Quy hoạch xây dựng đô thị: Phải gắn với phát triển cây xanh
Trong quy hoạch phát triển Thủ đô về hạ tầng đô thị, quan điểm nhất quán của thành phố Hà Nội là chọn phương án quy hoạch đầu tư xây dựng vừa bảo tồn được cây xanh hiện có vừa trồng mới thêm, với mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh trên đầu người để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe nhân dân.
Xây dựng hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển
Theo thống kê, Hà Nội hiện có trên 7 triệu người cư trú, riêng nội thành đã có 3,2 triệu dân. Còn về phương tiện giao thông, Hà Nội hiện có gần 6 triệu ô tô, xe máy các loại, trong đó xe buýt chưa tới 1.700 chiếc, chiếm khoảng 0,003%; taxi khoảng 30.000 chiếc, khoảng 0,05% tổng lượng phương tiện.
Thời gian qua, Thành phố cũng đã hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc trên cao đoạn từ phía Nam cầu Thanh Trì đến cuối đường Phạm Hùng, tuyến đường Lê Đức Thọ đến đường 70, tuyến đường nối đường Nguyễn Văn Cừ với đường Cổ Linh … góp phần làm giảm đáng kể ùn tắc giao thông, tạo bộ mặt giao thông hiện đại. Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng giao thông, vận tải hành khách công cộng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu đi lại nên đã và đang khiến Hà Nội gặp nhiều thách thức trước áp lực giao thông gia tăng từng ngày.
TP Hà Nội không có chủ trương về giải tỏa, thay thế 4.000 cây xà cừ. Ảnh Phạm Hùng |
Trong đó, tuyến đường vành đai 3 là trục giao thông huyết mạch của TP Hà Nội, có vai trò hết sức quan trọng trong giao thông liên tỉnh qua Hà Nội cũng như phục vụ cho việc đi lại trong nội đô Thành phố. Tuy nhiên, theo ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đoạn Phạm Văn Đồng (từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long) hiện vẫn là đường cũ, mặt cắt ngang từ 23 đến 25m, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, các nút giao thông đồng mức, mật độ lưu thông dày đặc với lưu lượng xe thuộc loại cao nhất của Thành phố.
Vì vậy tuyến đường này trở nên quá tải nghiêm trọng, ùn tắc diễn ra gần như cả ngày tại các điểm giao Hoàng Quốc Việt, đường ngang Học viện Tài chính và đáng ngại hơn cả là các đường ngang Tân Xuân, Cổ Nhuế, công viên Hòa Bình… “Vì vậy, việc thi công mở rộng tuyến đường huyết mạch này là yêu cầu cấp thiết và tất yếu của Thành phố, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Việc thực hiện dự án theo đúng quy hoạch và thiết kế được phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ đề ra là hết sức cần thiết” – ông Phong nhấn mạnh.
Ông Võ Nguyên Phong cho biết, TP Hà Nội quyết tâm triển khai xây dựng tuyến Phạm Văn Đồng thuộc vành đai 3, đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long với 2 dự án đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt. Thứ nhất là dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Nội Bài, Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội, khởi công tháng 10/2016, dự kiến hoàn thành phần đường xong trước tết nguyên đán 2018. Thứ hai là dự án đầu tư cầu cạn cao tốc đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3, Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải, sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản.
Thời gian khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành quý IV/2019. Sau khi dự án hoàn thành sẽ kết nối với các tuyến QL.1, QL.5, QL.6, QL.32 với sân bay quốc tế Nội Bài góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông cho Thủ đô, từ đó sẽ giảm tải cho đường Phạm Văn Đồng hiện tại, giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông.
Ưu tiên hàng đầu là bảo tồn cây xanh
Theo ông Võ Nguyên Phong, để triển khai dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng, chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải đã giải phóng mặt bằng, giải tỏa 884 hộ dân, 57 đơn vị, công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong chỉ giới đường đỏ của dự án. Ngoài ra, trên tuyến đường này có một số lượng cây xanh đáng kể cần phải tính toán, xử lý phục vụ công tác triển khai làm đường.
