Dự thảo Luật Quy hoạch: Cần tiếp cận thận trọng
Dự thảo Luật Quy hoạch nếu được Quốc hội thông qua có thể tác động đến 32 Luật và nhiều văn bản dưới Luật khác. Điều này sẽ gây ra sự xáo trộn lớn. Do đó, lấy ý kiến chuyên gia để Dự thảo được chặt chẽ, tránh việc phải sửa lại sau khi áp dụng là việc làm cần thiết. Báo Xây dựng đã có cuộc trảo đổi với ThS.KTS Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia về vấn đề này.
Dự thảo Luật Quy hoạch đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, lấy ý kiến các cơ quan liên quan chuẩn bị trình Quốc hội. (Ảnh minh họa)
PV: Dự thảo mới nhất của Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đã bỏ qua khái niệm “quy hoạch xây dựng”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng hiện nay đã khá đầy đủ. Chúng ta có hai Luật là Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội 1210/2016/UBNTQH13 và nhiều văn bản khác như Nghị định 44/2015/NĐ-CP, Nghị định 37/2010/NĐ-CP, Nghị định 11/2013/NĐ-CP, cộng với hàng loạt các Thông tư hướng dẫn, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… Đây là các cơ sở pháp lý rất quan trọng để tạo lập nên quy hoạch và quản lý các hoạt động xây dựng tuân thủ theo quy hoạch. Đến ngày hôm nay, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng (QHXD), quy hoạch đô thị (QHĐT) cũng đều thấy rằng tuy hệ thống pháp luật đã khá hoàn thiện nhưng chúng ta vẫn cần phải tiếp tục đổi mới bằng việc kế thừa và bổ sung.
Trên thế giới, phương pháp luận của quy hoạch cũng biến đổi để phù hợp với thực tiễn trong quá trình phát triển. Chúng ta cũng vẫn đang tiếp tục cập nhật các xu thế tích cực trên thế giới để hoàn thiện hệ thống luật pháp này.
Khi chúng ta đã và đang có một nền tảng tốt về văn bản pháp luật trong lĩnh vực QHXD, về kinh nghiệm thực tiễn làm QHXD, về nhân lực cho công tác QHXD, về lý thuyết quy hoạch tiên tiến của quốc tế và rất nhiều các công cụ hỗ trợ khác thì chúng ta nên sử dụng những cái đã có làm nền tảng.
Xây dựng pháp luật từ một nền tảng căn bản, khoa học, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn với các công cụ hỗ trợ đầy đủ luôn là lựa chọn thông minh hơn là dò tìm hướng đi mới và chưa được kiểm nghiệm trên thực tế, chưa đầy đủ cơ sở khoa học. Do vậy, tôi cho rằng Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, mạnh dạn điều chỉnh dự thảo để khẳng định rõ nét hơn vai trò của QHXD trong bộ Luật này.
PV: Dự thảo Luật này liên quan đến nhiều Luật khác, theo ông, chúng ta cần chỉnh sửa theo hướng như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ với những Luật khác?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Theo báo cáo trong các cuộc họp tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thì Dự thảo Luật này ảnh hưởng đến 32 Luật và nhiều văn bản dưới Luật khác. Nhiều chuyên gia cũng nói rằng không chỉ dừng lại ở 32 Luật mà còn có thể lên đến trên 50 văn bản pháp quy khác. Quan điểm của tôi là một Luật phủ lên rất nhiều Luật khác, khiến các Luật khác cần phải thay đổi, dù thay đổi rất nhỏ mức độ câu chữ hoặc thay đổi những điều những khoản, thậm chí thay đổi cả những chương và hệ thống văn bản dưới Luật đi theo như Nghị định, Thông tư… thì chúng ta phải cực kỳ thận trọng.
ThS.KTS Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia.
Để giải quyết vấn đề này, cơ quan soạn thảo cần phải có thêm cách nhìn khách quan từ các Bộ, ngành và địa phương, vì hơn ai hết các Bộ, ngành, địa phương là nơi nắm được hệ thống quy hoạch thừa gì, thiếu gì.
Chính phủ khi đó sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tự đề xuất loại bớt những quy hoạch thừa mà các cơ quan này đang sử dụng để quản lý, giữ lại những quy hoạch mấu chốt. Khi đó vai trò của Luật Quy hoạch này sẽ là Luật để hệ thống, sắp xếp thứ tự trước sau các vấn đề về quy hoạch. Đấy là cách đi hiệu quả nhất.
Luật Quy hoạch kỳ vọng giải quyết đồng bộ công tác quy hoạch trong cả nước trong vài năm mà theo trình bày thì khoảng năm 2020, nghĩa là khoảng chưa đến 3 năm nữa. Theo tôi đánh giá là rất khó khả thi.
Luật Quy hoạch lần này nên là một Bộ luật khung như UBTVQH đã từng chỉ đạo trong nhiều cuộc họp. Chỉ cần sắp xếp lại các quy hoạch cho thật logic, tận dụng các quy hoạch đang có giá trị cao về mặt thực tiễn thì hiệu quả của Luật sẽ đi vào thực tế. Nếu Luật đi quá sâu vào các vấn đề kỹ thuật, tôi e rằng sẽ có những vướng mắc về sau khi triển khai thực hiện.
PV: Trong Dự thảo Luật Quy hoạch lần này, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Hiện nay, trên thế giới, quy hoạch có rất nhiều cách gọi khác nhau nhưng đều dần hướng vào chung một đối tượng quy hoạch đó là không gian, là vật thể cùng các chính sách để thực hiện. Xu thế của mọi loại hình quy hoạch tiên tiến hiện nay là mở và linh hoạt. Tôi được biết, gần như không có nước nào tồn tại cái gọi là quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội nữa. Các nghiên cứu về hệ thống quy hoạch của Mỹ và Nhật Bản đã chỉ ra rằng họ chỉ xây dựng những chiến lược khung, rất cơ bản, phân quyền mạnh mẽ và tránh tình trạng áp đặt từ trên xuống dưới.
Ví dụ về hệ thống quy hoạch ở Mỹ, chúng tôi không tìm thấy những quy định hay những áp đặt do chính quyền của liên bang tới từng bang. Bang cũng không quyết định thay cho từng địa phương, mà chỉ đặt ra những vấn đề cụ thể mang tính liên vùng mà chủ yếu là những kết nối. Toàn bộ những vấn đề bên trong lãnh thổ giao cho chính quyền địa phương.
Tôi cho rằng, nếu hệ thống quy hoạch nào vẫn còn tư tưởng áp đặt, tập trung cao vào một đầu mối, quy hoạch cấp trên nói thế nào quy hoạch cấp dưới cần thực hiện như thế thì hệ thống đấy vẫn chưa linh hoạt, vẫn đâu đó mang còn hơi hướng của một nền kinh tế kế hoạch tập trung đã lỗi thời trước đây. Tôi xin ví dụ câu những hỏi đặt ra như sau: Quy hoạch cấp dưới tuân thủ quy hoạch cấp trên nhưng nếu quy hoạch cấp dưới đúng, quy hoạch cấp trên sai thì sao? Quy hoạch nào phải chỉnh sửa? Quy hoạch cấp trên sửa thì quy trình sẽ phức tạp như thế nào nếu đó là do Quốc hội hoặc Chính phủ phê duyệt? Đấy là các câu hỏi mà Luật Quy hoạch lần này phải giải quyết.
PV: Dự thảo Luật Quy hoạch dự kiến trong tháng 5 sẽ đưa ra trình trước Quốc hội. Theo ông, trước khi đưa ra Quốc hội, chúng ta có cần lấy ý kiến tiếp của các chuyên gia để dự thảo được chặt chẽ, tránh việc phải sửa lại sau khi áp dụng?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Việc này rất cần. Chúng ta phải hiểu bản chất của quy hoạch không phải là do chính quyền làm, do bộ ngành làm cũng không phải một sản phẩm do một đơn vị soạn thảo làm. Quy hoạch phải được hiểu là một quá trình, đồ án quy hoạch bản chất là sản phẩm toàn xã hội cùng làm, thực hiện quy hoạch là xã hội cùng nhau cam kết thống nhất hành động vì một tương lai tốt hơn. Do vậy sự tham gia của toàn xã hội đóng góp cho Luật trong đó có các chuyên gia nhiều ngành là cần thiết. Các ý kiến này cho dù ý kiến có đồng thuận hay ý kiến trái chiều cũng cần được cơ quan soạn thảo lắng nghe.
Mặt khác, Luật Quy hoạch đưa ra rất nhiều loại hình quy hoạch mới và chưa thể khẳng định hiệu quả của chúng đến đâu. Cá nhân tôi mong muốn rằng, cơ quan soạn thảo có các nghiên cứu thử nghiệm lập quy hoạch theo dự thảo Luật (ví dụ lập quy hoạch tổng thể ở cấp Quốc gia chẳng hạn) để qua đó chúng ta nhìn thấy rằng, chúng ta có điểm yếu này cần phải sửa, điểm mạnh kia cần phát huy. Lúc đó áp dụng vào Luật thì bộ luật mới có tính thực tiễn cao nhất. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, chúng ta nên tiếp cận xây dựng Luật này một cách thận trọng!
Vân Anh (thực hiện)/Báo Xây dựng