24/01/2018

Quy hoạch vùng TP.HCM: Phát triển theo mô hình tập trung – đa cực

Ngày 23/01, tại TP.HCM diễn ra lễ công bố Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (QHV TP.HCM). Trước đó, ngày 22/12/2017, đồ án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại Quyết định số 2076/QĐ-TTg.


Vùng TP.HCM phát triển gắn với mô hình tập trung – đa cực.

Hạn chế phát triển đô thị trên diện rộng

Theo đồ án, Điều chỉnh QHV TP.HCM gắn với mục tiêu đưa TP.HCM trở thành đô thị lớn phát triển năng động và bền vững có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.

Mở rộng hơn là phát triển TP.HCM thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và cả Đông Nam Á. Phát triển không gian vùng theo hướng cân bằng bền vững và thích ứng với BĐKH, tạo ra mối liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Trong đó, TP.HCM vốn được biết đến là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.

Phạm vi điều chỉnh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2.

Dân số đến năm 2030 khoảng 25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18 – 19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6-7 triệu người, lực lượng lao động khoảng 18 – 19 triệu người. Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt khoảng 270 – 290 nghìn ha, bình quân 100 – 150m²/người. Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2030 đạt khoảng 150 – 170 nghìn héc-ta, bình quân 180 – 210m²/người.

Theo quy hoạch, vùng TP.HCM phát triển với mô hình tập trung – đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những ảnh hưởng của BĐKH. Trong đó, tập trung phát triển TP.HCM với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển. Đây cũng được coi là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực, trung tâm du lịch, tài chính – thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 của TP đạt khoảng từ 80 – 90%.

Hệ thống đô thị trong tiểu vùng đô thị trung tâm sẽ tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên, ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh nông, lâm nghiệp. Vùng phát triển các đô thị nén, hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của BĐKH. Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa.

Cụ thể, tiểu vùng phía Đông gồm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và phần còn lại phía Đông của tỉnh Đồng Nai là cửa ngõ giao thương quốc tế của cả vùng và quốc gia thông qua cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, tập trung phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tăng cường các chức năng dịch vụ trung chuyển hàng hóa, kho vận, tiếp vận cấp quốc gia và quốc tế gắn với đầu mối hạ tầng giao thông cảng biển, sân bay quốc tế, phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch cảnh quan sinh thái rừng. Bảo tồn cảnh quan rừng tự nhiên, vùng sinh thái ngập mặn và nguồn nước hồ Trị An.

Tiểu vùng phía Bắc – Tây Bắc gồm tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh và một phần của tỉnh Bình Dương, tăng cường các chức năng về thương mại – dịch vụ, du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái, duy trì và bảo vệ hệ sinh thái rừng và bảo vệ nguồn nước, bảo đảm phát triển cân bằng sinh thái cho toàn vùng.

Tiểu vùng phía Tây Nam gồm tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cảng, nghiên cứu về công nghệ sinh học cấp quốc gia, nông nghiệp chuyên canh lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường các chức năng về thương mại – dịch vụ, du lịch cảnh quan sinh thái sông nước trên cơ sở khai thác cảnh quan rừng ngập nước Đồng Tháp Mười và vườn cây ăn trái dọc sông Tiền.

Khuyến khích phát triển giao thông công cộng

Vùng TP.HCM tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng.

Đất xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật được lựa chọn phải đảm bảo phát triển đô thị bền vững và ổn định, giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến môi trường và cảnh quan đô thị, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH như ngập lụt, nước biển dâng.

Tầm nhìn đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp, 80% lượng chất thải rắn các điểm dân cư nông thôn tập trung và 100% tại các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn. Tổng khối lượng chất thải rắn toàn vùng đến năm 2030 khoảng 40.340 tấn/ngày.

Vùng cũng xác định các khu vực cần bảo vệ môi trường để có giải pháp trong quy hoạch phát triển đô thị, nhằm phát triển bền vững, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái chế, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm, phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ứng phó với hiện tượng BĐKH – nước biển dâng, đặc biệt lưu ý giải pháp chống ngập tại tiểu vùng đô thị trung tâm.

Các đô thị lớn, vùng phát triển công nghiệp tập trung cần được cách ly với các khu dân cư, các khu vực bảo tồn bằng các hành lang xanh, vành đai xanh. Khuyến khích phát triển giao thông công cộng nội thị và đối ngoại để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do giao thông. Xử lý triệt để chất thải, kiểm soát và giám sát ô nhiễm môi trường đô thị, nông thôn và các khu công nghiệp trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đối với các khu xử lý chất thải rắn, ưu tiên dự án có công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại. Nước thải sinh hoạt đô thị, công nghiệp phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường…

Hà Đào/BXD