Quản lý nước đô thị: Từ ‘quả ngọt’ địa ốc đến ‘trái đắng’ tài nguyên nước
Do đô thị hóa quá nhanh, chỉ sau thời gian ngắn hiện cả nước có tới 813 đô thị lớn nhỏ. Các hoạt động khai thác nguồn lợi từ đất, đặc biệt là bất động sản đã được/bị đẩy nhanh quá mức, nhưng một lĩnh vực hết sức quan trọng với đô thị là quản lý nguồn nước, thì hầu như chưa được chú trọng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước sạch, thừa nước thải, ngập lụt triền miên diễn ra ngày càng trầm trọng ở nhiều đô thị, dù đã tiêu tốn nhiều triệu đô la khắc phục. Trước thực tế đó, ngày 23.8, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Quản lý nước đô thị” với sự chủ trì của ông Phạm Thế Minh (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam) lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, nghiên cứu đô thị… về quản lý nước, nhằm chuẩn bị nội dung cho các cuộc hội thảo tiếp theo để đưa ra những kiến nghị tới các cấp chính quyền về vấn đề hết sức cấp thiết này.
Báo cáo đề dẫn mở đầu tọa đàm của GS-TS. Phạm Hồng Giang (Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam) chỉ ra hàng loạt dẫn chứng về tình trạng suy kiệt nguồn nước trên khắp các con sông lớn ở nước ta, một ví dụ điển hình là ba con sông thuộc hệ thống sông Hồng, thì sông Nhuệ đã chết, sông Đáy ngắc ngoải, sông Cầu tàn tạ…
Chúng chết vì không còn nước, cạn trơ đáy trong suốt mùa khô, chết vì bị ô nhiễm khủng khiếp.
Những ai phải chịu trách nhiệm?
Chỉ vài chục năm trước, người dân còn gánh nước sông Nhuệ, sông Đáy về ăn, thì giờ đây không ai dám nhúng chân xuống nước! Trước đây, người Pháp lấy nước từ sông Hồng đưa vào sông Nhuệ để lấy nước tưới cho cả vùng nông nghiệp qua cống Liên Mạc. Nhưng hiện nay sông Hồng bị khai thác cát bừa bãi khiến lòng sông hạ thấp (có đoạn tới 4m) làm cho nước sông Hồng không chảy vào sông Nhuệ, không thể “rửa trôi” rác rưởi, khiến dòng sông này ngày càng ô nhiễm.
Nhưng nếu hạ thấp cốt đáy sông Nhuệ xuống, thì mùa lũ nước sông Hồng đổ vào sẽ gây nguy hiểm cho toàn vùng cư dân đôi bờ sông Nhuệ. Tức là nan giải.
Không chỉ nước mặt, nước ngầm cũng suy kiệt với tốc độ quá nhanh do bị khai thác và xây dựng, điển hình là TPHCM lún khoảng 7cm/năm (thông tin từ hội nghị “Tìm giải pháp chống ngập và xử lý nước thải” ngày 9.8 tại TPHCM), Cà Mau cũng đã sụt 3-5cm. Trước nguy cơ bị “đầm lầy hóa” rõ ràng như vậy, nhưng biện pháp khẩn cấp nào để giảm tốc nạn đô thị hóa tràn lan, vẫn rất mù mờ. Không những thế, việc phát triển đô thị vào những vùng thấp (nên dùng lưu nước) như Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè… càng làm tình trạng ngập lụt ở TPHCM tồi tệ hơn.
Khác với TPHCM tháng nào cũng lụt, loay hoay với đủ loại giải pháp, làm các cống ngăn triều chống ngập, thuê máy bơm “siêu khủng” tiêu nước… Hà Nội dường như không ai lo việc nước, bao dự án khởi ra từ nhiều năm vẫn dang dở ngổn ngang, như dự án mở cống ở Long Phú (Ba Vì) để lấy nước chảy vào sông Đáy đến 7-8 năm mà nay vẫn chỉ thấy “mấy cọc bê tông trơ sắt rỉ”. Nói cách khác, cả hai thành phố lớn nhất nước chưa có một chiến lược khả dĩ trước thảm họa này.
