Hình tượng Rùa với ý tưởng Bàn tay trong kiến trúc
(Tạp chí KTVN) – Theo truyền thống Việt Nam, hình ảnh rùa là sự dung hòa giữa Trời và Đất, phần mai rùa là bầu trời còn phần bụng chính là mặt đất. Với mỗi con rùa, phần mai rùa với hình dáng vòm cong là phần kết cấu vững chắc bảo vệ còn phần bên trong là xương và các thớ thịt mềm chuyển động tự do. Nếu đặt con rùa nằm ngửa lên thì nó lại mô phỏng cho ý tưởng kiến trúc bàn tay, ý tưởng đối nghịch với kiến trúc con rùa ở chỗ phần kết cấu vững chắc nằm phía dưới để chịu tải và hỗ trợ cho phần kết cấu nhẹ nằm phía trên.
Nếu đã tới tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh những con rùa đá đang mang trên mình những bia đá lớn khắc tên các vị tiến sĩ đã xuất sắc vượt qua các kỳ thi quốc gia. Khi KTS làm việc và thiết kế các công trình có phần kết cấu lớn, họ đã nghiên cứu và tìm cách đưa ra các khả năng tạo sự thoáng đạt tối ưu cho những kết cấu nặng nề đó. Phần kết cấu chính vững chãi giúp bảo vệ không gian bên trong và từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng linh hoạt. Trong tương lai, các thành phố sẽ thúc đẩy những tòa nhà cao tầng theo hướng xây dựng những hệ kết cấu lớn bao bên ngoài và bên trong là những thành phần khác được thiết kế linh hoạt và dễ dàng chuyển đổi. Kiến trúc con rùa tạo ra không gian để sử dụng đa dạng các loại hệ khung và cột được đặt khớp nối, đan xen với nhau bên trong còn Kiến trúc bàn tay thì phần kết cấu tương đối nhẹ và sử dụng vòm cong ngửa lên trên hoạt động như là phần đế của công trình. Có nhiều phương án vật liệu và kết cấu có thể được kết hợp sử dụng cho cả hai ý tưởng Kiến trúc con rùa và Kiến trúc bàn tay.
02 dự án minh họa cho Kiến trúc con rùa và Kiến trúc bàn tay cho thấy: Kiến trúc con rùa được áp dụng với một công trình bảo tàng khoa học được xây dựng ở Tây Ban Nha. Kiến trúc bàn tay được thể hiện trong một đề xuất thiết kế mà KTS đã cùng thực hiện với đơn vị VIUP – Viện Quy hoạch Kiến trúc và Phát triển Nông thôn Quốc gia trong một cuộc thi kiến trúc tại TPHCM. Với bảo tàng khoa học, mai rùa được hiện thực hóa trong dự án là những khối hộp bê tông đỏ. Hệ cột nằm bên trong và được thi công với phần mũ cột bê tông, nhưng những chiếc mũ cột này bao gồm 04 bản tam giác bê tông được khớp nối lại với nhau và hoàn toàn tự do, không dựa trên bất kì phần móng nào. Khác với hệ kết cấu thông thường thì cột là phần kết cấu chống đỡ phần mái, nhưng ở đây ngược lại, chính sức nặng của phần mái là yếu tố giữ cho phần hệ cột và mũ cột phía dưới được cố định vững chắc. Nếu nhấc bỏ phần mái ra thì phần cột sẽ đổ rập xuống. Kiến trúc đặc biệt này minh họa cho Kiến trúc con rùa, sự tương đồng ở đây là phần kết cấu bên ngoài chính là phần kết cấu vững chắc kiên cố nhất còn hệ cột tự do nằm bên trong, những chiếc cột này chỉ chịu tải trọng dọc còn phần lớp vỏ công trình vừa chịu tải trọng dọc vừa chịu tải trọng ngang. Với phương án Kiến trúc bàn tay, phần kết cấu đã đảo ngược so với kết cấu con rùa. Kiến trúc bàn tay có một phần đáy là một nửa hình cầu giống như bàn tay đang khum ngửa lên; sử dụng những dầm thép chịu lực để hỗ trợ hệ kết cấu theo phân vị ngang và phân vị dọc. Ý tưởng kiến trúc này giúp giải phóng diện tích cho các không gian phía dưới của công trình.
Có nhiều công trình dựa trên ý tưởng kiến trúc này, ví dụ gần nhất với Việt Nam là công trình Bảo tàng khoa học của Singapore thực hiện bởi KTS M. Safdie. Hay trong đề xuất của mình cho TPHCM, KTS phô diễn phần kết cấu bên ngoài giống như một mặt cắt của tòa nhà. Hệ cột bên trong chống đỡ lớp vỏ công trình, phần dầm thép và vận chuyển tải trọng dọc còn lớp vỏ kháng kim loại được chống đỡ bởi chiếc cột thẳng khỏe nằm trên phần móng. Kiến trúc bàn tay có thể tạo nhiều khoảng trống phía dưới và đưa đến khả năng thiết kế một thành phố không bị cản hay che chắn tầm nhìn.
Cả hai ý tưởng kiến trúc nói chung là một sự kết hợp giữa kết cấu vững chắc với kết cấu thanh lịch./.
TS.KTS Salvador Perez Arroyo/Công ty SDesign