01/06/2018

Ga ngầm C9: Hà Nội cần can đảm lựa chọn

Khi còn cơ hội, lý do gì ta không thể lựa chọn phương án phù hợp để thích ứng với hiện tại và tương lai?  

Vừa qua Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tọa đàm Phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa đô thị, trường hợp quy hoạch xây dựng ga ngầm khu vực Hồ Hoàn Kiếm (ga C9), với mong muốn lắng nghe các chuyên gia đóng góp ý kiến.

Khẳng định ủng hộ chủ trương phát triển giao thông đô thị, song nhiều đại biểu đặt câu hỏi, tại sao cứ phải chọn khu vực hồ Hoàn Kiếm, trong khi ai cũng biết đây là nơi nhạy cảm và rất quan trọng của Thủ đô? Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: “Chúng ta vẫn coi thường Hồ Gươm, trong khi đây là không gian linh thiêng, điểm phong thủy, nơi hồn thiêng sông núi lắng đọng”.

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy cũng cho rằng: “Chúng ta phải hết sức thận trọng với không gian hồ Hoàn Kiếm. Tại sao cứ phải làm nhà ga ở chỗ này, không nghĩ ra vị trí khác hợp lý hơn?”. Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, thẳng thắn: Dứt khoát không được động vào hồ Hoàn Kiếm, vì hồ Hoàn Kiếm chỉ có một, không ai có thể làm ra hồ Hoàn Kiếm khác cho dù kỹ thuật hiện đại đến đâu, và tiền nhiều đến mấy!

Kỷ nguyên lấy lưu giữ (stock) làm trọng 

Trong quy hoạch tổng thể đường sắt đô thị có 3 tuyến (1,2,3) đi qua trung tâm thành phố, tất cả các ga ngầm đều nằm ngoài đường viền khu phố cổ, duy nhất ga C9 chui vào giữa Hồ Gươm. Ban quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT) cho biết ga C9 phải để sát hồ vì tuân thủ quy hoạch đã duyệt. Nhưng Quy hoạch là định hướng không gian, còn khi lập dự án chi tiết cần tương tác các yếu tố kinh tế văn hóa xã hội,  nếu có nhiều hạn chế thì cũng cần cân nhắc thấu đáo.

Ở đây chúng tôi muốn đưa ra giải pháp thay thế vị trí ga C9 ra ngoài đê. Theo đó kết cấu ĐSĐT trên cao sẽ: Phối hợp gia cường hệ thống đê sông Hồng; Gia tăng giá trị kinh tế và hạ tầng đô thị cho toàn bộ khu dân cư đô thị ngoài đê phát triển theo định hướng TOD; Giảm tổng đầu tư 50% do chỉ có 3km đi ngầm, còn lại 8,5km đi trên cao; Bảo tồn tuyệt đối không gian đô thị khu phố cổ, cũ và Hồ Gươm; Không ảnh hưởng đến các hoạt động đô thị trong thời gian thi công; Giảm thiểu tối đa các rủi ro; Khai thác tối đa nguồn nội lực từ đầu tư, khả năng thi công xây lắp, bảo trì và vận hành…

Hồ Gươm,Hồ Hoàn Kiếm,Đường sắt đô thị,Ga ngầm C9,Hà NộiHồ Gươm,Hồ Hoàn Kiếm,Đường sắt đô thị,Ga ngầm C9,Hà Nội

H1&2: Phương án dịch tuyến 2 về phía đê Hà Nội do Chủ dự án trưng bầy và nêu lý do không lựa chọn. Minh họa phương án: kết nối các tuyến ĐSĐT đi qua trung tâm Hà Nội.  

Để có cơ sở so sánh, chúng tôi dựa vào các tiêu chí lựa chọn ga ĐSĐT do Ban quản lý ĐSĐT cung cấp trong báo cáo giải trình để làm rõ hơn việc dịch ga C9 ra ngoài (gần đê) có những ưu điểm vượt trội nào hơn vào trong (sát hồ). Vì thay đổi vị trí ga thì cũng thay đổi vị trí tuyến và thay đổi cả loại hình đi ngầm hay đi trên cao, do vậy sẽ gộp chung để so sánh.

Chúng tôi lập bảng so sánh các tiêu chí, đánh giá bằng các trọng số theo thang điểm 10 để lượng hóa các giá trị một cách khoa học, khách quan, đa chiều.

Hồ Gươm,Hồ Hoàn Kiếm,Đường sắt đô thị,Ga ngầm C9,Hà Nội
H3: Bảng so sánh phương án “Sát Hồ” với “Gần Đê”
Hồ Gươm,Hồ Hoàn Kiếm,Đường sắt đô thị,Ga ngầm C9,Hà Nội
H4: Sơ đồ HAIDEP 2004

Trong 12 tiêu chí trên có 1 – 8 do Ban quản lý ĐSĐT cung cấp. Tiêu chí 9&10 được diễn giải từ tiêu chí “quan tâm đến khu vực đông dân cư, di tích lịch sử, công trình xã hội nhạy cảm”. Điểm “0” phản ánh các nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng việc đặt ga C9 vào sát hồ, nằm trong vòng 2 của di sản quốc gia đặc biệt, theo Luật Di sản văn hóa, có thể xây dựng trong khu vực 2 bảo vệ di tích (tổng mặt bằng ga ngầm C9 có phần nằm trong vùng bảo vệ 2 của di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn), nhưng phải là những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích và không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng khẳng định, đây không phải công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, mà phục vụ giao thông đô thị nói chung; đồng thời đề nghị Hà Nội xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. GS. Phan Huy Lê cũng phản đối việc bố trí cửa lên xuống số 3 trên khuôn viên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm, bởi “vi phạm Luật Di sản văn hóa. Điều này là không thể biện hộ”…

Ưu điểm lớn nhất của phương án đặt ga C9 sát hồ là thu hút một lượng khách rất lớn đi từ ngoài vào khu Hồ Gươm và đi từ Hồ Gươm ra ngoài. Nó đạt điểm cao nhất về mặt giao thông, đây cũng là ưu tiên số 1 của các nhà quy hoạch ưu tiên sự lưu thông (flow), nếu cần thì phá bỏ các kiến trúc cảnh quan cổ, chỉ quan tâm đến đi lại nhanh hơn, tiện hơn xuất hiện đầu TK20. PGS-KTS Đặng Thái Hoàng cho biết: điển hình của trào lưu này là đồ án quy hoạch Plan Voisin (Paris 1925) của Le Corbusier, và đã bị phê phán tức thì “Ông chủ trương sửa lại Paris, phá đi, xây lại, vứt bỏ những kho báu của quá khứ, buộc thành phố phải thăng hoa trong bóng dáng mới?”. Paris đã loại bỏ phương án này.

Tuy nhiên, gần 100 năm qua, loài người đã nhận ra giá trị không thể thay thế được của kiến trúc cảnh quan lịch sử. Nhiều thành phố châu Á lấy sự lưu thông làm trọng đã phải trả giá đắt. Thời chỉ chú ý đến sự lưu thông (flow) đã qua lâu rồi, những thành phố văn minh đã và đang tiến vào tương lai của kỷ nguyên lấy lưu giữ (stock) làm trọng. Hà Nội cần can đảm trước lựa chọn: lưu thông lay lưu giữ. Phương án gần đê có thể thu hút lượng khách ít hơn nhưng tổng trọng số cao gấp đôi phương án sát hồ liệu có đủ thuyết phục?

Ưu điểm lớn thứ hai của phương án sát hồ là đúng quy hoạch, bản Quy hoạch giống y nguyên sơ đồ minh họa dự án HAIDEP công bố cách đây 14 năm. Tuy nhiên, cần nhớ lại bài học BRT: dự án nghiên cứu tốt, sau 10 năm mới thực hiện thì xuất hiện mới rất nhiều vấn đề bất ổn. Vậy thì khi còn cơ hội, lý do gì ta không thể lựa chọn phương án phù hợp để thích ứng với hiện tại và tương lai?

KTS Trần Huy Ánh/Theo Vietnamnet.vn