Xây dựng tiêu chí cho mô hình “Làng đô thị xanh”
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Để xây dựng hệ thống tiêu chí quy hoạch đô thị Xanh và xây dựng các làng đô thị Xanh tại Đà Lạt, cần dựa trên những điều kiện cụ thể của Đà Lạt về tự nhiên, khí hậu, văn hóa truyền thống và kinh tế – xã hội cũng như đồ án quy hoạch chung đã được phê duyệt. Mặt khác cần tham khảo bản Tuyên ngôn về Thành phố Xanh do UNEP (Chương trình môi trường Liên hiệp quốc khởi xướng) kêu gọi, các Nguyên tắc thiết kế sinh thái và nội dung hệ thống tiêu chí của một số hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ Công trình Xanh trên thế giới và Việt Nam (như LEED, Green Mark, LOTUS, tiêu chí Kiến trúc Xanh của HKTSVN…).
Đà Lạt, thành phố cao nguyên Lâm Viên, đang là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, một thành phố nổi tiếng với hồ, thác nước, vườn hoa tự nhiên và rừng thông. Quy hoạch thành phố và cảnh quan, điều kiện tự nhiên đặc thù của Đà Lạt đã khiến Đà Lạt đang trở thành một thành phố du lịch đặc trưng về rừng, hoa và khí hậu, về kiến trúc hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên. Về điều kiện khí hậu ôn đới trong vùng nhiệt đới, và về sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Đông –Tây.
Việc xây dựng hệ thống tiêu chí đô thị Xanh và mô hình các làng đô thị Xanh tại Đà Lạt là rất cần thiết, để quy hoạch, quản lý cải tạo chỉnh trang và xây dựng mới phát triển TP Đà Lạt theo định hướng TP Xanh, dựa trên cơ sở đồ án quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt theo QĐ 704/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ năm 2014.
Qua nghiên cứu tài liệu quy hoạch của TP Đà Lạt và dự thảo tiêu chí mô hình “Làng đô thị Xanh” do Sở Xây dựng Lâm Đồng đề xuất, về tổng thể cần tập trung làm rõ một số nội dung cụ thể sau:
Để xây dựng hệ thống tiêu chí quy hoạch đô thị Xanh và xây dựng các Làng đô thị Xanh tại Đà Lạt, cần dựa trên những điều kiện cụ thể của Đà Lạt về tự nhiên, khí hậu, văn hóa truyền thống và kinh tế – xã hội cũng như đồ án quy hoạch chung đã được phê duyệt. Mặt khác cần tham khảo bản Tuyên ngôn về Thành phố Xanh do UNEP (Chương trình môi trường Liên hiệp quốc khởi xướng) kêu gọi, các Nguyên tắc thiết kế sinh thái và nội dung hệ thống tiêu chí của một số hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ Công trình Xanh trên thế giới và Việt Nam (như LEED, Green Mark, LOTUS, tiêu chí Kiến trúc Xanh của HKTSVN…).
TUYÊN NGÔN VỀ THÀNH PHỐ XANH CỦA UNEP
Năm 2005 chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã công bố Tuyên ngôn về Thành phố xanh dành cho các Thị trưởng của tất cả các thành phố trên thế giới để cùng cam kết sẽ cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững về sinh thái, hoà hợp về mặt xã hội và vững chắc về kinh tế cho các thành phố. Kèm với Bản tuyên bố là Quy ước về môi trường với các quy định trong sử dụng:
Năng lượng (tăng cường việc sử dụng năng lượng tái sinh và giảm 10% lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm. Đồng thời có kế hoạch giảm hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn thành phố).
Chất thải (có các chương trình tái chế rác và sản xuất phân bón vi sinh với mục đích giảm 20% lượng rác thải cần chôn lấp và tiêu huỷ trên một đầu người).
Giao thông (mở rộng mạng lưới vận tải công cộng sao cho có khả năng phục vụ tới tất cả các khu dân cư trong đô thị ở bán kính 0,5km, loại bỏ nhiên liệu có pha chì, giảm phương tiện giao thông cá nhân…).
Cung cấp nước sạch (tăng cường sự tiếp cận sử dụng nước sạch cho nhân dân, thực thi các biện pháp để đẩy mạnh sử dụng nước tái chế).
Thoát nước (có các quy chế quản lý nước thải, không để úng ngập trong đô thị và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước).
Thiết kế đô thị Xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn đánh giá mức độ xanh áp dụng cho tất cả các công trình mới xây dựng trên địa bàn, trong thành phố tăng cường những đơn vị ở đa năng, thuận tiện cho người đi bộ và xe đạp, dễ tiếp cận đối với người tàn tật, có khả năng phối hợp giữa sử dụng đất và giao thông với các hệ thống không gian mở giúp cho quá trình nghỉ ngơi giải trí và phục hồi hệ sinh thái.
Đảm bảo mỗi khu dân cư có một công viên hoặc khu giải trí trong bán kính 0,5km vào năm 2015. Về mặt sinh thái đưa ra yêu cầu về trồng mới cây xanh và duy trì diện tích cây xanh được che phủ với tối thiểu 50% diện tích vỉa hè hiện có. Có các luật lệ để bảo vệ những hành lang sinh thái quan trọng hoặc những đặc điểm sinh thái chủ chốt như nguồn nước ngầm, cây lương thực, nơi cư trú của động vật hoang dã…
Các hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ Công trình Xanh trên thế giới hiện hành đều tập trung vào một số tiêu chí quan trọng như: Địa điểm bền vững, sử dụng năng lượng, nước tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo chất lượng môi trường trong nhà và bên ngoài công trình.. từ đó những kiến nghị đề xuất sau
ĐỀ XUẤT CÁC TIÊU CHÍ ĐÔ THỊ XANH CHO TP ĐÀ LẠT
Hiện nay chưa có tiêu chuẩn quốc gia cũng như hệ thống tiêu chí đánh giá đô thị Xanh tại Việt Nam. Căn cứ tuyên ngôn Thành phố xanh của UNEP cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế và một số tài liệu đã được công bố trên các tạp chí chuyên môn ở trong nước và trên thế giới, bộ tiêu chí cơ bản của một đô thị xanh phục vụ cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển TP Đà Lạt:
Quy hoạch sử dụng đất đô thị hợp lý và bảo đảm không gian xanh cần thiết
Quy hoạch đô thị xanh phải tôn trọng hệ sinh thái tự nhiên của đô thị, tạo ra các không gian xanh và không gian mặt nước sao cho người dân đô thị, khách vãng lai, khách du lịch khi đi trên các đường phố không bị mảng bê tông che chắn, có thể nhìn lên thấy bầu trời trong xanh, mặt nước trong xanh và tiếp cận các công viên theo bán kính phục vụ ngắn nhất.
Đà Lạt đang là thành phố du lịch với nhiều diện tích cây xanh và vườn hoa. Cần tập trung bảo tồn và mở rộng diện tích công viên và mặt nước, đáp ứng qui định của các quy chuẩn quốc gia. Chỉ tiêu đất cây xanh và mặt nước cần 50% đất đô thị.
Hệ thống cây xanh độ thị làm tăng thẩm mỹ cảnh quan đô thị, tạo ra cảm giác êm dịu về mầu sắc và môi trường khí hậu đô thị, tôn cao giá trị thẩm mỹ của các công trình kiến trúc, các đài kỷ niệm, các danh lam, thắng cảnh. Các khu chức năng đô thị và các công trình xây dựng cần tuân thủ các quy định về mật độ xây dựng và hiệu quả sử dụng đất.
Công trình kiến trúc xanh
Các công trình kiến trúc đô thị cần được xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang theo định hướng Công trình Xanh, Kiến trúc Xanh.
Đó là công việc Xanh hoá công trình bao gồm cây xanh, thảm cỏ phủ mặt đất, cây xanh trên bề mặt công trình, cây xanh trong công trình, đa dạng sinh học sân trong, sân thượng và tầng lửng công trình, chống chói loá từ mặt kính…
Tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong bố cục không gian kiến trúc công trình, trong thiết kế kết cấu bao che (cách nhiệt, che nắng, vật liệu xây dựng), tận dụng ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên, tiết kiệm năng lượng đối với hệ thống điều hoà không khí và hệ thống chiếu sáng nhân tạo, làm mát nhà. khai thác sử dụng năng lượng tái tạo (như pin mặt trời cấp điện, năng lượng gió, đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời).
Tiết kiệm nguồn nước, tiêu thụ nước có hiệu quả, tái sử dụng nước thải làm nước rửa vệ sinh và tưới cây, lưu trữ và sử dụng nước mưa.
Chất thải từ quá trình vận hành công trình ra môi trường xung quanh ít nhất, giảm thiểu các nguồn thải của công trình (khí thải, nước thải, chất thải rắn).
