28/11/2017

Thành phố thông minh Bình Dương: Lấy con người và tri thức làm trọng tâm

Đây là phát biểu tham luận của ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại phiên Hội nghị toàn thể trong khuôn khổ Hội nghị “Thành phố thông minh Bình Dương lần 2” diễn ra sáng 27/11 tại Bình Dương.

Theo ông Liêm, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mang đến cho Bình Dương rất nhiều vận hội mới, vì vậy, đòi hỏi tỉnh phải biết tận dụng tiềm năng, vị thế của mình để đột phá và phát triển vượt bậc.

Chọn lọc đầu tư và giữ chân người lao động

Sau hơn 20 năm tái lập, Bình Dương đã mạnh dạn đi đầu trong hợp tác công tư, liên doanh quốc tế, tập trung khai thác nguồn lực, tiềm năng để đầu tư phát triển các con đường huyết mạch như đại lộ Bình Dương, Mỹ Phước – Tân Vạn… Từ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để nhiều vùng đất nông nghiệp thành những khu, cụm công nghiệp và đô thị có kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, đồng bộ, trở thành một trong những tỉnh, thành đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng cao và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả.


Toàn cảnh phiên Hội nghị toàn thể Hội nghị thành phố thông minh Bình Dương 2017

Tuy nhiên, tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi ngành công nghiệp sản xuất đang dần nâng cao yêu cầu, trong khi kinh tế vẫn còn phải dựa nhiều vào sản xuất truyền thống gây ô nhiễm môi trường và thâm dụng lao động kéo theo bùng nổ dân số cơ học; đặc biệt là giá trị gia tăng và hàm lượng tri thức của nhiều sản phẩm được làm ra còn thấp…

Do đó, đòi hỏi tỉnh phải được chuyển sang giai đoạn phát triển mới, mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Hướng đến mục tiêu duy trì lợi thế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng của kinh tế và GDP.

Ông Trần Thanh Liêm cho biết: trong quá trình xem xét các kinh nghiệm quốc tế, lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm đến mô hình phát triển của khu vực Brainport Eindhoven (Hà Lan). Trong đó lấy hợp tác ba Nhà (Triple Helix), là hợp tác giữa Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp làm trọng tâm. Các bên cùng chia sẻ kiến thức, nguyện vọng và từ đó cùng xây dựng kinh tế – xã hội của vùng phát triển.

“Bình Dương luôn trăn trở trong việc tìm ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa và mô hình phát triển của TP Eindhoven trở thành một cứu cánh quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Chính vì vậy, tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng Đề án Thành phố thông minh; chương trình chiến lược đột phá kinh tế xã hội, ứng dụng mô hình ba nhà, hướng tới trước năm 2021 tạo những nền tảng cơ bản cơ sở cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch xây dựng tỉnh theo hướng thông minh, làm tiền đề cho nền kinh tế tri thức”, ông Liêm nhấn mạnh.

Ứng dụng mô hình ba nhà từ Hà Lan

Đề án Thành phố thông minh sẽ kế thừa những định hướng phát triển đã được chọn lựa, tạo ra những điều kiện mới, thuận lợi để nâng tầm các chương trình đột phá.

Đồng thời, huy động thêm nhiều nguồn lực trong và ngoài nước qua việc áp dụng những kinh nghiệm tốt nhất từ các nước tiên tiến trên thế giới với 5 trọng tâm là: Triển khai Mô hình ba nhà (hợp tác giữa Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học/viện trường) phù hợp với điều kiện hoàn cảnh địa phương; thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng, nhằm giải phóng tiềm năng của một số lớn các ngành công nghiệp hiện tại để tăng cường giá trị đóng góp của các ngành này; đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển, gắn liền với thực tiễn; xây dựng thương hiệu và xác lập vị thế của tỉnh, quảng bá, thu hút FDI trong các ngành sản xuất tiên tiến, có giá trị gia tăng cao; tăng cường nâng cao tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo, đặc biệt trong giới trẻ bằng cách thiết lập các cơ sở hạ tầng cho vườn ươm doanh nghiệp (Incubators), không gian sáng tạo (maker spaces), không gian thực nghiệm công nghệ (TechLab), không gian thực nghiệm chế tạo (FabLab)…

Sứ mạng của thành phố thông minh là xúc tiến, cung cấp cơ sở hạ tầng cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, duy trì môi trường trong sạch, bền vững và áp dụng các giải pháp “thông minh” trong việc quản lý đô thị. Một trong những nội dung quan trọng của “Đề án Thành phố thông minh – Bình Dương” là nội dung “Bình Dương Navigator” được phát triển theo hướng mở và luôn cập nhật thường xuyên bao gồm 46 hành động cụ thể thuộc 14 chương trình, chia thành 4 yếu tố cơ bản là “con người”, “công nghệ”, “doanh nghiệp” và “các yếu tố nền tảng”.

Trong thời gian tới tỉnh dự kiến quy hoạch một khu vực gọi là Vùng Thông minh Bình Dương với hạt nhân là Thành phố mới Bình Dương. Nơi đây được quy hoạch cơ sở hạ tầng hiện đại chuẩn quốc tế, đóng vai trò trung tâm kết nối toàn tỉnh. Quy mô của vùng Thông minh vào khoảng một triệu người dân sinh sống và làm việc, là nơi tập hợp những đô thị, khu vực nghiên cứu giáo dục và công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Với sự hỗ trợ tích cực của Eindhoven, Vùng Thông minh Bình Dương đang được tập trung phát triển theo chuẩn mực quốc tế, hướng theo các tiêu chí của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF. Mục tiêu trước năm 2021, tỉnh sẽ chính thức trở thành thành viên của cộng đồng ICF và mở rộng hợp tác với mạng lưới hơn 160 tỉnh thành thông minh, thịnh vượng trên thế giới.


Đường Mỹ Phước Tân Vạn do Becamex IDC đầu tư theo hình thức BT là một trong những công trình trong đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Hệ thống đèn chiếu sáng được sử dụng đèn Led nhằm tiết kiệm năng lượng.

Phát biểu tại Hội nghị Thành phố thông minh Bình Dương 2017, bà Nienke Trooster – Đại sứ Hà Lan cho biết: “Chúng ta thường nghe thấy từ thành phố thông minh và tất cả những gì mà mọi người liên tưởng đến là ứng dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên những gì chúng ta cần ở đây không chỉ là những tiện ích công nghệ thông tin mới nhất. Ý tôi muốn nói thành phố thông minh không phải là một thành phố mới được xây dựng với tất cả các ứng dụng công nghệ thông hiện đại nhất. Thành phố thông minh là một môi trường đô thị nơi các quy trình được kết nối một cách thông minh với sự tham gia của các bên liên quan và sử dụng cách tiếp cận đa lĩnh vực.

Muốn làm được điều đó, cần sử dụng các ứng dụng phần mềm, hạ tầng cơ sở và mạng lưới phù hợp. Nhưng để quyết định được điều gì là phù hợp cần trao đổi thông tin và xem xét các vấn đề từ những khía cạnh khác nhau để tạo ra một phương án tổng thể phù hợp nhất. Cách tiếp cận này đã thành công ở Eindhoven và được áp dụng rộng rãi hơn nữa ở Hà Lan.

Cao Cường/BXD