10/03/2017

Thực tiễn cuộc sống là mạch nguồn cuộc sống

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Lâu nay, không chỉ trong giới KTS, mà ngay cả ở nhiều ngành khoa học xã hội khác, thường có nhận xét: Tiếng nói lý luận phê bình kiến trúc bây giờ sao yếu ớt quá! Tại sao lại như vậy?  Câu chuyện này có vẻ rất nghịch lý trước sự phát triển đầy sôi động của xã hội, của quá trình đô thị hóa và của kiến trúc nước nhà trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Và vì thế, hơn lúc nào hết, công tác lý luận, phê bình kiến trúc rất cần được các cấp, các ngành và hội nghề nghiệp quan tâm, chăm sóc từ trong trường đào tạo đến thực tế cuộc sống.

Tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ của tác giả KTS Nguyễn Kim nhận được nhiều ý kiến phê bình trước đây

Tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ của tác giả KTS Nguyễn Kim nhận được nhiều ý kiến phê bình trước đây

1. Lâu nay, không chỉ trong giới KTS, mà ngay cả ở nhiều ngành khoa học xã hội khác, thường có nhận xét, tiếng nói lý luận phê bình kiến trúc bây giờ sao yếu ớt quá! Điều này cũng đã được khẳng định qua báo cáo chính trị của các kỳ Đại hội VIII, IX của Hội KTS Việt Nam. Và nó cũng được chính những người làm công tác lý luận kiến trúc trong giới chúng ta phàn nàn tại nhiều cuộc hội thảo lớn, nhỏ tổ chức tại các Trường đại học Kiến trúc, các Viện Nghiên cứu, Bộ Xây dựng, Hội KTS Việt Nam.
Tại sao lại như vậy? Câu chuyện này có vẻ rất nghịch lý trước sự phát triển đầy sôi động của xã hội, của quá trình đô thị hóa và của kiến trúc nước nhà trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Thực ra, lý luận phê bình kiến trúc cũng trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau. Có lúc mạnh mẽ, kịp thời, có lúc thưa thớt, vắng bóng, và cả lúng túng trong định hướng, trong tiếp cận với những biến đổi phức tạp của kiến trúc hiện đại.
Ngay từ năm 1983, Hội KTS Việt Nam đã từng tổ chức một số cuộc tọa đàm về phê bình kiến trúc do Cố GS. KTS Ngô Huy Quỳnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến Trúc chủ trì. Như các công trình phục hồi cải tạo Nhà ga đường sắt Hà Nội (Chủ trì thiết kế KTS Hoàng Nghĩa Sang); Bưu điện Bờ Hồ (Chủ trì thiết kế: KTS Nguyễn Kim), Nhà khách Chính phủ ở số 2 Lê Thạch (Chủ trì thiết kế: KTS Diêu Công Tuấn). Các ý kiến phân tích, đánh giá thành công và hạn chế của tác phẩm được đưa ra rất khách quan, chân thành trên cơ sở lý luận kiến trúc và thực tế sử dụng của các đại biểu tham dự là cơ quan chủ quản, tác giả, KTS và đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng công trình, đã được chính tác giả bài tham luận này, khi ấy là Ủy viên Ban Biên tập, ghi chép đầy đủ và phản ánh qua các bài viết đăng nhiều kỳ trên tạp chí chuyên ngành thời đó.

Nhà cao tầng xen cấy trong nội đô cần được nghiên cứu, đánh giá trong lý luận phê bình kiến trúc

Nhà cao tầng xen cấy trong nội đô cần được nghiên cứu, đánh giá trong lý luận phê bình kiến trúc

