Ngôn ngữ của kiến trúc (phần 1):Ý nghĩa của các hình dạng
Tạo hình là một việc kì diệu, không sao định nghĩa được, nhưng có thể mang lại niềm vui cho con người bằng một phương thức khác biệt với việc tế trợ xã hội
–Alvar Aalto, diễn giảng tại hiệp hội kiến trúc sư tại Viên 1955
Mọi vật thể mà chúng ta cảm nhận được đều có hình dạng. Mỗi một kiểu hình dạng, dù là kém hấp dẫn nhất đối với chúng ta, đều mang những thông tin tuy nhỏ mà chân thực. Nội tâm của chúng ta vì nhận ra được những điều đó mà cảm thấy vui sướng.
Có những niềm vui tiềm ẩn đến từ việc chúng ta hiểu biết về hình dáng. Một công trình kiến trúc hoặc một nhân tố kiến trúc hoàn chỉnh luôn tiềm ẩn một cảm giác thỏa mãn. Mượn một câu của triết học: “Chúng ta đi tìm và tận hưởng ‘sự tạo hình hoàn chỉnh’” (Gestalt), một cuốn từ điển đã định nghĩa “sự tạo hình hoàn chỉnh” là “một công trình hoặc hình dạng… tổng hòa một cách hữu cơ, tạo ra một đơn nguyên công năng, mang tính chất của một chỉnh thể, chứ không đơn thuần là sự tập hợp của các bộ phận”.
Ngoài việc cho chúng ta sung sướng vì nhận biết được những thứ này và đạt được những sự hài lòng cơ bản, hình dạng còn làm thu hút sự chú ý, gây ra sự tò mò, thậm chí kích thích chúng ta hoặc từ chối chúng ta, bằng những phương thức khác nhau. Có những hình thù do mang những thông tin đặc biệt nên rất dễ để lí giải vì sao chúng lay động lòng người; nhưng cũng có những hình thù rất khó hiểu. Bất kể lí giải được hay không, sức mạnh của Hình là không thể nghi ngờ.
Với kích thước đủ lớn, kim tự tháp có thể truyền tải một sức mạnh nhất định. Những liên tưởng phong phú (về hình dạng của kim tự tháp đã và sẽ) không ngừng xuất hiện trên thế giới đã nâng cao hiệu quả tạo hình của kim tự tháp. Với người Ai Cập, đây là hình tượng ngôi mộ cao quí và lí tưởng nhất. Họ tin tưởng đó là sự bảo đảm cho việc trường tồn của các Pharaon. Khi nhìn thấy chiếc mũ vàng trên đỉnh kim tự tháp phản chiếu ánh mặt trời mới mọc, người Ai Cập tin rằng họ nhìn thấy một vị thần. Đương nhiên, (kể cả khi biết những điều đó thì) chúng ta (cũng) không cách gì tưởng tượng được hết tầm quan trọng của kim tự tháp đối với người Ai Cập, thế nhưng, nó vẫn làm chúng ta xúc động. Và nay khi ý nghĩa ban đầu đã đi theo những người có cùng niềm tin với những người xây dựng kim tự tháp, họ đều đã chết, chỉ còn hình dáng ở lại, thì vẫn có một sức mạnh to lớn – một nguồn sức mạnh cố hữu và thực chất.
Bia nhọn đầu (obelisk) cũng có hình dạng rất thu hút. Muốn thiết kế một tháp bia đầu nhọn mà không thu hút người khác chính ra lại rất khó, tuy không phải là không thể làm được. Tìm cách phủ nhận bia nhọn đầu tượng trưng cho dương vật là không thực tế cho lắm, nhưng cho rằng liên tưởng này là nguyên nhân duy nhất khiến nó thu hút thì chắc chắn sai.
Việc bia nhọn đầu sở dĩ thu hút mọi người có thể chẳng liên quan gì lắm đến tính dục, ngược lại càng có thể vì nó gợi đến sự phản kháng dũng cảm. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng, một cánh tay, một cái chân giơ cao của nữ diễn viên ballet (hoặc thậm chí một dương vật đang dựng lên) có thể thu hút mọi người là do thể hiện sự cố gắng về kết cấu, về sự đối lập với Tự nhiên, với sự trầm tĩnh của cơ thể con người.
Đỉnh tròn cũng là một hình dạng quan trọng trong kiến trúc. Sức hấp dẫn của nó khá phức tạp, chứ không đơn giản là hình dạng đó gần gũi với bộ ngực phụ nữ. Cũng như bia nhọn đầu, kết cấu của đỉnh tròn làm người người phải trầm trồ thán phục. Nhưng nó thực sự không giống với kim tự tháp hay bia nhọn đầu, mà dường như đại diện cho một loại hình thù khác biệt, vượt ra khỏi phạm trù các hình thức điêu khắc, và thuộc về riêng lĩnh vực hình thức kiến trúc.
Đỉnh tròn không chỉ có (tạo hình và những thứ đến từ) bề mặt bên ngoài, nó còn nói lên những điều về không gian bên trong và sự tổ chức sắp xếp về kiến trúc. Thông thường mà nói, Hình thức (form) mang tầng ý nghĩa cao hơn Hình dạng (shape). Khi bên trong và bên ngoài của công trình kiến trúc có thể được nhận biết cùng một lúc, khi mặt bằng và khối không gian bên trong kết hợp chặt chẽ với nhau – như Le Corbusier nói rằng “khi mặt cắt chính là mặt đứng” – là lúc công trình phát huy được bản thân nó đến cực điểm. (Nhưng không thể phủ nhận rằng, một số đồ án có hình dạng bên trong gây xúc động sâu sắc nhưng bên ngoài lại không có gì đặc biệt).
Bất kể bên trong hay bên ngoài, thông thường một hình khối hoặc không gian đơn giản nhất có sức hấp dẫn mạnh nhất, nhưng ngoài những hình cơ bản quen thuộc ấy, còn có (ngày càng nhiều) những thứ lạ kì khác, những hình dạng đó như “mạn đà la” (mandala), xới xáo tình cảm của con người, đốt sáng trí tưởng tượng, thậm chí mang theo sức mạnh bí mật như một tượng thần. Có thể chúng ta chưa bao giờ thấy những hình dạng đó, nhưng sở dĩ chúng có “ma lực” lớn như vậy chính là vì chúng đặc biệt.
Một hình dạng có thể bị các hình dạng khác làm nổi bật thêm hoặc làm mờ nhạt đi. Mặc dù những công trình kiến trúc có hình dạng đơn giản thường mang sức mạnh nhất định, nhưng loại kiến trúc này dẫu sao cũng thuộc về số ít. Thông thường, sự đòi hỏi về công năng khiến chúng ta phải kết hợp các yếu tố kiến trúc với nhau một cách tương đối phức tạp. Những đòi hỏi này chưa hẳn đã gây ra những hạn chế trên phương diện mĩ học, kiến trúc sư có thể lợi dụng sự tổ hợp (các hình khác nhau) hoặc sự lặp lại của hình dạng để khắc sâu thêm ấn tượng về công trình, cũng có thể kết hợp hai hình dạng vốn chẳng liên quan gì đến nhau khiến người khác kinh ngạc. Chỉ cần sau sự kinh ngạc đó, những hình dạng khác biệt có thể kết hợp thành một tổ chức thống nhất (đơn nhất).
Cho dù một hình dạng đơn nhất giữ vai trò chi phối, thông thường vẫn cần đến những hình phụ trợ khác. Nếu xử lí tốt, sự kết hợp này cũng được hoan nghênh không kém, như là một chút muối khiến bánh qui ngon hơn. Ruskin cho rằng “những đường nét đẹp đẽ đều được vẽ một cách máy móc, đồng thời tương phản với nhau một cách hữu cơ”. Còn Rhys Carpenter khi bàn về thẩm mỹ trong kiến trúc Hy Lạp có nói đại ý rằng tạo hình thời ấy hài hòa một cách chính xác như toán học, và ngay cạnh đó lại trái ngược với qui tắc của toán học. Tiếp sau Le Corbusier, ngày nay có rất nhiều kiến trúc sư tài năng quen dùng một hình dạng đơn giản rõ ràng làm hình chủ yếu, để đối lập với những hình dạng thứ yếu đầy chất thơ khác, có thể nói là một sự “tương phản hữu cơ” với hình dạng chủ yếu này.
Trong tổ hợp hình dạng của một công trình, nếu có những yếu tố được lặp lại, thì thông thường các yêu cầu công năng sẽ phải chỉ ra sự khác biệt. Chẳng hạn như Louis Kahn thiết kế bảo tàng nghệ thuật Kimbell, các mái vòm hình ống không dài bằng nhau, có một số được xử lí thành vườn bên trong. Nhưng sự hoàn chỉnh tổng thể thì không thể nghi ngờ được. Còn chúng ta dễ dàng chấp nhận sự biến đổi này vì cảm thấy điều đó thật tự nhiên.
Stanley Abercrombie.
ThS.KTS Nguyễn Xuân Nhật/Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (soi.today biên tập)
Theo Kienviet.net