Phát triển khu trung tâm hiện hữu mở rộng qua góc nhìn chuyên gia
Định vị Phát triển dựa trên lợi thế cạnh tranh cho khu trung tâm hiện hữu TP HCM
KTS Nguyễn Đỗ Dũng
Một trong những bản quy hoạch tốt nhất từng được thực hiện trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam là quy hoạch thành phố Sài Gòn được người Pháp thực hiện từ cuối thế kỷ 19 và hoàn thiện vào đầu thế kỷ 20. Dù chỉ được quy hoạch cho một quy mô dân số nhỏ, cỡ 500.000 người, và tới giờ là trung tâm của một đại đô thị 10 triệu người, bản quy hoạch với cấu trúc ô bàn cờ từ đầu thế kỷ trước vẫn cho thấy khả năng chấp nhận sự gia tăng mật độ dân số và các hoạt động kinh tế, tạo ra các địa chỉ thương mại trứ danh như Đồng Khởi hay Lê Lợi, những đại lộ lớn nhưng vẫn thân thiện với con người như Nguyễn Huệ và Lê Duẩn và những khoảng xanh vô giá trong một đô thị mật độ cao như công viên 30/4 và công viên 23/9. Những yếu tố này cho phép tạo ra một sự tập trung cần thiết của các hoạt động kinh tế – xã hội để tạo thành một CBD (Central Business District – Khu trung tâm thương mại) hiện đại xen kẽ bởi những công trình di sản và không gian văn hóa.
Cấu trúc đô thị thường không được nhìn nhận đầy đủ về tầm quan trọng của nó đối với phát triển đô thị bởi cần một khoảng dài thời gian để kiểm nghiệm khả năng đáp ứng các nhu cầu phát triển. Thêm nữa, nhiều trong số các nhu cầu này lại thường không được hiểu thấu đáo bởi các nhà quy hoạch như khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư văn phòng (vốn ngày càng đòi hỏi diện tích sàn lớn hơn), khả năng hỗ trợ các hoạt động bán lẻ hay năng lực điều tiết giao thông. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch của Sài Gòn, nhất là Đại lộ Đông – Tây, đi qua cho khu trung tâm và giúp cho khu vực này có khả năng kết nối vùng tốt hơn.
Một yếu tố không thể bỏ qua trong sự phát triển của khu trung tâm hiện hữu của TP HCM, là vai trò của Thủ Thiêm. Đối diện với trung tâm hiện hữu và ngăn cách bởi dòng sông Sài Gòn, tuy tốc độ phát triển đô thị còn chậm nhưng Thủ Thiêm trở thành ‘của đề dành’ để TP HCM có thể phát triển một trung tâm tài chính – thương mại hiện đại. Sự khởi động của Thủ Thiêm trong những năm vừa qua đặt ra một loạt câu hỏi về vai trò và mục tiêu phát triển cho khu trung tâm hiện hữu của thành phố:
Trung tâm hiện hữu đóng vai trò nào trong bức tranh phát triển chung của khu vực trung tâm thành phố (bao gồm Quận 1 và Thủ Thiêm).
Với vai trò này thì diện tích văn phòng – thương mại nên giữ ở quy mô nào và phát triển như thế nào.
Từ một số hướng đi từ kinh nghiệm làm việc quốc tế, có thể đề xuất định hướng phát triển khu trung tâm hiện hữu TP.HCM như sau:
– Với hệ thống hạ tầng hiện đại, không gian xanh rộng lớn và cách xa đô thị cũ, Thủ Thiêm có đủ điều kiện để thu hút các dự án có diện tích sàn lớn, hệ số sử dụng đất cao để tạo ra một địa chỉ cho doanh nghiệp lớn trong thế kỷ 21. Ngược lại, trung tâm hiện hữu nên tập trung vào các dự án có quy mô nhỏ và trung bình để: 1/ giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng cũ; 2/ không phá hủy hoàn toàn cấu trúc ‘mịn’ (fine grain) của đô thị truyền thống; và 3/ tạo ra sự hài hòa giữa các công trình mới và cũ về cả quy mô và tính tương tác với đường phố.
– Khu vực giữa đường Hàm Nghi và Đại lộ Đông – Tây, vốn không có nhiều công trình lịch sử, là khu vực khuyến khích tái phát triển nhằm khai thác sự tập trung của các ngân hàng tại khu vực, kết nối tốt với Thủ Thiêm và tầm nhìn ra mặt sông Bến Nghé.