Bước vào thời kỳ đổi mới, từ thập niên 90 của thế kỷ trước, cùng với sự ra đời của Viện Nghiên cứu Kiến trúc (và Tiêu chẩn hóa ?!) công tác lý luận phê bình kiến trúc mới thực sự khởi sắc, phù hợp với bầu không khí dân chủ khá cở mở của giới văn học nghệ thuật. Mở đầu (tôi không biết có chính xác không?!) là cuộc tranh luận gay gắt tốn khá nhiều giấy mực của giới truyền thông do Hội KTS Việt Nam khởi xướng, nhằm “bảo vệ sự tồn tại” công trình “Nhà trăm mái” của KTS Lữ Trúc Phương trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngay cạnh Đồi Cù (TP Đà Lạt). Đây là tác phẩm sáng tác theo trường phái biểu hiện của Antonio Gaudi, với xu hướng “thiên nhiên hóa kiến trúc”, đang bị chính quyền tỉnh Lâm Đồng bắt phá bỏ, bởi theo họ, đó là thứ “kiến trúc kỳ dị, điên rồ và không an toàn”. Do nhiều quan điểm khác nhau lúc bấy giờ, nên kiến nghị giữ lại, không phá bỏ công trình trên của Hội gửi các cơ quan chức năng trong ngành xây dựng không được chấp nhận. Và cuối cùng, tháng 10/1992, với lý do “không đảm bảo an toàn và vi phạm quy định xây dựng”, tác phẩm kiến trúc “Nhà trăm mái” bị dỡ bỏ hoàn toàn, sau hai năm tồn tại. Nhiều năm sau sự kiện “Nhà trăm mái”, trong các cuộc hội thảo về lý luận phê bình kiến trúc, người ta vẫn chưa thôi tiếc nuối cho số phận hẩm hiu của tác phẩm kiến trúc độc đáo này. Rồi chuyện phản đối dự án “Thủy cung Thăng Long” ở Hồ Tây làm xôn xao dư luận, Ban Bí thư T.Ư Đảng và Thủ tướng Chính phủ phải vào cuộc. Chúng ta cũng đã từng mạnh mẽ phê phán xu hướng kiến trúc “chóp”, kiến trúc nhại cổ, nhại “kiến trúc cổ điển Pháp” vốn xuất hiện tràn lan ở các đô thị và cả ở nông thôn như một thứ bệnh dịch.v.v và v.v…
Tiếng nói phê bình rất đáng trân trọng đã được giới KTS Việt Nam và xã hội ủng hộ, có tác dụng làm hạn chế phần nào kiến trúc “rác” ở đô thị, trong đó có cả một số công trình, trụ sở cơ quan công quyền, làm cho kiến trúc trong sáng hơn, hiện đại hơn, giản dị hơn, gần dân hơn. Và cũng qua đó tác động phần nào đến tư duy thẩm mỹ của chính quyền và các nhà quản lý xây dựng. Hay gần đây, tiếng nói phê bình, phản biện cũng đã có hiệu ứng tích cực trước xu hướng xây dựng các Trung tâm hành chính quá to lớn, đồ sộ, phô trương ở một số địa phương, gây lãng phí tiền bạc của nhà nước, của nhân dân, làm sai lệch chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ.
Tuy nhiên, chừng ấy vẫn chưa thể đủ! Chúng ta không thể không đặt câu hỏi, vì sao trước thực tế sôi động của đời sống kiến trúc hiện nay, cũng như những biến đổi phức tạp của khí hậu đã và đang đe dọa sự bền vững của môi trường sống, tiếng nói của lý luận phê bình bỗng trở nên yếu ớt, mờ nhạt, đôi khi bị xã hội quên lãng đến vậy. Cho dù chúng ta có không ít các tổ chức, cơ quan nghiên cứu như Viện Kiến trúc Quốc gia, các Trung tâm nghiên cứu, các Trường đại học Kiến trúc của Bộ Xây dựng; hay Hội đồng Kiến trúc, Ban Lý luận phê bình kiến trúc, Viện Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam. v.v… cùng với các Tạp chí chuyên ngành lúc nào cũng ngỏ cửa, sẵn sàng đăng tải các nghiên cứu, bài viết về lý luận, phê bình như Tạp chí Kiến trúc, Kiến trúc Việt Nam, Kiến trúc và đời sống, Kiến trúc Nhà đẹp. Đây là điều rất đáng suy nghĩ!

Khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), một mô hình nhà ở mới cần sự vào cuộc của nghiên cứu lý luận phê bình để có những đánh giá tổng kết mang tầm quốc gia

Khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), một mô hình nhà ở mới cần sự vào cuộc của nghiên cứu lý luận phê bình để có những đánh giá tổng kết mang tầm quốc gia

Phải chăng, cách làm lý luận phê bình của chúng ta lâu nay có vấn đề, chậm đổi mới về tư duy, xơ cứng về phương pháp luận, xa rời thực tế, hay vì những khó khăn khác mà không tiện nói ra, kể cả chuyện “cơm áo gạo tiền” của người làm công tác này… hay, đã đến lúc cần mời gọi sự tham gia vào lĩnh vực này của các KTS đang mải miết hành nghề, đừng quá coi lý luận phê bình kiến trúc là một phạm trù đặc biệt, sang trọng chỉ dành cho các vị mũ cao áo dài. Cũng đừng biến nó thành một tháp ngà, một thánh đường, mà ngồi ở đó chỉ là các GS.TS, các nhà nghiên cứu uyên bác, thông thạo tiếng nước ngoài, chăm chỉ ngày đêm đọc và viết, và rất lúng túng, kiệm lời mỗi khi phải chỉ ra kiến trúc Việt Nam hôm nay là kiến trúc gì hiện đại hay quốc tế, hay là sự hỗn tạp của các loại “rác kiến trúc” phi bản sắc… nhưng lại rất say sưa, hùng hồn cho ra những lời dạy bảo về cách nhận diện hình thái học kiến trúc, về các trường phái kiến trúc từ cổ điển đến tân cổ điển, từ hiện đại đến hậu hiện đại, từ chủ nghĩa kiến trúc thô mộc đến kiến trúc hai tếch, rồi bây giờ là trường phái Kiến trúc xanh, đang được cổ súy trên toàn thế giới, trong giới KTS Việt Nam và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Độ hot của xu hướng này đến độ, không một nhà đầu tư bất động sản nào lại không biết lợi dụng cái mác “kiến trúc xanh” để quảng cáo cho các dự án nhà ở của mình để câu khách, với phần lớn những hình vẽ 3D giả vờ được phát vào giờ vàng trên sóng truyền hình, trên mạng internet hay in màu bắt mắt trên các trang quảng cáo của báo hang ngày và các Tạp chí Bất động sản?!. Sự tham gia của các KTS giỏi, có kinh nghiệm, có thực tâm (trong đó có nhiều KTS trẻ) theo tôi, sẽ đem đến cho lý luận phê bình kiến trúc một luồng gió mới, một tư duy mới, một cách nhìn mới, rất riêng, rất thực tế, thẳng thắn và biết đâu, họ sẽ tạo ra phương pháp luận mới với cái nhìn đa chiều trong lý luận phê bình kiến trúc?!

2. Cuộc sống như dòng sông tha thiết chảy, luôn vận động và biến đổi. Kiến trúc cũng vậy. Phải chăng, bên cạnh những lý luận cơ bản có tính giáo trình, kinh viện về các xu hướng, phong cách, trào lưu kiến trúc đã có từ lâu nay, đòi hỏi phải có một nền lý luận phê bình mới tiếp cận trực diện với thực tế, thấm đẫm hơi thở của cuộc sống. Có thể ví dụ. Sự xuất hiện các khu đô thị mới đã được gần 20 năm, làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bắt đầu từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP HCM), khu đô thị Bắc Linh Đàm (Hà Nội) vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước đến nay cũng đã hơn 20 năm, cũng như Chương trình nhà ở xã hội triển khai được gần 10 năm, nhưng mạnh mẽ nhất là giai đoạn 2010 – 2015 với nguồn vốn hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ với hàng trăm khu nhà ở xã hội từ nhiều tầng (5-7 tầng) đến cao tầng (12 – 20 tầng), xây dựng theo kiểu xen kẽ trên diện tích 20% của các dự án khu đô thị mới theo quy định của Nhà nước, đến các khu nhà ở thu nhập thấp kiểu mẫu như khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội)… , đã góp phần tích cực giải quyết nhu cầu cấp bách có thực của nhân dân, nhất là những người làm công ăn lương, người nghèo, người thu nhập thấp. Mới đây, Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn đầu của Chương trình xây dựng nông thôn mới (2010 – 2015). Qua đó, bên cạnh những thành công to lớn trong phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống của nông dân, nhiều nơi, diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, cũng đã bộc lộ rất nhiều yếu kém làm cản trở, thậm chí làm sai lệch chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân, trong đó quy hoạch xây dựng làng xã, kiến trúc nhà ở, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, làng truyền thống, di sản kiến trúc văn hóa nông thôn đã không thật sự được quan tâm trước sự lấn lướt của quá trình đô thị hóa cưỡng bức, ý thức của con người, hiểm họa do thiên tai, lũ lụt gây ra bởi biến đổi khí hậu và cả sự áp đặt cứng nhắc đến khiên cưỡng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới…. Tất cả rất cần sự vào cuộc của công tác lý luận phê bình kiến trúc để có những tổng kết ở tầm quốc gia (không chỉ là những nghiên cứu nhỏ lẻ, những hội thảo tiêu tốn không ít tiền của nhà nước, cuối cùng, kết quả cũng chỉ xếp vào tủ, hay để phủ đầy bụi không ai để ý), để đánh giá khách quan, khoa học … từ quy hoạch xây dựng, đến kiến trúc công trình, xem nó thuộc xu hướng nào, có bản sắc văn hóa Việt Nam hay không, có phù hợp với địa khí hậu, lối sống của người Việt Nam hay không, và hơn nữa có đóng góp tích cực cho nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững và giàu bản sắc văn hóa như định hướng của Đảng đã chỉ ra hay không…? từ đó rút ra những kết luận, là cơ sở giúp Đảng, Nhà nước điều chỉnh, bổ sung các chính sách, chủ trương phát triển kiến trúc, phát triển đô thị, phát triển nhà ở, phát triển nông thôn… trong thời kỳ mới. Và đó cũng là cơ sở thúc đẩy sáng tạo của KTS, để cho ra đời những tác phẩm kiến trúc phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của nhân dân, của xã hội, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và mang bản sắc văn hóa Việt Nam, chứ không phải là bản sao của người khác.
Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật đặc thù. Đó là nghệ thuật tạo dựng không gian, môi trường sống cho con người. Nghệ thuật kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển của nhân loại, kể từ thủa hồng hoang cho đến thời đại văn minh công nghiệp ngày nay. Là ngành nghệ thuật đặc thù, nên sản phẩm sáng tạo của KTS bị chi phối bởi rất nhiều chủ thể, từ nhà đầu tư (người đặt hàng) cho đến các cấp quản lý chuyên ngành. Mà đầu tiên là chủ đầu tư. Tác động của chủ đầu tư có khả năng làm biến đổi từng phần cho đến toàn bộ công trình, từ công năng đến hình thức.Thậm chí, thực tế hiện nay đã cho thấy, ở thời điểm nào đó, vì lợi ích nào đó, tác động của nhà đầu tư còn làm thay đổi cả một dự án, một quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu đã được duyệt, hoặc xa hơn nữa, nguy hiểm hơn nữa là có khả năng làm sai lệch cả định hướng phát triển Quy hoạch – Kiến trúc Việt Nam?! Nói như vậy để thấy vai trò của lý luận phê bình kiến trúc quan trọng biết dường nào! Nhưng để tiếng nói lý luận phê bình kiến trúc được vang lên đĩnh đạc, tin cậy trong xã hội, trước hết tiếng nói đó phải trung thực, phải được cất lên từ những người làm công tác lý luận phê bình tử tế, có bản lĩnh, có tâm và có tri thức về nghề kiến trúc. Thực tế đã cho thấy, tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác đều có Hội đồng Kiến trúc – quy hoạch, với sự tham gia của nhiều nhà lý luận kiến trúc, KTS có học hàm học vị, để tư vấn chuyên môn cho chính quyền đô thị trước khi phê duyệt xây dựng các dự án quy hoạch, những công trình kiến trúc quan trọng. Thế nhưng, nhiều Hội đồng có vai trò rất mờ nhạt, tiếng nói của thành viên Hội đồng rất yếu ớt trước sức ép của quyền lực và cả những tác động “có mùi” của chủ đầu tư. Thậm chí ở nơi này, nơi kia Hội đồng kiểu này chỉ tồn tại như một hình thức trang trí cho tính dân chủ?!
Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, nhưng nghĩ cho cùng, thị trường kiến trúc hiện nay cũng như một cái chợ với tính cạnh tranh khốc liệt. Ở đó có hàng thật, hàng giả, hàng nhái. Lý luận phê bình kiến trúc phải là người thẩm định, phân biệt cái sự “thật- giả-nhái” đó để thị trường kiến trúc cạnh tranh lành mạnh, trả lại cho kiến trúc những giá trị đích thực, góp phần nâng cao thẩm mỹ kiến trúc cho nhân dân, để kiến trúc dân tộc phát triển bền vững trong trong thời kỳ hội nhập và xu hướng toàn cầu hóa. Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang đó trước hết, được đặt lên vai Bộ Xây dựng, Viện Kiến trúc Quốc gia và các hội nghề nghiệp, trong đó có Hội KTS Việt Nam.

3. Thế giới ngày hôm nay là thế giới phẳng. Một thế giới mà dân tộc này có thể dễ dàng tiếp nhận văn hóa của dân tộc khác. Văn hóa bản địa được tôn vinh, hòa cùng các nền văn hóa của nhân loại. Thế giới phẳng đặt ra cho chúng ta một thách thức lớn, đó là làm thế nào để giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa. Nền kiến trúc Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng, nhưng đã và đang đánh mất bản sắc của mình. Hội nhập quốc tế đem đến cho kiến trúc Việt Nam những cơ hội lớn để phát triển vươn lên cùng kiến trúc các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi KTS Việt Nam một bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, để có khả năng miễn dịch trước những ảnh hưởng tiêu cực của kiến trúc ngoại lai, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, để ứng dụng sáng tạo vào phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và bản sắc.
Để làm được điều đó, không thể thiếu vai trò dẫn dắt, định hướng của lý luận phê bình kiến trúc. Và vì thế, hơn lúc nào hết, công tác lý luận, phê bình kiến trúc rất cần được Bộ Xây dựng, các cấp, các ngành và hội nghề nghiệp quan tâm, chăm sóc từ trong trường đào tạo đến thực tế cuộc sống./.

Phạm Thanh Tùng
Thường trực Ban Thường vụ – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam