Các trường phái trùng tu di tích trên thế giới
Hiến chương Aten năm 1932 và hiến chương Venice năm 1964 khẳng định: Trùng tu trước tiên và trên hết là nhằm mục đích bảo tồn di tích.
Xuất hiện khái niệm bảo tồn di tích kiến trúc
Đầu thế kỷ 18 đã xuất hiện khái niệm về bảo tồn di tích kiến trúc mà chủ yếu ở đây là các kiến trúc, phế tích thời cổ đại có các giá trị lịch sử hoặc văn hoá.
Đầu thế kỷ 19 một kiến trúc sư người Ý trùng tu đấu trường cổ đại ở La Mã. Ông không chủ trương khắc phục tình trạng phế tích hoá của các công trình bằng cách khôi phục lại các thành phần đã mất mà xây một bức tường mới chống đỡ cho bức tường cũ khỏi đổ. Đây là dấu hiệu đầu tiên của trường phái: Trùng tu khoa học sau này.
Đầu thế kỷ 19, châu Âu cũng hình thành trường phái lãng mạn trong kiến trúc. Người ta cho xây dựng mới các giáo đường, các lâu đài, các công trình công cộng theo phong cách thời trung cổ mà chủ yếu là phong cách Gôtic. Sự khôi phục, phục dựng các công trình cổ trong thời gian này được hiểu như là sự sao chép các khuôn mẫu của các kiến trúc cổ vào trong các công trình mới. Thời gian này người ta bắt đầu quan tâm đến trùng tu các công trình cổ nhưng không chỉ là tu sửa theo cách hiểu truyền thống mà dựa trên cơ sở nhìn nhận các giá trị lịch sử và nghệ thuật của chúng. Tuy nhiên, trong thời gian này trùng tu vẫn còn mang tính tuỳ tiện, như là việc cải tiến các công trình ở Anh hay việc xây thêm, bổ sung thêm ở Pháp. Trùng tu theo kiểu này có rất nhiều tác hại vì sau đó sẽ không còn các chứng tích gốc mà chỉ còn lại hình ảnh của cái đã biến mất.
Trường phái trùng tu phong cách
Trong thời gian này có nhà trùng tu nổi tiếng mà quan điểm của ông sau này được mệnh danh là trường phái trùng tu phong cách. Ông đưa ra định nghĩa: “Trùng tu ngôi nhà – không có nghĩa là sửa chữa nó, duy trì độ bền của nó, mà là phục hồi nó ở dạng hoàn chỉnh, có thể ở dạng chưa từng tồn tại”. Theo cách hiểu của Violette-le-Duc, trùng tu không chỉ là sự phục hồi nguyên vẹn mà còn là sự thống nhất về phong cách kiến trúc của di tích. Điều này có nghĩa loại bỏ những gì xuất hiện sau ở di tích.
Theo quan điểm của Violette-le-Duc thì vai trò sáng tạo của kiến trúc sư trùng tu và sự nhìn nhận của ông ta được đề cao chứ không đề cao bản thân di tích. Điều này dễ dàng dẫn đến sự mất đi tính nguyên gốc của di tích. Đến cuối thế kỷ 19, người ta nhận thấy việc trùng tu di tích theo sự thống nhất về phong cách chỉ dẫn tới sự xây dựng các công trình mới giống di tích chứ không phải là di tích, đó chỉ là mô hình của di tích với tỷ lệ thật mà thôi.
Về lâu dài người ta hiểu ra rằng, các kiến trúc sư, các nhà trùng tu không thể nào đặt mình hoàn toàn vào các thời đại đã qua, không thể bắt chước các nghệ nhân thời xưa, không thể sống và sáng tạo như các nghệ nhân xưa. Lúc này trước mặt người trùng tu là một tác phẩm nghệ thuật, một công trình kiến trúc của quá khứ, nó có hình thể, mang giá trị đầu tiên là một di tích, một tài sản của quá khứ. Lúc này giá trị lịch sử của các công trình cổ được đặt lên hàng đầu trong công việc trùng tu.
Trường phái trùng tu khảo cổ học
Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 khi ngành khảo cổ học trở thành một ngành khoa học thì việc nghiên cứu trùng tu di tích được nhìn nhận như là một đối tượng khảo cổ học đặc thù, lúc đó người kiến trúc sư trùng tu trong mức độ nào đó là một nhà nghiên cứu, người nắm vững các nguyên tắc mang tính chất phương pháp luận của ngành khảo cổ học.
Trong bối cảnh đó, trường phái trùng tu khảo cổ học ra đời. Nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc người Italia, Gustavo jiovannoni đã đưa ra các quan điểm chủ yếu cho trường phái này, những quan điểm này trở thành cơ sở lý luận cho sự ra đời các hiến chương trùng tu của thế giới sau này.Từ phương diện trùng tu, ông chia di tích thành hai loại : Di tích “sống” là di tích đang hoặc sẽ có thể được sử dụng trong xã hội đương đại, di tích “chết” là di tích không còn khả năng đáp ứng các yêu cầu của đời sống, giá trị của chúng chỉ là các di tích văn hoá. Những phế tích kiến trúc của thời cổ đại và trung cổ đều thuộc loại hình này, ông phân biệt năm hình thức trùng tu: Gia cố, tái định vị, phát lộ, bổ khuyết và phục hồi. Trong đó gia cố được công nhận rộng rãi là nội dung chính của công việc trùng tu.
Theo trường phái này, việc phục hồi khả năng chịu lực của kết cấu không chỉ có thể đạt được bằng các giải pháp truyền thống mà còn bằng ứng dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại. Tái định vị là sự sắp xếp về chổ cũ những thành phần, chi tiết bị dịch chuyển vị trí do sụp đổ hay xây lại, phương pháp này phù hợp với di tích làm bằng đá hoặc gạch, có niên đại xa xưa và ở dạng phế tích hoá. Các hình thức tiếp theo cũng phải được tiến hành một cách thận trọng. Hiến chương Aten 1932 khẳng định: “Không thực hiện việc phục nguyên di tích”
Trường phái trùng tu khảo cổ học đề cao tuyệt đối giá trị lịch sử của di tích, ưu tiên giữ gìn các yếu tố gốc của di tích như những bằng chứng lịch sử đích thực, đặt trọng tâm vào việc sử dụng các giải pháp gia cố và tái định vị là chính; không loại bỏ các thành phần xuất hiện muộn, tao sự khác biệt giữa cái gốc và cái mới, không làm giả di tích và tuyệt đối không đặt vấn đề phục nguyên di tích.
Trùng tu tổng hợp (trùng tu toàn phần)
Sau thế chiến thứ hai, Châu Âu có nhiều công trình cổ bị sụp đổ, xuất hiện nhu cầu trùng tu các công trình để phục vụ các yêu cầu khác nhau, người ta áp dụng các phương pháp của trường phái trùng tu tổng hợp hay còn gọi là trùng tu toàn phần. Nội dung của kiểu trùng tu này bao gồm: bảo quản, gia cố, tu bổ, phục hồi từng phần, tôn tạo, thích nghi. Cách trùng tu này chỉ áp dụng cho những di tích còn khá nguyên vẹn, các di tích “sống”, hay các di tích bị phá huỷ hoàn toàn cần phục hồi cho các nhu cầu nào đó khi có đầy đủ các cơ sở khoa học để làm viêc này. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dù là trùng tu tuân thủ bài bản nhất thì di tích sau phục hồi vẫn có ấn tượng về sự làm giả và độ tin cậy suy giảm.
Trùng tu di tích là một khoa học, đòi hỏi phải có những nỗ lực rất lớn, hiểu phần nào công việc này để chúng ta có những ứng xử đúng mực, nâng cao ý thức bảo tồn và vận động mọi người giữ gìn di tích.
Theo Lê Xuân Tiến