Đổi mới công tác lý luận phê bình kiến trúc để phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại – bản sắc
(Tạp chí KTVN) – Lý luận phê bình kiến trúc thiếu , yếu và bị xem nhẹ
Hiện nay, dễ thấy một hiện trạng bùng nổ các xu hướng và loại hình công trình kiến trúc đô thị (với tổng cộng 76 đô thị trên toàn quốc, có 05 thành phố trực thuộc Trung ương, 71 thành phố trực thuộc tỉnh, chỉ riêng khu vực ĐBSCL đã có 15 thành phố trực thuộc tỉnh và 01 thành phố trực thuộc trung ương), các đô thị đều mở rộng nhanh chóng với nhiều loại hình công trình đặc biệt là công trình cao tầng. Tuy nhiên, các chuyên gia chuyên ngành đều có chung một đánh giá, dù rất cần có các công cụ phản biện phát huy để phát huy các giá trị tích cực để tạo nên các sản phẩm kiến trúc tối ưu cho xã hội, nhưng công tác lý luận phê bình kiến trúc (LLPBKT) trên thực tế thời gian qua đang thiếu và yếu, bị coi nhẹ.
Cụ thể, theo số liệu tổng kết, trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay, trong số 312 sách chuyên ngành được xuất bản thì số lượng ấn phẩm có liên quan chỉ giới hạn là 11 ấn phẩm và trong đó nội dung LLPBKT chỉ chiếm 17,9%. Về tạp chí chuyên ngành, hiện tại mới chỉ chủ yếu tập trung ở một số các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí xây dựng, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc, Tạp chí quy hoạch xây dựng, Tạp chí Đô thị. Trong số tổng cộng 1450 bài báo chuyên ngành đã được đăng tải thì nội dung lý luận kiến trúc là 286 bài (21,2%), phê bình kiến trúc là 54 bài (chiếm khoảng 4%). Về luận án tiến sỹ, trong số 43 luận án tiến sỹ thực hiện trong giai đoạn 2000 – 2007 Trường ĐH TPHCM, chỉ có 11 luận án có nội dung liên quan đến lý luận kiến trúc (chiếm 25%), không có luận án về phê bình kiến trúc. Các nội dung LLPBKT chưa thành một hệ thống, vẫn còn thiếu các tác phẩm định hướng [*].
Để lý giải cho vấn đề trên, các nguyên nhân khách quan và chủ quan có thể được chỉ ra bao gồm:
– Về bối cảnh xã hội: Kiến trúc cần phải có tư tưởng, bắt nhịp với sự phát triển của các ngành khoa học và nghệ thuật khác trong hơi thở của thời đại. Hiện nay xuất hiện rất nhiều các xu hướng kiến trúc mới nhưng rất thiếu các đánh giá có chất lượng để hướng các xu hướng tốt để phát triển thành tầm tư tưởng và định hướng kiến trúc Việt Nam hiện đại va bản sắc, cũng như hạn chế các xu hướng tiêu cực.
Kiến trúc Việt Nam hiện nay chỉ dừng lại ở các tư tưởng và xu hướng, trong đó các xu hướng kiến trúc chủ yếu được tạo ra bởi việc thể nghiệm cái mới của các kiến trúc sư mà biểu hiện dễ thấy nhất là việc du nhập một số kiểu loại – mô hình kiến trúc từ nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Nền kiến trúc dường như còn rất thiếu tính học thuật,chưa có các khái quát tổng kết đánh giá toàn diện về thực tiễn, lợi ích – đóng góp thực tế của các xu hướng thể nghiệm kiến trúc khiến công tác LLBPKT với tính chất quan trọng là các đóng góp phản biện mang nhiều tính khoa học chuyên ngành – đa ngành.
– Về tính chuyên môn:LLPBKT có thể cơ bản được xem bao gồm 02 nội hàm là (1) Lý luận và (2) Phê bình. Nhưng qua thực tế cho thấy một hiện trạng, dù số lượng các bài lý luận kiến trúc đã có nhiều, nhưng các bài phê bình kiến trúc còn rất hạn chế so với yêu cầu đặt ra, đặc biệt là trong các nội dung phản biện và phân tích các xu hướng kiến trúc mới hiện đang “bùng nổ” phát triển ở nước ta thời gian qua.
Lý luận có cơ sở khoa học thì phê bình mới chất lượng và có giá trị thuyết phục, có khả năng tác động sâu sắc, nâng cao chất lượng của sản phẩm kiến trúc và hỗ trợ nâng cao nhận thức của tác giả. Hàng năm có rất nhiều các luận văn thạc sỹ, tiến sỹ, các đề tài nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu, đơn vị quản lý nhà nước. Tuy vậy, các sản phẩm nghiên cứu khoa học đồ sộ này dù tốn nhiều công sức của những người làm khoa học nhưng hiệu quả thực sự được ứng dụng vào trong công tác LLPBKT còn rất khiêm tốn, đặc biệt là tương xứng với mong muốn của xã hội.