Đảm bảo chất lượng môi trường không khí trong nhà trong sạch, hệ số trao đổi không khí tươi mát đạt yêu cầu vệ sinh; không bị ồn rung; Bề mặt trong nhà không bị đọng sương, ngưng tự ẩm, vật liệu không bị ẩm mốc; hệ thống công trình vệ sinh hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn môi trường, bảo đảm sức khoẻ và tiện nghi.
Giao thông đô thị xanh
Quy hoạch không gian đô thị hợp lý: (Bố trí khu ở, khu làm việc, khu trung tâm dịch vụ – thương mại, khu nghỉ ngơi giải trí, các trường học, các bệnh viện…) để giảm bớt nhu cầu đi lại của người dân.
Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải thoả mãn nhu cầu giao thông đi lại của người dân. Có 3 chỉ tiêu quan trọng: (1) Tỷ lệ tổng diện tích giao thông trên tổng diện tích của đô thị; ở các đô thị hiện đại trên thế giới tỷ lệ này là 15 – 25%; (2) Tỷ lệ diện tích đất dành cho các bãi đỗ xe; hiện nay diện tích bãi đỗ xe của Hà Nội chỉ chiếm khoảng 0,3% diện tích đất xây dựng, trong khi ở các thành phố phát triển trên thế giới diện tích đất cho các bãi đỗ xe chiếm tới 3 – 6%; (3) Tỷ lệ tổng chiều dài đường km trên 1km2 diện tích đô thị, ở nội thành Hà Nội chỉ đạt 3,89km/km2, ở nội thành TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 3,88km/km2.
Chỉ có phát triển giao thông công cộng (trên 40% nhu cầu đi lại) mới đạt chỉ tiêu giao thông đô thị xanh. Tạo điều kiện cho người dân đô thị đi bộ và đi xe đạp. Nếu đi bằng xe đạp và đi bộ thì không phát thải chất thải ô nhiễm không khí; nếu đi bằng xe máy, xe ô tô con thì sẽ phát sinh chất thải ô nhiễm không khí tính trên đầu người sẽ gấp 15 – 20 lần so với đi bằng xe bus.
Thắt chặt dần thực thi các tiêu chuẩn môi trường có liên quan về tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh: Các tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh đã được áp dụng ở nhiều nước Châu Á từ những năm của thập niên 90 thế kỷ trước, còn ở nước ta mãi đến năm 2005 mới ban hành tiêu chuẩn tương tự. Về tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô nhiều nước Châu Á đã áp dụng tiêu chuẩn EURO2 trước năm 2000, ở nước ta quy định áp dụng từ 2007 cũng chủ yếu đối với xe mới, còn đối với xe đang hoạt động thì chưa bắt buộc.
Xây dựng hệ thống các trạm kiểm tra nguồn thải của xe và trạm bảo dưỡng sửa chữa xe. Thực hiện thu phí khí thải giao thông và khuyến khích giảm khí thải giao thông.
Công nghiệp xanh
Các cơ sở sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp trong đô thị cần áp dụng hoặc cải tạo để chuyển đổi sang công nghệ sản xuất sạch và sạch hơn: Sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu tiết kiệm có hiệu quả cao, phát sinh chất thải ít nhất, sản xuất ra các sản phẩm nhiều nhất. Phát triển công nghiệp phát thải carbon thấp; Thực hiện chu trình tái sử dụng, tái chế chất thải trong ngành sản xuất công nghiệp để giảm thiểu chất thải thải ra môi trường; Sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng từ đốt nhiên liệu hoá thạch.
Hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải (nước thải, chất thải rắn, khí thải): Quản lý chất thải rắn cần bảo đảm 100% chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại phát sinh trong đô thị được thu gom, phân loại, vận chuyển an toàn, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải đúng kỹ thuật an toàn vệ sinh môi trường; Mở rộng và hoàn thiện nhà máy xử lý, tái chế rác thải tại Xuân Trường Đà Lạt. Định hướng đầu tư lò đốt rác công suất 300T/ ngày chuyển hóa năng lượng để hạn chế tối đa rác thải phải chôn lấp; Quản lý tốt hệ thống thoát nước mặt, hệ thống thoát nước thải đô thị. Xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải sinh hoạt để sử dụng cho rửa xe, rửa đường, tưới cây…; Vệ sinh đường phố luôn luôn sạch: Đường phố, vỉa hè của đô thị sinh thái thường xuyên được giữ gìn vệ sinh, quét dọn sạch sẽ, trong các ngày nắng nóng hanh khô được tưới nước rửa đường sạch sẽ.