TP Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề này và sớm giao đơn vị tư vấn là Tổng công ty tư vấn Giao thông vận tải TEDI của Bộ Giao thông vận tải xây dựng tiêu chí, phương án di chuyển, giải tỏa cây xanh. Phương án do TEDI lập và thống nhất với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội là dịch chuyển, giải tỏa, cắt tỉa cây xanh trên tuyến với tổng số 1.315 cây nằm trong phạm vi mở đường, các đường dẫn lên xuống đường trên cao. Trong đó, giữ nguyên vị trí 142 cây, dịch chuyển 158 cây và phải giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây.
Nhận thấy việc giải tỏa và di chuyển cây xanh khi thực hiện dự án cần tiếp tục rà soát đánh giá, phân tích phương án nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội, Sở Xây dựng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội hoàn thiện hồ sơ phương án dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng: xác định các tiêu chí về giải tỏa, dịch chuyển cây xanh; xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động khi triển khai…
“Đến nay những thông tin về nhu cầu, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường này mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ dự án đưa ra” – ông Phong khảng định.
Hiện TP Hà Nội đang tập trung trồng mới cây xanh, phấn đấu đến năm 2020 trồng mới trên 1 triệu cây xanh, đưa tỉ lệ cây xanh bình quân đầu người lên 10m2 (So với 7,18 m2/người năm 2015). Trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, TP đã trồng được gần 300.000 cây, trong đó có 35.000 cây đường kính lớn góp phần làm cho diện mạo Thủ đô thêm xanh, sạch, đẹp. |
Thông tin thêm về dự án, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, theo quy định của pháp luật, việc cấp phép dịch chuyển, giải tỏa cây xanh là một thủ tục hành chính được UBND TP phê duyệt. Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh: Quan điểm nhất quán của lãnh đạo Thành phố trong phương án đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí. Trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ.
“Với công nghệ mới hiện nay, chúng tôi khẳng định đánh chuyển và sống được nhiều, tỷ lệ trên 90%” – ông Lê Văn Dục cho biết.
Đối với số cây phải xử lý trong dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng, Thành phố giao các cơ quan, đơn vị có liên quan lên danh sách, hồ sơ cây xanh, phương án cụ thể đối với từng cây, có sự giám sát chặt chẽ việc xử lý cây xanh khi di dời hay chặt hạ. Đặc biệt, Thành phố yêu cầu cao hơn về quy hoạch cảnh quan kiến trúc, cây xanh được trồng mới trên tuyến này, phải tương đương hệ thống cây xanh đã được trồng theo mô hình trên tuyến đường Võ Chí Công.
Cụ thể: Tầng cây cao có 1.547 cây gồm các loại: giáng hương, bàng Đài Loan, cọ dầu, ban hoàng hậu … Tầng cây bụi là 4.649 cây các loại, gồm đại sứ, tường vi, ngọc bút, dâm bụt, hoa giấy … Tầng thảm cỏ, cây thảm lá màu là 60.772m2, gồm cây dương xỉ, ngọc trai, muống nhật, lan dẻ quạt …
Như vậy, việc thiết kế cây xanh trồng mới tại dự án đường vành đai 3 bằng các loại cây đa dạng chủng loại, thành 3-4 tầng, góp phần cải thiện môi trường không khí, giảm tiếng ồn và chi phí duy trì, giữ ẩm và tạo màu xanh nhằm tạo ra một hệ thống cảnh quan đẹp, hiện đại, phù hợp và đồng bộ với các dự án trên trục giao thông có giá trị thẩm mỹ cao, tạo được dấu ấn và những nét đặc trưng cho Thủ đô.
Nguyễn Công/ Theo Lao động thủ đô