GS-TS. Phạm Hồng Giang bức xúc: “Những vấn đề chúng ta đang phải đối mặt là suy kiệt nguồn nước, ô nhiễm nước mặt, nước thải không được xử lý, thiếu nước dùng hợp vệ sinh… Nhưng quản lý đô thị chỉ nhăm nhăm vào xây nhà kinh doanh là chính. Mà toàn làm ngược, xây nhà trước khi có đường, có đường rồi lại đào đường làm cống thoát nước…”. Ông Giang đặt câu hỏi: “Ai phải chịu trách nhiệm về những sai lầm vừa qua? Ai vô trách nhiệm và bỏ lửng, việc phải làm nhưng ngó lơ? Ai dám nhận trách nhiệm khắc phục?”
Sai từ gốc
Gốc ở đây là quan niệm về tính toàn vẹn của vòng tuần hoàn nước, trạng thái vật lý không thể chia cắt của nước. Tiếp cận nước từ quan niệm và mô hình quản lý, ông Trần Trung Chính (Trưởng ban Thông tin – Truyền thông của Tổng hội Xây dựng Việt Nam) so sánh để nhận biết sự khác biệt căn bản giữa cách quản lý nước ở Việt Nam với Hà Lan (có 1/3 diện tích nằm dưới mực nước biển).
Ông Chính cho biết quản lý nước của thủ đô Amsterdam được đặt dưới quyền của Công ty Waternet. Công ty này đảm nhiệm việc cung cấp cho tất cả các nhu cầu (nước sạch cho con người, nước cho nông nghiệp, công nghiệp, giao thông thủy…, xử lý nước thải các loại); quản lý toàn bộ không gian nước (biển, sông, hồ, kênh, rạch…) và hơn 300 công trình di sản kiến trúc, thắng cảnh thiên nhiên có yếu tố nước; kiểm soát áp lực nước ngầm; phát triển các dự án thủy lợi, xây dựng đảo nhân tạo và bảo vệ Amsterdam trước các thảm họa thiên tai do nước.
Waternet có quyền lực với mọi dự án, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, bằng việc xây dựng các kịch bản cung cấp và ứng phó với nước tại tất cả các địa điểm thuộc vùng họ quản lý. Thí dụ, Waternet được quyết định quy hoạch sử dụng đất cho mọi địa điểm xây dựng ưu tiên cao, như khu dân cư, bệnh viện, nhà máy, đường giao thông…; hay không ưu tiên như công viên, sân vận động… để tham gia trữ nước tạm thời. Là mô hình quản lý rất tập trung, Waternet tạo ra chuỗi sản phẩm dịch vụ nước: vận tải du lịch trên hệ thống kênh đào, biến sân thấp chứa nước mưa thành sân bóng, xây các bãi xe ngầm được bọc kín chứa ô tô trong thời gian ngập lụt…
Hiện họ sở hữu và quản trị vận hành khối tài sản khổng lồ bao gồm hàng nghìn km đê biển, đê sông, cầu, cửa đập, cống; hàng chục nghìn km đường ống cấp nước, thải nước; vô số nhà máy cấp, xử lý nước thải, trạm bơm, các tàu hút bùn, các khu đất chứa nước. “Từ ly nước uống trong bếp, đến niềm vui chèo thuyền trên sông hồ…” đều thuộc Waternet.
Tóm lại, Hà Lan quản lý nước theo lưu vực sông – biển, chứ không quản lý theo địa giới hành chính, và quản lý tổng thể hệ sinh thái nước chứ không quản lý theo chức năng riêng rẽ. Hiện Việt Nam có sáu bộ tham gia quản lý nước, gồm: Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Giao thông – Vận tải, Xây dựng, Y tế, Công Thương và ít nhất một chính quyền tỉnh (nơi sông chảy qua). Quá nhiều cơ quan quản lý nên các dữ liệu phân tán, không thống nhất số liệu và thường không công khai. Thêm một bất cập nữa, Việt Nam xây dựng các kế hoạch năm năm, hoàn thành xong mới có kế hoạch năm năm tiếp. Tư duy ngắn hạn đó mâu thuẫn với các kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu vốn cần dài hạn (Hà Lan đã xong kế hoạch dài hạn và đang thực hiện đối phó với mực nước biển dâng 1,3m vào năm 2100).
“Không khí, đất và nước là ba tài nguyên dù giàu có đến mấy con người cũng không thể làm ra. Và chỉ từ quan niệm đúng về nước mới có thể thiết kế mô hình quản lý nước hiệu quả”, là kết luận của ông Chính.
Biết sai vẫn cố làm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, từ những tư liệu tự nhận là “nhặt nhạnh”, so sánh với việc quản lý nước từ cách đây cả thế kỷ, KTS. Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) chỉ ra những “mảng tối” trong quy hoạch và quản lý nước tại Hà Nội ngày nay. Theo ông Ánh, bản quy hoạch thoát nước sớm nhất của Hà Nội là từ năm 1889 do người Pháp lập, còn bản quy hoạch về thủy lợi đầu tiên có từ năm 1905 đều rất chú trọng đến thoát nước của Hà Nội.
Trận lụt lịch sử cách đây 10 năm cũng như thảm họa ngập ở Chương Mỹ năm nay, khiến ông đặt câu hỏi: “Tại sao Hà Nội lại ngập trong khi tổ tiên chúng ta đã chọn Hà Nội là một nơi cao ráo, bằng phẳng, không trũng ngập? Tại sao sau nghìn năm Hà Nội lại thành ra thế này?” Ông Ánh nhận định, ngay trước khi được sát nhập về Hà Nội, lãnh đạo tỉnh Hà Tây lúc đó đã cấp phép đến mấy trăm dự án, mà toàn cấp vào những chỗ trũng ngập, vào đúng nơi mà ngành nông nghiệp trước đó đã khoanh là hành lang thoát lũ cho Hà Nội. Và, hành lang thoát lũ đó vốn hoàn toàn kế thừa hành lang thoát lũ do người Pháp lập từ năm 1926.
Ông Ánh cho biết: “Lo ngại bản quy hoạch mở rộng Hà Nội giao cho các nhà quy hoạch nghiệp dư từ Hàn Quốc thực hiện, chúng tôi đã viết góp ý và trực tiếp trao đổi với tư vấn quy hoạch. Đề nghị họ lấy bài học thành công – thất bại từ Hàn Quốc để vẽ Hà Nội, đặc biệt phải quan tâm đến thách thức của nước, chứ đừng chỉ biết đến lợi lạc của đất. Đó là, làm quy hoạch cho Hà Nội thì phải biết nước cấp cho vùng Hà Nội là từ sông Hồng, rồi cấp lại cho sông Đáy, sông Nhuệ và sông Đuống. Chênh lệch mực nước sông Hồng vào hai mùa lũ – cạn là 8m. Vậy thì phải có giải pháp nào để thoát nước nhanh, an toàn mùa lũ? Rồi dự trữ nước mùa khô thì cần diện tích mặt nước dự tính sẽ là bao nhiêu? Giải pháp xử lý nước thải, vốn là bế tắc của Hà Nội sẽ phải thực hiện như thế nào?… Nói vậy, nhưng cuối cùng họ chỉ trưng ra mấy bản vẽ sơ sài về thoát nước và xử lý nước thải, trong khi tràn ngập viễn cảnh bất động sản”.
Minh chứng cho việc Hà Nội “mải thu lợi lạc từ đất mà quên chuyện nước”, theo ông Ánh: “Mười năm qua (2008-2018), trong bản đồ quy hoạch chung của Hà Nội có cả ngàn dự án bất động sản (theo tính toán của TS-KTS. Trần Trọng Hanh, nếu các dự án này hoàn thành có thể đáp ứng được chỗ ở cho 50 triệu dân). Sau mười năm mở rộng, Hà Nội “thành công rực rỡ” trong kinh doanh bất động sản, nhưng hễ mưa lại ngập, nước thải, rác thải gây ô nhiễm nghiêm trọng, các dòng sông vốn trong lành đã trở thành dòng sông chết”.
Vấn đề nước bủa vây tứ bề
Sau phần trình bày của ba diễn giả, cả hội trường nóng lên trong nỗi bức xúc của những người tham dự.
Theo PGS.TS Ứng Quốc Dũng (Phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam) vấn đề quản lý nước đô thị đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ tốc độ đô thị hóa cao: “Hiện nay, để phục vụ nước cho các đô thị, mỗi ngày đêm đang khai thác khoảng 8,7 triệu m3 nước. Việc khai thác làm suy kiệt nguồn, nhiễm mặn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước ngầm. Hiện mực nước ngầm tụt xuống nhanh, lưu lượng khai thác buộc giảm đi, nhưng nước mặt đã ô nhiễm cũng tràn xuống bù lại lượng nước bị sụt giảm gây ô nhiễm luôn cả nước ngầm”. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, trước đây các nhà máy rất “ngại” xử lý nước mặt do có nhiều chất hữu cơ, kim loại nặng… nhưng hiện nay, công nghệ tiến bộ cho phép xử lý nước mặt tốt hơn. Riêng Hà Nội ngoài nước mặt sông Đà, tới đây phải có thêm nhà máy nước lấy từ nước sông Hồng.
