30/05/2018

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Di sản đô thị luôn bị giằng xé

Cuộc tranh luận bảo tồn hay phá bỏ Dinh Thượng Thư tại số 59 – 61 Lý Tự Trọng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, đang thu hút sự quan tâm của nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn uy tín cả trong và ngoài nước. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính – một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực bảo tồn di sản, chung quanh câu chuyện hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, cũng như những ứng xử văn hóa cần có đối với công trình kiến trúc đặc biệt này.


Việc níu giữ lại những gì tạo ra cảnh sắc riêng của thành phố như Dinh Thượng Thư là rất quan trọng.

Mỗi đô thị đều có khuôn mặt

Nhìn vào các cuộc tranh luận nhằm bảo vệ di sản hiện nay, người ta có thể thấy rất rõ sự đối kháng giữa bảo tồn và phát triển. Theo Giáo sư thì bảo tồn và phát triển có thật sự mâu thuẫn không?

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính (ảnh bên): – Trong thiên nhiên cũng như trong xã hội vĩnh viễn tồn tại quy luật đào thải. Thiên nhiên cũng đào thải và xã hội cũng đào thải. Thiên nhiên đào thải theo tiến hóa tự nhiên. Xã hội trong quá trình phát triển lịch sử của mình cũng luôn luôn đào thải. Bởi thời gian có thể phá hủy mọi thứ do con người tạo ra dù bằng các vật liệu bền vững nhất. Sớm muộn gì thì những công trình do con người tạo tác ra cũng biến mất.

Thêm nữa, những gì mà thế hệ trước tạo ra thì thế hệ sau có thể thấy không phù hợp nữa với sự phát triển của mình nên chúng có nguy cơ bị đào thải. Có thể nói, sự đào thải chính là dòng chủ đạo trong quá trình kiến tạo vật chất loài người. Cho nên, nhu cầu níu giữ lại những gì mà thế hệ trước tạo ra cho hôm nay và mai sau là nhu cầu đi ngược lại dòng chảy lịch sử của đào thải, hủy diệt, mất mát. Về cơ bản, bảo tồn – phát triển luôn luôn ở thế đối kháng.

Vì vậy, việc lội ngược dòng nước để giữ lại những gì còn sót lại từ dĩ vãng đương nhiên bị đặt trước câu hỏi “Giữ lại để làm gì?”. Chúng ta sẽ phải trả lời những câu hỏi rất cốt tử: Liệu chúng ta có giữ được không? Sự níu giữ ấy có khả thi không? Liệu nó có cản trở cuộc sống hôm nay không?

Ngày nay, thế giới hiểu rằng chúng ta cần giữ lại những công trình cổ như giữ lại những chứng nhân lịch sử, giữ lại những dấu ấn, dấu vết thành quả lao động của cha ông ta. Chúng có giá trị nhân chứng, hàm chứa tín hiệu văn hóa của cha ông, là chứng nhân của sự phát triển qua các thời kỳ; thể hiện tài năng sáng tạo, thẩm mỹ, thành quả trong tìm tòi, thẩm mỹ nghệ thuật của các thế hệ trước. Tất cả những gì chúng ta gọi là di sản, di tích, cổ vật đều là những thứ mà chúng ta phải giữ lại, nhưng phải giữ lại với những cách ứng xử khác nhau. Di tích, di sản còn sót lại của cha ông đều là duy nhất, hiếm hoi. Hễ chúng ta làm nghèo chúng đi, vơi đi hoặc làm chúng “trẻ” lại thì đều là đi ngược lại bản chất của công việc bảo tồn.

Vậy theo ông thì việc bảo tồn di tích cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản nào?

– Nguyên tắc của bảo tồn đó là luôn luôn cần đặt ra điều kiện: Phải căn dựa vào giá trị của di tích đấy mà tạo ra sự phát triển.

Trong các đô thị phát triển hiện nay, các di sản bị chèn ép, dồn nén, cô đơn. Di sản đòi hỏi phải có cảnh quan cho nó tồn tại để không bị tan vỡ trong cuộc sống đương đại. Muốn làm bảo tồn thì cần phải luôn cân nhắc giải quyết mâu thuẫn đối kháng giữa bảo tồn và phát triển.

