Tổ chức không gian để phát triển xe đạp công cộng
Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng) thí điểm triển khai dịch vụ xe đạp công cộng (XĐCC) và khuyến khích người dân đi xe đạp, giảm dần xe máy; đồng thời với việc Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương xây dựng đề án triển khai ý tưởng này vào thực tế là một dấu hiệu tích cực.
Việc cấm xe máy là mong muốn tốt, ai cũng thấy, nhưng khả năng hiện thực hóa thấp, bởi cấm không đơn giản chỉ là cấm sử dụng mà buộc phải cấm sản xuất, giao dịch, buôn bán, trao đổi, sở hữu và sử dụng trên lãnh thổ quốc gia. Điều đó sẽ đụng chạm đến một loạt vấn đề khó gỡ, chẳng hạn các hãng Honda, Yamaha… chỉ được sản xuất để xuất ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam; tiếp nữa là xe máy sẽ thuộc danh mục cấm nhập khẩu và quan trọng nhất là luật pháp phải bổ sung điều khoản xe máy không được tính là hàng hóa thông dụng như thế người Việt Nam mới không có quyền sở hữu, sử dụng…
Một vấn đề khác là phát triển các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện, metro để thay thế xe máy xem ra cũng nan giải. Trong khi xe buýt thiếu hấp dẫn, lượng hành khách giảm dần, còn metro cũng xa vời. Trong khi đó, việc tổ chức không gian cho xe đạp ở khu vực trung tâm TP và các quận lân cận là điều không dễ. Bản thân khu vực trung tâm các TP đã quá dày đặc người, xe cộ và các dịch vụ. Do vậy, việc tổ chức không gian cho xe đạp là việc sắp xếp, thu dọn sao cho xe đạp có chỗ đi, chỗ đậu để thuận lợi cho người sử dụng và người xung quanh. Nếu sử dụng xe đạp mà quá vất vả thì không ai sử dụng cả.
Công việc tổ chức quy hoạch không gian cho XĐCC cần làm bao gồm, trước mắt là lập các bãi cho thuê xe đạp tự động như nhiều nước đã làm, phục vụ khách du lịch nước ngoài và người dân sử dụng. Nếu giá cả hợp lý, quản lý và khai thác tốt, sử dụng thuận tiện thì chắc chắn hàng trăm khách du lịch mỗi năm sẽ đón nhận. Đồng thời lập trạm cho thuê xe đạp gần bên các bãi giữ xe hơi ngầm, xe hơi nổi ở cách xa khu trung tâm đô thị, chẳng hạn như TPHCM tổ chức tại các công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám… Nếu có thể, một vài tuyến đường dành riêng cho xe đạp, tách ra thành làn riêng không trộn chung với các loại xe khác.
Việc di chuyển bằng xe đạp giúp môi trưởng ở nơi làm việc trong lành, tăng cường sức khỏe và đặc biệt nhất là việc thiết lập quan hệ xã hội. Rõ ràng, việc kết bạn qua các vòng quay xe đạp tốt hơn, lãng mạn hơn nhiều so với việc phóng nhanh trên xe máy. Những ý tưởng khoa học, vần thơ hay áng văn đẹp thường nảy sinh khi người ta dạo bộ, chạy xe đạp chậm, kể cả việc học bài cũng hiệu quả hơn. Để khuyến khích xã hội hướng đến phong trào sử dụng xe đạp, trước nhất các lãnh đạo đầu ngành phải làm gương và thật sự kiên trì. Sau đó xây dựng thành phong trào văn hóa xe đạp trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên, Thanh niên xung phong. Thay đổi một thói quen là khó, nhưng không gì là không có thể. Từ chỗ khuyến khích, tiến dần đến bắt buộc để đưa vào các tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng…
Sẽ là ảo tưởng khi cho rằng xe đạp sẽ thay thế xe máy ngay lập tức ở một thành phố lớn như TPHCM, nhưng sẽ là hiện thực nếu triển khai ở những quy mô vừa và nhỏ, ở những điểm cục bộ, những tuyến đường… nếu biết hướng đến đúng đối tượng khao khát cái mới.
Ở Đại học Quốc gia TPHCM, từ tháng 4-2018 đã triển khai thí điểm dự án Easy Move với 100 chiếc xe đạp thông minh (E-Bike) sử dụng năng lượng mặt trời để giúp sinh viên, giáo viên di chuyển giữa các giảng đường và ký túc xá. E-Bike được thiết kế theo chế độ quản lý tự động cho thuê xe qua ứng dụng Easy Move cài đặt trên điện thoại thông minh. Mỗi xe đều có mã QR (mã vạch phản hồi nhanh), sinh viên sử dụng điện thoại thông minh quét mã để mở khóa. Cấu tạo và thiết kế của E-Bike khá giống xe đạp bình thường gồm các bộ phận cơ bản như sườn xe bằng nhôm, rổ xe siêu cứng, bánh xe, bàn đạp… Tuy nhiên, phần rổ xe có trang bị tấm pin mặt trời, cung cấp năng lượng vận hành khóa điện tử thông minh và bộ định vị GPS để mở khóa.
TS Nguyễn Minh Hòa – Trường ĐH KHXH-NV TPHCM/Sài Gòn giải phóng