Về giá nước, ông Dũng cho biết không phải do doanh nghiệp mà thành phố quyết định, với giá quá rẻ so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới: 1 tấn nước sạch bằng giá 1 mớ rau. Trong giá cấp nước thì thoát nước và xử lý nước thải đều chưa được tính đủ do có nhiều vướng mắc, bởi có nơi chỉ thoát nước mà không xử lý, có nơi bao gồm cả xử lý…
Cùng với ông Trần Đức Hà (Viện Cấp thoát nước đô thị), ông Dũng bày tỏ sự đồng tình trong việc cần tìm kiếm một mô hình quản lý nước tập trung, theo lưu vực, thích ứng đối phó với rủi ro do thiên tai và phát triển bền vững, chứ không thể theo địa giới hành chính và chia nhỏ trách nhiệm cho các bộ ngành như hiện nay.
Tham gia thảo luận tại tọa đàm, TS. Phạm Sĩ Liêm (nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) nhận xét, dân số Việt Nam đang tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhưng “đô thị hóa đất đai đi trước đô thị hóa dân số”. Đô thị hóa ở Việt Nam còn khác hẳn mọi nơi trên thế giới, đó là sự lan tỏa đô thị dọc các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, đào giếng lấy nước dùng và thải ngay ra sau nhà…
Ông Liêm cũng cho rằng giá nước sạch và phí nước thải ở đô thị đang quá thấp, người ở đô thị dùng và thải nhiều hơn nông dân, trong khi tiền hỗ trợ của Nhà nước lấy từ ngân sách lại có sự đóng góp của cả người dân khu vực nông thôn, như vậy là không công bằng. Ông Liêm nêu quan điểm: “Chúng ta phải lo cho đất nước này chứ không phải lo riêng cho một tầng lớp nào, một số người nào. Trong điều kiện thị trường mà vẫn tư duy bao cấp như mấy chục năm trước về dịch vụ công cộng là không ổn”.
Ông Vũ Thanh Tùng (Chủ tịch Hội Tin học xây dựng Việt Nam) khẳng định bằng các kỹ thuật mới, hoàn toàn có thể tính toán, phân vùng để quản lý nước theo lưu vực nếu có đủ dữ liệu. Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhận xét do quản lý nước của Việt Nam phân mảnh, quá nhiều cơ quan tham gia, nên hiện nay dữ liệu nằm mỗi nơi một ít, thậm chí có hiện tượng không chia sẻ dữ liệu cho nhau. Vậy nếu không thay đổi cơ chế quản lý, thì dẫu có công nghệ tiên tiến cũng vô ích.
Tiếp nội dung này, PGS-TS. Lưu Đức Hải (Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng) mong muốn có những chuyên đề phân tích sâu về hệ thống văn bản liên ngành, để xem có bao nhiêu điều luật được xây dựng từ nhiều bộ đang gây ảnh hưởng đến quản lý nước. Theo ông Hải, vấn đề quản lý nước rất rộng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương… do vậy Tổng hội Xây dựng Việt Nam nên tiếp tục tổ chức nghiên cứu, thảo luận theo nhiều chuyên đề với các nhóm chuyên gia khác nhau, để có thể xây dựng được một kiến nghị khoa học gửi tới Chính phủ.
Ông Nguyễn Xuân Hải (Phó tổng biên tập tạp chí Người Xây Dựng) cảnh báo sự phát triển ồ ạt công trình thủy điện vừa và nhỏ hiện nay có dấu hiệu chiếm giữ tài nguyên nước theo các nhóm lợi ích, trong khi “nhiều nước đang phá bớt thủy điện, tại sao ta lại cố làm? Thế giới họ gìn giữ, đào thêm sông, hồ giữ nước điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan đô thị…, còn ta có nhiều sông, hồ, mương nhưng phần lớn bị lấp hết, rồi cống hóa các con sông ở trong các đô thị”.
Kết thúc buổi tọa đàm, ông Phạm Thế Minh cho biết Ban tổ chức ghi chép, phân tích các ý kiến và chọn các nhóm vấn đề cụ thể, để trong thời gian tới Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo, hoặc chuỗi hội thảo nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý có được các giải pháp hữu hiệu trong quản lý nước đô thị.
Mỹ Dung/Người đô thị