Sáng ngày 4/4, Báo Tiền phong đã tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Hạn chế xe máy tại Hà Nội: Giải pháp nào?” với các thành viên đến từ các đơn vị ban ngành chức năng.
Ông Phùng Công Sưởng – Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong phát biểu tại buổi tọa đàm – Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Tham dự buổi tọa đàm có ông Phùng Công Sưởng – Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong, ông Trần Công Hùng – Phó Giám đốc Khối Truyền thông Điện tử Báo Tiền Phong và đại diện các đơn vị: ông Đào Việt Long – Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội (đơn vị thực hiện đề án), ông Ngô Anh Tú – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Sở GTVT Hà Nội (đơn vị được giao xây dựng và đưa ra lộ trình thực hiện cấm xe máy), ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Thân Văn Thanh – Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, ông Nguyễn Công Nhật – Phó Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, và ông Nghiêm Vinh Hải – Bạn đọc.
Mục đích của buổi tọa đàm nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều, đầy đủ về chủ trương của thành phố thành phố Hà Nội; cùng với đó qua ý kiến của bạn đọc, chuyên gia – nhà khoa học nêu ra tại buổi tọa đàm sẽ giúp các cơ quan, đơn vị liên quan có thêm thông tin đưa ra lộ trình, giải pháp thực hiện hợp lý.
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Phùng Công Sưởng – Phó TBT Báo Tiền Phong phát biểu:
“Kính thưa các vị khách quý! Có thể nói vấn đề ùn tắc giao thông đã được đặt ra rất lâu, cách đây từ 15 đến 20 năm, tuy nhiên lộ trình, bước làm và cách làm cho đến thời điểm hiện nay vẫn còn xảy ra tắc đường.
Buổi tọa đàm bắt đầu diễn ra tại trụ sở Báo Tiền Phong – Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Có nhiều lý do lý giải cho việc đó. Đặc biệt, hồi tháng 3 vừa rồi, đề án cấm xe máy ở một số tuyến đường đưa ra. Tiền Phong là 1 trong những tờ báo đầu tiên đưa ra vấn đề đến bạn đọc và nhận được nhiều đồng thuận. Để trở thành cầu nối với bạn đọc, chúng tôi nghĩ cuộc hội thảo có thể cung cấp góc nhìn, tiếng nói lớn hơn để phù hợp với thực tế và giúp các quyết định đưa ra hợp lý hơn.
Nội dung của tọa đàm này gồm có: Đặt vấn đề các că cứ đưa ra đề xuất cấm xe máy; Lộ trình cấm xe máy tại Hà Nội; Nếu cấm xe máy người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì?; và Chia sẻ tư liệu của bạn bè quốc tế, cùng tư vấn của các chuyên gia.
Cách thức là Tọa đàm, tức nhiều người có thể cùng trao đổi. Ban tổ chức đặt ra câu hỏi, khách mời, anh em báo chí cũng có thể đặt câu hỏi. Cùng với đó, chúng tôi cũng tập hợp thông tin bạn đọc để đặt ra câu hỏi cho khách mời…”.
Tại buổi tọa đàm, ông Ngô Anh Tú – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Sở GTVT Hà Nội – đã trả lời câu hỏi về căn cứ đưa ra lộ trình cấm xe máy và tại sao chọn hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương để thí điểm.
Ông Ngô Anh Tú – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Sở GTVT Hà Nội
“Căn cứ về mặt pháp lý, đó là Nghị quyết 16/2008 của Chính phủ, Nghị quyết 04/2017 của thành phố Hà Nội, và Quyết định 519 ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định về hạn chế xe máy đi vào trung tâm và việc lập đề án xe máy, đây là 1 nhiệm vụ trong 4, 5 nhiệm vụ Nghị quyết đưa ra, phù hợp quan điểm của Chính phủ.
Để đề án thành công, phải trải qua đánh giá thí điểm, rút kinh nghiệm để có giải pháp hữu ích nhất để người dân có cách thức di chuyển phù hợp nhất. Phải mất 2, 3 năm tiến hành trước, sau đó Hội đồng nhân dân TP thông qua thì Sở GTVT mới triển khai”, ông Tú nói thêm.
Cũng theo ông Ngô Anh Tú, lộ trình cấm xe máy đến năm 2030 đã được xác định trong Nghị quyết 04. Mục tiêu, yêu cầu đầy đủ cũng có trong Quyết định 519 của Chính phủ. Thành phố Hà Nội đang tập trung cao độ, các chỉ tiêu đáp ứng được, hoàn toàn có thể triển khai được.
“Qua nghiên cứu, thời gian triển khai không đến 11 năm, theo kinh nghiệm của thế giới, quyết tâm của lãnh đạo chính quyền, đến 2030 có thể triển khai được”, vị đại diện Sở GTVT Hà Nội bày tỏ quan điểm.
Tại buổi tọa đàm, ông Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội đã chia sẻ những khó khăn trong việc quản lý điều hành giao thông ở thủ đô cũng như những nguyên nhân gây tắc đường vẫn diễn ra hàng ngày ở Thủ đô.
Theo ông Đào Việt Long, tính đến Quý 1/2019, CSGT Hà Nội phải quản lý 6.649.596 phương tiện. Trong đó có 739.731 ôtô, 5.761.436 xe máy (chiếm 86%) và xe máy điện 148.429 chiếc. Đánh giá tổng hợp 2014-2019 cho thấy năm 2017 số lượng phương tiện tăng 5,3%, đến năm 2018 tăng 4,2% và năm 2019 so với 2018 đã tăng 1,5%.
Số liệu phương tiện này cho thấy, xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông đang tham gia ở Hà Nội.
Viết Hoàng – Hoàng Mạnh Thắng/Tiền phong