Nghiên cứu quy hoạch xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030
Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) đang phối hợp với nhóm chuyên gia quốc tế 3POCKD để nghiên cứu quy hoạch xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.
Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong 120 công viên địa chất toàn cầu của 33 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, trong đó một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống kết cấu hạ tầng còn yếu kém, cơ sở vật chất phục vụ du lịch cũng chưa được đầu tư tương xứng. Để sớm khắc phục những hạn chế này, hiện Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) đang phối hợp với nhóm chuyên gia quốc tế 3POCKD để nghiên cứu quy hoạch xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.
Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang (Ảnh: Internet)
Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung là vùng đất địa đầu Tổ quốc, có ý nghĩa địa chính trị quan trọng của quốc gia.
Ngày 03/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đến ngày 23/9/2014, Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO tái công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030, quyết định định hướng phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn thành Khu du lịch quốc gia, đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó phát triển kinh tế – xã hội.
Thực hiện theo Quyết định này, Bộ Xây dựng giao Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030 và đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 30/05/2014, về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030.
Phạm vi và quy mô nghiên cứu
Sơ đồ phạm vi nghiên cứu.
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang, diện tích khoảng 232.605 ha, với 17 dân tộc sinh sống, trong đó người H’Mông chiếm đa số. Ranh giới được xác định như sau: Phía Bắc giáp Trung Quốc; phía Nam giáp huyện Bắc Mê của tỉnh Hà Giang, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng); phía Đông giáp Trung Quốc; phía Tây giáp huyện Vị Xuyên.
Một số nội dung quy hoạch
Mô hình quy hoạch chung xây dựng các đô thị – trung tâm du lịch của tỉnh Hà Giang.
Quy hoạch phát triển không gian du lịch phân thành 6 vùng cụ thể. Vùng I – Vùng bảo tồn di sản địa chất. Vùng II – Vùng bảo tồn thiên nhiên và đa dang sinh học: Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già, Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn. Vùng III – Vùng phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên: Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Quản Bạ, Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Chí Sán. Vùng IV – Vùng bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng gắn với các hoạt động dân sinh kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Vùng V – Vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh: Khu bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng, Khu bảo vệ cảnh quan Cột cờ Lũng Cú, Khu vực xã Cán Tỷ (huyện Quản Bạ), Khu vực xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn). Vùng VI – Vùng phát triển đô thị – Trung tâm du lịch: Khu vực thị trấn Tam Sơn – Trung tâm du lịch vui chơi giải trí; Khu vực thị xã Yên Minh – Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với Trung tâm dược liệu, chăm sóc sức khỏe, Khu vực thị trấn Đồng Văn – Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử; Khu vực thị trấn Mèo Vạc – Trung tâm du lịch khoa học, kết hợp với các khu vực khác trong huyện là khu vực xã Pả Vi, Pải Lủng, Xín Cái để trở thành trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm, thương mại cửa khẩu.
Ngoài ra, nghiên cứu còn đề cập đến các khu vực quy hoạch như: Vùng VII – Vùng nguyên liệu nông, lâm sản gắn với chế biến công nghệ cao; Vùng VIII – Vùng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn; Vùng IX – Vùng phát triển dược liệu chất lượng cao; Vùng X – Các vùng khác… Cùng với đó là việc định hướng phát triển các công viên chuyên đề: Công viên địa sinh học, Công viên khoa học địa chất, Công viên địa văn hóa, lịch sử…
Nghiên cứu cũng đề cập đến Quy hoạch chung xây dựng các đô thị – trung tâm du lịch như: Thị trấn Đồng Văn được quy hoạch thành trung tâm du lịch văn hóa lịch sử; thị trấn Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu; còn thị trấn Yên Minh là trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh và thị trấn Tam Sơn là trung tâm du lịch, vui chơi giái trí.
Theo nhóm nghiên cứu, các nội dung trên đây được thực hiện trong mối liên kết phát triển kinh tế – xã hội với vùng trung du và miền núi Bắc bộ để đưa ra các giải pháp quy hoạch xây dựng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phân vùng bảo tồn và phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là du lịch, cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Các nhà chuyên môn cũng nhận định, quy hoạch phải làm sao để Cao nguyên đá Đồng Văn đủ sức hấp dẫn khách du lịch đến và quay trở lại. Muốn vậy, cần phải có hạ tầng phục vụ du lịch tốt và Cao nguyên đá Đồng Văn phải trở thành một Công viên địa chất đặc thù không chỉ của khu vực mà trên phạm vi thế giới.
Nghiên cứu đang tiếp tục được hoàn thiện và chờ các cấp có thẩm quyền cho ý kiến chính thức.
Đỗ Đông/Báo Xây dựng