Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm: Băn khoăn của người trong cuộc
Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM (gọi tắt là nhà hát giao hưởng) đã trải qua gần 20 năm trên giấy kể từ năm 1999. Những ngày này, khi HĐND TP.HCM vừa thông qua chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng, hơn 100 nghệ sĩ, nhân viên của Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM (HBSO) đều trong tâm trạng vui lẫn lo.
Phóng viên có cuộc trò chuyện với NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, xung quanh chủ đề này.
Thưa ông, là giám đốc đơn vị thụ hưởng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM, ông có ý kiến gì về chủ trương xây dựng nhà hát này?
Dự án nhà hát này đã chuyển qua rất nhiều địa điểm.
Nếu thật sự cần chỉ ra, tôi có thể chỉ ra nhiều điểm có thể xây nhà hát không phải ở Thủ Thiêm nhưng đó lại là chuyện của các nhà quy hoạch của TP.
Chúng tôi chỉ là đơn vị thụ hưởng, không có quyền quyết định.
Nhiều lần chúng tôi từng đề nghị chuyển đơn vị đầu tư về HBSO để chúng tôi có thể giám sát chất lượng xây dựng. Chúng tôi sẽ thuê đội ngũ tư vấn, thiết kế chuyên nghiệp để làm.
Hơn nữa, khi là chủ đầu tư, chúng tôi có thể thương lượng, thúc đẩy dự án cũng như kêu gọi xã hội hóa, nghĩa là chúng tôi có thể tham gia vào dự án chứ không phải đứng ngoài nữa.
Hiện TP đã quyết định không xã hội hóa, bởi nếu để các đơn vị tư nhân nhảy vào, họ đứng ra khai thác, muốn làm gì cũng khó. Lần này chúng tôi cũng đề xuất có đại diện tham gia ban quản lý nhưng tới giờ vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là hậu quả nhãn tiền về việc sử dụng không đúng 132 tỉ đồng vì xây xong không sử dụng được. Ông nghĩ sao về điều này?
Nhà hát, nhất là nhà hát giao hưởng, vũ kịch không phải là công trình bình thường. Nó đòi hỏi những quy chuẩn kiến trúc khắt khe, phải thuê người có năng lực và chuyên môn để làm. Mở thi tuyển quốc tế để tìm mẫu thiết kế nhà hát thì sau đó phải làm cho đúng mẫu. Nếu làm có trách nhiệm, không tham nhũng, ăn bớt thì mọi thứ sẽ ổn.
Nhiều người từng bác bỏ vị trí dự án nhà hát ở Công viên 23-9 vì cho rằng nó đánh mất mảng xanh, không giải quyết được phần tiếng ồn xung quanh. Giờ làm nhà hát ngay chân cầu Thủ Thiêm 2 liệu vấn đề tiếng ồn có được giải quyết triệt để?
Khi quy hoạch nhà hát tại Công viên 23-9, đơn vị thiết kế (Công ty Busmann Haberbe, Muller, Inros Lackner, Đức) đã khảo sát tất cả rung chấn xung quanh, kể cả dự án metro sẽ thực hiện tại đó. Và chính họ đảm bảo việc chống rung chấn, chống ồn… trong kỹ thuật xây dựng nhà hát hiện đại.
Vấn đề diện tích xây dựng nhà hát, hồi ở Công viên 23-9 là 13.000 m2 với dự toán hơn 100 triệu USD (tỉ giá ngoại tệ thời điểm lúc đó tính ra hơn 2.200 tỉ đồng – PV), nhiều người cũng bảo chưa xứng tầm. Vậy thì bây giờ ở Thủ Thiêm quy hoạch cho dự án nhà hát là 10.030 m2 nhưng thực xây chỉ 50% (5.015 m2) với kinh phí 1.508 tỉ đồng thì có đảm bảo hay không?
Ở thời điểm giao đất cho nhà hát tại 23 Lê Duẩn, quận 1, chúng tôi đã mong muốn được xây nhà hát ngay thời điểm đó, vì dễ gì có đất to và hoành tráng trong quy hoạch tổng thể của TP lâu nay.
Lúc dự tính xây nhà hát ở Công viên 23-9, chi phí thiết kế cho phía công ty Đức là bao nhiêu, thưa ông?
Nhà hát chưa bao giờ được mời trong ban quản lý dự án nên tôi không biết.
Theo ông, con số dự kiến xây dựng nhà hát là 1.508 tỉ đồng trong tương lai có đội vốn hay không?
Trong dự án nhà hát giao hưởng hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của Sở VH&TT TP.HCM tính như thế, thành ra con số ít lại so với 2.200 tỉ đồng nếu xây ở Công viên 23-9. Tôi biết chắc con số đó hoàn toàn chưa chính xác, chỉ là dự toán, chắc chắn sẽ đội.
Công viên 23-9 và những dự toán cũng còn rất chung. Ông thấy sao?
Tôi lo lắng thật sự. Dự án ở Công viên 23-9 với 13.000 m2 cùng chức năng hai khán phòng mà đem qua Thủ Thiêm với 5.015 m2 thì sẽ thiếu. Nhưng mọi lo sợ đều đang ở thì tương lai. Hiện chúng ta chỉ mới bước qua chủ trương được làm, mọi thứ quay lại ban đầu như 20 năm trước. Với đề bài 5.015 m2 cùng 1.508 tỉ đồng mà xây hai khán phòng, chưa kể tầng hầm xe, phòng chức năng… thật sự cũng không dễ cho các nhà thiết kế.
Xin cám ơn ông.
PLO.VN