Nâng cao hiệu quả công tác quản lý cao độ nền đô thị
Trước thực tiễn xuất hiện nhiều bất cập, tồn tại liên quan đến công tác quản lý cao độ nền đô thị tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như tình trạng ngập úng cục bộ, chênh lệch cốt nền giữa các công trình, các khu vực đô thị, giữa cốt nền nhà dân với mặt đường. Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Báo cáo về những bất cập, tồn tại liên quan đến công tác quản lý cao độ nền đô thị; đề xuất ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý cao độ nền đô thị.
Công tác quản lý cao độ nên đô thị gây ảnh hưởng đến xây dựng và phát triển đô thị.
Những bất cập, tồn tại
Qua rà soát, đánh giá thực trạng, tại nhiều đô thị xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, cả với đô thị cũ và đô thị mới hình thành sau này. Đây là hệ quả của việc cao độ nền đô thị chưa được quan tâm đúng mức, bị buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát.
Cao độ nền đô thị được xác định nhằm đảm bảo đô thị không ngập lụt, đảm bảo thoát nước đô thị, được xác định cụ thể đối với từng loại đồ án quy hoạch đô thị. Cao độ nền xây dựng, cốt xây dựng quyết định việc phòng chống ngập úng, tạo nên sự hợp lý giữa nền đô thị, kết nối công trình xây dựng với đường đô thị… Khi thay đổi cốt xây dựng làm thay đổi dòng chảy, hướng tiêu thoát nước của khu vực, dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ. Đặc biệt, đối với các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc không tuân thủ các cao độ xây dựng dẫn đến tình trạng ngập úng nghiêm trọng. Cao độ nền trong các đồ án quy hoạch được duyệt là cơ sở để cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Tuy nhiên từ công tác quy hoạch, thiết kế, thi công đến công tác quản lý cao độ nền còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ của các đô thị.
Tình trạng chênh lệch cao độ nền giữa mặt đường giao thông đô thị với vỉa hè, nền nhà dân khi cải tạo, nâng cấp các trục đường giao thông trong đô thị theo đúng cao trình theo quy hoạch, xảy ra tình trạng nền nhà dân thấp hơn nhiều so với mặt đường (ví dụ, dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường Kinh Dương Vương, TP Hồ Chí Minh dẫn đến tình trạng nhiều nền nhà dân thấp hơn mặt đường 1,0m đến 1,2m), hoặc tình trạng nền nhà dân cao hơn nhiều so với mặt đường (ví dụ, dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, TP Hà Nội dẫn đến tình trạng mặt đường thấp hơn nền nhà dân từ 0,5m đến 1,5m), gây ảnh hưởng tới an toàn công trình, sinh hoạt của người dân và cảnh quan đô thị. Nhiều tuyến đường giao thông khi tiến hành cải tạo, nâng cấp không bóc nền đường cũ làm thay đổi cốt bề mặt đường. Hoặc trường hợp một số tuyến đường, ngõ dọc hai bên tuyến đường chính chưa được nâng cấp đồng bộ, không đấu nối được hệ thống thoát nước ra cống chính gây ngập úng cục bộ.
Tình trạng các dự án triển khai không đồng bộ về cao độ nền xây dựng xảy ra khá phổ biến. Một số dự án phát triển khu đô thị có cốt nền xây dựng sau khi hoàn thiện cao hơn cốt nền hiện trạng của khu đô thị hiện hữu, khiến khu vực đô thị hiện hữu trở thành lòng chảo, hệ thống thoát nước mặt của khu vực này không thể thoát ra bên ngoài gây nên tình trạng ngập úng. Tại các khu vực đô thị cũ thường xảy ra tình trạng nhà sau xây cao hơn nhà trước, dẫn đến cao độ nền của khu vực lộn xộn, thiếu kiểm soát.
Chất lượng quy hoạch cao độ nền đô thị chưa đáp ứng yêu cầu như việc triển khai tổ chức lập, thẩm định quy hoạch đô thị, bao gồm nội dung quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị còn thiếu quan tâm sâu sát, chất lượng còn hạn chế quy hoạch cao độ nền đô thị chưa phù hợp với thực tế phát triển, chưa xem xét đầy đủ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhiều quy hoạch đô thị được thực hiện từ nhiều năm trước, chưa được cập nhật, điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tế phát triển gây khó khăn cho công tác quản lý đồng bộ cao độ nền đô thị.
