BT là chùm khế ngọt…!
Hàng loạt khu đất “vàng” ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được giao cho doanh nghiệp kinh doanh bằng hợp đồng BT
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng, điều hành Công ty Legal United Law – một chuyên gia pháp lý có nhiều kinh nghiệm kinh tế, nói: “Đầu tư bằng hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) phải có lợi cho nhà nước lẫn chủ đầu tư và cần cân bằng quyền lợi này. Không thể biến BT thành “miếng bánh ngon” để phân chia lợi ích riêng giữa các bên”.
Thất thoát ngân sách
Theo luật sư Nguyễn Sơn Tùng, các dự án được đầu tư theo hình thức BT trước đây được điều chỉnh theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Nghị định này cho phép 2 hình thức để lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu. Nhưng đa số các dự án BT được chỉ định thầu.
Dù không nằm trong trường hợp cấp bách nhưng Trường Chính trị Khánh Hòa phải “nhường” đất vàng cho dự án Gold Coat của Công ty CP Thanh Yến kinh doanh khách sạn, căn hộ
Luật sư Tùng phân tích: Các nhà đầu tư khi thực hiện BT thì mục tiêu chính nhắm đến là khu đất sẽ được nhà nước giao có vị trí đẹp, nằm ở các khu đô thị lớn để đề nghị hoán đổi. Các khu đất này có giá trị cạnh tranh cao, đã được tăng cường, hoàn thiện về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Điều này, góp phần tạo nên lợi nhuận kép cho nhà đầu tư.
Việc chỉ định thầu cùng với sự “rộng tay” trong việc giao đầu tư các dự án BT tại một số địa phương chính là nguyên nhân góp phần vào sự thiếu minh bạch trong hoạt động đầu tư BT. Điều này cũng làm giảm sự cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đồng thời là kẽ hở gây thất thoát ngân sách.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng bản chất BT là đổi đất lấy hạ tầng nhằm giải quyết việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong khi nguồn vốn có hạn. Khi làm dự án, nhà nước mất chi phí 2 lần thẩm định giá gồm dự toán chi phí công trình và quyết toán giá trị công trình. “Nếu thẩm định không chặt chẽ thì giá công trình sẽ đội vốn để được giao nhiều đất hơn. Mặt khác, quỹ đất dùng để đổi công trình nếu không qua đấu giá mà sử dụng giá nhà nước để đổi thì chỉ bằng 30%-40% giá thị trường. Làm như thế gây thất thoát ngân sách nhà nước rất lớn” – ông Long nói.
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng nói thêm rằng các dự án BT đang được thực hiện hiện nay đa số lấy nguồn đất thuộc sở hữu nhà nước. Pháp luật đã quy định tài sản công đều phải đấu giá quyền sử dụng đất. Thủ tục đấu giá là hình thức để xác định giá trị tài sản để làm cơ sở tính toán giá trị trao đổi theo đúng bản chất của hợp đồng và dự án BT giữa nhà nước với nhà đầu tư.
Phải đấu giá, minh bạch
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, có một nghịch lý là nhiều dự án, công trình chưa hoàn thành nhưng đã giao đất cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, xây công trình và bán cho các khách hàng để thu hồi vốn. “Cái đó là hoàn toàn sai, vi phạm. Chưa kể việc đổi đất này đúng hay chưa, như giá đất nhà nước chỉ 3 triệu đồng/m2 nhưng giá thị trường 15 triệu đồng/m2. Cái sai này không chỉ của nhà đầu tư mà cả cơ quan thẩm định, cơ quan phê duyệt, cơ quan triển khai. Mà sai thì phải truy thu, phải truy trách nhiệm” – ông Long nói.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên nhân của chỉ định thầu trong hoạt động đầu tư BT do không rõ ràng và thiếu nhất quán trong các quy định pháp luật. Nguyên nhân chủ quan là sự vận dụng và áp dụng pháp luật không nhằm tối đa hóa lợi ích của nhà nước. Do đó, cần phải hạn chế tối đa hình thức chỉ định thầu và chỉ thực hiện việc chỉ định nhà thầu trong các trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc phòng. Nên áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi kêu gọi nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Luật sư Tùng nhìn nhận: “Xét về bản chất, quỹ đất và quyền sử dụng đất dùng để hoán đổi cho nhà thầu hay nhà đầu tư cũng chính là tài sản công, cũng chính là tiền ngân sách do người dân nộp thuế. Các dự án BT thông thường luôn có giá trị rất lớn, đến hàng trăm tỉ đồng. Do vậy, sự minh bạch là yêu cầu căn bản và tuyệt đối phải được tuân thủ”.
Hoàn thiện khung pháp lý
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng đề xuất trước mắt cần nâng cao năng lực đàm phán và ký kết hợp đồng BT, quản lý, giám sát dự án BT, nhất là phải kiểm soát quỹ đất, nhu cầu sử dụng đất ở địa phương và xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất trong các mối quan hệ cũng như hoạt động đầu tư BT.
Bên cạnh đó, dù Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (hiệu lực từ ngày 19-6-2018) đã bổ sung khá nhiều cho các thiếu sót trước đó nhưng cần nhất quán theo hướng sửa đổi lại các quy định trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu có liên quan đến hoạt động đầu tư BT nhằm góp phần hoàn thiện khung và các cơ sở, quy định pháp lý chi tiết, cụ thể cho hoạt động đầu tư BT.