Khu trung tâm cũ của Sài Gòn, Gia Định cũ, khu phố Pháp cũ ở TP Hồ Chí Minh luôn bị thách thức, luôn ở thế yếu bởi sức ép của phát triển đô thị rất lớn. Di sản đô thị luôn bị giằng xé, đặt lên bàn cân. Khi các nhà quản lý đặt vấn đề theo hướng: Giữ lại những công trình kiến trúc, và thậm chí là giữ lại các di sản đô thị, giữ lại những ngôi làng cổ là vật cản cho sự phát triển ấy là vì họ chỉ nhìn ở mặt khai thác giá trị sử dụng của công trình mà không tính đến các giá trị khác như giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị ký ức,…

Thực tế, nếu thiếu đi những thiết chế nhỏ nhoi của dĩ vãng còn sót lại thì đô thị TP Hồ Chí Minh hầu như không còn chân dung, hoặc chân dung mờ nhạt. Đô thị và các con phố của nó đều có khuôn mặt. Và khuôn mặt của đô thị được tạo nên bởi những đặc sắc, cá tính hình thành từ những di sản đô thị được tích lũy trong chiều dài lịch sử phát triển của nó.

Di dời Dinh Thượng Thư là vô nghĩa

Giáo sư nghĩ sao khi cơ quan quản lý TP Hồ Chí Minh cho rằng Dinh Thượng Thư không cần phải bảo tồn vì nó không phải là di tích?

– Nếu chỉ bảo tồn mấy tòa nhà đã được xếp hạng di tích, hóa ra TP Hồ Chí Minh và cả Hà Nội có thể đập phá đi hầu hết những di sản đô thị mà chúng đang có. Thành phố sẽ không có lịch sử, không có sự tích lũy, không có tâm hồn, không có những thứ tạo ra ký ức trong bộ nhớ tập thể.

Các di tích ở Việt Nam thường không có quy mô lớn. Giá trị nổi trội của chúng là ở tình cảm, nằm trong hoài niệm, bộ nhớ của tập thể. Vì thế, không phải tất cả di sản đô thị đều nên đưa vào xếp hạng di tích. Bởi khi đã xếp hạng di tích thì bắt buộc phải giữ nguyên công trình đó, phải trùng tu với kinh phí rất lớn. Trong khi, nhiều công trình chỉ cần đưa vào danh sách cần bảo vệ, không được phá bỏ, nhưng có thể được cải tạo, nâng cấp để có thể sử dụng cho phù hợp với chức năng mới. Cho nên, một số công trình rất có giá trị thì được xếp hạng di tích, nhưng với các di sản đô thị khác thì cần được đưa vào danh sách bảo vệ của Quỹ Di sản đô thị. Quỹ này do một cơ quan nhà nước chuyên trách.

Ví như Hà Nội có cả nghìn ngôi biệt thự Pháp cổ, TP Hồ Chí Minh vẫn còn cả trăm ngôi nhà cổ, Đà Lạt có 2.000 biệt thự cổ. Không thể đưa tất cả những công trình này vào danh sách di tích vì kinh phí trùng tu nhà nước phải bỏ ra quá lớn. Nhưng những công trình này đều cần được giữ lại, kèm theo việc cải tạo, nâng cấp để phù hợp với cuộc sống hôm nay. Trong bảo tồn, có những di tích gọi là “di tích chết” thì buộc phải giữ nguyên chức năng ban đầu mà nó đã được tạo tác ra. Nhưng cũng có những di tích đang sống động, xã hội vẫn cần nó hoạt động thì phải có quy chế, cơ chế để những di tích ấy được quyền cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa.

Nói tóm lại, cần làm sao để việc bảo tồn phải khả thi, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống phát triển. Tài nguyên di sản đô thị của TP Hồ Chí Minh không nổi trội lắm như Huế, nhưng bộ mặt đô thị của thành phố này lại được tạo nên từ một phần rất lớn các di sản kiến trúc thời Pháp thuộc. Những công trình mới ở TP Hồ Chí Minh đẹp hơn ở Hà Nội nhưng chúng lại phá không gian kiến trúc quen thuộc, có diện mạo của thành phố này. Việc níu giữ lại những gì tạo ra cảnh sắc riêng của thành phố, níu giữ những nhớ nhung của người dân giống như Dinh Thượng Thư là rất quan trọng. Đánh mất một Sài Gòn rất đặc sắc từng được tạo ra là một sự mất mát lớn.

Một số ý kiến đề xuất nên di dời Dinh Thượng Thư đến một vị trí khác, như vậy vừa giữ được tòa nhà, vừa có không gian cho trụ sở mới của UBND thành phố. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

– Di dời Dinh Thượng Thư đi chỗ khác thì chẳng có ý nghĩa gì nữa. Công trình đó chỉ thật sự sống, chỉ có ý nghĩa khi nó đứng ở đó. Nó đã tồn tại cả trăm năm nay trong môi cảnh kiến trúc của nó rồi. Dời tòa nhà đi chỗ khác thì nó chỉ còn là cái xác nhà chết, thành cái nhà vô giá trị.

Xin cảm ơn giáo sư!

Hoàng Hương thực hiện

(Nhân Dân cuối tuần)