Tuy công tác phản biện xã hội có thể được xem là một phần trong lĩnh vực LLPBKT, nhưng trong thời gian qua, việc chủ yếu mới chỉ dựa vào dư luận xã hội để phản biện LLPBKT là chưa hợp lý, dễ gặp phải “hiệu ứng đám đông”, làm mất đi niềm tin của xã hội vào tính khách quan và khoa học đối với công tác LLPBKT.
– Về nguồn nhân lực: Do đặc thù về chuyên ngành cũng như đa ngành nên số lượng những người làm nghề kiến trúc còn rất hạn chế. Lực lượng những người làm LLPBKT còn mỏng về kiến thức chuyên môn. Hầu hết các nhà PBLLKT mới dừng lại ở các Kts và tham gia theo hình thức tự nguyện. Còn rất thiếu các kế hoạch xây dựng và đào tạo lực lượng cũng như các chính sách khuyến khích những lực lượng làm công tác LLPBKT. Do kiến trúc là một sản phẩm kết tinh của nhiều ngành nghệ thuật cũng như các ngành khoa học kỹ thuật khác nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu cuộc sống – thẩm mỹ ngày một cao hơn của con người, nên còn thiếu các chuyên gia ở các lĩnh vực khác tham gia công tác LLPBKT.
Cũng không thể không nhận định vẫn còn có những người làm công tác LLPBKT vì lợi ích riêng mà thiếu trung thực trong chuyên môn. Rất cần có những chế tài để đảm bảo sự trong sạch của đội ngũ những người làm công tác PBLLKT.
– Về cơ chế luật pháp: Phải là những người dũng cảm, dám dấn thân, không ngại va chạm mới có thể làm và làm tốt công tác LLPBKT bởi phê bình cũng có nghĩa là “đụng chạm” về lợi ích với nhiều đối tương trong xã hội. Tuy vậy, so với các ngành nghệ thuật khác như văn học, âm nhạc, mỹ thuật thì lý luận phê bình kiến trúc chưa được xem là một ngành, có chức danh – danh xưng được xã hội chính thức công nhận. Trong khi đó, tại một số quốc gian phát triển như CHLB Nga, Hoa Kỳ… pháp luật đã chính thức công nhận chức danh nhà LLBPKT, và được đào tạo và trang bị kiến thức, kỹ năng rất bài bản ngay từ bậc đại học.Ngược lại, có thể thấy ở Việt Nam vẫn còn thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ để hỗ trợ tốt những người làm công tác LLPBKT làm nghề đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển bền vững của nền kiến trúc nước nhà.
Đối tượng hướng đến của công tác LLPBKT, ngoài tác giả – tác phẩm còn bao gồm nhiều đối tượng khác như chủ đầu tư gián tiếp – trực tiếp, các đơn vị quản lý… với các quyền lợi gắn liền với các sản phẩm kiến trúc quy hoạch, nên không khỏi có những bất đồng và xung đột quan điểm với người làm PBLLKT. Do vậy, còn thiếu các quy định pháp luật bảo vệ để người làm công tác LLPBKT chuyên tâm công tác.
Không những vậy, các cơ quan truyền thông là phương tiện, bệ đỡ cho những người làm PBLLKT, trong một số trường hợp cũng là đối tượng cản trở tác nghiệp của người làm công tác LLPBKT. Cũng còn thiếu những quy định pháp luật để xử lý các hành vi vì lợi ích tiêu cực mà cản trở công tác của người làm LLPBKT.
Đổi mới công tác lý luận phê bình kiến trúc đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kiến trúc – quy hoạch Việt Nam
Những ví dụ kinh nghiệm thực tế , trên thế giới đã cho thấy đã có nhiều sản phẩm kiến trúc đạt được sự thành công nhất định dưới tác động của công tác PBLLKT. Như trường hợp công trình tháp Eiffel (Paris, CH Pháp), dù trước đó phương án xây dựng bị công chúng phản đối coi là “con quái vật bằng thép”, nhưng nhờ sử phản biện – can thiệp từ giới chuyên môn LLPBKT – nghệ thuật mà phương án xây dựng được chỉnh sửa để không những được chấp nhận mà sau này trở thành hình ảnh không thể thiếu của Paris, một nơi thu hút khách du lịch và nguồn thu cho đất nước, cũng như biểu tượng quốc gia. Một trường hợp khác chính là công trình nhà hát lớn TP Sidney (Australia), sự phản biện của giới chuyên môn, của chuyên gia LLPBKT đã giúp Jorn Utzon bảo vệ được phương án của mình, vượt qua sự phản đối của một bộ phận xã hội, thuyết phục được giới chức thành phố Sidney, chính phủ quyết tâm xây dựng để rồi cũng trở thành một công trình đẳng cấp quốc tế, mệnh danh là “Nhà hát con sò”- một biểu tượng thương hiệu quốc gia. Tại Việt Nam, có rất nhiều các dự án kiến trúc quy hoạch nổi tiếng như Nhà Quốc hội mới, Trung tâm hội nghị quốc gia… sau khi nhận được ý kiến phản biện từ xã hội và giới chuyên môn đã được điều chỉnh hoàn thiện để có những đóng góp có hiệu quả như hiện nay.