– Cho phép (thậm chí khuyến khích) sự tồn tại của các công trình nhà phố nằm trong lõi các ô phố trong CBD. Những công trình nhỏ này là một phần quan trọng của hệ sinh thái thương mại cho khu trung tâm hiện hữu bởi chúng cung cấp diện tích thương mại, văn phòng và khách sạn giá rẻ cho nền kinh tế. Công nghệ mới dựa vào tốc độ kết nối internet cũng như khả năng tính toán của các bộ vi xử lý đã mở ra một nền kinh tế mới trong đó các công ty khởi nghiệp có sức sáng tạo lớn và có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường toàn cầu. Do đó các thành phố lớn trên thế giới đều cố gắng cung cấp chỗ thuê rẻ để giúp các công ty khởi nghiệp phôi thai. Các khu nhà phố còn có thể là cái nôi cho không gian sáng tạo phi công nghệ như nghệ thuật thị giác, ẩm thực, giáo dục, v.v… những yếu tố cho một đô thị hấp dẫn hơn để sống và do đó có tính cạnh tranh cao.
Về mặt giao thông, phần lớn các tuyến giao thông trọng yếu nhất kết nối liên vùng đi qua khu trung tâm đều có hướng Đông Bắc – Tây Nam như đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Thị Minh Khai. Trong khi đó các tuyến Tây Bắc – Đông Nam như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Pasteur đều có lượng giao thông giảm xuống khi tiến gần tới phía bờ sông. Với việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng qua trung tâm thành phố, chúng ta có một cơ hội tuyệt vời để chuyển đổi những tuyến đường có hướng Tây Bắc – Đông Nam, vốn kết nối thành phố với sông Sài Gòn, thành những con đường thân thiện hơn với người đi bộ hơn như thành phố đã triển khai trên Đại lộ Nguyễn Huệ. Chuyển đổi này sẽ giúp kết nối tốt hơn không chỉ giữa thành phố cũ với các hệ thống tàu điện, với dòng sông mà cả với thành phố mới vốn nằm ở bên kia bờ sông Sài Gòn.
Ý tưởng bao trùm những đề xuất sơ bộ ở trên là việc đưa ra một định vị (positioning) phát triển rõ ràng và dựa trên lợi thế cạnh tranh của một khu vực lịch sử, độc đáo về văn hóa nhưng có giới hạn về năng lực hạ tầng. Thay vì cạnh tranh với một đô thị mới có lợi thế hạ tầng như Thủ Thiêm về việc xây dựng những tòa nhà hoành tráng cho các ngân hàng và các tập đoàn khổng lồ, khu trung tâm hiện hữu của TP HCM có thể là điểm đến cho những công ty nhỏ hơn hoặc những doanh nghiệp sáng tạo vốn cần mối liên hệ với không gian văn hóa. Nếu đó là định hướng cho khu trung tâm hiện hữu, bảo tồn di sản và thiết kế đô thị thân thiện với con người có một vai trò quan trọng để tạo ra một đô thị có thương hiệu và có tính cạnh tranh cao./.
Bảo tồn quỹ di sản quý giá khu trung tâm hiện hữu TP. HCM trước những thách thức & áp lực dồn nén
TS.Kts. Lê Văn Năm – Nguyên Kiến trúc sư Trưởng, Chủ tịch Hội Kts. TP.HCM
Trung tâm hiện hữu TP.HCM với quá trình phát triển hơn 300 năm là nơi hội tụ rất nhiều thành quả của quá trình lao động, sáng tạo của các thế hệ người dân Thành phố, được kết tinh trong nhiều di sản về kiến trúc và cảnh quan đô thị. Trong quá trình hội nhập và phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ những năm gần đây, khu trung tâm đã và đang đứng trước nhiều thời cơ xen lẫn những thách thức to lớn, nhiều áp lực đang dồn ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng yếu ớt, lên những di sản kiến trúc cảnh quan quý giá của Thành phố.
Nhận thức được những thách thức đó, công tác quy hoạch và kiến trúc đã có những nỗ lực nhất định để định hướng cho sự phát triển hài hoà của khu trung tâm, gìn giữ được những giá trị đã tạo nên bản sắc của Thành phố, đồng thời thu hút được đầu tư vào các dự án chỉnh trang và phát triển khu trung tâm Thành phố.