Bảo tồn các di sản kiến trúc, di sản đô thị và truyền thống văn hóa địa phương
Thực hiện chính sách, cơ chế và giải pháp cụ thể bảo tồn các di sản kiến trúc, di sản đô thị và các truyền thống văn hóa, lịch sử tại địa phương.
Tiêu chí xây dựng mô hình thí điểm Làng đô thị Xanh
Sở Xây dựng Lâm Đồng đã dự thảo bộ tiêu chí làm cơ sở chọn địa điểm và xây dựng thí điểm mô hình “Làng đô thị Xanh” tại TP Đà Lạt. Theo đề xuất của Sở Xây dựng, theo bộ tiêu chí gồm 6 tiêu chí đã bám sát yêu cầu của một khu dân cư Xanh, khu dân cư Sinh thái. Cần đóng góp thêm nhằm hoàn thiện bộ tiêu chí này.
Địa điểm và quy hoạch xây dựng bền vững: Trong tiêu chí này nên bổ sung thêm địa điểm xây dựng và quy hoach chi tiết đảm bảo không phá vỡ hệ sinh thái và điều kiện địa hình tự nhiên, sử dụng đất hiệu quả. Mật độ xây dựng gộp 20%, Mật độ cây xanh 50%. Quy hoạch công viên và vườn hoa tại trung tâm làng đô thị. Đảm bảo quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu và đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Sử dụng năng lượng, nước tiết kiệm, hiệu quả : Các công trình xây dựng được thiết kế theo tiêu chí công trình Xanh (phù hợp với điều kiện khí hậu, đáp ứng tiêu chí về tiết kiệm năng lượng và nước sạch theo tiêu chí của công trình Xanh). Chiều cao tầng của các công trình kiến trúc từ 2 đến 5 tầng. Trong làng sử dụng năng lượng tái tạo (Năng lượng mặt trời, sinh khối biogas, địa nhiệt…), chiếm khoảng 30% năng lượng tiêu dùng.
Đảm bảo hệ thông thu gom nước mưa, có hệ thông tái sử dụng nước mưa, nước thải sinh hoạt.
Chất lượng môi trường sống của cư dân: Đảm bảo chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan. Quy hoạch và kiến trúc tổng thể làng và các công trình nhà ở theo nguyên tắc sinh thái và giữ bản sắc truyền thống của địa phương.
Hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo đấu nối với hệ thống đô thị, đảm bảo tiện nghi công cộng và chất lượng sống của cư dân.
Đảm bảo chất lượng môi trường bên trong nhà (tiện nghi vi khí hậu và chất lượng không khí trong nhà).
Đảm bảo vệ sinh môi trường của toàn bộ khu làng đô thị.
Giao thông và kinh tế Xanh: Hệ thống giao thông trong làng chủ trọng chủ yếu giao thông công cộng bằng xe bus và xe đạp. Đảm bảo các chỉ tiêu về đất cho đường giao thông và bãi đỗ xe. Quy hoạch hợp lý các bến bãi đợi xe và đường đi bộ trong khu vực.
Các công trình dịch vụ và sản xuất nhỏ (công nghiệp hoặc thủ công nghiệp) đều được chuyển đổi công nghệ hoặc áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
Triển khai phân loại rác tại nguồn, có hệ thống thu gom chất thải rắn, hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt được tách riêng và quy hoạch đồng bộ.
Có các công trình xử lý nước thải cục bộ, có hồ điều hòa chứa nước mưa.
Đảm bảo tính nhân văn và bản sắc địa phương: Mô hình làng đô thị Đà Lạt cần khai thác những đặc trưng của quy hoạch làng truyền thống Việt Nam, truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể của Lâm đồng. Trong quy hoạch khu nhà ở cũng như khu trung tâm của làng cần dành các không gian thích đáng cho giao lưu cộng đồng.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống tiêu chí đô thị Xanh và mô hình “Làng đô thị xanh” ở TP Đà Lạt bài bản và đồng bộ, làm rõ hơn các vấn đề chi tiết trong từng nội dung cụ thể. Hy vọng đề án Mô hình làng đô thị tại Đà Lạt sớm được thử nghiệm để tạo nên TP Đà Lạt xanh hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn với hình ảnh và không gian một thành phố hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc riêng biệt và nên thơ./.
GS TS Nguyễn Hữu Dũng
Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam
PCT Hội đồng Xây dựng Xanh Việt Nam
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM