Phố Việt – Những mảnh ghép
Đô thị cổ – sự cân bằng dẻo dai giữa nhà nước và thị dân
Có lẽ hiện tượng chậm hình thành và phát triển ở các đô thị cổ Việt Nam còn ít được nghiên cứu nên để lại nhiều khoảng trống, và sự mờ nhạt của nó so với vai trò chủ đạo làng xã đã tác động không nhỏ đến bước chân của người Việt đi ra thế giới.
Bến tàu sông Hồng, thương cảng sầm uất của Thăng Long – Kẻ Chợ. Ảnh: TL
Những ghi chép sớm nhất về Thăng Long – Kẻ Chợ là thế kỷ XVII, bằng tiếng Hà Lan cổ của một thương gia đến từ Công ty VOC và sau đó là J.B Tavernier (Pháp), W. Dampỉer (Anh) ghi nhận điều này bằng “con mắt của tha nhân” – người phương xa rất khách quan, sáng suốt. GS. Bodene từ thời Pháp thuộc đã nhận thấy sức mạnh kinh tế của Việt Nam nằm trong lòng hệ thống làng xã, dù kinh tế hàng hóa vốn cần đến đô thị là đầu mối thông thương đã xuất hiện, nhưng rất giới hạn (trong Khái luận về kinh tế chính trị học).
Là một nước nông nghiệp, các đô thị Việt Nam xuất hiện rất sớm nhưng có vẻ phụ thuộc và bị bao bọc bởi làng xã dày đặc xung quanh. Đặc biệt hơn, chúng chủ yếu bám quanh tại sở, nơi ăn ở của vua quan dưới dạng đô thị kinh thành, thành lũy rồi dần dần có thêm các thị và phố để phục vụ vua quan. Chính động lực kinh tế từ cung đình, lỵ sở đã thúc đẩy sự hình thành đô thị ở Việt Nam nhiều hơn là từ thương mại và sản xuất hàng hóa – vốn là nguồn sống chính của đô thị cổ đại phương Tây.
Suốt 3.847 năm từ nước Văn Lang (2.879 trước CN) đến Đại Cồ Việt (986), Hà Nội luôn sầm uất dưới cái tên Tống Bình và Đại La thành, sau này gắn với Thăng long – Kẻ Chợ; luôn gắn với thành trì của quyền lực nhà nước và song song tồn tại khu 36 phố phường liền kề – là một minh chứng rõ ràng cho kiểu đô thị – kinh thành, đô thị – tỉnh lỵ ở Việt Nam trước thời thuộc Pháp. Sự hình thành đô thị Sài Gòn có hơi khác biệt, nhưng cũng bắt đầu từ xây thành rồi sau đó kéo theo phần thị.
Kinh Tàu Hủ, Chợ Lớn năm 1886. Ảnh: Emile Gsell
Cách đây hơn 300 năm (1790), thành Gia Định – Sài Gòn được Nguyễn Hữu Cảnh cho xây để án ngữ ngã ba huyết mạch đi Cao Miên, đi miền Tây và Đồng Nai tựa vào sự bao bọc của sông Sài Gòn và các kênh rạch dày đặc như Thị Nghè, Bến Nghé, kênh Tẻ, rạch Cầu Kho… Sau đó phần “thị” được hình thành một cách tự phát bên cạnh, rồi dần dà người Hoa từ Hà Tiên, Định Quán chạy về, tựa vào kênh Tàu Hủ nối liền mạch với các tỉnh miền Tây và cảng Bến Nghé đi Cao Miên để lập nên các phố thị độc đáo Chợ Lớn. Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn hình thành cũng như một kiểu thành – thị vậy.
Có lẽ vậy mà có từ “thành thị” khi chỉ các đô thị truyền thống của Việt Nam vốn gắn với chính quyền hơn là kinh tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các mô hình của đô thị Việt Nam ở tất cả các thời kỳ. Nhìn từ phía tổ chức đô thị, có thể thấy vì sao người Việt ưa chuộng phố (chứ không phải thành phố) đến vậy, và từ đó đặc trưng lối sống người Việt hiện đại vẫn khó thoát khỏi thói quen của con người tiểu nông dai dẳng trong lòng phố thị.
Phố bến sông – sự cân bằng mong manh giữa đất và nước
Những cư dân xuất hiện từ thời kỳ đồ đá 3.500 năm trước không thể ngờ một doi đất nhô lên khỏi mặt nước, ổn định dần giữa sự đổi dòng của con sông Hồng và Hồ Tây, đến thế kỷ VII- IX hình thành một đô thị cổ sầm uất với hằng hà con phố bên sông Cái huyết mạch của toàn xứ Bắc kỳ.