Đánh giá về sự cần thiết đổi mới công tác LLPBKT để đóng góp cho sự phát triển kiến trúc – quy hoạch Việt Nam trong thời gian tới, trong tham luận tại Hội nghị Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam ngày 17/11/2018 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức ngày 15/11/2018 mới đây, Ts.Kts Nguyễn Đình Toàn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã nhấn mạnh: “Công tác lý luận phê bình kiến trúc rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay mà đối tượng chính hướng đến chính là các nhà quản lý, các chủ đầu tư và các kiến trúc sư đang làm công việc tư vấn thiết kế. Phê bình kiến trúc phải được duy trì thường xuyên và bà đỡ là cơ quan quản lý về xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hệ thống thông tin truyền thông. Đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách phải là đối tượng đầu tiên cần nhận sự phê bình mạnh mẽ hơn về kiến trúc. Các loại hình công trình trụ sở, trường học, cơ sở y tế… vẫn còn dùng vốn ngân sách chiếm đa số. Do vậy, cần kiểm soát được kiến trúc, và kinh phí đầu tư xây dựng, tránh sự thay đổi tùy tiện của chủ đầu tư hoặc sự suy yếu của người thiết kế”.
Thực tế, để đóng góp có hiệu quả có việc hoàn thiện và phát triển nền kiến trúc Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, đặc biệt là trong kỷ nguyên kỹ thuật và cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ như hiện nay, cần sớm đẩy mạnh một nền LLPBKT khoa học phù hợp cả về trình độ cũng như chất lượng của cả chủ thể và khách thể theo các yêu cầu thực tiễn.
Cần xác định rõ nhóm đối tượng mà công tác LLPBKT hướng đến bao gồm: (1) Tác giả – tác phẩm kiến trúc, (2) cơ quan quản lý nhà nước, (3) chủ đầu tư, (4) đông đảo người dân trong xã hội.Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, cần bổ sung thêm một đối tượng có tầm quan trọng rất lớn,là các hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc – quy hoạch. Có vai trò quyết định trong việc chấm chọn phương án kiến trúc, rất cần có nhiều ý kiến phản biện LLPBKT để các hội đồng có thể lựa chọn các phương án có chất lượng, đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung của xã hội, đảm bảo chất lượng thẩm mỹ kiến trúc – an toàn sử dụng cho công trình, hạn chế các tiêu cực cũng như giảm thiểu tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư như một số trường hợp đã xảy ra trong giai đoạn vừa qua.
Về nhiệm vụ, công tác LLPBKT cần hướng đến phản biện các xu hướng phát triển kiến trúc, lên án để loại bỏ các xu hướng kiến trúc lai căng – thiếu bản sắc, tốn kém về chi phí nguồn lực của xã hội, đồng thời biểu dương kịp thời các xu hướng – thể loại kiến trúc mang lại nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội – đời sống chung. Công tác LLPBKT phải thực sự bắt nhịp, sát với hiện thực khách quan của sự phát triển kiến trúc trong đó hội tụ được 03 yếu tố tính học thuật – tính trung thực -tính thời sự và cấp thiết.
Hoàn thiện hệ thống các quy định về pháp luật trong đó quy định rõ đạo đức làm nghề, bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ những người làm công tác PBLLKT, hạn chế việc cản trở kết quả công tác LLPBKT từ các chủ thể và khách thể.
Xây dựng một đội ngũ những người làm công tác LLPBKT có đủ phẩm chất vừa “có tâm và tầm” để hướng tới thiết lập Hội đồng LLPBKT trong đó tập hợp các chuyên gia trong lĩnh vực này để có tiếng nói và đóng góp ngày càng mạnh mẽ với hiện trạng và xu hướng phát triển kiến trúc. Trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng LLPBKT cho những chuyên gia công tác trong lĩnh vực này, cụ thể xây dựng các chương trình đào tạo chuyên gia làm công tác LLPBKT có thể ở bậc thạc sỹ và tiến sỹ tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành có uy tín. Xây dựng các câu lạc bộ và nhóm sinh hoạt chuyên ngành, diễn đàn về LLPBKT. Có cơ chế để đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa vai trò của các hội nghề nghiệp, cơ quan truyền thông như Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các báo – tạp chí ngành xây dựng … trong công tác LLPBKT góp phần phản biện hướng đến sự hoàn thiện và phát triển chung của nền kiến trúc hiện đại và giàu bản sắc Việt Nam.
(*) Số liệu khảo sát công bố tại Hội nghị Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam ngày 17/11/2018 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.
Ths.KTS Đặng Tiên Phong, Ths.KTS Phạm Hoàng Phương – Viện kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng