04/04/2017

Thành phố sáng tạo và không gian công cộng

Thành phố sáng tạo?

Tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và tiếng tăm từ quá khứ không còn đóng vai trò quyết định tới sự hưng thịnh của một quốc gia trong thời đại ngày nay(1). Thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của mọi thành phố là tính sáng tạo. Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội.

Với cách hiểu này, nhiều thành phố thay vì tập trung vào các ngành công nghiệp cần khai thác tài nguyên thiên nhiên, dễ có tác động xấu tới môi trường, đã dần hướng tới nền công nghiệp sáng tạo – công nghiệp văn hóa. Mục tiêu của họ là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Theo Laundry và Bianchini, sự sáng tạo không chỉ có ở tầng lớp nghệ sỹ, kỹ sư, doanh nhân… hay những người đang làm công việc trí óc, mà sự sáng tạo tồn tại ở tất cả mọi người. Thành phố sáng tạo do đó không phải thành phố chỉ ưu tiên giai cấp sáng tạo(2), mà là thành phố biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người trong xã hội, để từ đó tạo nên bản sắc riêng biệt và độc đáo.

Vai trò của không gian công cộng trong thành phố sáng tạo

Quảng bá hình ảnh thông qua truyền thông là một nét đặc trưng của thành phố sáng tạo(3). Để biến mình thành điểm đến lý tưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều chính phủ nhận thấy sự cần thiết của việc cải thiện và nâng cấp “diện mạo” cho các thành phố trọng điểm. Không gian công cộng (KGCC) – bộ mặt của đô thị là nơi được chú trọng.

Trong bối cảnh đó, tồn tại hai xu hướng chính. Xu hướng thứ nhất là biến KGCC thành nơi tổ chức sự kiện, thúc đẩy mua sắm và tiêu dùng. Xu hướng thứ hai là khuyến khích xây dựng những khu vui chơi, giải trí (như Disneyland) có khả năng tách rời con người khỏi thực tại bằng việc tạo nên cảm giác về một thế giới khác. KGCC khi ấy thay vì khuyến khích sự đa dạng, tự do và mở cửa cho tất cả mọi người, đang dần trở thành không gian giới hạn và bị kiểm soát. Dù tạo nên sự phấn khích, cảm giác tích cực cho người tham gia, nhưng các trung tâm giải trí phá bỏ sự liên kết giữa con người với nơi họ đang sống, phủ nhận giá trị được đúc kết trong quá trình phát triển đô thị, và không tạo nên bản sắc thật sự cho thành phố.

Đi kèm theo đó là sự lên ngôi của trung tâm thương mại (TTTM), một mặt đóng góp cho hình ảnh hiện đại của đô thị, mặt khác chúng đóng vai trò như sự thay thế cho KGCC – như một nơi cộng đồng có thể gặp gỡ và tương tác. Tuy nhiên John Goss(4) (1993) thông qua nghiên cứu của ông về hình thức, chức năng các TTTM tại Mỹ đã rút ra kết luận rằng ý nghĩa ẩn sau TTTM đơn thuần là logic của việc kiếm lợi nhuận. Tất cả những yếu tố trang trí, việc sắp đặt gian hàng nhiều khi có nét tương đồng với quảng trường xưa kia, nhưng mục đích duy nhất mà nó hướng tới là thúc đẩy khách mua hàng. Và ông gọi đó là phép màu của TTTM.


Ảnh 1,2: Victoria Park-Trung tâm thương mại lớn nhất Auckland. New Zealand.

Dù Victoria Park có những không gian tạo cảm giác tương tự như KGCC, nhưng bản chất những không gian này không dành cho người sử dụng. Chúng hoặc thiếu những tiện nghi cần thiết như ghế ngồi (Ảnh 1) hoặc nằm ở vị trí không thuận lợi, thiếu tầm nhìn (ảnh 2). Nơi duy nhất người ta có thể dừng chân tại các trung tâm thương mại chính là hệ thống cửa hàng, cửa hiệu.


Ảnh 3: Bên trong trung tâm thương mại, không có góc nhìn hướng ra bên ngoài. Tất cả chỉ tập trung vào hệ thống bán hàng và những chi tiết mang tính biểu tượng của Victoria Park.

KGCC từng được hiểu là nơi mọi người (bất kể tuối tác hay tầng lớp) có thể tiếp cận, tương tác và trao đổi tự do về mọi khía cạnh cuộc sống. Đây cũng là nơi người dân có thể sử dụng không gian theo nhiều cách khác nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ. Với vai trò ấy, KGCC gắn kết mọi tầng lớp dân chúng, góp phần hình thành, phát triển giá trị văn hóa, xã hội và xây dựng bản sắc cho cộng đồng(5). Tuy nhiên, ý nghĩa này của KGCC đang dần bị mai một. Lý do quan trọng dẫn tới thực trạng đó là bởi nhiều chính phủ để tiết kiệm chi phí, có xu hướng để các công ty tư nhân tham gia vào việc xây dựng và quản lý KGCC(6). Như một lẽ tất yếu, nhiều hoạt động sống của người dân tại đây sẽ dần bị loại bỏ để đảm bảo lợi ích cho chủ đầu tư và doanh nghiệp. KGCC khi ấy không còn là nơi tụ tập của tất cả mọi người, mà là không gian hướng tới một vài đối tượng sử dụng nhất định. Nhiều nhà nghiên cứu đã gọi đây là sự xuống dốc, cái chết hay sự biến mất của KGCC trong xã hội ngày nay(7).

Câu chuyện tại Việt Nam

Những điều tương tự cũng có thể nhận thấy tại Việt Nam trong những năm gần đây. Cụ thể: nhiều công viên, quảng trường mới được xây dựng(8), các TTTM, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư, các tuyến phố quan trọng được dọn dẹp, chỉnh trang.

Đi kèm với đó, một bộ phận người dân và các hoạt động thường thấy của họ tại các KGCC đang dần bị loại bỏ. Cụ thể, những gánh hàng rong, các quán ăn, quán nước hay thói quen sử dụng không gian vỉa hè của dân chúng dần bị hạn chế. Mọi hành vi lấn chiếm vỉa hè, tuy mâu thuẫn với hình ảnh “xanh, sạch, đẹp” cần có của đô thị, nhưng mặt khác đấy là cách người dân tận dụng để có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kinh tế vỉa hè không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà còn chứa đựng trong đó giá trị về văn hóa và lịch sử(9). Theo một cách hiểu, đó là nét độc đáo, sáng tạo có thể đem lại bản sắc riêng cho thành phố.

Sự mâu thuẫn giữa chính sách “xanh, sạch, đẹp” và cuộc sống của một bộ phận dân chúng chính là thách thức mà các thành phố sáng tạo phải đối mặt, như Laundry và Bianchini đã chỉ ra: thành phố sáng tạo là thành phố hướng tới lợi ích cho mọi người, và thách thức của thành phố sáng tạo là dung hòa được các kiểu sáng tạo khác nhau, và coi những gì tưởng như đối lập và cần loại bỏ là một phần của tổng thể. Jane Jacobs cũng có góc nhìn tương tự khi bà cho rằng một thành phố sáng tạo cần có sự đa dạng của ba yếu tố: không gian xây dựng, kiến trúc; các mối quan hệ, tương tác xã hội và kinh tế với sự phong phú về cả quy mô và hoạt động kinh tế(10). Jacobs(11) (1961) phản đối việc áp đặt các chính sách từ “trên” xuống để loại bỏ những hoạt động bị coi là không phù hợp cho sự phát triển, vì nó ảnh hưởng tới sự đa dạng vốn có của đô thị. Với bà, tất cả mọi hoạt động đang tồn tại trên một con phố, dù lộn xộn vẫn tạo nên bản ballet đường phố. Và đó là nét cần có để xây dựng một thành phố sáng tạo đúng nghĩa.

Tạ Anh Dũng, Manfredo Manfredini

Tài liệu tham khảo:

  1. Landry, C., & Bianchini, F. (1995). The creative city. London: Demos Publishing.
  2. Florida, R. (2014). The rise of the creative class, revisited. New York: New York Basic Books.
  3. Landry, C. (2012). The creative city: A toolkit for urban innovators. London, England: Earthscan.
    Evans, G. (2003). Hard‐branding the cultural city–from Prado to Prada. International journal of urban and regional research, 27(2), 417-440.
  4. Goss, J. (1993). The “Magic of the Mall”: An Analysis of Form, Function, and Meaning in the Contemporary Retail Built Environment. Annals of the Association of American Geographers, 83(1), 18-47.
  5. Carr, S., Francis, M., Rivlin, L.G., & Stone, A. M. (1992). Public space. Cambridge: Cambridge University Press.
    Cliff Moughtin. (1999). Urban Design: Street and Square. Oxford: Architectural Press.
    Tibbalds, F. (1992). Making People-Friendly Town: Improving the Public Environment in Towns and Cities. London: SPON PRESS.
  6. Defilippis, J. (1997). FROM A PUBLIC RE‐CREATION TO PRIVATE RECREATION: The Transformation of Public Space in South Street Seaport. Journal of Urban Affairs, 19(4), 405-417.
    Loukaitou-Sideris, A. (1993). Privatisation of public open space: the Los Angeles experience. Town Planning Review, 64(2), 139-167.
  7. Mitchell, D. (1995). The end of public space? People’s park, definitions of the public, and democracy.Annals of the association of american geographers, 85(1), 108-133.
    Davis, M. (1992). Fortress Los Angeles: The Militarization of Urban Space. In M. Sorkin (Ed.), Variations on a Theme Park: The New American City and the End of Public Space. New York: Hill and Wang.
    Sennett, R. (1992). The Fall of Public Man. New York: W. W. Norton & Company.
  8. Boudreau, J.-A., Charton, L., Geertman, S., Labbé, D., Hien, P. T. T., & Anh, D. N. (2015). Youth-friendly public spaces in Hanoi. Institute national de la recherche scientifique (INRS, Canada).
  9. Cerise, E., & Maximy, R. d. (2010). Road System and Urban Recomposition in Hanoi In P. Gubry, F. Castiglioni, J.-M. Cusset, N. T. Thieng & P. T. Huong (Eds.), The Vietnamese City in Transition.Singapore: Institute of Southeast Asian Studies (ISEAS).
    Manfredini, M., Ta, A.-D., & Besgen, A. (2016). The production of plural evolutionary spatialities. Collusions and complicities between public and private in the streets of Hanoi, Vietnam. In CPUD’16 International City Planning and Urban Design Conference – Proceedings Book (pp. 514–526). Istanbul: Dakam Publishing.
    Manfredini, M., & Ta, A.-D. (2016). Co-Creative Urbanism: The production of plural evolutionary spatialities through conflicts and complicities between public and private in the streets of Hanoi, Vietnam. Joelho. Journal of Architectural Culture, (7).
  10. Landry, C., & Bianchini, F. (1995). The creative city. London: Demos Publishing.
  11. Jane, J. (1961). The Death and Life of Great Americans Cities. New York: Random House.