Vừa qua, một tín hiệu vui đối với phát triển nông nghiệp của đất nước là Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi chính sách đất đai tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn nhiều vấn đề cần bàn bởi, việc tập trung, tích tụ đất đai sẽ là một chính sách lớn tác động đến cuộc sống của hàng triệu hộ gia đình đang sản xuất nông nghiệp nhỏ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Baomoi.com
Ở nhiều địa phương, những người nông dân và doanh nghiệp thí điểm hoặc tự phát tích tụ đất nông nghiệp đã và đang có những thành công nhất định, song cũng gặp không ít khó khăn về chính sách. Theo nhiều chuyên gia, cần phải có chính sách phù hợp cũng như mô hình phù hợp để thực hiện.
Thời gian qua, nước ta có nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, ví dụ như chính quyền đứng ra làm trung gian vận động các hộ dân và ký hợp đồng thuê đất của họ, sau đó giao cho doanh nghiệp; phổ biến nhất là chính quyền vận động và ít nhiều bảo lãnh để nông hộ cho doanh nghiệp thuê đất; liên kết giữa nông hộ và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức như góp vốn cổ phần bằng đất, cho thuê đất dài hạn nhưng vẫn canh tác trên đất của mình để hưởng lương, doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp vật tư, bao tiêu sản phẩm…
Mặc dù có nhiều sáng kiến gặt hái được thành công, nhưng để triển khai đại trà các sáng kiến đó còn gặp nhiều trở ngại như: Chế tài tuân thủ hợp đồng về cả hai phía, doanh nghiệp và hộ nông dân, chưa mạnh; Hiệu quả liên kết bấp bênh, chịu ảnh hưởng tiêu cực của giá cả và tính thiếu tổ chức của thị trường nông sản; Chuỗi liên kết không bền vững vì cơ chế phân chia lợi ích chưa công bằng…
Một số người nôn nóng muốn thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhằm chặn đà suy giảm trong tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp bằng “sáng kiến” đề nghị Nhà nước thu hồi đất của dân (có đền bù) để giao cho doanh nghiệp như cách làm đối với khu công nghiệp, khu đô thị. Song nếu làm vậy, sẽ xuất hiện vấn đề: tại sao người nông dân không có được quyền kinh doanh nông nghiệp ngang bằng doanh nghiệp? Bên cạnh đó, khi đó lượng lao động họ sử dụng được sẽ ít hơn lượng lao động thất nghiệp của các gia đình bị thu hồi đất. Tình trạng này sẽ khiến nông thôn rối ren hơn nếu như Nhà nước không có cách tạo đủ việc làm cho những người này. Do đó, cần cân nhắc thận trọng “sáng kiến” này.
Tích tụ tập trung đất đai phải đi đôi với cải cách mạnh mẽ các điều kiện của sản xuất nông nghiệp như tổ chức tốt thị trường đầu vào, đầu ra, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, xuất sứ sản phẩm, tăng cường quản lý chất lượng nông sản… Phải thực hiện toàn diện các giải pháp thì nông nghiệp Việt Nam mới có thể bước sang một giai đoạn phát triển mới. Dù ở trình độ phát triển nào, lập trường trong phát triển nông nghiệp vẫn là bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân, giữ ổn định xã hội nông thôn, nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước trong lòng người dân ở nông thôn.
Trường Giang/BXD