.
02/02/2017
Nơi hội tụ kiến trúc thế giới
Vào cuối năm 1994, khi nhận lời quy hoạch khu trung tâm Nam Sài Gòn, kiến trúc sư tài danh bậc nhất Nhật Bản Kenzo Tange tuổi đã gần 90 vẫn muốn đích thân bay đến TP.HCM một lần cho biết.
Theo cụ nói thì ở châu Á chỉ 3 thành phố có tầm quan trọng nổi bật đối với thế giới thôi, đó là Tokyo, Thượng Hải và TP.HCM.
Thời điểm đó, kiến trúc sư Kenzo Tange giở bản đồ ra và chỉ vào Sài Gòn: “Các bạn có thấy không? Sài Gòn chính là ngã ba đường lên bắc xuống nam, qua đông sang tây kể cả đường không và đường biển.
Đây chính là nơi hội tụ, là nơi xuất phát của mọi yếu tố liên quan đến sự phát triển và tồn tại của toàn khu vực rất quan trọng này. Sài Gòn là tâm điểm của một vùng đất đầy tiềm năng phát triển mà cho đến bây giờ vẫn chưa khai phá được bao nhiêu cả!”.
Điểm đến của các kiến trúc sư hàng đầu thế giới
Gần đây, trong một tạp chí kiến trúc nổi tiếng Mỹ Architectural Record (Hồ sơ kiến trúc) đăng một bài dài với hàng tít lớn: Phải chăng Việt Nam là điểm dừng chân mới cho các kiến trúc sư?.
Các kiến trúc sư ở đây thuộc đẳng cấp quốc tế, chủ yếu đến từ phương Tây.
Hiện có khoảng 24 công ty thiết kế lớn các khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu đang có các dự án ở những nước Đông Nam Á, nhiều công ty trong đó có mặt ở Việt Nam và TP.HCM. Nổi tiếng nhất là các công ty thiết kế hàng đầu thế giới, mang tính đa quốc gia như Foster & Partners (Anh); HOK (Hellmuth, Obata & Kassabaun, Mỹ), SOM (Skidmore, Owings & Merrill, Mỹ, từng quy hoạch Nam Sài Gòn từ những năm 1990), Carlos Zapata (Mỹ), gmp Architekten von Gerkan, Mag und Partner (Đức, từng thiết kế Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Tòa nhà Quốc hội ở Hà Nội), Atkins architect & engineer (Anh, từng thiết kế nhiều công trình lớn tại Dubai)… mang tới Việt Nam hàng chục dự án thiết kế quy hoạch quy mô lớn, theo xu hướng hiện đại của thế giới.
Bên cạnh đó, các công ty thiết kế và quy hoạch Mỹ (Sasaki), Nhật Bản (Nikkei Seikkei) lẫn Pháp (Deso) cũng tham gia quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm, khu trung tâm TP.HCM mở rộng.
Ngoài ra, các kiến trúc sư trẻ Việt nổi danh thế giới như Võ Trọng Nghĩa cũng có mặt ở thành phố, đem lại một luồng gió mới cho nền kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường thiên nhiên. Đại học FPT là tòa nhà 11 tầng xây dựng trên khu đất ở quận 9, TP.HCM với số lượng sinh viên theo học 10.000 người, mỗi ca 5.000 người, là một điển hình.
Người đứng đầu công ty thiết kế lớn Carlos Zapata, có trụ sở tại Chicago, Mỹ, là kiến trúc sư Anthony Montalto cho biết: “Việt Nam đang bắt đầu quá trình hội nhập với ngày càng nhiều tòa nhà thiết kế theo kiểu phương Tây. Bởi vì Việt Nam muốn tạo một dấu ấn trên trường quốc tế. Đang có một cơ hội thật sự để chúng ta thử nghiệm những điều mới mẻ”.
Hai trong số các công trình nổi bật của hãng này tại TP.HCM có hình thức khác biệt so với lối kiến trúc thấp và hình khối ở các đô thị của Việt Nam. Đó là Tòa tháp tài chính Bitexco Financial 68 tầng, hoàn thành năm 2010, nổi bật với sân hạ cánh trực thăng nhô cao mà nhìn từ bức tường kính của các tầng cao trông như tấm ván nhún. Tòa tháp được lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh búp sen, thể hiện văn hóa truyền thống của Việt Nam, khát vọng vươn lên của dân tộc.
Một dự án khác đang hình thành cũng đã bước đầu tạo được dấu ấn với quốc tế là The ONE – dự án tòa tháp đôi phức hợp ngay tại vòng xoay Quách Thị Trang. Dự án, với thiết kế độc đáo của Zapata, đã nhận được giải thưởng “Dự án phức hợp có kiến trúc đẹp nhất 2013” do Tổ chức International Property Award trao tặng.
Ngôi nhà Đức Deutsches Haus do công ty thiết kế nổi tiếng Gerkan thiết kế là công trình gần đây nhất đang xuất hiện ở khu vực trung tâm TP.HCM. Công trình đã nhận được giải Bạch kim về kiến trúc xanh quốc tế chuẩn kiến trúc xanh Leed của Mỹ. Trong khi đó, công trình cao nhất Việt Nam sắp xuất hiện là cao ốc Landmark trong khu nhà ở Vinhomes Central Park (khu Tân Cảng cũ), với 81 tầng cao 460 m nằm bên bờ sông Sài Gòn. Công trình này do Công ty Atkins thiết kế.
Giải mã khu trung tâm
Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo TP.HCM mong muốn thành phố sẽ phát triển vượt bậc, giành lại vị thế hàng đầu khu vực như Thượng Hải, các kinh nghiệm bảo tồn và phát triển tại Thượng Hải cần được tham khảo tỉ mỉ và áp dụng có chọn lọc, đặc biệt là tại khu trung tâm hai bờ đông – tây (Thủ Thiêm và quận 1). Trọng tâm nên chú ý đến các vấn đề chiến lược phát triển và quản lý đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc, bảo tồn di sản và xây dựng bản sắc văn hóa đô thị.
Vì vậy, chủ trương mở rộng trung tâm về phía một phần quận Bình Thạnh, quận 4 là rất hợp lý. Bởi khu Ba Son, khu Tân Cảng, khu cảng Sài Gòn được dời đi sẽ dành lại không ít mặt bằng cho trung tâm.
Việc mở rộng trung tâm sang quận 2 – Thủ Thiêm cũng là tất yếu, bởi không có thành phố lớn nào trên thế giới mà không biết tận dụng lợi thế vùng đất của hai bên dòng sông lớn. Xu hướng các thành phố lớn trên thế giới hiện nay, nhất là đối với những khu vực đô thị tập trung cao mà trong chuyên môn gọi là khu vực “đô thị nén”, ngoài những vị trí có ảnh hưởng đến cảnh quan chung hay cảnh quan của những khu vực đặc biệt thì không cần thiết phải quá khắt khe về số tầng cao, mà chỉ nên khống chế “mật độ xây dựng” khoảng dưới 50% để mặt đất có nhiều không gian trống cho cây xanh.
Để có thể thực hiện được những ý tưởng như đã trình bày ở trên, TP.HCM phải có một cơ chế đặc thù nhằm phát huy hết vai trò đầu tàu về kinh tế. Nếu không, TP.HCM sẽ khó có thể trở thành một thành phố trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái/Theo Báo Thanh niên