Các con phố bến sông, trước hết là kết quả của sự cân bằng mong manh, khó ổn định giữa đất và nước là cách thảm đạm (từ dùng của Đào Duy Anh) mà con người bản địa nơi đây sử dụng để tạo dựng nơi chốn, để hình thành sự khởi đầu của đô thị bằng bến sông – phố chợ. Phố thị là một di sản “ẩn” mình kín đáo để hình thành bản sắc đô thị sâu lắng của người Việt.
Ông Trần Đĩnh đã có lần tra cứu trả lời cho câu hỏi “phố Việt bắt đầu từ đâu”. Và thật bất ngờ khi từ “phố“ trong cổ Việt dẫn giải là chợ bên sông, có nghĩa cặp từ “phố – ngàn phố” được dùng để gọi những dãy quán bán hàng chạy từ bến sông lên từ trước cả khi có Kẻ Chợ.
Hình ảnh về Hà Nội xưa. Ảnh: TL
Khởi đầu, phố Việt (phố chợ) sinh thành cùng các con sông, lưu thông bằng sông nước và đón hàng hóa từ vô vàn những bến sông lên chợ sông, chợ làng. Khi Cao Biền sang (thế kỷ VII) nhìn thế núi sông đã thấy sự sầm uất qua các con phố chạy lên từ sông Cái của thành Tống Bình để chọn xây thành Đại La. Rất nhiều sách khảo cứu cho rằng phố do người Trung Hoa du nhập sang Đông Nam Á theo chân các China Town (khu phố Tàu).
Nếu chỉ nhìn vào hàng dãy dãy hàng quán trên phố mà không khảo cứu cấu trúc chủ đạo của khu phố Tàu (gồm hội quán, nghiệp đoàn, đồng hương, thị tộc… điều hành hệ thống thương mại lắm chân rết của người Hoa) thì dễ lầm với khu phố Việt. Và khu phố thương mại của người Hoa thường nằm hẳn trong thành lớn hay trong các thổ lầu của thị tộc có xây tường bao, pháo đài.
Còn phố Việt, bằng vào những tư liệu xưa nhất thế kỷ VII – IX và nhất là tâm thức phố, hoạt động phố, cấu trúc 36 phố phường Hà Nội còn lầy lội đến năm 1933 khác xa với tư duy thành trì của phương Bắc và vô số khảo cứu không thể chứa đủ trong một bài báo, để khẳng định: phố Việt gần với phố chợ – phố hàng có đặc trưng rất riêng, bắt nguồn từ những bến sông và gắn bó mật thiết với những làng nghề mở cửa hàng bán đồ ở kinh thành, phố thị.
Ông nghè Nguyễn Giảm Thao còn để lại bài thơ hồn phố hơn 500 năm trước (1508) để thấy náo nhiệt ngàn đời của phố Việt:
Chợ chợ nhà nhà trăm dáng tự đồ như bức họa lớn
Thành thành thị thị muôn người chen thức ánh ngàn hồng
Là một đất nước của sông ngòi và bờ biển chạy suốt 3.000km, có lẽ mô hình đô thị nhỏ nhắn gắn thị dân với giao thương hàng hóa trên sông nước, cửa biển đã tạo ra từ thế kỷ VII – IX một dạng cư trú phố độc đáo duy trì đến tận ngày nay. Một sáng tạo của người Việt đậm chất bản địa, khởi đầu là chợ bên sông với các dãy quán bán hàng chạy lên từ bến sông đón hàng hóa để cung ứng quanh vùng. Hàng hóa bán chạy và quán xá mọc lên như nấm, tạo thị và cảng thị chỉ từ những con phố nhỏ như vậy mà thành. Kẻ Chợ, Phố Hiến, Vân Đồn, Kỳ Lừa, Bao Vinh, Hội An, Gia Định, Phố – bến Ninh Kiều với chợ nổi ngã ba sông, Hà Tiên… hình thành do buôn bán từ cảng thị với tàu bè trong và ngoài nước.
Và một lần nữa, mô hình phố của người Việt vẫn kiên nhẫn gắn kết thị dân truyền thống với nền kinh tế cảng thị sầm uất trên một nền địa lý sông nước làm chủ.
Phố hàng Kẻ Chợ đang bền bỉ nhân rộng?
Thoạt đầu các phường được thiết lập ở Kẻ Chợ gắn bó hữu cơ với làng, với chợ đầu mối bên sông để trao đổi hàng hóa, dù phát triển thế nào vẫn duy trì mối quan hệ với cả Bắc kỳ rộng lớn bằng cách thu gom hàng hóa từ khắp nơi và phân phối lại cho tỉnh lỵ, huyện lỵ và chợ làng.
Phố Việt, đời phố cũng như đời người, đi đâu cũng nhớ. Ảnh: Trung Phạm
Bản đồ năm 1873 cho thấy rõ chỉ ba con phố chính chạy từ sông Hồng lên cổng thành phía Đông là lớn và tương đối thẳng, còn lại, những con phố nhỏ ngoằn ngoèo, ngắn, nối chằng chịt để mua bán bên ba con phố có luồng hàng hóa chính. Mỗi phố với những nhà ống đặc trưng dành mặt tiền để bán hàng chia nhỏ theo mặt phố, khởi nguồn đều bán chủ yếu một vài mặt hàng thông dụng, hoặc của một số làng nghề nhất định phân chia nhau cửa hàng (kiểu phường thợ và phường hội).
Chúng ngăn cách nhau bằng những cổng lớn tái tạo lại mô hình làng xã với đình, đền, chùa và phe giáp nghiệp đoàn bên trong. Đường nối các phường còn là bờ đất chạy giữa các cánh đồng, qua nhiều thế kỷ thành mạng lưới phố hàng của khu 36 phố phường – Kẻ Chợ. Cư dân vốn chưa bao giờ cắt đứt với nông thôn (kinh tế công xã Việt Nam – Vũ Quốc Thúc), họ có mối liên hệ làng quê rất cơ bản để duy trì hoạt động buôn bán và hòa nhập đời sống đô thị. Khác hẳn với đô thị châu Âu, vốn là thực thể chính trị cắt đứt với nông thôn đã biến mỗi công dân thành cá thể tự do từ rất sớm (Max Weber).
Thành thị vừa là nơi tập trung vừa là nơi che chở, nó bắt nguồn từ vùng nông thôn xung quanh mà ra và lại tỏa xuống vùng nông thôn. Thủ công nghiệp, hàng hóa và nông nghiệp bị tách rời nhau. Thương mại thì chỉ quanh việc bán hàng rong mặt phố các nhu yếu phẩm hoặc ở những hội chợ thì bán hàng xa xỉ hơn. Thợ thủ công chỉ hạn định làm cho một ông chủ, làm theo yêu cầu đặt hàng, họ gặp rủi ro rất ít và thu hoạch cũng eo hẹp. Người lao động đô thị về lý trí bị hạn định ở một nơi và bị tiết chế vậy, cho nên người sống ở thành thị chỉ biết đến lãnh thổ hạn hẹp, ở gần và đô thị truyền thống lại duy trì sức mạnh của phong tục để tập quán làng xã luôn được gìn giữ.
Phố nằm nơi sâu thẳm trong ký ức lịch sử, trong chúng ta, gia đình và xã hội, là niềm thương nhớ quà phố, đời phố đan xen những mặc cảm của con dân một nước nghèo quẩn quanh bên phố chợ.
Điều này góp phần giải thích tại sao đô thị hóa đã qua hai giai đoạn (thời Pháp thuộc và sau chiến tranh đến nay) trong dằng dặc hiện đại hóa, đô thị Việt Nam vẫn chưa ổn định về hình thái và nền kinh tế chủ đạo dẫu đã qua những cuộc quy hoạch quốc tế hóa, quy mô rầm rộ và nhiều khát vọng của các chính khách, chuyên gia nhiều thời kỳ.
Mô hình ở thị dân Việt vốn dựa vào thủ công nghiệp và cửa hàng buôn bán nhỏ mặt phố tạo nên nền kinh tế hộ gia đình chủ đạo trong đô thị, bền bỉ kéo dài cho đến hôm nay. Mô hình nhà phố, nhà ống, nhà chia lô theo mặt tiền vẫn được ưa chuộng với lối sinh sống nhỏ, kinh tế hộ góp phần làm nên diện mạo không nhỏ của đô thị. Thậm chí nhà chia lô bán nền theo kiểu phố hàng trong các khu đô thị mới là món đầu tư được coi khôn ngoan, bền vững. Và người Việt hiện đại đang mở mang hơn 600 “đô thị làng” (Bộ Xây dựng gọi là đô thị loại 5) bằng cách “đánh quả” với chính quyền để mở phố làng, phố xã dần đi lên thị tứ, thị trấn. Một dạng đô thị hóa hợp túi tiền và dễ làm theo kiểu dân gian mới, đô thị hóa tại chỗ của dân mình với phương tiện cha ông truyền lại từ xa xưa là phố và nhà ống vốn gần gũi trong tâm thức cư trú Việt? Không biết sẽ tiến đến hiện đại ra sao, nhưng nhà phố vẫn đang làm chủ các đô thị Việt Nam.
Phố Việt – Ký ức quê hương
Ngày xuân nói lại chuyện xưa không như một dĩ vãng, mà là những sụt sùi tiên tổ đánh thức tâm can để thấy lại hình bóng non sông qua các con phố nhỏ đời người. Mấy ai là người VN lại không hoài vọng phố và người phố trong ký ức, để trở về tìm nó bất cứ khi có thể, như sức mạnh của nguồn cội gia đình, văn hóa, lối sống và thẩm mỹ.
Phố và làng gợi cho người Việt mối liên hệ tâm thức mật thiết và sâu lắng. Phố nằm nơi sâu thẳm trong ký ức lịch sử, trong chúng ta, gia đình và xã hội, là niềm thương nhớ quà phố, đời phố đan xen những mặc cảm của con dân một nước nghèo quẩn quanh bên phố chợ. Nhưng kỷ niệm phố vẫn là một giấc mơ về quê hương bản quán, về thành phố nhỏ bé bên sông nước, những câu chuyện ngõ nhỏ đời người, nhạc phố, tranh phố và những đồ vật mang về mỗi lần ra phố. Phố Việt, đời phố cũng như đời người đi đâu cũng nhớ.
Cả những cuộc chiến tranh liên miên phố âm thầm đưa tiễn, rồi thì cũng hồi sinh trong mất mát, ráng mà gượng dậy ước vọng ngày mai sáng hơn một chút.
Từ phố nghĩ về đô thị hóa “hủy diệt” tự nhiên và văn hóa
Trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, như một chiều kích cơ bản của hiện đại hóa, mối quan hệ giữa văn hóa với đô thị đang nổi lên cấp bách, thậm chí có ý nghĩa sống còn. Các thành phố mở rộng cả về đất dai và dân số, nhất là các thành phố lớn đang tách hẳn ra khỏi tự nhiên và bành trướng đô thị “bẩn” ra vành đai nông nghiệp xung quanh theo kiểu “buôn đất”, không giữ được sự khiêm nhường của phố xưa cố mà chen mà chật để có chỗ cho cánh đồng, làng mạc và sông nước cùng chung sống.
Hình ảnh giao thông rối loạn ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Niên
Nói “tách khỏi” còn là ít, trên thực tế các đô thị đang hủy diệt tự nhiên trong lòng chúng (diện tích cây xanh trên đầu người giảm nhanh, ao hồ bị lấp gần hết, không khí, đất đai và những thảm nước ngầm bị ô nhiễm đến mức nguy hiểm…). Hơn thế nữa, con người bị mất đi cảm xúc tự nhiên của mình, tâm hồn trở nên cằn cỗi, hung bạo hơn. Trả lại con người môi trường tự nhiên- văn hóa của họ là một bài toán cực kỳ khó khăn đặt ra trong đô thị hóa.
Sự mở rộng các thành phố lớn phải tính toán sao cho môi trường tự nhiên và văn hóa truyền thống vẫn được giữ lại ở mức cần thiết, nhất là những vùng văn hóa gốc thuộc đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Bên cạnh những đô thị tập trung mật độ cao, phải nghĩ tới một giải pháp đô thị hóa tại chỗ phân bố hợp lý các đô thị nhỏ và vừa, điểm dân cư tập trung trên lãnh thổ. Các vùng nông thôn xung quanh thành phố cũng sẽ được đô thị hóa (Phương thức sản xuất hiện đại, cơ cấu hạ tầng hiện đại, nhất là đường sá và điện nước, cơ sở dịch vụ công cộng, giáo dục, y tế…), nhưng về cơ bản không xáo trộn địa bàn cư trú và sinh hoạt của cư dân tại chỗ. Đền miếu, chùa chiền được giữ lại, các quan hệ xóm làng, họ tộc vẫn được duy trì, nhất là những gì thuộc folklore (lễ hội, dân ca, phong tục v.v..)
Chúng ta nên tránh kiểu đô thị hóa nhị nguyên (ubannisation dualiste) đưa tới cắt đứt không gian cư trú thành hai mảng riêng biệt: một bên là những thành phố rất lơn, những “siêu thành phố” như những thế giới riêng, và một bên là những vùng nông thôn nghèo nàn, thấp kém (Trung quốc và thế giới thứ ba đã mắc phải) với những hậu quả khó khắc phục. Từ góc độ văn hóa, nhiều học giả gợi mở đô thị hậu hiện đại nên tránh tính chất phi nhân tính khi phá hủy tự nhiên và nông nghiệp ngoại vi để chuốc lấy một nỗi đau dai dẳng, mang tính tâm thức được gọi là “nỗi buồn nhớ đồng quê” (nostalgic champiatre).
Liệu đô thị Việt với cả cội nguồn ngàn đời chung sống với tự nhiên và nông thôn có thể tránh được không?
PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục