Không gian nhà ở nông thôn mới ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu
(Tạp chí KTVN) – Hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại, nó không trừ một quốc gia nào, kể cả những nước phát triển cho đến nước nghèo đói. BĐKH đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế – xã hội và môi trường toàn cầu, đặc biệt là các vùng ven biển. Các nước phát triển đã đưa ra được nhiều giải pháp cho nhà ở và các mô hình làng sinh thái khá hiệu quả để có thể chịu được các ảnh hưởng như ngập lụt, gió bão. Đặc biệt là việc kết hợp với người dân về xây dựng một nông thôn mới đạt hiệu quả thì việc áp dụng kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và giá trị kinh nghiệm truyền thống đã chế ngự và thích ứng với thiên nhiên một cách hiệu quả.
Tổng quan về BĐKH, nhà ở và sản xuất của nông thôn mới vùng duyên hải Bắc bộ
Đôi nét BĐKH nước biển dâng
BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn cầu. Nhiệt độ tăng, nước biển dâng gây ngập lụt, làm nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, rủi ro lớn đối với công nghiệp và hệ thống kinh tế – xã hội trong tương lai. Vấn đề BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như: năng lượng, nước sạch, lương thực, nơi ở, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại.
Theo Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH. Các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải Bắc Bộ (DHBB) sẽ chịu nặng nề nhất.
Nhà ở và sản xuất của nông thôn mới vùng DHBB truyền thống và hiện tại
Trong quá khứ, người dân vùng DHBB cũng đã có những kinh nghiệm quai đê lấn biển, các ngôi nhà ở nông thôn truyền thống đã có một số các giải pháp thô sơ trong phòng chống bão và ngập nước như: mái nhà lợp bằng bổi rất dày, có các thanh tre nẹp và có chiều cao khiêm tốn để tránh tốc mái.
Nghề nghiệp thâm canh lúa nước từ lâu đời rất phát triển kết hợp với các nghề thủ công truyền thống như trồng cói, dệt chiếu, làm muối; Các làng – xã ven biển, cửa sông cũng có kinh nghiệm trong các nghề đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, khai thác nguồn lợi kinh tế sông, biển phục vụ cho đời sống; Vốn thông minh, nhạy bén, có khả năng tiếp thu nhanh những kỹ thuật mới từ bên ngoài, họ đã tạo ra một nền văn hóa làng – xã đạt trình độ nhất định, có vai trò trong quá trình phát triển văn hóa Việt.
Qua khảo sát cho thấy hiện nay, những ngôi nhà nông thôn mới vùng ven biển ở các tỉnh Nam Định và Thái Bình đã có sự kiên cố hóa khá nhiều để chống chịu bão, tuy nhiên yếu tố nước biển dâng theo kịch bản BĐKH họ chưa tính đến. Khu vực DHBB sẽ phải chịu sự tác động mạnh mẽ của bão lụt và nước biển dâng khá nghiêm trọng trong vòng 100 năm tới do BĐKH.
Trong giai đoạn tới, những giải pháp về nhà ở và quy hoạch làng – xã chưa thực sự đáp ứng được các tác động này. Hệ thống cấu trúc hạ tầng của các làng – xã ven biển hiện tại chưa tính đến việc thích ứng với BĐKH và nước biển dâng trong tương lai.
Ngôi nhà ở nông thôn vùng DHBB hiện nay cũng đã thay đổi nhiều về hình dáng kiến trúc lẫn công năng sử dụng so với trước đây do kinh tế và công nghệ phát triển. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khác nhau như: Kinh tế eo hẹp; Trình độ thẩm mỹ, kỹ thuật còn hạn chế; Công tác quản lý, hướng dẫn chưa có… nên việc nghĩ tới xây dựng nhà ở nông thôn mới lâu dài, sẽ chuyển đổi sản xuất như thế nào cho việc phù hợp (thích ứng) với nước biển dâng là chưa có.
Kinh nghiệm quốc tế và một số định hướng giải pháp cho nhà ở nông thôn mới ven biển thích ứng với BĐKH nước biển dâng khu vực DHBB
Kinh nghiệm quốc tế
Hà Lan: Nhiều mẫu ngôi nhà được thiết kế như một loại thuyền, có thể nổi trên mặt nước trong mọi điều kiện thời tiết. Các thiết kế của công ty Dura Vermeer (Hà Lan) đưa ra phương án “làng nổi” cho khoảng 12.000 dân ở gần sân bay Schiphol, cách thủ đô Amsterdam không xa.
Thiết kế này gồm các ngôi nhà nổi tạo thành cụm nhà ở với các đặc điểm: Cấu trúc làm bằng bê tông rỗng chống thấm và có thể nổi cùng nhà. Hầm bê tông chìm cố định dưới mực nước, nơi đặt các piston tăng áp. Đến khi nước dâng, ngôi nhà có thể nổi trên mặt nước cao. Một số các dạng nhà khác như nhà có nền cao, ngôi nhà được đắp nền cao lên bằng đất và tạo ra các kênh, rạch nước xung quanh, các kênh rạch này làm nên một hệ thống giao thông mạng lưới trong cả làng, phương tiện di chuyển là thuyền. Điển hình là ngôi làng cổ sinh thái tại tỉnh Overjssel, Hà Lan nơi này cách thủ đô Amsterdam 148km, ngôi làng này được hình thành từ những năm 1230 và tồn tại cho đến ngày nay, các ngôi nhà ở đây trông rất sinh thái.
Vương quốc Anh: Nhà phao nổi được xây dựng bởi công ty xây dựng Aquabase tại Leeds, nước Anh. Ngôi nhà được xây dựng trên một nền tảng là phao nổi cho phép nhà trôi nổi tự do, thậm chí có khả năng điều hướng như một nhà thuyền. Ngôi nhà được thiết kế dự kiến có tuổi thọ hơn 100 năm. Ưu điểm cơ bản nhất của nhà phao nổi là sự linh hoạt, có thể ứng phó với bất kì mức dâng nào, cư dân trong nhà có thể dễ dàng di chuyển ngôi nhà của họ tránh khỏi khu vực nguy hiểm tới khu vực an toàn trong mùa lũ. Tuy nhiên nó cũng có những nhược điểm là sử dụng phao nổi đồng nghĩa với ngôi nhà sẽ không kết nối được với mạng lưới điện lưới, khả năng quản lý cộng đồng kém. Tuy nhiên hiện nay có thể khắc phục được bằng các hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời hay gió, cùng với các công nghệ thông tin di động, bể nước sinh hoạt hệ thống xử lý nước thải tiên tiến.
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: Nhà sàn (nhà Lift house) xây dựng ở bang Louisiana, để thích ứng với nước ngập và rất bền vững, chống chịu được gió bão, thời tiết nóng ẩm; khả năng cơ động cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và lối sống bản địa, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm giá thành trong quá trình sử dụng lâu dài. Lớp lát tường xi măng sợi, kết cấu ván gỗ được xử lý chống thấm, chống mối mọt. Mái nhô ra một khoảng lớn có bố trí tấm chắn nước mưa. Thiết kế chống tải trọng gió bằng phương pháp đường truyền tải trọng liên tiếp. Thiết kế sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm bức xạ mặt trời, tăng khả năng thông gió tự nhiên.
Nhật Bản: Nhà tôn nền Mizuya được sử dụng để giảm tác động cùa ngập lụt là cách mà người dân Nhật Bản vùng Kanto thích ứng với lũ, ngập lụt. Nhà có 2 phòng, 2 kho, 1 vệ sinh. Một số gia đình còn có thuyền để sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Thông thường một phần nhà chính được nâng cao và có thể biến thành nơi trú ẩn. Ưu điểm là nhà xây trên nền cao, được sử dụng trong trường hợp ngập lụt, để lưu trữ và bảo vệ tài sản. Giai đoạn đầu tôn nền cao 2m, sau những đợt ngập lụt cao nhà được tôn nền thêm 1,3m trên nền 2m cũ, nhà được cải tạo để lưu trú trong thời gian dài khi xảy ra thiên tai. Nhược điểm là nhà xây dựng cũng khá tốn kém.
Một số định hướng giải pháp cho nhà ở nông thôn mới ven biển thích ứng với BĐKH nước biển dâng khu vực DHBB
Về cấu trúc không gian làng – xã
Cần triệt để tận dụng và kế thừa cơ sở hạ tầng hiện có, cải tạo nâng cao nền chống ngập; Phát triển các điểm dân cư tập trung, có điều kiện thuận lợi về hạ tầng chung, hạn chế phát triển các điểm dân cư nhỏ lẻ, phân tán, dịch chuyển các điểm dân cư tự phát, manh mún, nhỏ lẻ vào các khu vực ở tập trung, tạo điều kiện tốt cho sinh hoạt và sản xuất cũng như công tác cứu hộ khi có bão lũ, nước ngập.
Tôn trọng cấu trúc các giá trị truyền thống của vùng ven biển DHBB đã phát triển lâu đời, bổ sung các không gian cần thiết, cải tạo và xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội phù hợp các nhu cầu mới của người dân cũng như để thích ứng với BĐKH sẽ ảnh hưởng tới môi trường ở và nhà ở.
Nếu phát triển những khu vực mới thì cần có mối quan hệ chặt chẽ với khu cũ, không ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt của cư dân; Khu dân cư phát triển mới gắn với khu dân cư hiện có và các trục đường giao thông tạo thành khu dân cư tập trung nhưng vẫn phù hợp địa bàn sản xuất; Các công trình công cộng trong thôn xóm bố trí tập trung để tạo không gian sinh hoạt trung tâm cho thôn xóm, cũng là nơi tập trung cứu hộ trong mùa mưa bão.
Tạo các dải cây xanh cách ly 7-10m dọc kênh rạch, sông ngòi bảo vệ mương tiêu thoát nước. Nên sử dụng hàng rào cây xanh, tránh sử dụng hàng rào cứng để phân định giữa các hộ gia đình vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa tạo các lối sơ tán thoát lũ khi cần thiết; Bảo vệ lâu dài các công trình tôn giáo tín ngưỡng, cảnh quan có giá trị như cây xanh, bến nước đã có… để tạo cảnh quan cho làng, xã.
Các công trình văn hóa, sinh hoạt cộng đồng làng – xã trong xây dựng nông thôn mới
Cần bảo tồn và tận dụng các không gian cũ như đình, đền, chùa, nhà thờ,.. để làm nơi sinh hoạt cho cộng đồng dân cư: Xây dựng mới nhà sinh hoạt cộng đồng cho mỗi thôn xóm có chức năng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thông tin văn hóa, hội họp. Công trình được xây dựng mới kiên cố, nằm ở trung tâm thôn xóm được sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng chung cho dân cư. Khuôn viên được bố trí không gian rộng rãi, có sân chơi thể thao, nền nhà được xây cao từ 1,5 – 2m có thể tận dụng làm nơi tránh lụt, ứng cứu thảm họa thiên tai.
Không gian khuôn viên và ngôi nhà ở
Thôn xóm mới xây dựng cần bố trí dọc theo các kênh rạch hoặc các bãi đất cao. Giao thông ngõ xóm nên bố trí vuông góc với đường kênh chính để đảm bảo tiêu thoát nước nhanh nhất. Bố trí các bến thuyền tiếp cận với đường giao thông ngõ xóm đảm bảo sinh hoạt hàng ngày vào mùa mưa lũ, vận chuyển nông sản vào vụ sản xuất.
Xây dựng các loại hình nhà ở phù hợp với vùng bão lũ và ngập nước: Hình khối nhà đơn giản, kiên cố, nhà nên có gác xép, nhà có thể trống tầng 1 hoặc nền nhà cao với đặc điểm là hiên nhà rộng, thoát nước mái nhanh, chân nền, chân tường ốp đá để tránh bị hư hại khi bị ngập.
Nền khuôn viên nhà ở được phân chia thành các khu vực để giảm chi phí đắp nền (vườn thấp, vườn cao, sân, nền nhà). Cao độ nền nhà xây mới nên đặt ở cao trình 1,5m – 2m đề phòng nước biển dâng 1m vào cuối thế kỷ (theo kịch bản BĐKH).
Không gian nhà ở tổ chức phù hợp đặc điểm sản xuất của hộ gia đình: Nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản là cơ bản và kinh tế vườn, chăn nuôi trong khuôn viên để tự cung tự cấp theo hướng sinh thái.
Kiến nghị
Cơ quan quản lý, các ngành chức năng cần phải nghiên cứu và đưa ra bộ tiêu chí và cách quản lý về xây dựng phát triển các dạng nhà ở chịu ảnh hưởng của BĐKH và thiên tai, đặc biệt là nước biển dâng cho các làng – xã nông thôn mới vùng ven biển các tỉnh DHBB.
Đối với các nhà chuyên môn cần phải nghiên cứu, kèm theo các mẫu nhà ở có tính ứng dụng cao về vấn đề BĐKH và nước biển dâng có tính thực tế hiện tại và tương lai làm cơ sở pháp lý thuyết phục người dân áp dụng.
Đối với người dân cần thiết phải có trách nhiệm chăm sóc ngôi nhà và cảnh quan sống theo tiêu chí nông thôn mới, bảo vệ tốt môi trường và không gian ở của chính mình. Đồng thời tôn trọng, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong không gian ở đã được cha ông họ chắt lọc qua nhiều thời gian./.
TS. KTS Đỗ Trọng Chung, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
NCS. Lê Hồng Dân, Công ty Cổ phần Kiến trúc Hồng Đức