Đô Thị
_____________
(*) Còn gọi bằng các tên khác như Phòng Quản lý đường bộ, các công trình nước và chiếu sáng đô thị (1905) ; Phòng Hộ tịch và vệ sinh (1916); Phòng Quản lý vệ sinh đô thị (1941)