Đất đai và câu chuyện sửa luật, dựng luật
Chỗ cho vào, chỗ bỏ ra, cách làm này khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý, sử dụng đất đai. Và đây chỉ là một trong nhiều bất cập liên quan tới đất, quyền sử dụng đất.
Trong câu chuyện sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng thuế tài sản được bàn luận sôi nổi trong thời gian qua, thì đất đai đều là đối tượng chính.
Đến nay, khoảng 97% diện tích đất ở Việt Nam đã có chủ, nhưng minh bạch thông tin quy hoạch lại chưa được thực hiện triệt để, làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, khai thác, sử dụng đất đai của người dân và doanh nghiệp.
Như phản ánh của ông La Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài Chính), thì hầu hết người dân không biết được mảnh đất của mình tương lai sẽ được sử dụng ra sao, có nằm trong quy hoạch không, có thuộc diện thu hồi hay không để còn đầu tư phục vụ cuộc sống hoặc phát triển kinh doanh.
Một tin vui cho người dân, doanh nghiệp là thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào rà soát hai nội dung quan trọng là bất cập về quy định pháp luật và bất cập trong áp dụng pháp luật, theo như lời ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp).
Dù vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, đã đến lúc chúng ta cần có cách tiếp cận khác khi xây dựng, soạn thảo luật. Bởi thực tế cuộc sống có sự vận động, biến đổi không ngừng, trong khi cách làm hiện nay lại là chi tiết hóa các điều khoản của luật. Cách làm này dễ tạo ra bất cập khi xã hội vận động.
Đó là câu chuyện về tiếp cận đất đai, còn về thuế tài sản thì sao?
Ở “xứ người”, thuế tài sản đang cho thấy vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách, tăng tính tự chủ, tự quyền cho các địa phương. Tuy nhiên, cái khó đầu tiên ở “xứ ta” hiện nay lại là vấn đề cách hiểu, cách nghĩ.
Sở dĩ, trước đây, người dân có phản ứng mạnh mẽ với bài thử của các cơ quan chức năng về thuế, mức thuế là bởi hạn mức chịu thuế, đối tượng chịu thuế còn chưa hợp lý.
Thậm chí, như luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO nói, thì Dự thảo Luật Thuế Tài sản của chúng ta còn chưa định danh chính xác khái niệm tài sản. Ví dụ như với đất, thực chất người dân không được sở hữu, mà chỉ được cấp quyền sử dụng. Như vậy, thực chất việc đánh thuế là đánh vào quyền sử dụng đất, chứ không phải đánh vào đất.
Việc đánh thuế vào bất động sản mà lại không phải là bất động sản này, theo ông Đức, là rất mơ hồ và khó hiểu.
Vị chuyên gia luật này kiến nghị, để thuế tài sản không ảnh hưởng đến bộ phận người dân dễ bị tổn thương, dân nghèo, không nên đánh thuế với mọi người, mọi giá trị, mọi tài sản, mà chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế và tài sản có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên theo giá trị trường, còn lại miễn thuế cho hộ nghèo.
Đề xuất này được cho là có sự khác biệt lớn với ý tưởng áp thuế tài sản với ngôi nhà có giá trị trên 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, dù có mang lại sự tích cực đến đâu, khi ban hành thuế tài sản, cần phải định danh đầy đủ đối tượng chịu thuế, cách tính thuế để không bị trùng. Đây là điểm mấu chốt rất quan trọng để luật có thể đi vào cuộc sống.
Thanh Huyền/Đầu tư Bất động sản