Bên cạnh đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được rà soát, cập nhật để đảm bảo bao quát đầy đủ tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và quy định rõ trách nhiệm quản lý, giám sát của các cơ quan có liên quan.
Xác định rõ những nguyên nhân
Nguyên nhân của những bất cập, tồn tại đã được chỉ rõ trong dự thảo, trong đó nguyên nhân khách quan khi quá trình đô thị hóa, biến đổi điều kiện địa hình, địa chất thủy văn đã làm chuyển dịch, thay đổi mốc lưới độ cao quốc gia, mốc giới xây dựng, ảnh hưởng đến việc xác định cao độ nền đô thị.
Cao độ nền và hệ thống thoát nước mặt hình thành và tồn tại cùng với sự phát triển của đô thị. Qua nhiều thời kỳ, công tác quản lý áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn có sự khác biệt, quy hoạch cao độ nền được điều chỉnh, dẫn đến sự không đồng bộ giữa các công trình, khu vực đô thị… Do quá trình lịch sử, hiện nay các tư liệu trắc địa tại một số nơi vẫn tồn tại hai hệ toạ độ khác nhau là HN-72 và VN-2000, dẫn đến không thống nhất trong quản lý. Nhiều đô thị ở vùng có địa hình bằng phẳng, thấp trũng, bên sông, cửa sông, chịu ảnh hưởng lớn của chế độ thủy văn, thủy triều; tốc độ đô thị hóa tự phát không theo quy hoạch, san lấp các khu vực ao hồ… làm giảm khả năng thoát nước mặt đô thị. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm thay đổi chuỗi số liệu điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến độ chính xác trong tính toán cao độ nền đô thị. Một số số liệu như chu kỳ, tần suất lũ phải được quan trắc, thống kê trong thời gian dài từ 10 đến 100 năm. Nguồn kinh phí cho công tác lập quy hoạch, quản lý cao độ nền đô thị còn hạn chế.
Đối với nguyên nhân chủ quan, tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát cao độ nền đô thị. Công tác xây dựng, quản lý cốt nền xây dựng liên quan đến phạm vi, trách nhiệm của một số ngành như ngành xây dựng (quản lý quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng), tài nguyên và môi trường (quản lý sử dụng đất, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, lưới độ cao quốc gia, khai thác tài nguyên nước), giao thông (kết cấu hạ tầng đường giao thông), nông nghiệp và phát triển nông thôn (hệ thống thủy lợi, phòng chống lũ và đê điều).
Trong khi đó còn một vài nội dung chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Việc kiểm tra, giám sát sự phù hợp của cao độ xây dựng các dự án với cao độ nền đô thị còn chồng chéo, nhiều đầu mối, đặc biệt đối với các dự án thực hiện khi chưa có quy hoạch phân khu được phê duyệt. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương (hoặc các đô thị tỉnh lỵ từ loại III nếu cần thiết), đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị được lập riêng sau khi đồ án quy hoạch chung đô thị được phê duyệt. Tuy nhiên thực tế các đô thị lớn chỉ lập đồ án quy hoạch thoát nước; quy hoạch thoát nước, chống ngập… hầu như chưa có đô thị nào thực hiện lập, phê duyệt quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị.
Chất lượng đồ án quy hoạch đô thị, bao gồm nội dung quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị còn bị hạn chế về các cơ sở khoa học, số liệu khảo sát, khả năng dự báo, chuỗi số liệu điều kiện tự nhiên đặc biệt đối với các khu vực đô thị chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Năng lực đơn vị tư vấn chưa tốt, công tác lập quy hoạch kéo dài, phê duyệt không đồng bộ. Quy hoạch cao độ nền đô thị trên nền tảng hệ thống thoát nước nhân tạo. Trong khi đó do thiếu nguồn lực, hệ thống thoát nước của các đô thị chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, được xây dựng lâu năm, đã xuống cấp… Công tác quản lý cao độ nền đô thị không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt đối với những đô thị có tốc độ đô thị hóa cao như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Hồng Quang/BXD