Bảo vệ sự đa dạng văn hóa: Cần những kiến trúc sư dấn thân!
“Để bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong kiến trúc nói riêng thì rất cần những người kiến trúc sư dấn thân bởi các tổ chức xã hội, nhà nước rất khó để làm được việc này” – Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Ngày 6/9, tại Đại hội Kiến trúc thế giới lần thứ 26 diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc), Hiệp hội Kiến trúc sư (KTS) Quốc tế (UIA) đã trao giải thưởng Vassilis Sgoutas Prize 2017 cho Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào – giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch của Đại học Xây dựng. Đây là Giải thưởng xét trao 3 năm 1 lần và KTS Hoàng Thúc Hào là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng lớn, danh giá bậc nhất của Hiệp Hội Kiến trúc sư chuyên nghiệp thế giới. Giải thưởng này vinh danh những sáng tạo và giải pháp kiến trúc góp phần cải thiện tình trạng nghèo đói và bần cùng.
Nói về Giải thưởng này, KTS Hào cho biết: “Các công trình với triết lý kiến trúc hạnh phúc đã được thực hiện 10 năm nay. UIA trao giải bởi tính cam kết có hệ thống của văn phòng kiến trúc chúng tôi là làm kiến trúc cho những cộng đồng thiểu số, yếu thế. Trong thời đại toàn cầu hóa thì những cộng đồng đó rất dễ bị lãng quên, bị gạt ra bên lề của sự phát triển, thậm chí bị triệt tiêu tiếng nói riêng, triệt tiêu bản sắc. Kiến trúc của chúng tôi góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc của những cộng đồng tuy nhỏ bé đó nhưng họ lại nắm giữ một kho báu văn hóa rất lớn”.
KTS Hoàng Thúc Hào
“Câu chuyện về triết lý kiến trúc hạnh phúc mới được chúng tôi tổng kết khoảng 1 năm trở lại đây thôi, nó xuất phát cũng từ thực tiễn, trong quá trình làm việc cho những cộng đồng nhỏ bé đó cũng như sự dấn thân của các bạn kiến trúc sư trẻ của văn phòng 1+1>2. Như vậy triết lý kiến trúc hạnh phúc là sau nay còn UIA trao giải thưởng cho các hệ thống công trình của chúng tôi” – KTS Hoàng Thúc Hào cho biết thêm.
Anh có thể nói rõ hơn về triết lý hạnh phúc mà anh và các bạn trẻ của văn phòng của mình đang kiên trì thực hiện?
KTS Hoàng Thúc Hào: Kiến trúc hạnh phúc của chúng tôi gồm 3 phần: Kiến trúc sư hạnh phúc; Công trình hạnh phúc; Người sử dụng hạnh phúc.Để bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong kiến trúc nói riêng thì rất cần những người kiến trúc sư dấn thân bởi tổ chức xã hội, nhà nước rất khó có thể làm được việc này. Họ chỉ có thể làm ra những khu ở tái định cư, nhà ở xã hội … đáp ứng nhu cầu tối thiểu của con người mà thôi. Đây chính là lý do để chúng tôi đẩy vai trò của người kiến trúc sư lên đầu, nếu kiến trúc sư hạnh phúc thì họ sẽ làm ra được những công trình hạnh phúc – công trình ngạc nhiên bền vững, nghĩa là làm ra những kiến trúc cho cộng đồng thiểu số không chỉ đáp ứng nhu cầu chui ra, chui vào mà kiến trúc mới đó phải cất tiếng nói của chính những người địa phương đó trong xã hội hiện đại. Họ không chỉ có kiến trúc truyền thống đẹp mà họ có cả kiến trúc hiện đại đẹp.
Anh vừa nhắc đến tên văn phòng khá lạ: 1+1>2, hẳn trong nay có một thông điệp riêng?
KTS Hoàng Thúc Hào: Kiến trúc là một lĩnh vực tổng hợp, đa ngành (vừa nghệ thuật vừa kỹ thuật, lịch sử, văn hóa, xã hội nhân văn…). Chẳng hạn như, làm một làng nông thôn mới hoặc một trường học cho trẻ em vùng cao thì bạn không chỉ hiểu biết những kiến thức thuần túy kiến trúc, cấu trúc vật liệu … mà còn phải hiểu về văn hóa, điều kiện tự nhiên, nhu cầu cụ thể của vùng đó. Thứ hai, kiến trúc thì cần phải có đơn đặt hàng không thì nó chỉ có thể nằm trên giấy mà thôi. Ý nghĩa của 1+1>2 ở đây là vậy.
Hiện nay việc quy hoạch kiến trúc của chúng ta chưa có hệ thống, việc gìn giữ được bản sắc văn hóa rất rất khó. Chúng ta cần phải làm gì để thực hiện được triết lý kiến trúc hạnh phúc?
KTS Hoàng Thúc Hào: Theo quan điểm của tôi thì nó có hai phần: Một phần là từ nhà nước, một phần là từ những kiến trúc sư dấn thân.
Tôi thiết nghĩ là cần phải có nhiều các kiến trúc sư dấn thân để bảo vệ sự đa dạng văn hóa đó. Khi đông lên về số lượng thì chắc chắn sẽ biến đổi về chất.
Hiện nay có rất nhiều các bạn trẻ nhìn nhận vấn đề rất khác, nhiều bạn làm kiến trúc rất dấn thân, cũng tìm tòi, thử nghiệm chứ không chỉ là kiến trúc “mì ăn liền”. Việt Nam đang có một thế hệ trẻ mà chưa bao giờ có đó là các bạn 7X, 8X làm kiến trúc rất tốt, đạt rất nhiều các giải quốc tế… Khi có đông lực lượng này thì chúng ta hoàn toàn có thể hình thành được nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, có tên trên bản đồ thế giới
Có một vấn đề tôi cũng đang khá trăn trở đó là hiện nay chúng ta có một nhược điểm khá lớn khi chưa thực sự chú trọng việc nghiên cứu liên ngành trong kiến trúc. Chẳng hạn như những đề tài nghiên cứu của Bộ Xây dựng phải liên quan đến Bộ Văn hóa, Bộ Khoa học công nghệ, đây là điều vô cùng cần thiết. Thế nào là công nghệ thích hợp? Vấn đề này làm sao kiến trúc sư biết được họ phải kết hợp với các nhà vật liệu xây dựng, nhà vật lý, hay nhà xã hội học …
Xin cảm ơn anh!
Nguyễn Hùng (Thực hiện)/Dân trí