Thành công đầu tiên là việc xác lập được mô hình phát triển đa trung tâm trong quy hoạch chung thành phố. Trên cơ sở đó, đã phát triển một số trung tâm đa chức năng lớn cùng nhiều trung tâm chuyên ngành khác nhau, đã tạo điều kiện cho sự phát triển mở rộng phạm vi và quy mô đô thị, giảm áp lực phát triển cho khu Trung tâm hiện hữu. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm Thành phố với quy mô hơn 800ha, được Thủ Tướng Chính Phủ xem xét và Bộ Xây Dựng phê duyệt năm 1994, lập quy hoạch 1/500 khu trung tâm đồng thời kết hợp nghiên cứu bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị, đặc biệt là khu trung tâm hiện hữu. Đã xác định bảo tồn hơn 350 công trình và đường phố có giá trị nghệ thuật kiến trúc cùng với quy chế quản lý và hiện đang tiếp tục rà soát để đề xuất tiếp các công trình có giá trị cần quan tâm, bảo tồn.
Sau khi điều chỉnh quy hoạch chung tầm nhìn đến 2025, Thành phố đã mở rộng phạm vi khu trung tâm lên 930ha (thêm một phần quận 4 và Bình Thạnh). Năm 2008, Thành phố đã tổ chức cuộc thi quốc tế thiết kế quy hoạch khu trung tâm hiện hữu rất bài bản, khoa học. Tổ chức lập thành quy hoạch chi tiết cho khu vực 930ha cùng với quy chế quản lý cụ thể.
Nhiều cao ốc mới tại những vị trí hợp lý đã tạo cảnh quan hài hòa cho khu vực trung tâm. Quảng trường tượng Bác Hồ cùng với không gian đi bộ đường Nguyễn Huệ đã thực sự trở thành những mốc son của trung tâm Thành phố. Ý đồ phát triển bờ Đông (có Thủ Thiêm) và bờ Tây (có quân cảng cũ, Bason, công viên Bạch Đằng qua bến Nhà Rồng (chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh) kéo sang cảng Sài Gòn đã được tính toán và đang xây dựng, tạo thêm không gian mới – cũ hài hòa với cảnh quan sông Sài Gòn.
Một số ô phố cũ thuộc tam giác trung tâm (Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Đồng Khởi) đã có nhiều biến đổi phù hợp với yêu cầu chỉnh trang và phát triển đô thị, có thêm nhiều không gian công cộng tiện ích, sầm uất, khá hấp dẫn cho người đi bộ, làm cho khu trung tâm thành phố ngày càng hiện đại và mang đậm bản sắc riêng biệt của đô thị TP HCM. Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn trong quá trình phát triển của thành phố nói chung và khu trung tâm nói riêng, để hướng đến sự phát triển bền vững của khu vực này, một số yêu cầu cơ bản đặt ra là :
Giữ gìn và phát huy cảnh quan sông nước đăc trưng của Thành phố, khai thác lợi thế đó để tổ chức các không gian công cộng, cây xanh công viên kết hợp các hoạt động du lịch, dịch vụ theo sông nước.
Bảo tồn và tôn tạo các giá trị di sản về kiến trúc và cảnh quan đô thị đã hình thành trong quá trình lịch sử phát triển của thành phố với tính đa dạng , phản ánh quá trình hội nhập đa văn hóa của đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP HCM.
Thúc đẩy hơn nữa tiến độ xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng khu trung tâm hiện hữu, nhất là giao thông công cộng, thoát nước…để đáp ứng cho sự phát triển bền vững.
Tiếp tục triển khai các dự án nâng cấp đồng bộ các ô phố cũ kết hợp bổ sung không gian xanh, vườn hoa, vỉa hè cho người đi bộ.
Tổ chức hệ thống các tuyến đi bộ kết hợp khai thác thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, tổ chức các quảng trường vườn hoa lớn có tính chất trung tâm của Thành phố. Nhanh chóng nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hệ thống các tượng đài trong khu trung tâm.
Tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng các công trình văn hóa lớn trong khu trung tâm như nhà hát, viện bảo tàng, thư viện, câu lạc bộ…
Kết hợp bảo tồn chỉnh trang và phát triển điểm, diện, tuyến đối với khu vực và công trình giá trị lịch sử có nghệ thuật kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Trùng tu, bảo tồn các công trình di tích điểm nhấn có giá trị đã thực hiện thành công trước đây như Trụ sở UBND.TP (tòa nhà đô chính cũ), Bưu điện và Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà… Chính trong kiến trúc cảnh quan kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Bến Nghé, thuộc khu trung tâm hiện hữu../.
Cần ban hành quy chế quản lý khu trung tâm hiện hữu TP. HCM
KTS Khương Văn Mười – Nguyên Chủ tịch hội KTS TP. Hồ Chí Minh
Tương tự như các đô thị khác, TP.HCM cũng bao gồm hai phần không gian là khu hiện hữu và khu vực xây dựng mới.
Khu hiện hữu bao gồm công trình công cộng và nhà ở, đa số là nhà ở thấp tầng và nhà ống phát triển một cách tự phát, chiều cao nhà tùy theo khả năng tài chính của từng hộ. Do quy định còn thiếu cụ thể nên nảy sinh ra chỗ cao – chỗ thấp, có nhà lợp ngói, có nhà mái bằng, thậm chí nếu nhìn từ trên xuống các bình inox lổm nhổm khắp nơi, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Quan trọng nhất là không gian công cộng, đường vào các căn hộ nhỏ, hẹp không an toàn Khi có sự cố xảy ra, nảy sinh những mâu thuẫn xã hội trong không gian chật hẹp đó. Do vậy cần thiết phải xây dựng và ban hành quy chế quản lý chi tiết cụ thể và bài bản khu trung tâm hiện hữu TP. HCM, là văn bản pháp lý để mọi người tuân theo, từng bước đầu tư xây dựng và từng bước hình thành không gian kiến trúc tốt hơn thông thoáng, tạo môi trường sống ưu việt hơn.
Trong chương trình quy hoạch và quản lý đô thị hiện nay, với quy trình thực hiện, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn được cập nhật trên thực tiễn và quốc tế ngày nay các đồ án quy hoạch ngày càng có giá trị, đã được thể hiện qua các dự án thực tế được đưa vào cuộc sống đô thị. Tuy nhiên tại các khu đô thị mới thì thuận lợi cho sự đầu tư, nhưng giá trị chỉ mang tính cục bộ, chưa giải quyết những vấn đề chung toàn diện. Kế đến, các dự án do nhà đầu tư doanh nghiệp thực hiện cho nên tiến độ không đồng bộ… Cơ quan quản lý nhà nước cần tham gia tích cực và phải đầu tư trước một bước để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thành công, để họ còn sức tái tạo đầu tư tiếp. Có nghĩa là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần xúc tiến thực hiện để tạo điều kiện thu hút dân số, giảm bớt áp lực ở trung tâm, phương tiện vận chuyển công cộng trong giai đoạn đón đầu cần được đầu tư, giới hạn bớt phương tiện cá nhân. Cần công bố giá trị quỹ đất, hệ số sử dụng đất, chức năng tỷ lệ đất để các nhà đầu tư kiểm soát được giá trị đầu tư, nâng cao hiệu quả trong quản lý quy hoạch.
Tại các đô thị mới, khu dân cư mới chúng ta khuyến khích nhà đầu tư tạo dựng được hình ảnh môi trường sống mới, bền vững không dễ biến đổi khi khí hậu tác động đến. Không gian vật chất được cụ thể hóa, nhưng bên cạnh đó cần tạo dựng nếp sống văn hóa trong đô thị văn minh hiện đại, từng bước thay đổi nếp sống đã tồn tại và ảnh hưởng đến cộng đồng trong quá trình phát triển cạnh tranh quyết liệt giữa các thành phố trong khu vực Đông Nam Á. Phức tạp nhất vẫn xuất hiện tại các khu dân cư hiện trạng tự phát, phức tạp về không gian kiến trúc cảnh quan, phức tạp về môi trường xã hội, do nguồn gốc từ thành phần lao động nghèo từ các tỉnh về, nên hoạt động về kinh tế rất quan trọng đối với họ, buôn bán nhỏ lẻ là yếu tố quan trọng để tồn tại và xem nhẹ chỗ cư trú… Công tác chỉnh trang đô thị cần phải quan tâm đến đời sống, thu nhập, đến chén cơm manh áo để nâng cao tính khả thi. Công tác quản lý đô thị hiện hữu cần nghiên cứu tổ chức đến người dân lao động có thể kinh doanh, buôn bán, tồn tại giai đoạn có giới hạn trong quá trình phát triển. Trong xu thế hiện nay loại hình này lại hấp dẫn ngành du lịch, vấn đề là tổ chức, hướng dẫn, giáo dục nhận thức cùng chia sẻ trách nhiệm đối với xã hội và cũng là bảo vệ kinh tế gia đình, bảo đảm cuộc sống cho con cái những lao động nghèo từ các tỉnh về thành phố tìm cuộc sống mới…./.
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM